Hotline: 1800-0027 | Contact@Chothuoctay.com
BÀI VIẾT

Oxacilin Natri

Oxacilin Natri

Tên chung quốc tế: Oxacillin sodium.
Mã ATC: J01CF04.
Loại thuốc: Kháng sinh; penicilin kháng penicilinase; isoxazolyl penicilin.

Dạng thuốc và hàm lượng

– Viên nang: 250 mg; 500 mg.
– Bột để pha dung dịch uống: 250 mg/5 ml (lọ 100 ml).
– Bột để pha thuốc tiêm: 250 mg; 500 mg; 1 g; 2 g; 4 g; 10g. Bột để pha thuốc tiêm truyền tĩnh mạch: 1 g, 2 g.
– Thuốc tiêm (dạng dung dịch bảo quản đông lạnh) để tiêm truyền tĩnh mạch: 20 mg/1 ml dung dịch dextrose 3% (lọ 1 g); 40 mg/1 ml dung dịch dextrose 0,6% (lọ 2 g).

Dược lý và cơ chế tác dụng

– Oxacilin là một kháng sinh bán tổng hợp, thuộc nhóm các penicilin không bị mất hoạt tính bởi penicilinase (penicilin kháng penicilinase).
– Tương tự các penicilin cùng nhóm, oxacilin có khả năng kháng và không bị mất tác dụng bởi men penicilinase của tụ cầu. Oxacilin có tác dụng với nhiều chủng Staphylococcus aureus và S. epidermidis sinh penicilinase đã kháng lại hầu hết các loại penicilin hiện có. Nồng độ ức chế vi khuẩn của oxacilin là 0,4 – 6 microgam/ml. Thuốc được dùng trong điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn do S. aureus đã kháng các penicilin. Tuy nhiên, đến nay đã xuất hiện rất nhiều chủng Staphylococcus aureus kháng oxacilin.
– Đã có báo cáo về tình trạng ngày càng tăng các tụ cầu kháng oxacilin (trước đó đã biết là kháng methicilin). Do vậy, khi bắt đầu điều trị các nhiễm khuẩn do các tụ cầu còn nhạy cảm, nên phối hợp với vancomycin, phòng khi các chủng kháng oxacilin mắc phải ở cộng đồng hoặc bệnh viện. Những trường hợp mắc các bệnh nặng, nằm viện lâu, trẻ thiếu tháng, đái tháo đường, bệnh mạch ngoại vi, các vết thương bỏng hoặc sau phẫu thuật có nguy cơ cao nhiễm tụ cầu kháng oxacilin. Đã phát hiện thấy vi khuẩn kháng oxacilin trong các trường hợp như viêm màng trong tim có lắp van giả, đặt ống thông nội mạch, các shunt dịch não tủy nhiễm khuẩn, rối loạn cấu trúc da, bệnh nhân suy giảm miễn dịch (HIV), trẻ em ung thư bị giảm bạch cầu hạt.
– Theo số liệu điều tra (1997 – 1998), ở Việt Nam, Staph. aureus kháng oxacilin với tỷ lệ khoảng 30%. Những trường hợp nhiễm khuẩn gây ra bởi các S. aureus hoặc S. epidermidis thường được điều trị với vancomycin phối hợp với rifampicin, và/hoặc với một aminoglycosid.
– Mặc dù các penicilin kháng penicilinase có hiệu quả trong điều trị các nhiễm khuẩn gây ra bởi các vi khuẩn ưa khí Gram dương (Streptococcus pneumoniae, S. pyogenes), nhưng in vitro, thuốc thể hiện kém tác dụng hơn các penicilin tự nhiên trên các vi khuẩn Gam dương này. Do vậy, không nên dùng các penicilin kháng penicilinase để điều trị các nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn còn nhạy cảm với các penicilin tự nhiên (như penicilin G và penicilin V). Khi điều trị nhiễm khuẩn hỗn hợp toàn thân do liên cầu và tụ cầu, cần sử dụng cả oxacilin và penicilin G liều cao. Nếu chỉ dùng riêng oxacilin sẽ không có hiệu quả với nhiễm khuẩn do liên cầu. Không nên sử dụng các penicilin kháng penicilinase để phòng nhiễm khuẩn.

