Hotline: 1800-0027 | Contact@Chothuoctay.com
BÀI VIẾT

Bromocriptine

Bromocriptine

Tên chung quốc tế: Bromocriptine
Mã ATC: G02CB01, N04BC01
Loại thuốc: Thuốc chủ vận đối với thụ thể dopamin; thuốc chống Parkinson

Dạng thuốc và hàm lượng

– Viên nén bromocriptin mesilat: 2,5 mg bromocriptin.
– Viên nang bromocriptin mesilat: chứa 5 mg hoặc 10 mg bromocriptin.

Dược lý và cơ chế tác dụng

– Bromocriptin, một dẫn chất từ nấm cựa gà, là thuốc chủ vận của thụ thể dopamin, gây hoạt hóa thụ thể sau synap của dopamin. Bromocriptin là thuốc chủ vận mạnh nhóm thụ thể D2 của dopamin và là thuốc đối kháng một phần của nhóm thụ thể D1.
– Bromocriptin là thuốc không có tác dụng hormon, không có tác dụng oestrogen, làm giảm nồng độ prolactin huyết thanh bằng cách ức chế tiết prolactin từ thùy trước tuyến yên theo cơ chế tác dụng trực tiếp lên tuyến yên và/hoặc bằng cách kích thích các thụ thể dopamin sau sinap ở vùng dưới đồi để giải phóng yếu tố ức chế prolactin qua một con đường catecholamin phức tạp. Bromocriptin làm giảm đáng kể nồng độ prolactin huyết thanh; từ đó làm hồi phục quá trình rụng trứng và chức năng của buồng trứng ở người bệnh vô kinh và làm ức chế tiết sữa sinh lý và bệnh lý ở phụ nữ có nồng độ gonadotropin và chức năng buồng trứng đầy đủ. Ở một số người bệnh, kinh nguyệt có thể có trở lại khi dùng bromocriptin mặc dù chứng tăng prolactin huyết vẫn còn tiếp tục. Điều này cho thấy bromocriptin có thể kích thích giải phóng ra yếu tố gây tiết hormon tạo hoàng thể dưới đồi. Bromocriptin cũng có thể tác dụng trực tiếp lên các thụ thể dopamin ở buồng trứng từ đó làm phục hồi quá trình rụng trứng. Mặc dù cơ chế chưa rõ ràng nhưng bromocriptin cũng làm ức chế tiết sữa và làm cho chu kỳ kinh nguyệt trở lại ở những phụ nữ vô kinh có nồng độ prolactin huyết bình thường. Bromocriptin làm giảm nồng độ prolactin huyết ở nam giới có nồng độ prolactin cao hoặc bình thường. Thời gian cần để phục hồi lại chu kỳ kinh nguyệt hoặc quá trình rụng trứng và ức chế tiết sữa tăng lên ở những bệnh nhân bị giảm đáp ứng gonadotropin với yếu tố gây tiết hormon tạo hoàng thể và thời gian này cũng tăng theo độ dài thời gian người bệnh bị vô kinh hoặc tăng tiết sữa trước khi điều trị; nhưng không có liên quan đến nồng độ prolactin trước khi điều trị cũng như mức độ làm giảm prolactin của bromocriptin. Kinh nguyệt rụng trứng thường trở lại trước khi hết hoàn toàn chứng tiết nhiều sữa. Thời gian có kinh nguyệt trở lại trung bình là 6 – 8 tuần; tuy nhiên, một số người bệnh có hiệu quả trong vòng vài ngày, một số người khác phải tới 24 tuần.
– Phải mất nhiều thời gian hơn để kiểm soát chứng tiết nhiều sữa. Mức độ ức chế tiết sữa tùy theo mức độ kích thích mô vú trước khi điều trị. Thường giảm tiết ít nhất 75% sau 7 – 12 tuần. Một số ít người không có đáp ứng sau 24 tuần điều trị.
– Tuy nhiên bromocriptin không có tác dụng chữa khỏi chứng vô kinh và tiết nhiều sữa. Nồng độ prolactin trong huyết thanh trở về mức như trước khi điều trị sau khi ngừng thuốc 1 – 6 tuần, chứng vô kinh và tiết nhiều sữa sẽ trở lại lần lượt 4 – 24 tuần và 2 – 12 tuần sau khi ngừng thuốc.
