Tên chung quốc tế: Dextropropoxyphene.
Mã ATC: N02AC04.
Loại thuốc: Thuốc giảm đau gây nghiện.
Dạng thuốc và hàm lượng
– Nang dextropropoxyphen hydroclorid 65 mg. Viên nén dextropropoxyphen napsylat 100 mg.
Dược lý và cơ chế tác dụng
– Dextropropoxyphen là thuốc giảm đau dạng opi có cấu trúc liên quan đến methadon. Tuy kém chọn lọc hơn morphin, nhưng dextropropoxyphen gắn chủ yếu vào thụ thể muy, làm giảm đau và cho tác dụng khác đến hệ TKTW tương tự như các thuốc giống morphin. Thuốc có tác dụng giảm đau nhẹ và trung bình. Dextropropoxyphen được dùng đường uống dưới dạng hydroclorid hoặc napsylat. Dextropropoxyphen làm giảm đau bằng một nửa tới 2/3 so với codein khi uống. Dextropropoxyphen hydroclorid, uống liều 90 mg đến 120 mg có tác dụng bằng liều 60 mg codein, là liều thường làm giảm đau bằng 600 mg aspirin. Không giống levopropoxyphen và codein, dextropropoxyphen không có hoặc có ít tác dụng chống ho. Dextropropoxyphen chủ yếu dùng phối hợp với các thuốc giảm đau có tác dụng chống viêm và hạ sốt khác, như với aspirin và paracetamol. Sự phối hợp này sẽ cho tác dụng giảm đau cao hơn so với riêng từng thuốc. Tuy vậy, một số nghiên cứu khác cho thấy không có sự khác biệt về giảm đau giữa aspirin hoặc acetaminophen đơn độc và các chế phẩm phối hợp một trong các thuốc đó với dextroproxyphen. Nghi ngờ giữa lợi ích và nguy cơ của dextroproxyphen.
Dược động học
– Dextropropoxyphen được hấp thu nhanh tại đường tiêu hóa; dạng muối napsylat có khuynh hướng được hấp thu chậm hơn hydroclorid, nhưng cả hai đều qua chuyển hóa bước đầu mạnh. Nồng độ đỉnh huyết tương đạt được khoảng 2 đến 2,5 giờ sau khi uống. Thuốc phân bố nhanh và tập trung ở gan, phổi và não. Khoảng 80% dextropropoxyphen và chất chuyển hóa gắn với protein huyết tương. Dextropropoxyphen đi qua nhau thai và được phát hiện trong sữa mẹ.
– Dextropropoxyphen bị khử N-methyl thành nordextropropoxyphen (norpropoxyphen) ở gan. Thuốc bài tiết vào nước tiểu, chủ yếu dưới dạng chất chuyển hóa. Dextropropoxyphen và nordextropropoxyphen có nửa đời thải trừ dài, tương ứng với 6 đến 12 giờ và 30 đến 36 giờ, nửa đời thải trừ kéo dài hơn ở người cao tuổi. Tích lũy dextropropoxyphen và chất chuyển hóa có thể xảy ra khi cho liều lặp lại và nordextropropoxyphen có thể góp phần vào nhiễm độc khi quá liều.
Chỉ định
– Đau từ nhẹ đến vừa. Thuốc chủ yếu dùng phối hợp với các thuốc giảm đau khác để có mức giảm đau mạnh hơn.
Chống chỉ định
– Có khuynh hướng tự vẫn hoặc nghiện.
– Tiền sử quá mẫn với thuốc hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.
– Bị tổn thương thận nặng.
– Hen nặng cấp tính hoặc tăng anhydrid carbonic huyết.
– Suy thở nặng (Nếu không có sẵn phương tiện hồi sức cấp cứu).
Thận trọng
– Phải giảm liều dextropropoxyphen ở người có tổn thương gan hoặc thận, vì nồng độ thuốc trong huyết thanh có thể tăng lên hoặc thải trừ thuốc có thể chậm lại ở các đối tượng trên.
– Dùng dextropropoxyphen cho người phụ thuộc thuốc opi có thể dẫn đến các triệu chứng cai nghiện opi cấp; có thể tránh được các triệu chứng này bằng cách giảm dần liều lượng thuốc đã dùng, đồng thời dùng thay thế ngay bằng dextropropoxyphen.
– Nguy cơ phát sinh quen thuốc, phụ thuộc tâm lý và phụ thuộc thể chất là các nguy cơ cần được xem xét ngay sau 1 tuần điều trị với liều lặp lại.