Đọc thêm bài viết:  Than hoạt

Dược động học

– Oxacilin được hấp thu nhanh nhưng không hoàn toàn (33%) qua đường tiêu hóa. Thức ăn làm giảm tốc độ và mức độ hấp thu của thuốc. Với mức liều 500 mg, nồng độ tối đa trong huyết tương đạt khoảng 3 – 4 microgam/ml trong vòng 0,5 – 2 giờ sau khi uống; khoảng 7 – 10 microgam/ml, 30 phút sau khi tiêm bắp. Oxacilin chuyển hóa một phần trong cơ thể tạo thành các chất chuyển hóa có và không có tác dụng. Thuốc liên kết cao với protein huyết tương (khoảng 90%). Oxacilin phân bố rộng rãi trong cơ thể, tìm thấy trong cả nước ối, bào thai và sữa mẹ. Oxacilin bài tiết nhanh qua nước tiểu dưới dạng không đổi và chất chuyển hóa có tác dụng, chủ yếu qua ống thận và lọc ở tiểu cầu thận. Nửa đời huyết thanh khoảng 0,3 – 0,8 giờ ở người bệnh có chức năng thận bình thường và kéo dài hơn ở người thiểu năng thận.

Chỉ định

– Oxacilin được dùng trong điều trị các nhiễm khuẩn do tụ cầu đã kháng benzyl penicilin. Tuy nhiên, chỉ dùng trong những trường hợp xác định vi khuẩn sinh penicilinase còn nhạy cảm với thuốc. Thuốc được chỉ định điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn nặng như viêm xương – tủy, viêm màng trong tim, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do nhiễm khuẩn; các nhiễm khuẩn liên quan tới đặt ống thông nội mạch.
– Oxacilin có hiệu quả trong điều trị các nhiễm khuẩn ở đường hô hấp trên và dưới, viêm da và cấu trúc da, các vết bỏng nhiễm khuẩn, viêm xương khớp, viêm đường tiết niệu.
– Không được dùng oxacilin để điều trị nhiễm khuẩn do các tụ cầu kháng methicilin.

Chống chỉ định

– Phản ứng phản vệ trong lần điều trị trước với bất cứ một penicilin hoặc cephalosporin nào.

Thận trọng

– Oxacilin có thể gây dị ứng như penicilin do đó phải tuân thủ những thận trọng thông thường của liệu pháp penicilin. Trước khi bắt đầu điều trị với oxacilin cần điều tra kỹ về những phản ứng dị ứng trước đây, đặc biệt phản ứng quá mẫn với penicilin, cephalosporin hoặc thuốc khác.
– Thuốc có thể ảnh hưởng tới chức năng gan, thận và máu, cần kiểm tra chức năng gan, thận, công thức máu trước và định kỳ trong quá trình điều trị.

Thời kỳ mang thai

– Đã xác định oxacilin qua nhau thai. Sự an toàn khi dùng oxacilin cho bà mẹ mang thai chưa được khẳng định nên chỉ sử dụng khi thật cần thiết.

Thời kỳ cho con bú

– Thuốc có phân bố trong sữa, chưa rõ có gây hại cho trẻ hay không. Cân nhắc khi dùng thuốc cho bà mẹ đang cho con bú hoặc không nên cho con bú khi dùng thuốc.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

– ADR của oxacilin giống như của những penicilin kháng penicilinase khác. Sau khi tiêm, thường gặp những phản ứng ở da, với tỷ lệ xấp xỉ 4% tổng số người được điều trị. Sau khi uống, phản ứng ở đường tiêu hóa gặp nhiều hơn.
– Thường gặp, ADR > 1/100 Tiêu hóa: Buồn nôn, ỉa chảy. Da: Ngoại ban.
– Khác: Viêm tĩnh mạch huyết khối sau khi tiêm tĩnh mạch.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Máu: Tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu. Da: Mày đay.
– Gan: Tăng enzym gan. Hiếm gặp, ADR <1/1 000 Dị ứng: Phản ứng phản vệ.
– Tiêu hóa: Viêm đại tràng có giả mạc. Gan: Vàng da ứ mật.
– Máu: Mất bạch cầu hạt.
– Thận: Viêm thận kẽ và tổn thương ống kẽ thận (phục hồi khi ngừng thuốc kịp thời).