– Bromocriptin có thể làm giảm tốc độ phát triển của khối u phụ thuộc prolactin. Thuốc làm tăng tiết nhất thời hormon sinh trưởng ở những người có nồng độ hormon sinh trưởng bình thường nhưng ngược lại làm giảm nhanh và bền nồng độ hormon sinh trưởng trong huyết thanh ở người có bệnh to đầu chi. Khi ngừng điều trị bằng bromocriptin ở những người bệnh này, nồng độ hormon sinh trưởng quay về nồng độ trước khi điều trị trong vòng 2 tuần. Bromocriptin không ảnh hưởng đến sự tiết các hormon khác của thùy trước tuyến yên.
– Trong điều trị bệnh Parkinson, một trạng thái lâm sàng bị ảnh hưởng bởi tổng hợp dopamin trong chất đen (substantia nigra) bị suy giảm dần, bromocriptin có hiệu quả là do kích thích trực tiếp các thụ thể dopamin trong thể vân (corpus striatum).
– Trái lại, levodopa sử dụng trong điều trị bệnh Parkinson chỉ có tác dụng sau khi biến đổi thành dopamin bởi các nơron của chất xám, những nơron này thường giảm về số lượng ở những người bệnh này. Các dấu hiệu của triệu chứng Parkinson có thể được cải thiện trong khoảng 30 – 90 phút sau khi dùng liều đơn bromocriptin và đạt tối đa trong khoảng 2 giờ.
– Bromocriptin cũng được báo cáo làm giảm đáng kể huyết áp ở bệnh nhân tăng huyết áp hoặc huyết áp bình thường. Ở một số bệnh nhân, thải trừ natri ở đường thận có thể tăng nhẹ do tác dụng của thuốc trên thu thể dopamin ở thận. Có thể xảy ra co mạch ngoại vi khi dùng liều cao bromocriptin. Thuốc không có tác dụng trợ sinh.
Dược động học
– Nghiên cứu dược động học và chuyển hóa bromocriptin ở người với thuốc có gắn phóng xạ cho thấy có khoảng 28% liều uống được hấp thu qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên do bị chuyển hóa đáng kể, chỉ khoảng 6% liều uống vào được hệ tuần hoàn dưới dạng không đổi. Thử nghiệm in vitro cho thấy 90 – 96% thuốc gắn với albumin huyết thanh.
– Phần lớn thuốc được chuyển hóa ở gan, chủ yếu bằng cách thủy phân liên kết amid tạo ra acid lysergic và peptid. Các chất chuyển hóa không có tác dụng dược lý và không có độc tính. Thời gian đạt nồng độ đỉnh huyết thanh sau khi uống là 1 – 2 giờ. Với liều 2,5 mg bromocriptin gắn phóng xạ, nồng độ đỉnh trong huyết thanh của thuốc chưa biến đổi và các chất chuyển hóa đạt khoảng 4 – 6 ng/ml. Với một mức liều cố định, nồng độ trong huyết tương giữa các cá thể dao động rất lớn. Hiện chưa biết mức nồng độ bromocriptin trong huyết tương là bao nhiêu có thể gây tác dụng hạ prolactin huyết và điều trị bệnh Parkinson.
– Sau khi uống liều đơn 1,25 – 5 mg bromocriptin, nồng độ prolactin huyết thanh giảm trong vòng 2 giờ, giảm tối đa sau 8 giờ và tiếp tục giảm sau 24 giờ. Mức giảm tối đa đạt được ở người bệnh tăng prolactin huyết thanh thường xảy ra trong vòng 4 tuần đầu của liệu pháp điều trị bằng bromocriptin. Liều đơn 2,5 mg cũng làm giảm đáng kể nồng độ hormon tăng trưởng ở người bệnh to đầu chi trong vòng 1 – 2 giờ và mức nồng độ giảm này được kéo dài trong khoảng ít nhất 4 – 5 giờ.
– Quá trình thải trừ bao gồm hai giai đoạn: Nửa đời ban đầu 4 – 4,5 giờ; nửa đời cuối: 45 – 50 giờ.
– Đường thải trừ chủ yếu của thuốc đã hấp thu là qua mật. Chỉ có 2,5 – 5,5% liều thuốc thải trừ trong nước tiểu. Hầu như toàn bộ (84,6%) liều uống thải trừ theo phân trong vòng 120 giờ.

