Hotline: 1800-0027 | Contact@Chothuoctay.com
BÀI VIẾT

Capreomycin

Capreomycin

Tên chung quốc tế: Capreomycin
Mã ATC: J04AB30
Loại thuốc: Kháng sinh; thuốc chống lao

Dạng thuốc và hàm lượng

– Bột pha tiêm capreomycin sulfat tương đương với 1 g capreomycin base.

Dược lý và cơ chế tác dụng

– Capreomycin là một kháng sinh polypeptid, chiết xuất từ Streptomyces capreolus, có tác dụng kìm khuẩn. In vitro và in vivo, thuốc có tác dụng đối với Mycobacterium tuberculosis, M.bovis, M.kansasii và M. avium. Ở nồng độ cao, thuốc còn có tác dụng đối với một số vi khuẩn Gram dương và Gram âm. Cơ chế tác dụng của capreomycin cho đến nay chưa được biết rõ ràng. Mặc dù có cấu trúc khác với aminoglycosid nhưng cơ chế tác dụng của capreomycin đối với vi khuẩn hiện nay được biết là tương tự như các aminoglycosid. Thuốc ức chế sự chuyển đoạn peptidyl-tRNA và khởi động quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn.
– Độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với capreomycin in vitro còn phụ thuộc vào môi trường và kỹ thuật nuôi cấy. Trong môi trường 7H10 hoặc Dubos, nồng độ ức chế tối thiểu của capreomycin đối với các chủng nhạy cảm từ 1 – 25 microgam/ml, nhưng trong môi trường Loevenstein-Jensen nồng độ ức chế tối thiểu đối với chủng nhạy cảm 25 – 50 microgam/ml
– Kháng thuốc tự nhiên và kháng thuốc mắc phải đối với capreomycin đã được chứng minh in vitro và in vivo với các chủng M. tuberculosis. In vitro, kháng thuốc phát triển chậm và từng bước. Trên lâm sàng, các chủng M. tuberculosis, ban đầu nhạy cảm, sẽ nhanh chóng trở thành kháng thuốc, nếu capreomycin được dùng đơn độc trong điều trị. Khi capreomycin được dùng phối hợp với các thuốc chống lao khác thì có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm kháng thuốc. Sự kháng thuốc phát triển thường do điều trị không thích hợp hoặc không đầy đủ (liều quá thấp, thời gian điều trị quá ngắn, thuốc phối hợp quá ít, hoặc có thời gian không dùng thuốc). Cũng xảy ra kháng thuốc tự nhiên do nhiễm từ người bệnh này sang người bệnh khác và thường là giữa những người bệnh trong bệnh viện.
– Hay gặp kháng chéo giữa capreomycin với viomycin. Có sự kháng chéo một phần giữa capreomycin và kanamycin hoặc neomycin. Không có bằng chứng về kháng chéo giữa capreomycin và các thuốc chống lao khác hiện có.
– Capreomycin là một trong những thuốc chống lao hang hai thuộc nhóm 2 (thuốc chống lao dạng tiêm), được dùng để điều trị bệnh lao kháng thuốc và bao giờ cũng dùng cùng với những thuốc chống lao khác. Chỉ dùng capreomycin khi điều trị bằng những thuốc chống lao hàng đầu không có hiệu quả hoặc bị chống chỉ định.
Dược động học
– Capreomycin hấp thu kém qua đường tiêu hóa, do đó phải tiêm bắp. Nồng độ đỉnh huyết thanh đạt 20 – 47 microgam/ml ở thời điểm từ 1 đến 2 giờ sau khi tiêm bắp liều 1 g ở người lớn khoẻ mạnh, trung bình sau 1 giờ là 28 microgam/ml, sau 2 giờ là 32 microgam/ml. AUC của capreomycin khi tiêm bắp và truyền tĩnh mạch trong 1 giờ tương tự nhau, nhưng nồng độ đỉnh huyết thanh khi truyền tĩnh mạch cao hơn so với tiêm bắp 30%.
– Thể tích phân bố: 0,40 ± 0,09 lít/kg. Capreomycin chỉ thấm vào dịch não tủy khi màng não bị viêm. Cho đến nay, chưa có thông tin về sự phân bố của capreomycin trong mô và các dịch cơ thể, cũng như thuốc có qua được nhau thai hoặc sữa mẹ hay không. Nửa đời thải trừ của capreomycin ở người có chức năng thận bình thường từ 4 đến 6 giờ. Ở bệnh nhân có rối loạn chức năng thận, nồng độ thuốc trong huyết tương cao hơn và nửa đời thải trừ kéo dài hơn.
– Capreomycin được bài tiết trong nước tiểu chủ yếu dưới dạng không đổi. Sau khi tiêm bắp 1g capreomycin ở người lớn có chức năng thận bình thường, trong vòng 12 giờ 50% đến 60% liều capreomycin được bài tiết qua nước tiểu do lọc qua cầu thận. Độ thanh thải: 0,61 ± 0,09 ml/phút/kg. Một lượng nhỏ thuốc có thể được bài tiết qua mật.

