Hotline: 1800-0027 | Contact@Chothuoctay.com

Tên chung quốc tế: Cefpirome
Mã ATC: J01DE02
Loại thuốc: Kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 4

Dạng thuốc và hàm lượng

– Thuốc dùng dưới dạng muối cefpirom sulfat. Hàm lượng và liều lượng biểu thị theo cefpirom base.
– Lọ bột đông khô vô khuẩn để pha tiêm 0,5 g, 1 g, 2 g.
– 1,19 g cefpirom sulfat tương đương với khoảng 1,0 g cefpirom base.

Dược lý và cơ chế tác dụng

– Cefpirom giống cefotaxim (một cephalosporin thế hệ 3) có tác dụng diệt khuẩn do ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Cefpirom thâm nhập nhanh qua thành tế bào vi khuẩn và gắn với protein liên kết penicilin nội bào (PBP) với ái lực cao. Sự liên kết với PBP ngăn cản tổng hợp thành tế bào. Các vi khuẩn có PBP biến đổi, không liên kết với cefpirom, do đó kháng cefpirom (các Staphylococcus kháng isoxazolyl-penicilin như MRSA).
– Cefpirom có độ bền vững được cải thiện đối với beta-lactamase do giảm ái lực gắn vào các enzym này. Phổ kháng khuẩn được mở rộng, bao gồm các vi khuẩn Gram dương, nên cefpirom được coi là một cephalosporin thế hệ thứ 4, hoạt phổ tương tự như cefotaxim, nhưng in vitro có tác dụng mạnh hơn với Staphylococci, một số Enterococci, một số Enterobacteriaceae và Pseudomonas aeruginosa. Cefpirom kém tác dụng hơn ceftazidim đối với P. aeruginosa.
– Với các vi khuẩn kỵ khí, tác dụng in vitro của cefpirom kém hơn cefoxitin, nhưng tương tự như cefoperazon và mạnh hơn cefotaxim, ceftazidim.
– Đối với trực khuẩn Gram âm, tác dụng in vitro của cefpirom thường tương tự như cefotaxim, trừ Enterobacter, Serratia, Acinetobacter và Providencia nhạy cảm hơn với cefpirom. Đối với Pseudomonas aeruginosa, tác dụng của cefpirom mạnh hơn so với piperacilin, cefoperazon, cefotaxim và moxalactam, nhưng kém hơn so với ceftazidim, imipenem và astreonam, ciprofloxacin hoặc pefloxacin. Tác dụng của cefpirom đối với Enterobacteriacae kháng aminoglycosid mạnh hơn so với cefotaxim, ticarcilin hoặc piperacilin. Đối với tụ cầu, tác dụng của cefpirom tương tự như cephalosporin thế hệ 1 và 2. S. aureus kháng methicilin cũng kháng cefpirom.
– Đối với Streptococcus faecalis, cefpirom có tác dụng mạnh hơn so với đa số cephalosporin khác nhưng kém ampicilin, piperacilin, azlocilin và ciprofloxacin.
– Tác dụng in vitro đã được chứng minh đối với nhiễm Enterococcus (ở chuột).
– Cefpirom có tác dụng đối với vi khuẩn gây bệnh Gram dương như Staphylococcus aureus nhạy cảm với methicilin, Staphylococcus epidermidis, Staphylococcus saprophyticus và Streptococci nhóm A, B, C.
– Những vi khuẩn Gram âm nhạy cảm với cefpirom gồm có Haemophilus influenzae, Escherichia coli, Proteus, Klebsiella và Enterobacter. Pseudomonas aeruginosa có độ nhạy cảm trung gian và Enterococcus faecalis có độ nhạy cảm thấp.
– Các Staphylococcus kháng methicilin (MRSA), Bacteroides fragilis và các loại Bacteroides khác đều kháng cefpirom. Pseudomonas maltophilia, Clostridium difficile và Enterococcus faecium không nhạy cảm với cefpirom.
Dược động học
– Cefpirom được hấp thu ít qua đường tiêu hóa nên được dùng theo đường tiêm, tới 92 – 98% – hấp thu theo đường tiêm bắp. Nồng độ đỉnh trung bình trong huyết thanh sau khi truyền tĩnh mạch một liều duy nhất 1 g vào khoảng 80 – 100 microgam/ml sau 5 phút, 3 microgam sau 8 giờ và 0,8 – 1,3 microgam/ml sau 12 giờ. Sau khi tiêm bắp với liều 1 g cefpirom cho người tình nguyện mạnh khỏe, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được khoảng 32 microgam/ml sau 1,5 giờ, giảm xuống gần 1 microgam/ml sau 12 giờ. Biểu đồ dược động học là tuyến tính: Nồng độ thuốc trong huyết thanh tỷ lệ thuận với liều thuốc đã dùng. Cefpirom liên kết dưới 10% với protein huyết thanh và không phụ thuộc vào liều. Thuốc không tích lũy sau khi tiêm nhiều lần cefpirom (1 – 2 g tiêm tĩnh mạch 2 lần/ ngày trong 4 – 5 ngày).
– Cefpirom được phân bố rộng rãi vào các mô và dịch cơ thể. Thuốc vào dịch mụn nước, niêm mạc phế quản, dịch não tủy, mắt, mô tuyến tiền liệt và phân bố rất tốt vào dịch phúc mạc. Thuốc vào được sữa mẹ. Thể tích phân bố là 14 – 19 lít.
– Cefpirom chuyển hóa ở mức độ hạn chế tại gan và cho dẫn chất không có hoạt tính.
– Cefpirom bài tiết chủ yếu qua thận: 80 – 90% lượng thuốc đã dùng được thấy dưới dạng không thay đổi trong nước tiểu.
– Cần phải thay đổi liều dùng cefpirom tùy theo mức độ suy thận, khi độ thanh thải creatinin thấp hơn 50 ml/phút.
– Cefpirom được thải trừ một phần qua thẩm tách máu: 30 – 50% lượng cefpirom được thải trừ sau 3 – 4 giờ thẩm tách.
– Người cao tuổi: Trên 65 tuổi kèm theo Clcr trung bình 44 ml/phút (18 – 96 ml/phút), sau khi tiêm tĩnh mạch với liều lặp lại 1 g và 2 g, nồng độ tối đa ở trạng thái cân bằng tăng theo thứ tự 127 mg/ lít và 231 mg/lít. Nửa đời đào thải sau khi cho cùng liều đạt theo thứ tự 4,4 giờ và 4,5 giờ. Nửa đời tăng liên quan đến giảm chức năng thận.