Đọc thêm bài viết:  Diếp Cá

Chỉ định

– Những rối loạn chức năng kết hợp với tăng prolactin huyết:
– Điều trị những rối loạn chức năng kết hợp với tăng prolactin huyết gồm chứng vô kinh, có hoặc không có chứng tiết nhiều sữa, vô sinh hoặc giảm năng tuyến sinh dục cho cả nam và nữ.
– Bromocriptin không được chỉ định cho những bệnh nhân có nồng độ prolactin huyết bình thường mặc dù thuốc có tác dụng trong điều trị vô kinh và/hoặc tăng tiết sữa ở một số bệnh nhân thuộc nhóm này.
– U tuyến tiết prolactin bao gồm u tuyến to, có thể là bệnh lý nội tiết cơ bản tạo nên những biểu hiện lâm sàng nêu trên. Thuốc làm giảm nồng độ prolactin ở những bệnh nhân này nhưng không thay thế được việc cần thiết phải dùng liệu pháp chiếu tia hoặc phẫu thuật nếu có chỉ định. Thuốc cho thấy có tác dụng giảm kích thước khối u ở cả người bệnh nam và nữ có u tuyến to. Trong những trường hợp cắt bỏ u, có thể dùng bromocriptin để làm giảm khối lượng u trước khi phẫu thuật.
Bệnh to đầu chi:
– Bromocriptin được chỉ định để điều trị bệnh to đầu chi. Liệu pháp bromocriptin, một mình hay phụ thêm vào xạ trị tuyến yên hoặc phẫu thuật, làm giảm 50% hoặc hơn nồng độ hormon sinh trưởng trong huyết thanh ở khoảng 1/2 số người bệnh điều trị, mặc dù thường không giảm được tới mức bình thường. Thuốc làm giảm nồng độ hormon tăng trưởng đồng thời làm giảm sự ra mồ hôi quá mức, giảm độ dày đặc của các mô mềm, cải thiện nét mặt, cải thiện dung nạp glucose và giảm thải trừ hydroxyprolin đường niệu.
– Vì tác dụng của xạ trị bên ngoài tuyến yên không thể đạt tối đa trong vài năm, việc dùng thêm bromocriptin có thể giúp ích trước khi có được những tác dụng của chiếu tia.
Bệnh Parkinson:
– Bromocriptin được dùng để điều trị những dấu hiệu và triệu chứng bệnh Parkinson tự phát hoặc sau viêm não. Là liệu pháp phụ thêm với levodopa (một mình hoặc với một thuốc ức chế decarboxylase ngoại vi), liệu pháp bromocriptin có thể có tác dụng tốt ở những người bệnh đang điều trị levodopa với liều duy trì tối ưu, những người mà liệu pháp levodopa đang bắt đầu giảm tác dụng (do phát triển sự nhờn thuốc).
– Liệu pháp bromocriptin có thể cho phép giảm liều duy trì của levodopa và như vậy có thể làm giảm tỷ lệ và mức độ nghiêm trọng của những tác dụng không mong muốn khi dùng levodopa dài ngày, như những vận động không tự chủ bất thường (ví dụ loạn động) và những rối loạn chức năng vận động khác.
– Hiện không có đầy đủ tư liệu để đánh giá hiệu quả điều trị bệnh Parkinson mới được chẩn đoán bằng bromocriptin. Tuy nhiên, nghiên cứu đã cho thấy ở người bệnh điều trị bằng bromocriptin, tác dụng không mong muốn nhiều hơn đáng kể (đặc biệt buồn nôn, ảo giác, lú lẫn, và hạ huyết áp) so với ở người bệnh điều trị bằng levodopa/carbidopa. Người không đáp ứng với levodopa cũng đáp ứng kém với bromocriptin.
Các chỉ định khác:
– Bromocriptin đã từng được dùng để ngăn tiết sữa sau khi thai chết, nạo phá thai hoặc khi có chống chỉ định cho con bú hoặc người mẹ không muốn nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên cân nhắc giữa lợi ích và những nguy cơ do ADR (tăng huyết áp, động kinh, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, nguy cơ tử vong), bromocriptin hiện đã không được sử dụng cho các mục đích này.
– Bromocriptin được dùng để giảm các triệu chứng trước kỳ kinh: Sưng, khó chịu, tiết dịch ở ngực; phù, tăng cân, đau nửa đầu, thay đổi tâm lý.
– Bromocriptin được dùng điều trị vô sinh cho nam giới ít tinh dịch nhưng không tăng prolactin huyết thanh. Thuốc có tác dụng tăng số lượng tinh trùng trong và sau khi điều trị. Tuy nhiên do chưa có đầy đủ số liệu về an toàn và hiệu quả của việc sử dụng này, không được dùng bromocriptin nếu người bệnh vẫn có đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường (bằng fluoxymesteron, testosteron).
– Bromocriptin cũng được dùng phối hợp với các thuốc an thần (haloperidol, fluphenazin) để điều trị hội chứng an thần kinh ác tính. Ở một số ít bệnh nhân, bromocriptin được dùng thành công trong điều trị bệnh Cushing hoặc bệnh não gan mạn tính.