Đọc thêm bài viết:  Glycerol

Chỉ định

– Điều trị bệnh lao kháng thuốc có chủng M. tuberculosis được biết hoặc dự đoán có nhạy cảm với thuốc, đặc biệt trong trường hợp đa kháng thuốc (kháng đồng thời với ít nhất rifampicin và isoniazid) hoặc không dung nạp với các thuốc chống lao hàng đầu. Phải phối hợp với 2 – 4 thuốc điều trị lao khác được biết hoặc dự đoán có tác dụng với chủng M. tuberculosis kháng thuốc. Khi có kết quả kháng sinh đồ, điều chỉnh lại phác đồ cho phù hợp.

Chống chỉ định

– Quá mẫn với capreomycin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

Thận trọng

– Phải đánh giá chức năng thận, thính giác và tiền đình trước khi điều trị và định kỳ trong điều trị. Ở người suy thận và suy giảm thính giác, phải cân nhắc nguy cơ tăng suy thận và tổn thương dây thần kinh sọ VIII (dây thần kinh thính giác) so với lợi ích có thể đạt được khi dùng capreomycin. Nếu nồng độ nitrogen của urê huyết tăng trên 30 mg/decilit hoặc nếu có biểu hiện về giảm chức năng thận, phải xem xét cẩn thận người bệnh và giảm liều capreomycin hoặc ngừng thuốc.
– Vì có thể xảy ra giảm kali huyết trong khi điều trị với capreomycin, cần theo dõi thường xuyên nồng độ kali huyết thanh. Cũng cần theo dõi chức năng gan (AST, ALT) mỗi tháng một lần trong khi điều trị với thuốc. Capreomycin gây phong bế thần kinh cơ một phần khi dùng liều cao; do vậy việc sử dụng capreomycin có thể làm tăng thêm nhược cơ. Sau khi truyền nhanh tĩnh mạch có thể gây liệt hô hấp.
– Phải dùng thận trọng capreomycin ở người có tiền sử dị ứng, đặc biệt là dị ứng với thuốc.

Thời kỳ mang thai

– Chưa rõ capreomycin có qua nhau thai hay không. Trên chuột thực nghiệm với liều cao gấp 3,5 lần so với trên người, capreomycin có thể gây quái thai, do đó chỉ sử dụng capreomycin cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết và cân nhắc lợi ích đối với người mẹ trội hơn nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi. Nên tránh dùng capreomycin trong thời kỳ mang thai vì có nguy cơ gây độc với thận và thính giác của thai nhi.

Thời kỳ cho con bú

– Không biết rõ capreomycin có phân bố trong sữa người hay không. Nhà sản xuất khuyến cáo chỉ định rất thận trọng với người mẹ đang cho con bú.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