Đọc thêm bài viết:  Cefotiam hydrochloride

Chỉ định

– Cefpirom không phải là một kháng sinh ưu tiên dùng ban đầu, mà là một kháng sinh dự trữ dùng trong các nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm với cefpirom: Nhiễm khuẩn hô hấp và tiết niệu có biến chứng đe dọa tính mạng, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn da, sốt kèm giảm bạch cầu trung tính ở người suy giảm hoặc không suy giảm miễn dịch.

Chống chỉ định

– Trong trường hợp dị ứng/quá mẫn với cefpirom sulfat hoặc các dẫn xuất cephalosporin khác hoặc với bất cứ thành phần nào trong công thức.

Thận trọng

– Trước khi bắt đầu điều trị bằng cefpirom, phải điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với cephalosporin, penicilin hoặc thuốc khác. Trong trường hợp dị ứng penicilin, nguy cơ dị ứng chéo có thể gây ra các phản ứng trầm trọng với cephalosporin.
– Đối với các người bệnh suy thận cần giảm liều dùng. Có nguy cơ tăng các phản ứng không mong muốn đối với thận, nếu dùng cefpirom phối hợp với các aminoglycosid (gentamicin, streptomycin…) và khi dùng cefpirom cùng với các thuốc lợi tiểu quai.
– Người bệnh viêm đại tràng hoặc các rối loạn đường tiêu hóa khác. Trong thời gian điều trị cũng như sau điều trị có thể có ỉa chảy nặng và cấp khi dùng các kháng sinh phổ rộng. Đây có thể là triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc. Trong trường hợp này cần ngừng thuốc và dùng kháng sinh thích hợp (vancomycin, hoặc metronidazol). Tránh dùng các thuốc gây táo bón.

Đọc thêm bài viết:  Bệnh sốt thỏ

Thời kỳ mang thai

– Nghiên cứu thực nghiệm trên súc vật không thấy có nguy cơ gây quái thai. Tuy nhiên, do chưa có đầy đủ các công trình nghiên cứu có kiểm soát chặt chẽ trên người mang thai và kinh nghiệm lâm sàng trong điều trị cho người mang thai bằng cefpirom còn hạn chế, không biết thuốc có qua được nhau thai không; nên cần dùng thuốc hạn chế và thận trọng cho phụ nữ mang thai.

Thời kỳ cho con bú

– Chưa có đủ số liệu để đánh giá nguy cơ cho trẻ em. Vì vậy, phải thận trọng khi cefpirom được dùng cho phụ nữ đang cho con bú, khuyến cáo nên ngừng cho con bú khi điều trị với cefpirom.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

– Trong lâm sàng, ỉa chảy là tác dụng không mong muốn thường gặp nhất.
– Thường gặp, ADR >1/100
– Toàn thân: Viêm tĩnh mạch ở chỗ tiêm. Tiêu hóa: Ỉa chảy, buồn nôn, nôn.
– Da: Phát ban.
– Gan: Tăng transaminase và phosphatase kiềm, tăng bilirubin máu. Tiết niệu sinh dục: Tăng creatinin máu.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Toàn thân: Đau đầu, kích ứng tại chỗ tiêm, sốt, dị ứng, biếng ăn, nhiễm nấm Candida.
– Máu: Tăng tiểu cầu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin. Tuần hoàn: Hạ huyết áp.
– Thần kinh trung ương: Chóng mặt, mất ngủ, co giật. Tiêu hóa: Đau bụng, táo bón, viêm miệng.
– Da: Ngứa, mày đay. Hô hấp: Khó thở.
– Thần kinh: Vị giác thay đổi.
– Tiết niệu sinh dục: Giảm chức năng thận.
– Hiếm gặp, ADR <1/1 000
– Toàn thân: Phản ứng phản vệ, ngủ gà. Máu: Giảm bạch cầu, thiếu máu tan huyết.
– Thần kinh trung ương: Dễ kích động, lú lẫn.
– Tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, chảy máu, viêm đại tràng màng giả. Gan: Vàng da ứ mật.
– Hô hấp: Hen.
– Chuyển hóa: Giảm kali huyết.
– Tiết niệu, sinh dục: Viêm âm đạo/cổ tử cung do nấm Candida. Chú ý: Có thể có nguy cơ nhẹ bội nhiễm các vi khuẩn không nhạy cảm với cefpirom.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

