Tên chung quốc tế: Levonorgestrel (Subcutaneous inplants).
Mã ATC: G03AC03.
Loại thuốc: Thuốc tránh thai tổng hợp loại progestin.
Dạng thuốc và hàm lượng
– Viên cấy dưới da chứa 75 mg levonorgestrel, mỗi bộ sản phẩm gồm 2 viên.
Dược lý và cơ chế tác dụng
– Viên cấy dưới da chỉ chứa levonorgestrel được dùng như một liệu pháp tránh thai đơn thuần có tác dụng kéo dài, với hiệu quả tránh thai có thể tới 5 năm. Tỷ lệ có thai trong vòng 5 năm ở những phụ nữ dùng thuốc là 0,5 trên 100 người. Cơ chế tác dụng của các thuốc tránh thai đơn thuần chỉ chứa progesteron chủ yếu là cơ chế tại chỗ: Làm dày lớp niêm dịch cổ tử cung, làm cho tinh trùng không thể thâm nhập, và ngăn ngừa sự tăng sinh của lớp nội mạc tử cung, làm cho trứng thụ tinh không thể làm tổ được.
Dược động học
– Sau khi cấy dưới da, thuốc được giải phóng với tốc độ 60 – 70 microgam/ngày vào tuần thứ 5 và thứ 6. Tốc độ này sẽ giảm dần vào các năm tiếp theo.
– Sau khi cấy sẽ có 70 microgam levonorgestrel được giải phóng ra trong 24 giờ. Sau đó tốc độ giải phóng thuốc giảm chậm, sau 1 năm đạt mức 30 microgam trong 24 giờ. Nồng độ levonorgestrel trong huyết tương đạt mức cao nhất trong những tháng đầu (6 đến 12 tháng), đạt xấp xỉ 1,1 nanomol/lít. Sau đó trong những năm tiếp theo nồng độ thuốc trong huyết tương ổn định ở khoảng 0,9 nanomol/lít.
– Sau khi bỏ nang cấy dưới da, levonorgestrel không còn thấy trong huyết tương sau 24 – 36 giờ, và chu kỳ kinh nguyệt bình thường trở lại ngay giống như sau khi ngừng sử dụng viên tránh thai.
Chỉ định
– Tránh thai.
Chống chỉ định
– Mang thai hoặc nghi mang thai.
– Chảy máu âm đạo bất thường không chẩn đoán được nguyên nhân. Viêm tắc tĩnh mạch hoặc bệnh huyết khối tắc mạch thể hoạt động. Bệnh gan cấp tính, u gan lành hoặc ác tính.
– Tiền sử ung thư vú (có thể dùng lại sau 5 năm nếu không có bằng chứng của bệnh và không dùng được biện pháp tránh thai nào khác).
– Rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp tính. Có tiền sử tăng áp lực nội sọ vô căn.
– Mẫn cảm với thuốc.
Thận trọng
– Levonorgestrel cấy dưới da phải được dùng thận trọng đối với người có bệnh gan, bệnh động kinh, bệnh van tim, người có nguy cơ chửa ngoài tử cung, người tăng huyết áp, đái tháo đường, đau nửa đầu, nhiễm trùng khung chậu, rối loạn hấp thu nghiêm trọng và bệnh lá nuôi dương tính (cho đến khi nồng độ gonadotropin trong nước tiểu và huyết thanh trở về bình thường).
– Ở người có tiền sử bệnh huyết khối tắc mạch thì chỉ nên dùng levonorgestrel cấy dưới da khi các phương pháp khác không thích hợp và sau khi đã cân nhắc cẩn thận về các mặt nguy cơ và lợi ích. Thuốc tránh thai loại hormon có thể gây giữ nước ở mức độ nhất định, nên thuốc phải được dùng thận trọng ở những người mắc những bệnh có thể bị nặng thêm do giữ nước, như hen suyễn và phù thũng.
– Ngoài ra, những người bị lupus ban đỏ hệ thống có kháng thể kháng phospholipid dương tính, đa nang buồng trứng hoặc có tiền sử vàng da khi có thai cũng cần thận trọng.
Thời kỳ mang thai
– Rất hiếm có báo cáo về dị tật bẩm sinh ở con các bà mẹ đã vô ý dùng levonorgestrel cấy dưới da trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Những nghiên cứu dịch tễ học diện rộng cho thấy ở những phụ nữ đã dùng thuốc tránh thai uống trước khi có thai, nguy cơ xuất hiện khuyết tật khi sinh ở con họ không tăng.
