Hotline: 1800-0027 | Contact@Chothuoctay.com
BÀI VIẾT

Propyliodon

Propyliodon

Tên chung quốc tế: Propyliodone.
Mã ATC: V08AD03.
Loại thuốc: Thuốc cản quang chụp phế quản.

Dạng thuốc và hàm lượng

– Hỗn dịch dầu 60% (340 mg iod/ml): 20 ml; hỗn dịch nước 50%.

Dược lý và cơ chế tác dụng

– Propyliodon là bột kết tinh trắng hoặc gần như trắng, không mùi hoặc hơi có mùi, chứa khoảng 56,8% iod; hầu như không tan trong nước, tan ít trong ethanol 96% và cloroform, tan rất ít trong ether. Theo Dược điển Anh, hỗn dịch nước có pH từ 6 đến 7,5.
– Propyliodon là thuốc cản quang chứa iod dùng để kiểm tra đường phế quản. Thường dùng dưới dạng hỗn dịch nước 50% hoặc hỗn dịch dầu 60% (chế phẩm có chứa khoảng 30% iod hữu cơ), nhỏ trực tiếp vào phế quản, tạo nên hình ảnh rất rõ trong ít nhất 30 phút. Có nghiên cứu cho rằng, dạng hỗn dịch trong dầu ưa dùng trong kiểm tra tổn thương ngoại vi, dạng hỗn dịch trong nước hay dùng để kiểm tra các tổn thương trung tâm.

Dược động học

– Sau khi vào phổi, một lượng thuốc có thể được khạc ra và nuốt vào đường tiêu hóa, phần còn lại (ít nhất 50%) được hấp thu vào máu, thủy phân nhanh và thải qua nước tiểu dưới dạng di-iodopyridon acetat. Khoảng 50% lượng thuốc hấp thu thải qua nước tiểu trong vòng 3 ngày.
– Thuốc được thải khỏi phổi trong vòng 7 – 10 ngày. Thuốc và sản phẩm chuyển hóa thải trừ hoàn toàn trong khoảng 3 tuần.

Chỉ định

– Chụp X-quang phế quản, khí quản.

Chống chỉ định

– Bệnh tim nặng.
– Mẫn cảm với propyliodon, iod và chất cản quang chứa iod hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

Thận trọng

– Thận trọng với người bị bệnh tim. Cũng cần thận trọng trong trường hợp hen, giãn phế quản, hoặc khi chức năng phổi giảm. Nếu cần kiểm tra phế quản cả hai bên, thì phải cách nhau một số ngày (không ít hơn 72 giờ). Đưa một lượng thuốc quá lớn hoặc quá nhanh, sẽ làm xẹp thùy phổi. Dùng chất cản quang chứa iod có thể gây cản trở các test chức năng tuyến giáp.

Thời kỳ mang thai

– Một số thuốc cản quang chứa iod qua được hàng rào nhau thai và đôi khi gây suy tuyến giáp bẩm sinh. Hơn nữa, các nguy cơ do tiếp xúc với tia phóng xạ ảnh hưởng đến thai nhi cũng đáng lo ngại, vì vậy chống chỉ định dùng thuốc trong thời kỳ mang thai.

Thời kỳ cho con bú

– Không rõ nguy cơ khi người mẹ dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

– Thường gặp, ADR > 1/100
– Hô hấp: Ho, khó thở, thở khò khè. Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
– Toàn thân: Có sốt nhẹ (thấp hơn 38 oC), đôi khi khó chịu và đau khớp, đôi khi kèm theo ho.
– TKTW: Đau đầu, chóng mặt.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Khó thở, xẹp phổi, viêm phổi. Hiếm gặp, ADR < 1/1 000 Phản ứng quá mẫn.

Liều lượng và cách dùng

– Propyliodon thường dùng dưới dạng hỗn dịch nước 50% hoặc hỗn dịch dầu 60%.
– Liều dùng cho 1 lần kiểm tra một phổi là 0,75 – 1 ml cho mỗi năm tuổi, liều tối đa là 18 ml. Ở người lớn, atropin 0,6 mg hoặc 1 mg tiêm dưới da hoặc tiêm bắp được chỉ định trước khi dùng propyliodon 1 giờ. Gây tê tại chỗ khí quản và thanh quản (lidocain 1% hoặc 2%) trước khi dùng thuốc để ức chế phản ứng ho. Ở trẻ em, có thể phải gây mê trước khi dùng thuốc.
– Tránh làm nóng propyliodon trước khi dùng vì làm tăng ADR.

Độ ổn định và bảo quản

– Hỗn dịch dầu được bảo quản dưới 30 °C, hỗn dịch nước bảo quản từ 10 – 30 °C. Để trong lọ kín, tránh ánh sáng.

Quá liều và xử trí

– Liều quá lớn có thể gây xẹp phổi, viêm phổi. Điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Organization: https://chothuoctay.com/
Mô tả: Giúp người bệnh mua thuốc online chính hãng