Đọc thêm bài viết:  Cối Xay

Hướng dẫn cách xử trí ADR

– Phải định kỳ đánh giá chức năng thận, gan và máu trong khi điều trị dài ngày bằng oxacilin. Vì các ADR về máu đã xảy ra trong khi điều trị bằng các penicilin kháng penicilinase, nên phải xét nghiệm số lượng và công thức bạch cầu trước khi bắt đầu điều trị và mỗi tuần 1 – 3 lần trong khi điều trị. Ngoài ra, phải làm xét nghiệm nước tiểu, định kỳ định lượng nồng độ creatinin, AST (GOT) và ALT (GPT) trong huyết thanh trước và trong điều trị.
– Nếu thấy có tăng bạch cầu ưa eosin, mày đay hoặc tăng creatinin huyết thanh không có nguyên nhân trong khi điều trị bằng oxacilin, phải dùng liệu pháp chống nhiễm khuẩn khác thay thế.

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng:
– Oxacilin natri được dùng uống, tiêm bắp sâu, tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Không nên dùng dạng thuốc uống khi bắt đầu điều trị các nhiễm khuẩn nặng hoặc điều trị cho người có chứng buồn nôn, nôn, giãn dạ dày, không giãn được tâm vị (gây phình to thực quản) hoặc tăng nhu động ruột.
– Do thức ăn ảnh hưởng đến hấp thu oxacilin qua đường tiêu hóa, nên uống thuốc ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn.
– Khi tiêm bắp phải tiêm sâu vào một khối cơ lớn, khi tiêm tĩnh mạch phải tiêm chậm trong vòng 10 phút để giảm thiểu kích ứng tĩnh mạch.
– Khi tiêm truyền tĩnh mạch liên tục oxacilin, không cho thêm bất kỳ chất phụ nào vào thuốc tiêm. Thuốc tiêm truyền ở dạng bảo quản đông lạnh, để rã đông ở nhiệt độ phòng hoặc trong tủ lạnh trước khi dùng, không rã đông bằng đun cách thủy hoặc lò vi sóng.
Liều lượng:
– Liều lượng được biểu thị theo oxacilin.
– Người lớn: Liều thường dùng:
– Uống 500 mg – 1 g/lần, cách 4 – 6 giờ/lần. Tối đa 6 g/ngày.
– Tiêm bắp, tĩnh mạch chậm hoặc tiêm truyền: 250 – 500 mg/lần, 4 – 6 giờ/lần. Có thể tăng đến liều 1 g/lần khi bệnh nặng. Đã có trường hợp dùng tới 12 g/ngày để điều trị các nhiễm khuẩn nặng như viêm màng trong tim và viêm xương – tủy.
Trẻ em:
– Trẻ đẻ non và sơ sinh: Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 6,25 mg/kg thể trọng/lần, 6 giờ/lần.
– Trẻ em cân nặng dưới 40 kg: Uống 12,5 – 25 mg/kg thể trọng/lần, 6 giờ/lần; Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 12,5 – 25 mg/kg thể trọng/lần, 6 giờ/lần, hoặc 16,7 mg/kg thể trọng, 4 giờ/lần.
– Trẻ em cân nặng 40 kg trở lên: Dùng như liều người lớn.
– Liều cho một số trường hợp đặc biệt, nhiễm vi khuẩn nhạy cảm với oxacilin:
– Viêm màng não do vi khuẩn:
– Trẻ sơ sinh cân nặng < 2 kg: Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, 25 – 50 mg/kg thể trọng/lần, 12 giờ/lần (dưới 1 tuần tuổi); 50 mg/kg thể trọng/lần, 8 giờ/lần (trên 1 tuần tuổi).
– Trẻ sơ sinh cân nặng 2 kg trở lên: Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, 50 mg/kg thể trọng/lần, 8 giờ/lần (dưới 1 tuần tuổi), hoặc 6 giờ/lần (trên 1 tuần tuổi).
– Viêm màng trong tim do tụ cầu:
– Người lớn: Tiêm tĩnh mạch 2 g/lần, 4 giờ/lần, trong 4 – 6 tuần. Có thể phối hợp điều trị với gentamicin tiêm bắp hoặc tĩnh mạch (liều 1 mg/kg thể trọng, 8 giờ/lần) trong 3 – 5 ngày đầu điều trị với oxacilin.
– Trường hợp bệnh nhân có lắp van giả, dùng liều tiêm oxacilin như trên, trong ≥ 6 tuần và phối hợp với rifampicin (uống 300 mg/ lần, 8 giờ/lần, dùng trong 6 tuần), gentamicin tiêm bắp hoặc tĩnh mạch (liều 1 mg/kg thể trọng, 8 giờ/lần) trong 2 tuần đầu điều trị với oxacilin.
– Trẻ em: Tiêm tĩnh mạch 30 – 50 mg/kg thể trọng, 4 – 6 giờ/lần, dùng trong 6 tuần. Có thể phối hợp điều trị với gentamicin (tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 3 mg/kg thể trọng/ngày, chia đều làm 3 lần) trong 3 – 5 ngày đầu điều trị với oxacilin.
– Trường hợp bệnh nhân có lắp van giả, dùng liều tiêm oxacilin như trên, điều trị ≥ 6 tuần, phối hợp với rifampicin (uống 20 mg/kg thể trọng/ngày, chia đều làm 3 lần, dùng ≥ 6 tuần), gentamicin (tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 3 mg/kg thể trọng/ngày, chia đều làm 3 lần) trong 2 tuần đầu điều trị với oxacilin.
– Điều trị những bệnh nhiễm khuẩn nặng hơn gồm nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới hoặc nhiễm khuẩn rải rác và viêm xương – tủy ở trẻ em trên 1 tháng tuổi và dưới 40 kg thể trọng: 100 – 200 mg/kg/ngày, chia đều 4 – 6 lần.
– Điều chỉnh liều lượng đối với người suy thận: Nếu Clcr < 10 ml/phút, dùng mức thấp của liều thường dùng.
– Thời gian điều trị: Thời gian điều trị bằng oxacilin phụ thuộc vào loại và mức độ nặng nhẹ của nhiễm khuẩn và được xác định tùy theo đáp ứng điều trị lâm sàng và xét nghiệm vi khuẩn. Trong bệnh nhiễm tụ cầu nặng, điều trị với oxacilin trong ít nhất 1 – 2 tuần. Khi điều trị viêm xương – tủy hoặc viêm màng trong tim, thời gian điều trị với oxacilin kéo dài hơn.