– Tác dụng độc hại với thận và với tai là những ADR nghiêm trọng nhất của capreomycin. Những tác dụng này có khả năng xảy ra nhiều nhất ở người suy thận, người cao tuổi, và người đang dùng những thuốc khác độc hại với thận hoặc độc hại với tai.
– Thận: Độc hại với thận (tăng urê huyết) chiếm khoảng 10 – 36% số bệnh nhân điều trị bằng capreomycin. Độc tính với thận thường hồi phục sau khi ngừng thuốc, hiếm khi xảy ra tử vong. Những bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân rối loạn chức năng thận, hoặc mất nước, hoặc dùng đồng thời với thuốc khác độc với thận sẽ tăng nguy cơ hoại tử ống thận cấp khi điều trị bằng capreomycin.
– Tai: Độc hại với tai (11% mất thính giác hạ lâm sàng, 3% điếc, ù tai), có thể hồi phục hoặc không hồi phục sau khi ngừng thuốc. Khi ngừng thuốc có thể cải thiện sức nghe, nhưng có một số trường hợp điếc vĩnh viễn không hồi phục.Có thể ù tai, chóng mặt.
– Gan: Giảm chức năng gan thể hiện bằng giảm bài tiết BSP, không tăng AST, ALT; đặc biệt hay xảy ra với những bệnh nhân dùng phối hợp với các thuốc chống lao có tác dụng độc với gan. Cơ chế chưa được biết rõ ràng, cần kiểm tra định kỳ chức năng gan trong quá trình điều trị.
– Huyết học: Tăng bạch cầu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu và 1 – 10% bệnh nhân tăng bạch cầu ưa eosin mức độ nhẹ có liên quan đến liều.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR <1/100
– Thần kinh trung ương: Chóng mặt.
– Nội tiết và chuyển hóa: Giảm kali huyết, calci huyết, magnesi huyết.
– Tại chỗ: Đau, cứng và chảy máu ở nơi tiêm. Khác: Quá mẫn (ban dát sần, mày đay, sốt).

Đọc thêm bài viết:  Vắc Xin Rubella

Hướng dẫn cách xử trí ADR

– Tác dụng độc hại nhẹ về thận thường phục hồi sau khi ngừng capreomycin. Những trường hợp tăng bạch cầu ưa eosin vượt quá 5% nên giảm liều capreomycin xuống còn 2 – 3 g/tuần.

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng:
– Phối hợp với các thuốc chống lao khác trong các phác đồ điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc nói chung hoặc lao đa kháng thuốc. Có thể dùng capreomycin tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch. Tiêm bắp: Hòa tan lọ 1 g capreomycin sulfat trong 2 ml dung dịch tiêm natri clorid 0,9%, để khoảng 2 – 3 phút trước khi tiêm để thuốc tan hoàn toàn; dùng capreomycin sulfat đã pha tiêm bắp sâu vào một khối cơ to, vì mũi tiêm nông có thể gây đau nhiều hơn và gây áp xe vô khuẩn. Truyền tĩnh mạch: Hoà tan capreomycin trong 100 ml dung dịch tiêm natri clorid 0,9% và truyền tĩnh mạch chậm trong 60 phút.
– Sau khi pha có thể bảo quản thuốc ở 2 – 8 oC tối đa 24 giờ.
Liều lượng:
– Liều thường dùng cho người lớn và thiếu niên.
– Để điều trị bệnh lao, phối hợp với những thuốc chống lao khác, dùng liều capreomycin hàng ngày 15 đến 20 mg/kg, hoặc đến 1 g (capreomycin base), 1 lần trong ngày, trong 60 đến 120 ngày; sau đó dùng liều 1 g, tiêm 2 hoặc 3 lần 1 tuần.
– Ghi chú: Người lớn suy giảm chức năng thận cần giảm liều như sau:
– Độ thanh thải creatinin
(ml/phút)
– Liều hàng ngày
(capreo-mycin base)
– Liều cách nhật
> 110 Liều
thường dùng
110 13,9 mg/kg
100 12,7 mg/kg 14 mg/kg /48 giờ
80 10,4 mg/kg
60 8,2 mg/kg
50 7,0 mg/kg
40
5,9 mg/kg
11,7 mg/kg/48 giờ
30 4,7 mg/kg 9,5 mg/kg/48 giờ hoặc 14,4 mg/kg/72 giờ
20 3,6 mg/kg 7,2 mg/kg/48 giờ hoặc 10,7mg/kg/72 giờ
10 2,4 mg/kg 4,9 mg/kg/48 giờ hoặc 7,3 mg/kg/72 giờ
0 1,3 mg/kg 2,6 mg/kg/48 giờ hoặc 3,9 mg/kg/72 giờ
– Ở bệnh nhân suy thận, nồng độ trung bình ổn định của capreomycin trong huyết tương ở mức 10 microgam/ml là phù hợp.
– Liều dùng đối với người cao tuổi: Ở người cao tuổi tăng nguy cơ rối loạn chức năng thận và giảm thính lực, do đó nên sử dụng liều ở giới hạn thấp của phạm vi liều. Người > 59 tuổi: 10 mg/kg (tối đa 750 mg/ngày) liều hàng ngày giai đoạn tấn công và 2 – 3 lần/tuần giai đoạn duy trì.
– Liều dùng đối với trẻ em: Có thể dùng capreomycin điều trị cho trẻ em bị bệnh lao kháng thuốc với liều hàng ngày 15 – 30 mg/kg, tối đa 1 g/ngày.
Tương tác thuốc
– Tránh phối hợp hoặc dùng kế tiếp với aminoglycosid, colistin, polymycin B và vancomycin vì có thể làm tăng tác dụng độc hại với thính giác và thận
– Tăng tác dụng/độc tính: Nếu dùng capreomycin cùng với aminoglycosid, colistimethat, các thuốc phong bế thần kinh cơ, polymyxin B làm tăng độc hại với thận, thính giác và tăng tác dụng phong bế thần kinh cơ.
– Giảm tác dụng: Chưa có thông tin

