Hotline: 1800-0027 | Contact@Chothuoctay.com
BÀI VIẾT

Lansoprazol

Lansoprazol

Tên chung quốc tế: Lansoprazole.
Mã ATC: A02BC03.
Loại thuốc: Thuốc ức chế tiết acid dịch vị, thuốc ức chế bơm proton.

Dạng thuốc và hàm lượng

– Viên nang giải phóng chậm (chứa hạt bao tan trong ruột): 15 mg, 30 mg.

Dược lý và cơ chế tác dụng

– Lansoprazol là dẫn chất benzimidazol có tác dụng chống tiết acid dạ dày. Lansoprazol có liên quan cấu trúc và dược lý với omeprazol. Lansoprazol là một thuốc ức chế bơm proton có tác dụng và sử dụng tương tự omeprazol. Lansoprazol gắn vào hệ thống enzym H+/K+ATPase còn gọi là bơm proton ở trong tế bào thành của dạ dày, làm bất hoạt hệ thống enzym này nên các tế bào thành không tiết ra acid hydrocloric ở giai đoạn cuối cùng. Lansoprazol là một base yếu, không ức chế trực tiếp hệ thống enzym này. Thuốc cần được hoạt hóa trong môi trường acid. Từ máu, thuốc vào tế bào thành và do tính chất base yếu, thuốc tích tụ trong các ống nhỏ tiết acid của tế bào thành và ở đó, thuốc được chuyển thành các chất chuyển hóa sulfenamid có hoạt tính; các chất chuyển hóa có hoạt tính phản ứng với nhóm sulfhydryl của H+/K+ATPase làm bơm proton mất hoạt tính. Do các chất chuyển hóa sulfenamid tạo thành một liên kết cộng không thuận nghịch với H+/K+ ATPase, nên tiết acid bị ức chế cho tới khi enzym mới được tổng hợp, điều này giải thích tại sao thời gian tác dụng của thuốc kéo dài tuy nửa đời huyết tương của thuốc ngắn.
– Lansoprazol ức chế dạ dày tiết acid cơ bản và khi bị kích thích do bất kỳ tác nhân nào vì thuốc ngăn cản tiết acid ở giai đoạn cuối. Mức độ ức chế tiết acid dạ dày liên quan đến liều dùng và thời gian điều trị. Mức độ ức chế tiết acid dạ dày tương tự sau khi uống hoặc tiêm tĩnh mạch lansoprazol 30 mg/ngày trong 7 ngày ở người khỏe mạnh. Lansoprazol làm tăng nồng độ gastrin trong huyết tương; nồng độ gastrin huyết thanh đạt mức cao trong vòng 2 tháng liệu pháp và trở về mức trước khi điều trị trong vòng 1 – 12 tuần sau khi ngừng thuốc. Lansoprazol cũng làm giảm tiết pepsin và làm tăng pepsinogen huyết thanh. Tuy nhiên, các tác dụng này không mạnh bằng ức chế tiết acid. Tác dụng làm tăng gastrin dạ dày và làm giảm acid hydrocloric dạ dày kéo dài chưa được đánh giá đầy đủ ở người, cần phải theo dõi lâu dài để loại trừ khả năng tăng nguy cơ gây u dạ dày ở người bệnh dùng lâu dài lansoprazol.
– Lansoprazol có thể loại trừ Helicobacter pylori ở người bị loét dạ dày hoặc tá tràng bị nhiễm vi khuẩn này. Nếu phối hợp với 1 hoặc nhiều thuốc chống nhiễm khuẩn (như amoxicilin, clarithromycin) lansoprazol có thể có hiệu quả tiệt trừ nhiễm H. pylori.

Đọc thêm bài viết:  Buprenorphine

Dược động học

– Lansoprazol hấp thu nhanh, nồng độ tối đa trung bình đạt được trong khoảng 1,7 giờ sau khi uống, với sinh khả dụng tuyệt đối trên 80%. Ở người khỏe, nửa đời trong huyết tương là 1,5 (± 1,0) giờ. Cả nồng độ thuốc tối đa và diện tích dưới đường cong (AUC) đều giảm khoảng 50% nếu dùng thuốc khoảng 30 phút sau khi ăn. Lansoprazol liên kết với protein huyết tương khoảng 97%.
– Lansoprazol chuyển hóa nhiều ở gan nhờ hệ enzym cytochrom P450 để thành hai chất chuyển hóa chính để bài tiết ra ngoài: Sulfon lansoprazol và hydroxy lansoprazol. Các chất chuyển hóa này có rất ít hoặc không còn tác dụng chống tiết acid. Các chất được chuyển đổi từ lansoprazol trong tế bào thành để ức chế tiết acid không có trong tuần hoàn toàn thân. Khoảng 20% thuốc dùng được bài tiết vào mật và nước tiểu.
– Thải trừ lansoprazol bị kéo dài ở người bị bệnh gan nặng, nhưng không thay đổi ở người suy thận nặng. Do vậy, cần giảm liều đối với người bị bệnh gan nặng.