Chống chỉ định

– Tăng huyết áp không kiểm soát được, nhiễm độc huyết thai ngén và mẫn cảm với những alcaloid của nấm cựa gà.
– Người bệnh đang được điều trị chứng tăng prolactin huyết, phải ngừng dùng bromocriptin khi mang thai.

Thận trọng

– Người bệnh vô kinh – tăng tiết sữa và vô sinh do prolactin huyết tăng cần được đánh giá tuyến yên đầy đủ để xác định các khả năng khối u tuyến yên trước khi bắt đầu điều trị bằng bromocriptin.
– Cần theo dõi huyết áp định kỳ ở tất cả các bệnh nhân dùng bromocriptin, đặc biệt là giai đoạn mới điều trị. Cần thận trọng khi dùng bromocriptin đồng thời với những thuốc khác có tác dụng làm giảm huyết áp.
– Người bệnh cần được cảnh báo phải thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc do bromocriptin có thể ảnh hưởng đến các hoạt động cần sự tỉnh táo.
– Chức năng tim mạch, gan thận, hệ tạo máu cần được theo dõi định kỳ ở người bệnh điều trị kéo dài bằng bromocriptin như điều trị Parkinson. An toàn cho việc sử dụng bromocriptin kéo dài hơn 2 năm ở mức liều điều trị Parkinson chưa được xác định. Liều cao bromocriptin có thể gây lú lẫn hoặc rối loạn tâm trí, cần sử dụng bromocriptin một cách thận trọng cho người có tiền sử loạn thần. Cần thận trọng khi sử dụng bromocriptin cho bênh nhân suy giảm chức năng gan hoặc thận. Có thể xem xét giảm liều với bệnh nhân suy giảm chức năng gan. Với bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim và loạn nhịp tim, cần theo dõi cẩn thận, đặc biệt khi điều trị hội chứng Parkinson.
– Bromocriptin có thể làm phục hồi khả năng sinh sản do đó phụ nữ có thể mang thai khi đang điều trị các rối loạn do prolactin huyết cao bằng bromocriptin; vì vậy nếu không muốn có thai, cần dùng một biện pháp tránh thai cơ học (tránh thai bằng estrogen-progestin không được dùng do có thể gây vô kinh – tăng tiết sữa). Nếu phát hiện có thai phải ngừng thuốc ngay và vì khả năng khối u chưa được phát hiện hoặc đã có từ trước sẽ lớn lên khi ngừng dùng thuốc, cần theo dõi chặt chẽ dấu hiệu và triệu chứng phát triển của khối u trong suốt quá trình mang thai.
– Người bệnh dùng bromocriptin để điều trị u tuyến lớn phải được cảnh báo không được ngừng thuốc trừ khi có chỉ định của thầy thuốc do việc ngừng thuốc sẽ dẫn tới sự phát triển trở lại rất nhanh của khối u và tái phát các triệu chứng.
– Bệnh nhân to đầu chi cần được theo dõi thường xuyên triệu chứng co thắt mạch ngón tay nhạy cảm với lạnh và triệu chứng loét dạ dày khi điều trị bằng bromocriptin.
– Nếu phải điều trị bệnh to đầu chi, hoặc có u tuyến tiết prolactin, hoặc bệnh Parkinson bằng bromocriptin trong thời kỳ mang thai, cần theo dõi chặt chẽ người bệnh, đặc biệt trong thời kỳ sau đẻ nếu có tiền sử bệnh tim mạch.