Đọc thêm bài viết:  Thuốc tương tự Hormon giải phóng Gonadotropin

Tương tác thuốc

– Dùng đồng thời với các kháng sinh kìm khuẩn như tetracyclin làm giảm tác dụng của oxacilin.
– Probenecid làm tăng nồng độ oxacilin trong huyết thanh, có thể do probenecid đã làm giảm bài tiết thuốc qua lọc ở ống thận.
– Các penicilin có thể làm chậm thải trừ methotrexat ra khỏi cơ thể.

Độ ổn định và bảo quản

– Thuốc dưới dạng dung dịch pha sẵn để tiêm truyền tĩnh mạch cần bảo quản đông băng ở ít nhất – 20 oC hoặc thấp hơn. Sau khi rã đông, thuốc ổn định trong vòng 48 giờ nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng, 21 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh (5 oC); không nên bảo quản lại trong đông băng.
– Thuốc bột pha tiêm có thể ổn định khi bảo quản ở nhiệt độ phòng. Sau khi pha trong nước pha tiêm theo hướng dẫn, dung dịch bền trong 3 ngày nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng, 7 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh.

Tương kỵ

– Hỗn hợp các kháng sinh nhóm beta-lactam với các aminoglycosid làm mất tác dụng của các beta-lactam, giảm nồng độ aminoglycosid trong huyết thanh. Do vậy, không dùng đồng thời oxacilin với các kháng sinh nhóm aminoglycosid. Nếu phải phối hợp trong điều trị, không nên dùng cùng thời điểm; không được pha trong cùng dung dịch tiêm; cần phải pha, tiêm riêng rẽ các loại thuốc này.

Thông tin qui chế

– Oxacilin có trong Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.

Tên thương mại

– Auxacilin; Biotam; Clopencil; Ocina Powder; Oxacilin; Oxacillin; Oxacillin Sodium; Oxalipen; Oxamark 500; Oxatalis; Vidtadin.

Organization: https://chothuoctay.com/
Mô tả: Giúp người bệnh mua thuốc online chính hãng
Tiểu đường thai kỳ Chothuoctay

Tiểu đường thai kỳ

Bạn đã từng nghe về tiểu đường thai kỳ? Đây là một tình trạng đáng lo ngại mà nhiều phụ nữ mang thai phải đối