Chỉ định

– Điều trị cấp và điều trị duy trì viêm thực quản có trợt loét ở người bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (dùng tới 8 tuần).
– Điều trị loét dạ dày – tá tràng cấp (do nhiễm hoặc không nhiễm H. pylori).
– Điều trị và dự phòng loét đường tiêu hóa do thuốc chống viêm không steroid.
– Điều trị các chứng tăng tiết toan bệnh lý, như hội chứng Zollinger Ellison, u đa tuyến nội tiết, tăng dưỡng bào toàn thân.

Chống chỉ định

– Quá mẫn với lansoprazol hoặc các thành phần khác của thuốc. Có thai trong 3 tháng đầu.

Thận trọng

– Cần giảm liều đối với người bị bệnh gan. Người mang thai và cho con bú.

Thời kỳ mang thai

– Chưa có thông báo dùng lansoprazol cho người mang thai. Không biết rõ thuốc có đi qua nhau thai vào bào thai không. Tuy nhiên, dùng lâu và với liều cao đã gây ung thư trên cả chuột nhắt và chuột cống đực và cái, do vậy không nên dùng cho người mang thai. Chống chỉ định dùng thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Thời kỳ cho con bú

– Cả lansoprazol và các chất chuyển hóa đều bài tiết qua sữa ở chuột cống và có thể sẽ bài tiết qua sữa người mẹ. Vì tác dụng gây ung thư của thuốc trên súc vật đã được chứng minh, nên tránh dùng ở người cho con bú.

Đọc thêm bài viết:  Sildenafil Citrat

Tác dụng không mong muốn (ADR)

– Các phản ứng phụ thường gặp nhất với lansoprazol là ở đường tiêu hóa như ỉa chảy, đau bụng, ngoài ra một số người bệnh có đau đầu, chóng mặt.
– Thường gặp, ADR > 1/100
– Toàn thân: Đau đầu, chóng mặt.
– Tiêu hóa: Ỉa chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón, khó tiêu. Da: Phát ban.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Toàn thân: Mệt mỏi
– Cận lâm sàng: Tăng mức gastrin huyết thanh, enzym gan, hematocrit, hemoglobin, acid uric và protein niệu.

Liều lượng và cách dùng

– Viêm thực quản có trợt loét (ở người bệnh trào ngược dạ dày thực quản):
– Điều trị triệu chứng thời gian ngắn cho tất cả các trường hợp viêm thực quản:
– Liều người lớn thường dùng 15 – 30 mg, 1 lần/ngày, trong 4 – 8 tuần. Có thể dùng thêm 8 tuần nữa, nếu chưa khỏi.
– Điều trị duy trì sau chữa khỏi viêm thực quản trợt loét để giảm tái phát: Người lớn 15 mg/ngày. Chưa xác định được mức độ an toàn và hiệu quả khi điều trị duy trì kéo dài quá 1 năm.
– Loét dạ dày: 15 tới 30 mg, 1 lần/ngày, dùng trong 4 – 8 tuần. Nên uống vào buổi sáng trước bữa ăn sáng.
– Loét tá tràng: 15 mg, 1 lần/ngày, dùng trong 4 tuần hoặc đến khi khỏi bệnh.
– Dùng phối hợp với amoxicilin và clarithromycin trong điều trị nhiễm H. pylori ở người bệnh loét tá tràng thể hoạt động như sau: Phối hợp 3 thuốc: 30 mg lansoprazol + 1 g amoxicilin và 500 mg clarithromycin, dùng 2 lần/ngày, cách nhau 12 giờ, trong 10 đến 14 ngày. Tất cả 3 loại thuốc đều uống trước bữa ăn.
– Phối hợp 2 thuốc: 30 mg lansoprazol + 1 g amoxicilin, dùng 3 lần hàng ngày, trong 14 ngày. Cả 2 loại thuốc đều uống trước bữa ăn. Điều trị duy trì sau khi loét tá tràng đã khỏi: 15 mg/lần/ngày. Chưa xác định được mức độ an toàn và hiệu quả khi điều trị duy trì kéo dài quá 1 năm.
– Tăng tiết toan khác (thí dụ hội chứng Zollinger-Ellison).
– Liều thường dùng cho người lớn bắt đầu là 60 mg, 1 lần/ngày. Nên uống vào buổi sáng trước bữa ăn. Sau đó, điều chỉnh liều theo sự dung nạp và mức độ cần thiết để đủ ức chế tiết acid dịch vị và tiếp tục điều trị cho đến khi đạt kết quả lâm sàng. Liều uống dao động từ 15 mg uống cách nhật đến 180 mg uống hàng ngày cần để duy trì tiết acid dịch vị cơ bản dưới 10 mEq/giờ (5 mEq/giờ ở người bệnh trước đó có phẫu thuật dạ dày). Liều trên 120 mg/ngày nên chia làm 2 lần uống.
– Cần điều chỉnh liều cho người có bệnh gan nặng. Phải giảm liều, thường không được vượt quá 30 mg/ngày.
– Lansoprazol không bền trong môi trường acid (dịch dạ dày), vì vậy phải uống lansoprazol trước khi ăn và không cắn vỡ hoặc nhai viên nang.
– Loét đường tiêu hóa do thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Điều trị loét nhưng vẫn uống NSAID: Người lớn 30 mg/ngày uống 1 lần trong 8 tuần.
– Phòng loét dạ dày do NSAID ở người bệnh có tiền sử loét: Người lớn liều thường dùng 15 mg/lần, 1 lần/ngày, cho tới 12 tuần. Hiệu quả kém so với misoprostol 200 mg, 4 lần/ngày.
– Trẻ em: Trào ngược dạ dày thực quản: Trẻ 1 – 11 tuổi, cân nặng 30 kg: 15 mg/lần, 1 lần/ngày, cho tới 12 tuần; cân nặng > 30 kg: 30 mg/lần, 1 lần/ngày, trong 12 tuần; trẻ 12 – 17 tuổi, liều uống thông thường khi không có loét: 15 mg/ngày, cho tới 8 tuần, và nếu có loét: 30 mg/ngày, cho tới 8 tuần.
– Suy thận: Dược động học của lansoprazol có thể thay đổi, nhưng không cần phải chỉnh liều thuốc. Tuy nhiên khi dùng gói chứa lansoprazol, amoxicilin, và clarithromycin, nhà sản xuất khuyến cáo không nên dùng khi hệ số thanh thải creatinin < 30 ml/phút. Suy gan nặng: Cần xem xét giảm liều.