Đọc thêm bài viết:  Mexiletin Hydroclorid

Thời kỳ mang thai

– Những nghiên cứu rộng lớn và dài hạn trên người không cho thấy bromocriptin làm tăng tỷ lệ khuyết tật sơ sinh. Tuy nhiên, không khuyến cáo dùng bromocriptin trong thời kỳ mang thai. Phải ngừng thuốc ngay nếu phát hiện có thai khi dùng thuốc và phải theo dõi cẩn thận trong suốt thai kỳ. Ở người bệnh u tuyến yên, một số thầy thuốc ủng hộ dùng bromocriptin để phòng ngừa hoặc điều trị khối u phát triển trong thai kỳ. Nồng độ prolactin ở thai nhi bị giảm nhưng nồng độ ở dịch màng ối không bị ảnh hưởng và nồng độ prolactin ở trẻ sơ sinh trở về mức bình thường sau khi sinh.
– Trong trường hợp dùng trở lại bromocriptin để kiểm soát một u tuyến to phát triển nhanh cho người tăng huyết áp do thai nghén, phải cân nhắc giữa lợi ích do tiếp tục dùng bromocriptin và nguy cơ có thể xảy ra trong khi tăng huyết áp do thai nghén.

Thời kỳ cho con bú

– Không được dùng bromocriptin cho người cho con bú do thuốc phân bố vào sữa và bromocriptin ảnh hưởng đến việc tiết sữa.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

– Những tác dụng không mong muốn của bromocriptin giống như của levodopa. Bên cạnh những tác dụng không mong muốn có liên quan với tác dụng trên thụ thể của dopamin, bromocriptin có chung một số tính chất với những hợp chất từ nấm cựa gà. Tỷ lệ tác dụng không mong muốn cao, đặc biệt lúc bắt đầu điều trị và với liều dùng trên 20 mg/ngày. Khoảng 70% bệnh nhân dùng bromocriptin điều trị các rối loạn do prolactin máu cao gặp các tác dụng không mong muốn, trong đó 5% phải ngừng thuốc
– Thường gặp, ADR > 1/100
– Thần kinh trung ương: Trầm cảm, lú lẫn, ảo giác, hoang tưởng. Tim mạch: Hạ huyết áp, hiện tượng Raynaud.
– Tiêu hóa: Buồn nôn, táo bón, chán ăn. Thần kinh – cơ và xương: Chuột rút. Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Thần kinh trung ương: Chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi, mất ngủ, nhức đầu, cơn co giật.
– Tim mạch: Tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, ngất.
– Tiêu hóa: Nôn, co cứng cơ bụng, khó nuốt, loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa.
– Hô hấp: Xung huyết mũi.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

– Tuy hiếm, nhưng đã có gặp hạ huyết áp nhiều sau liều bromocriptin đầu tiên, do đó phải bắt đầu dùng liều thấp và tăng dần từ từ, đặc biệt ở người bệnh đang dùng thuốc chống tăng huyết áp khác hoặc đã có chứng hạ huyết áp thế đứng từ trước.
– Để làm giảm tỷ lệ tác dụng không mong muốn, nên điều chỉnh liều lượng ở những khoảng cách từ 3 đến 7 ngày, nên uống thuốc cùng với thức ăn và nên uống một phần hoặc toàn bộ liều thuốc vào lúc đi ngủ, đặc biệt là liều đầu tiên.
– Có thể làm giảm co thắt mạch ngón tay nhạy cảm với lạnh xảy ra ở một số người có bệnh to đầu chi được điều trị bằng bromocriptin, bằng cách giảm liều và có thể dự phòng bằng cách giữ ấm ngón tay. Phải theo dõi cẩn thận người bệnh có tiền sử loét dạ dày hoặc chảy máu đường tiêu hóa trong khi điều trị với bromocriptin. Ảo giác thường giảm khi giảm liều; đôi khi phải ngừng bromocriptin.