Thời kỳ cho con bú
– Levonorgestrel được phân bố trong sữa mẹ, nhưng với hàm lượng thấp nên không có nguy cơ nào đáng quan tâm.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
– Những ADR xảy ra khi dùng levonorgestrel cấy dưới da trong năm đầu là rối loạn kinh nguyệt, thường là kinh nguyệt ít, vô kinh và đau hoặc ngứa ở xung quanh vùng cấy, đau đầu, tình trạng kích động, buồn nôn, nôn, hoa mắt, chóng mặt, ngon miệng hoặc chán ăn thất thường, tăng cân, đau vú, rậm lông, rụng tóc. Còn có thể có các phản ứng khác như xuống sữa, viêm cổ tử cung, thay đổi tính khí, trầm cảm, đau cơ xương, khó chịu vùng bụng, viêm âm đạo. Thường gặp, ADR > 1/100
– Toàn thân: Tình trạng nóng nảy.
– Nội tiết: Kinh nguyệt không đều, vô kinh, căng vú. Da: Trứng cá.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Toàn thân: Đau đầu, trầm cảm. Tiêu hóa: Buồn nôn.
– Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
– Toàn thân: Tăng cân.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
– Giống như bất kỳ phương pháp nào dùng hormon để tránh thai, levonorgestrel cấy dưới da chỉ được dùng dưới sự giám sát về y tế. Thăm khám các cơ quan vùng khung chậu và tuyến vú cùng việc đo huyết áp cần được theo dõi với các khoảng cách thời gian thích hợp. Do một số người dùng levonorgestrel cấy dưới da có những thời kỳ vô kinh nên bất kỳ lúc nào nghi có thai đều phải tiến hành xét nghiệm thai nghén.
– Sau một thời gian có kinh bình thường đều đặn mà bị mất kinh trong vòng 6 tuần lễ hoặc hơn chứng tỏ đã có thai. Khi có thai phải lấy bỏ các nang đã cấy dưới da ra. Chửa ngoài tử cung đã xảy ra ở những người sử dụng cấy dưới da. Nguy cơ chửa ngoài tử cung tăng lên vào những năm thứ 4, thứ 5 sau khi cấy dưới da và ở những phụ nữ nặng cân. Bất cứ người bệnh nào có đau vùng bụng dưới hoặc đã có mang phải xem xét để loại trừ chửa ngoài tử cung. Do levonorgestrel với liều thấp không đủ để ức chế hoàn toàn sự phát triển của buồng trứng nên có thể gây nguy cơ phát triển các nang buồng trứng. Thông thường những nang này dễ tự tiêu đi.
Liều lượng và cách dùng
– Levonorgestrel cấy dưới da được chỉ định cho những phụ nữ từ 18 đến 40 tuổi. Thời gian dùng trong 5 năm. Lý tưởng nhất là cấy vào ngày thứ nhất của vòng kinh, cũng có thể cấy vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 và phải dùng thêm một biện pháp tránh thai khác không có hormon trong vòng 7 ngày sau khi cấy. Kỹ thuật cấy và lấy thuốc ra phải được thực hiện bởi các nhân viên chuyên trách được đào tạo về kỹ thuật này.
– Chế phẩm thông dụng hiện nay bao gồm 2 viên cấy, mỗi viên chứa 75 mg levonorgestrel, được cấy vào dưới da ở mặt trong cánh tay trong vòng 7 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, hiệu quả duy trì tới 5 năm.
– Một sản phẩm khác gồm 6 viên cấy, mỗi viên chứa 36 mg levonorgestrel, cũng cho hiệu quả 5 năm hiện nay đã không được dùng nữa.
– Levonorgestrel cấy dưới da phải được lấy ra sau 5 năm. Có thể lấy ra vào bất cứ thời điểm nào của chu kỳ kinh nguyệt. Tác dụng tránh thai trên thực tế sẽ mất ngay và cần có một biện pháp mới bắt đầu nếu muốn tiếp tục tránh thai.
Tương tác thuốc
– Tương tác của levonogestrel dạng cấy dưới da cũng giống viên thuốc tránh thai đường uống, cụ thể:
– Levonogestrel làm tăng tác dụng/độc tính của: Các benzodiazepin, selegilin, voriconazol.
– Levonogestrel làm giảm tác dụng/độc tính của: Thuốc kháng vitamin K.
– Các thuốc làm tăng tác dụng/độc tính của levonogestrel gồm: Voriconazol, thuốc thảo dược có chứa progesteron.
– Các thuốc làm giảm tác dụng/độc tính của levonogestrel gồm: Acitretin, aminoglutethimid, aprepitant, barbiturat, carbamazepin, deferasirox, felbamat, fosaprepitant, griseofulvin, mycofenolat, oxcarbazepin, primidon, phenobarbital, phenytoin, phenylbutazon, rifampicin, dẫn xuất acid retinoic, các chất cảm ứng enzym CYP3A4 mạnh.
Độ ổn định và bảo quản
– Bảo quản ở nhiệt độ từ 15 – 30 oC.
Quá liều và xử trí
– Quá liều levonorgestrel có thể gây ứ dịch cùng các tác dụng kèm theo và chảy máu tử cung bất thường.
Thông tin qui chế
– Que cấy giải phóng levonorgestrel có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013.