Đọc thêm bài viết:  Benzylthiouracil

Độ ổn định và bảo quản

– Bảo quản bột capreomycin sulfat vô khuẩn ở nhiệt độ 15 – 30 oC. Sau khi pha với dung dịch natri clorid 0,9% dung dịch capreomycin sulfat ổn định trong 24 giờ nếu bảo quản trong tủ lạnh ở 2 – 8 oC. Dung dịch capreomycin sulfat có thể bị chuyển từ không màu sang màu rơm nhạt và sẫm lại; tuy vậy, điều này không ảnh hưởng đến hiệu lực của thuốc.

Quá liều và xử trí

– Triệu chứng: Nói chung, quá liều có thể biểu hiện dưới dạng các ADR, nhưng trầm trọng hơn, chủ yếu là tác dụng độc hại với thận và thính giác. Giảm kali huyết, giảm calci huyết, giảm magnesi huyết và rối loạn điện giải, giống như hội chứng Bartter đã xảy ra khi quá liều capreomycin. Vì capreomycin kém được hấp thu qua đường tiêu hóa, không có khả năng bị ngộ độc cấp sau khi uống liều lớn thuốc.
– Xử trí: Điều trị quá liều capreomycin bao gồm điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ: Bảo vệ đường dẫn khí, thông khí hỗ trợ và truyền dịch, theo dõi tỉ mỉ các dấu hiệu sống, các khí trong máu, các chất điện giải trong huyết thanh và duy trì ở mức có thể chấp nhận. Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ cân bằng nước, điện giải và độ thanh thải creatinin. Người bệnh có chức năng thận bình thường cần được cung cấp nước để duy trì lượng nước tiểu 3 – 5 ml/kg/giờ. Thẩm phân máu có thể làm tăng thải trừ capreomycin khỏi cơ thể, đặc biệt ở người có chức năng thận suy giảm.
– Nếu trong trường hợp uống capreomycin, đầu tiên phải áp dụng các biện pháp để loại trừ thuốc chưa được hấp thu khỏi đường tiêu hóa. Trong nhiều trường hợp, than hoạt có hiệu quả hơn việc gây nôn và rửa dạ dày nên được dùng thay thế hoặc dùng cùng với việc làm sạch dạ dày. Chú ý bảo vệ đường dẫn khí của người bệnh khi làm sạch dạ dày hoặc dùng than hoạt.
– Bác sỹ điều trị quá liều capreomycin cấp tính cần liên hệ với một trung tâm quản lý độc chất để có thông tin cập nhật nhất về quá liều của thuốc và cũng cần xem xét khả năng quá liều nhiều thuốc, tương tác giữa các thuốc và dược động học không bình thường của thuốc ở người bệnh.

Thông tin qui chế

– Capreomycin có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013 và Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.

Tên thương mại

– Eprixime; Lycocin.

Organization: https://chothuoctay.com/
Mô tả: Giúp người bệnh mua thuốc online chính hãng
Tiểu đường thai kỳ Chothuoctay

Tiểu đường thai kỳ

Bạn đã từng nghe về tiểu đường thai kỳ? Đây là một tình trạng đáng lo ngại mà nhiều phụ nữ mang thai phải đối