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng:
– Bromocriptin mesilat được dùng đường uống cùng với thức ăn. Liều dùng phải được xem xét cẩn thận với từng bệnh nhân, thường xuyên theo dõi trong khi tăng dần liều để xác định liều thấp nhất có tác dụng điều trị. Có thể phải giảm liều tạm thời hoặc ngừng thuốc nếu bệnh nhân gặp nhiều tác dụng không mong muốn.
Liều lượng:
– Mức an toàn của liều bromocriptin lớn hơn 100 mg/ngày chưa được xác định. Liều dùng sau đây được tính theo lượng bromocriptin, trong đó 2,87 mg bromocriptin mesilat tương đương với 2,5 mg bromocriptin.
– Tăng prolactin huyết:
– Người lớn: Liều bromocriptin ban đầu là 1,25 – 2,5 mg/ngày. Có thể tăng liều cách 3 – 7 ngày một lần, mỗi lần tăng 2,5 mg/ngày cho đến khi đạt tác dụng điều trị tối ưu. Liều thường dùng là 5 – 7,5 mg/ ngày; có thể trong khoảng 2,5 – 15 mg/ngày. Ở một số người bệnh vô kinh và/hoặc tăng tiết sữa, có thể phải dùng liều 30 mg/ngày. Để điều trị chứng giảm chức năng sinh dục ở nam giới có nồng độ prolactin huyết cao, đôi khi cần dùng liều 40 mg/ngày.
– Trẻ em 11 – 15 tuổi: Liều khởi đầu 1,25 – 2,5 mg/ngày, tăng liều dần để đạt đáp ứng điều trị (2,5 – 10 mg/ngày).
– Hội chứng Parkinson: Liều bromocriptin khởi đầu là 1,25 mg/lần, ngày 2 lần. Trong thời gian chỉnh liều, cần đánh giá kết quả 2 tuần một lần để xác định liều thấp nhất có tác dụng điều trị tối ưu. Nếu cần, có thể tăng liều cứ 14 – 28 ngày một lần, mỗi lần tăng 2,5 mg/ngày tới mức tối đa 100 mg/ngày. Ở người bệnh đang dùng levodopa, cần tiếp tục sử dụng nếu có thể khi bắt đầu dùng thêm bromocriptin. Nếu cần phải giảm liều levodopa do tác dụng phụ, có thể tăng dần liều bromocriptin với mức tăng 2,5 mg/ngày.
– Liều thường dùng là 30 – 90 mg/ngày, chia làm 3 lần uống; người cao tuổi dùng liều thấp hơn.
– Ở Anh, để điều trị Parkinson dùng mức liều như sau: trong tuần điều trị đầu tiên, dùng 1 – 1,25 mg/ngày vào ban đêm; tăng lên 2 – 2,5 mg vào đêm trong tuần 2; 2,5 mg/lần, 2 lần/ngày trong tuần 3 và 2,5 mg/lần x 3 lần/ngày trong tuần 4. Liều có thể tăng lên mỗi 3 – 14 ngày với mức tăng 2,5 mg.
– Cơ quan quản lý Dược của Châu u (EMEA) khuyến cáo dùng liều cao nhất 30 mg/ngày.
– Bệnh to đầu chi: Để làm giảm nồng độ tăng trưởng ở người lớn mắc bệnh to đầu chi, liều ban đầu là 1,25 – 2,5 mg mỗi ngày, trong 3 ngày. Liều có thể tăng mỗi lần 1,25 – 2,5 mg/ngày, cách 3 – 7 ngày tăng một lần cho tới khi đạt tác dụng điều trị mong muốn. Liều thường dùng là 20 – 30 mg/ngày ở phần lớn người bệnh.
– Ở Anh, dùng mức liều như sau: Liều khởi đầu 1 – 1,25 mg vào đêm, tăng lên mức 2 – 2,5 mg vào đêm sau 2 – 3 ngày, sau đó tăng tiếp 1 mg mỗi 2 – 3 ngày tới mức liều 2,5 mg/lần, 2 lần/ngày. Khi dùng bromocriptin phối hợp với phẫu thuật và xạ trị, nếu cần thiết, có thể tăng tiếp sau đó 2,5 mg/ngày, mỗi 2 – 3 ngày, cho tới liều 5 mg mỗi 6 giờ, tùy theo đáp ứng.
– Cần xác định nồng độ hormon tăng trưởng trong huyết thanh hàng tháng và điều chỉnh liều bromocriptin dựa trên độ giảm nồng độ hormon này và các đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân. Hàng năm cần ngừng dùng thuốc ở bệnh nhân dùng xạ trị tuyến yên để xác định có cần tiếp tục dùng thuốc hay không. Thường ngừng một giai đoạn 4 – 8 tuần, nếu dấu hiệu và triệu chứng to đầu chi lại xuất hiện hoặc nồng độ hormon tăng trưởng tiếp tục tăng, cần xem xét tiếp tục dùng bromocriptin.
– Nếu có bằng chứng cho thấy khối u to lên khi dùng bromocriptin điều trị cho bệnh nhân bị to đầu chi, phải ngừng thuốc và xem xét dùng thuốc khác thay thế.