– Ngừng thuốc.
– Dùng kháng sinh thích hợp (vancomycin hoặc metronidazol).

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng
– Dùng cefpirom bằng tiêm tĩnh mạch chậm trong 3 – 5 phút và tiêm truyền tĩnh mạch trong 20 – 30 phút.
– Pha dung dịch tiêm tĩnh mạch: Lọ 1 g pha trong 10 ml hoặc 2 g trong 20 ml nước vô khuẩn để tiêm.
– Pha dung dịch truyền tĩnh mạch: Lọ 1 g hoặc 2 g pha trong 100 ml nước vô khuẩn để tiêm, dung dịch natri clorid 0,9%, dung dịch glucose 5% hoặc dung dịch Ringer lactat.
Liều lượng
– Người lớn: Liều dùng và thời gian điều trị phụ thuộc vào loại, mức độ nhiễm khuẩn và chức năng thận của người bệnh.
– Liều thường dùng là 1 – 2 g, 12 giờ một lần. Liều cao 2 g, 2 lần một ngày được khuyến cáo dùng cho những trường hợp nhiễm khuẩn nặng hoặc gây bởi các vi khuẩn kháng thuốc.
– Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới: 2 g, 12 giờ một lần.
– Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới có biến chứng: 1 g, 12 giờ một lần; liều cao: 2 g, 12 giờ một lần.
– Nhiễm khuẩn huyết, hoặc nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng: 2 g, 12 giờ một lần.
– Không cần điều chỉnh liều ở người bệnh với Clcr ≥ 50 ml/phút. Khi đang dùng cefpirom không nên định lượng creatinin huyết thanh bằng phương pháp Jaffé (picrat) vì cho kết quả sai (kết quả thường cao).
– Người suy gan: Không cần điều chỉnh liều.
– Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều, trừ trường hợp bị suy thận. Trẻ em: Thông thường, điều trị cefpirom cho trẻ em chỉ được tiến hành khi các cách điều trị khác không thể thực hiện được trong trường hợp cấp bách. Các liều ghi trên là để dùng cho một thể trọng bình thường 70 kg. Nếu thật cần thiết, có thể tính liều cho trẻ em, dựa vào các liều trên cho mỗi kg thể trọng. Không khuyến cáo dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Đọc thêm bài viết:  Dùng thuốc trị tiêu chảy đúng cách

Tương tác thuốc

– Probenecid làm giảm sự bài tiết ở ống thận của các cephalosporin đào thải bằng cơ chế này, do đó làm tăng và kéo dài nồng độ cephalosporin trong huyết thanh, kéo dài nửa đời thải trừ và tăng nguy cơ độc của những thuốc này.
– Có tiềm năng độc tính với thận khi dùng cephalosporin cùng với các thuốc có độc tính với thận khác, thí dụ thuốc lợi tiểu quai, nhất là ở người bệnh đã bị suy chức năng thận từ trước.

Độ ổn định và bảo quản

– Lọ chứa bột cefpirom phải được bảo quản dưới 25 oC và tránh ánh sáng. Sau khi pha, dung dịch thuốc bền vững dưới 6 giờ ở nhiệt độ phòng và dưới 24 giờ ở 2 – 8 oC. Dung dịch có thể hơi chuyển màu trong khi bảo quản nhưng nếu theo đúng điều kiện bảo quản trên thì sự đổi màu này không phải là biến chất.

Tương kỵ

– Cefpirom không được dùng chung với dung dịch bicarbonat. Không được trộn cefpirom với các kháng sinh khác trong cùng bơm tiêm hoặc với các dung dịch khác để truyền (đặc biệt quan trọng đối với các aminoglycosid).

Quá liều và xử trí

– Liều cao cefpirom trong huyết thanh sẽ giảm xuống bằng thẩm tách màng bụng, hoặc thẩm tách máu.

Thông tin qui chế

– Cefpirom có trong Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.

Tên thương mại

– Afedox; Cefire; Cefitop 1 000; Cefpotriv; Clesspirom; Ferripirom; Focimic; Medtol; Parpirom; Pentirom 1 000; Unipiren.

Organization: https://chothuoctay.com/
Mô tả: Giúp người bệnh mua thuốc online chính hãng
Tiểu đường thai kỳ Chothuoctay

Tiểu đường thai kỳ

Bạn đã từng nghe về tiểu đường thai kỳ? Đây là một tình trạng đáng lo ngại mà nhiều phụ nữ mang thai phải đối