Đọc thêm bài viết:  Alpha tocopherol (Vitamin E)

Tương tác thuốc

– Lansoprazol được chuyển hóa nhờ hệ enzym cytochrom P450, nên tương tác với các thuốc khác được chuyển hóa bởi cùng hệ enzym này. Do vậy, không nên dùng lansoprazol cùng với các thuốc khác cũng được chuyển hóa bởi cytochrom P450. Không thấy có ảnh hưởng lâm sàng quan trọng tới nồng độ của diazepam, phenytoin, theophylin, prednisolon hoặc warfarin khi dùng cùng với lansoprazol.
– Lansoprazol làm giảm tác dụng của ketoconazol, itraconazol và của các thuốc khác có sự hấp thu cần môi trường acid.
– Sucralfat làm chậm và giảm hấp thu lansoprazol (khoảng 30%).

Độ ổn định và bảo quản

– Bảo quản ở nhiệt độ phòng.

Quá liều và xử trí

– Triệu chứng: Hạ thân nhiệt, an thần, co giật, giảm tần số hô hấp. Điều trị hỗ trợ: Phương pháp thẩm tách không loại được thuốc.

Thông tin qui chế

– Lansoprazol có trong Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.

Tên thương mại

– Agi-Lanso; Bivilans; Cadilanso; Comepar; Everest Lanpo; Hanall Lansoprazole; Holdacid 30; Inolanfra; Intas Lan- 30; Labapraz; Lamozile-30; Lanacid-30; Lanazol; Lanchek-30; Langamax; Langast; Lanikson; Lanizol 30; Lanlife – 30; Lanmebi; Lanprasol 15; Lans OD 15; Lansec 30; Lansina; Lansindus; Lansofast; Lansolek 30; Lansoliv; Lansomax; Lansopril-30; Lansotop; Lansotrent; Lansovie; Lanspro-30; Lantazolin; Lantota; Lanzadon; Lanzee-30; Lanzmarksans; Lanzonium; Lapryl; Lasoprol 30; Lasovac; Lazocolic; L-Cid; Lezovar; Lucip; Milanmac; Mirazole; Nadylanzol; Nefian; pms-Lansoprazol 30; Prazex; Propilan 30; SAVI Lansoprazole 30; Sedacid; Solarol; Synpraz 30; Takzole; TV. Lansoprazol; Unilanso; Victacid 30; Zapra.

Organization: https://chothuoctay.com/
Mô tả: Giúp người bệnh mua thuốc online chính hãng
Tiểu đường thai kỳ Chothuoctay

Tiểu đường thai kỳ

Bạn đã từng nghe về tiểu đường thai kỳ? Đây là một tình trạng đáng lo ngại mà nhiều phụ nữ mang thai phải đối