– Người bệnh cần được cảnh báo dextropropoxyphen có thể làm phương hại đến khả năng thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm đòi hỏi phải tỉnh táo hoặc phối hợp động tác (thí dụ vận hành máy, lái xe).
– Người bệnh không được dùng quá liều khuyến cáo và phải hạn chế uống rượu.
– Không dùng dextropropoxyphen cho trẻ em. Với người cao tuổi, phải dùng liều thấp hơn, vì người cao tuổi nhạy cảm hơn với thuốc opiat.
Thời kỳ mang thai
– Đã xảy ra triệu chứng cai thuốc ở trẻ sơ sinh khi người mẹ dùng dextropropoxyphen trong thời kỳ mang thai. Thuốc chỉ được dùng trong thời kỳ mang thai khi lợi ích tiềm năng vượt trội so với khả năng nguy hại cho thai.
Thời kỳ cho con bú
– Dextropropoxyphen và sản phẩm chuyển hóa chính là norpropoxyphen phân bố vào sữa mẹ nên thuốc phải được dùng thận trọng cho người đang thời kỳ cho con bú. Tuy vậy, các nghiên cứu ở người dùng dextropropoxyphen trong thời kỳ cho con bú cho thấy không có tác dụng nguy hại nào đối với trẻ nhỏ bú mẹ. Nếu người mẹ cho con bú dùng dextropropoxyphen thì trẻ bú mẹ phải được theo dõi về các biểu hiện như an thần, bú ít, ngủ gà và ức chế hô hấp.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
– Với liều khuyến cáo, tác dụng không mong muốn của dextropropoxyphen tương tự như đối với codein, nhưng ít gây táo bón hơn và ít tác dụng phụ đối với đường mật hơn.
– Thường gặp, ADR > 1/100
– Thần kinh: Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, yếu cơ, an thần, ngủ gà. Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng, táo bón.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Sảng khoái hoặc loạn tính khí. Rối loạn thị giác.
– Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
– Gan: Xét nghiệm chức năng gan bất thường và loạn chức năng gan (vàng da có hồi phục).
– Giảm 17 – hydroxycorticoid và 17 – ketosteroid ở nước tiểu.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
– ADR thường nhẹ nếu người bệnh không dùng quá liều khuyến cáo và hạn chế uống rượu. Đã có thông báo quá liều gây tử vong với liều thấp bằng 650 – 1 300 mg (10 – 20 viên), thường phối hợp với paracetamol hoặc cùng với rượu. Ức chế hệ TKTW mạnh, thậm chí gây tử vong có thể xảy ra nhanh do lượng dextropropoxyphen cao trong huyết tương, trong nhiều trường hợp, tử vong đã xảy ra trong vòng 1 giờ.
Liều lượng và cách dùng
– Cách dùng: Dextropropoxyphen hydrocloridvàdextropropoxyphen napsylat được dùng theo đường uống. 100 mg dextropropoxyphen napsylat tương đương với 65 mg dextropropoxyphen hydroclorid Liều lượng:
Người lớn:
– Dextropropoxyphen hydroclorid: Liều thông thường người lớn: 65 mg/lần, cách 4 giờ/lần, khi cần. Liều khuyến cáo tối đa: 390 mg/ngày.
– Dextropropoxyphen napsylat: Liều thông thường người lớn: 100 mg/lần, cách 4 giờ/lần, khi cần. Liều tối đa khuyến cáo: 600 mg/ngày.
– Phải giảm liều ở người có tổn thương thận hoặc gan, người cao tuổi và liều uống phải cách xa hơn.
– Để tránh triệu chứng cai thuốcở người bệnh dùng dextropropoxyphen trong kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn, phải giảm dần liều (thí dụ giảm 25 % đến 50 % liều hàng ngày) trước khi ngừng thuốc. Trẻ em:
– Không đủ số liệu nghiên cứu cho thấy sự an toàn.
Tương tác thuốc
– Thuốc ức chế hệ TKTW, kể cả rượu, có thể góp phần vào tai biến của dextropropoxyphen.
– Tác dụng gây co giật khi dùng liều cao dextropropoxyphen có thể tăng lên do thuốc kích thích hệ thần kinh trung uơng.
– Dextropropoxyphen tương tác với một số thuốc khác thông qua ức chế chuyển hóa ở gan như thuốc chống trầm cảm, benzodiazepin, chẹn beta, carbamazepin, phenobarbital, phenytoin và warfarin; liệu pháp dextropropoxyphen có thể làm tăng nồng độ trong huyết thanh của bất cứ một thuốc nào trong những thuốc trên tới mức nhiễm độc, nên cần phải xem xét giảm liều.
