Có đến 2 thuốc phối hợp dùng trong phá thai nội khoa. Một là Mifepriston (trước đây còn gọi RU486) và hai là Misoprostol. Hai thuốc này được dùng phối hợp để chấm dứt sớm sự thụ thai (early termination of pregnancy). Vào năm 1980, hợp chất có tên Mifepriston được tổng hợp và cho thấy có tác dụng kháng progesteron. Ta nên biết một trong hai hormone sinh dục nữ là progesteron đóng vai trò quan trọng trong sự thụ thai và duy trì thai ở người phụ nữ. Nếu trứng (noãn) đã thụ tinh mà sự tiết progesteron không đầy đủ hoặc progesteron bị kháng sẽ làm trứng thụ tinh không làm tổ được và sinh ra sẩy thai. Mifepriston có tác dụng đối kháng tương tranh với progesteron làm cho hormone này không gắn được vào thụ thể của nó ở niêm mạc tử cung, hậu quả là niêm mạc tử cung không phát triển thuận lợi cho việc làm tổ của trứng thụ tinh. Còn Misoprostol là một dẫn chất prostaglandin (tức chất có cấu trúc tương tự chất sinh học prostaglandin) được dùng làm thuốc ngừa viêm loét dạ dày – tá tràng nếu phải sử dụng lâu dài thuốc chống viêm không steroid vì nó có tác dụng bảo vệ niêm mạc hay bảo vệ tế bào (tên biệt dược của Misoprostol là Cytotec nghĩa là bảo vệ tế bào). Do là dẫn chất prostaglandin nên Misoprostol còn có tác dụng gây co thắt tử cung. Từ năm 1990, Mifepriston đã được thử nghiệm phối hợp với Misoprostol để chấm dứt sớm sự thụ thai mà nay ta gọi là phá thai nội khoa. Như vậy, ta có thể hình dung cơ chế tác dụng của sự phối hợp thuốc này là Mifepristol làm thai không làm tổ gắn vào nội mạc tử cung được và Misoprotol gây co thắt tử cung để tống thai ra. Từ đó đến nay nhiều công trình nghiên cứu chứng tỏ sự kết hợp thuốc Mifepriston và Misoprostol rất tốt, ít gây biến chứng xuất huyết hoặc các tác dụng phụ đáng kể so với một số liệu pháp khác. Mifepriston được sử dụng từ khá lâu ở các nước châu Âu trong khi Mỹ là nước có phong trào chống phá thai hoạt động mạnh chỉ mới công nhận gần đây. Ở ta sự phối hợp thuốc đã được thử nghiệm lâm sàng và sử dụng trong mấy năm gần đây. Đương nhiên thuốc chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa phụ sản ở các cơ sở điều trị. Ở đây, xin được nói thêm, Mifepriston còn được thử nghiệm dùng làm thuốc ngừa thai khẩn cấp (TNTKC) hay ngừa thai sau giao hợp (giống như Postinor). Như vào năm 1992, Mifepriston được dùng làm TNTKC thử trên 800 phụ nữ ở Scotland, kết quả cho thấy 800 phụ nữ được dùng liều duy nhất 600mg Mifepriston trong vòng 72 giờ sau giao hợp, không có trường hợp nào có thai. Trong khi nếu dùng TNTKC là 2 liều: ethinylestradiol 100 microgram + norgestrel 1mg (tính cho 1 liều) cách nhau 12 giờ (giống như cách uống Postinor), tỷ lệ thất bại (tức đậu thai) là 1%. Ngoài ra, Mifepriston dung nạp tốt hơn, ít gây nôn mửa hơn thuốc là hormone sinh dục nữ
Các bước tiến hành trong phá thai nội khoa (PTNK) Bước 1: Sau khi hoàn tất các khâu kiểm tra sức khỏe và người nữ chấp thuận, sẽ được uống viên thuốc Mifepriston thứ 1. Có thể có chảy máu sau khi uống thuốc. Bước 2: Sẽ uống loại thuốc Misoprostol vào hai ngày sau, đồng thời ở lại BV trong ba giờ sau đó để được theo dõi. Bước 3: Quan trọng là phải trở lại tái khám sau hai tuần để chắc chắn là sẩy thai đã hoàn tất. So với phương pháp phá thai thông thường là nạo hút thai là PTNK có ưu điểm là đơn giản, kín đáo, riêng tư và ít nguy cơ nhiễm trùng tử cung, không gây sang chấn trên tử cung có thể ảnh hưởng đến tương lai sinh sản sau này