Đọc thêm bài viết:  Gemcitabin Hydroclorid

Các chỉ định khác:

– Để giảm các triệu chứng trước kỳ kinh: 2,5 – 7,5 mg/lần, 2 lần/ngày từ ngày thứ 14 của chu kỳ cho đến khi có kinh.
– Để điều trị hội chứng an thần kinh ác tính: 2,5 – 5 mg/lần, 2 – 6 lần/ ngày phối hợp với các thuốc an thần kinh khác như haloperidol, fluphenazin.
– Với bệnh Cushing: 1,25 – 2,5 mg/lần, 2 – 4 lần/ngày.
– Bệnh não – gan mạn tính: Khởi đầu 1,25 mg/ngày, rồi cứ 3 ngày một lần lại tăng 1,25 mg/ngày, tới tổng liều duy trì 15 mg/ngày.
– Chưa xác định được mức độ an toàn và hiệu lực của bromocriptin ở người có bệnh thận hoặc bệnh gan và ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Tương tác thuốc

– Tác dụng làm giảm nồng độ prolactin huyết thanh của bromocriptin bị ức chế bởi các thuốc tăng prolactin như amitriptylin, butyrophenon, imipramin, methyldopa, phenothiazin, và reserpin. Vì vậy nếu người bệnh dùng những thuốc này, có thể phải tăng liều bromocriptin.
– Các thuốc đối kháng dopamin như phenothiazin, butyrophenon, thioxanthen và metoclopramid làm giảm tác dụng hạ prolactin và chống Parkinson của bromocriptin. Domperidon làm giảm tác dụng hạ prolactin. Memantin có thể làm tăng tác dụng của bromocriptin. Các thuốc có tác dụng kích thích nhu động đường tiêu hóa như các kháng sinh nhóm macrolid hoặc octreotid làm tăng nồng độ bromocriptin trong máu, gây nguy cơ tăng độc tính.
– Các thuốc chống loạn thần đối kháng với các tác dụng hạ prolactin huyết và chống Parkinson của bromocriptin.
– Dùng bromocriptin, nhất là với liều cao, có thể giảm dung nạp do rượu và đồng thời giảm dung nạp rượu; người bệnh đang dùng bromocriptin phải chú ý hạn chế uống rượu.
– Griseofulvin phong bế đáp ứng của bromocriptin.
– Có thể có tác dụng cộng lực hạ huyết áp ở người bệnh dùng bromocriptin và thuốc chống tăng huyết áp. Cần chú ý điều chỉnh liều của thuốc chống tăng huyết áp.
– Có thể có tác dụng cộng lực trên thần kinh ở bệnh nhân Parkinson khi dùng đồng thời bromocriptin và levodopa; có thể tận dụng để giảm liều levodopa trong điều trị.
– Không khuyến cáo dùng bromocriptin cùng với các alcaloid nấm cựa gà khác, vì đã xảy ra tác dụng không mong muốn nặng (thí dụ tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim).
– Đã có những báo cáo về tương tác giữa isomethepten; phenylpropano- lamin khi dùng cùng bromocriptin gây ra tăng huyết áp, đau đầu nghiêm trọng và nguy cơ tử vong.

Độ ổn định và bảo quản

– Bảo quản ở nhiệt độ dưới 25 °C; đựng trong bao bì kín, tránh ánh sáng.

Quá liều và xử trí

– Quá liều bromocriptin có thể gây buồn nôn, nôn, hạ huyết áp thế đứng, vã mồ hôi và ảo giác. Xử trí quá liều bromocriptin bằng cách hút rửa dạ dày và truyền dịch tĩnh mạch để điều trị hạ huyết áp. Trường hợp có nôn và ảo giác, có thể chỉ định metoclopramid.

Organization: https://chothuoctay.com/
Mô tả: Giúp người bệnh mua thuốc online chính hãng
Tiểu đường thai kỳ Chothuoctay

Tiểu đường thai kỳ

Bạn đã từng nghe về tiểu đường thai kỳ? Đây là một tình trạng đáng lo ngại mà nhiều phụ nữ mang thai phải đối