– Nồng độ dextropropoxyphen trong huyết thanh có thể tăng bởi ritonavir dẫn tới nguy cơ ngộ độc, không được kết hợp hai thuốc này.
Quá liều và xử trí
Triệu chứng:
– Triệu chứng quá liều giống như triệu chứng nhiễm độc opi (hôn mê, ức chế hô hấp, trụy tuần hoàn và phù phổi) ngoài ra, người bệnh đã phụ thuộc thuốc có thể có phản ứng tâm thần và co giật. Có thể có bất thường dẫn truyền ở tim và loạn nhịp tim. Liều tối thiểu gây chết của dextropropoxyphen hydroclorid có thể bằng 9 – 19 mg/kg, nhưng đã có trường hợp còn sống sót với liều cao bằng 70 mg/kg. Nồng độ huyết tương vượt quá 10 microgam/ml có thể gây tử vong. Nhiều báo cáo cho thấy, khi quá liều dextropropoxyphen thì tử vong có thể xảy ra trong vòng 1 giờ đầu và cũng có thể xảy ra nhanh hơn (trong vòng 15 phút), nhất là khi dùng thuốc kết hợp với rượu và paracetamol.
Điều trị:
– Gây nôn hoặc rửa dạ dày và dùng than hoạt có tác dụng trong vòng 1 giờ sau khi uống dextropropoxyphen.
– Thẩm phân ít tác dụng. Theo dõi điện tâm đồ là rất quan trọng. Chưa rõ là dextropropoxyphen hay sản phẩm chuyển hóa của nó có vai trò quan trọng trong việc gây tử vong khi quá liều. Tuy nhiên dextropropoxyphen và nordextropropoxyphen được cho là có tác dụng phong bế cục bộ và hoạt tính ổn định màng của dextropropoxyphen được cho là nguyên nhân chính gây ngừng tim.
– Phải điều trị nhanh bằng naloxon (tiêm tĩnh mạch) và hỗ trợ hô hấp, đặc biệt cần thiết tăng cường biện pháp chống suy hô hấp nhất là khi có rượu và sử dụng thuốc chống co giật mạnh. Naloxon không đảo ngược được triệu chứng của tim. Co giật cần được kiểm soát bằng thuốc chống co giật, nhưng cần phải nhớ tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương của dextropropoxyphen có thể tăng lên. Các thuốc kích thích hệ thần kinh (cafein hoặc các amphetamin) không được dùng vì có nguy cơ gây tăng co giật.
– Khi cần, thực hiện các biện pháp hỗ trợ toàn thân như truyền dịch tĩnh mạch, dùng thuốc nâng huyết áp.
– Người bệnh quá liều dextropropoxyphen dùng dạng chế phẩm kết hợp với paracetamol hoặc aspirin thì cũng cần quan tâm điều trị ngộ độc các thành phần kết hợp trên.
– Qua nhiều số liệu phân tích về tử vong do quá liều dextro- propoxyphen, tháng 6/2009 Hội đồng thuốc Châu âu đã khuyến cáo rút bỏ hoàn toàn các chế phẩm có chứa dextropropoxyphen trên thị trường do hiệu quả của thuốc không lớn hơn nguy cơ mà thuốc gây ra. Trước đó, ở Anh, Thụy Sĩ và Thụy Điển cũng đã rút bỏ dextropropoxyphen khỏi thị trường. Ở Mỹ, các sản phẩm có chứa dextropropoxyphen vẫn được lưu hành trên thị trường và đồng thời nhiều biện pháp cảnh báo đã được thực hiện để giảm nguy cơ rủi ro cho người sử dụng.
Độ ổn định và bảo quản
– Dextropropoxyphen hydroclorid ổn định trong dung dịch pH 2 – 3,5. Khi trộn với aspirin sẽ làm tăng nhanh sự phân huỷ aspirrin.
– Aspirin tương đối ổn định khi có dextropropoxyphen napsylat. Bảo quản trong lọ kín và để ở nhiệt độ phòng.
Thông tin qui chế
– Cục Quản lý Dược đã có Công văn số 3609/QLD-ĐK ngày 14/4/2010 thông báo ngừng cấp giấy phép nhập khẩu, ngừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký và không cấp số đăng ký đối với thuốc chứa dextropropoxyphen.
– Thuốc gây nghiện.