Retinol (vitamin A), có mã ATC A11CA01, S01XA02, R01AX02, D10AD02. Nó có dạng và hàm lượng khác nhau, thường được sử dụng để điều trị và dự phòng thiếu hụt vitamin A. Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong nhiều phản ứng sinh học trong cơ thể, bao gồm sự phát triển xương, thị lực, tính toàn vẹn của niêm mạc, và nhiều tác dụng khác. Tuy nhiên, cần thận trọng với quá liều và tương tác thuốc khi sử dụng vitamin A.
Tên chung quốc tế: Retinol.
Mã ATC: A11CA01, S01XA02, R01AX02, D10AD02.
Loại thuốc: Vitamin.
Dạng thuốc và hàm lượng
– Hàm lượng vitamin A trong thực phẩm thường được biểu thị dưới dạng đương lượng retinol (RE: Retinol equivalent). Một RE bằng 1 microgam retinol và bằng 3,3 đvqt. Một đvqt tương đương 0,3 microgam retinol.
– Vitamin A (dạng retinol, retinyl palmitat hoặc retinyl acetat). Nang 8 000 đvqt (2 400 RE); 10 000 đvqt (3 000 RE); 25 000 đvqt (7 500 RE).
– Nang hòa lẫn với nước: 10 000 đvqt (3 000 RE).
– Viên nén: 5 000 đvqt (1 500 RE); 10 000 đvqt (3 000 RE); 15 000 đvqt (4 500 RE).
– Thuốc tiêm: 50 000 đvqt (15 000 RE)/ml.
– Chương trình bổ sung vitamin A liều cao dự phòng: Nang màu đỏ: 200 000 đvqt.
– Nang màu xanh: 100 000 đvqt.
Dược lý và cơ chế tác dụng
– Vitamin A là một vitamin hòa tan trong mỡ, có trong thực phẩm dưới nhiều dạng khác nhau. Thuật ngữ vitamin A bao gồm cả các carotenoid tiền vitamin A là tiền chất của retinol có trong thực phẩm. Retinol (vitamin A1) có dưới dạng este hóa ở trong trứng, sữa toàn phần, bơ thực vật tăng cường, thịt và dầu cá biển.
– 3- Dehydroretinol (vitamin A2) có trong cá nước ngọt (thường hỗn hợp với retinol) và chỉ có khoảng 30 – 40% hoạt tính sinh học của retinol. Các sắc tố carotenoid tiền vitamin A, trong đó có beta- caroten có hoạt tính mạnh nhất, có ở trong rau, quả xanh và quả vàng đặc biệt là ở quả gấc, củ cà rốt, được chuyển thành retinol ở người. Ở người, vitamin A ngoại sinh cần thiết cho cơ thể tăng trưởng và phát triển xương, thị lực, sinh sản và tính toàn vẹn của bề mặt niêm mạc và biểu mô. Ở võng mạc, retinol được chuyển thành aldehyd, cis-retinal, phối hợp với opsin để tạo thành rhodopsin là sắc tố của thị lực. Vitamin A cũng tác động như 1 đồng yếu tố trong nhiều phản ứng sinh hóa bao gồm tổng hợp mucopolysacharid, tổng hợp cholesterol và chuyển hóa hydroxy steroid.
– Nhu cầu vitamin A ở người dưới dạng vitamin A tạo sẵn (retinol).
– Thiếu vitamin A dẫn đến khô mắt, vết Bitot, nhuyễn giác mạc, quáng gà, tăng sừng hóa ở da, dị sản biểu mô màng nhầy và giảm sức đề kháng với nhiễm khuẩn. Cho dùng vitamin A đảo ngược hoàn toàn các dấu hiệu thiếu vitamin A trừ khi tổn thương không hồi phục của nhuyễn giác mạc.
– Do nguy cơ quá liều vitamin A, một số nhà lâm sàng khuyến cáo không dùng các chế phẩm vitamin A trừ khi do thiếu vitamin A và trong các tình huống dự phòng thích hợp. Vì vitamin A đóng một vài trò trong điều hòa, biệt hóa và tăng trưởng tế bào, một vài nghiên cứu đã đánh giá sự kết hợp giữa vitamin A và một số typ ung thư. Tuy nhiên, mối liên quan giữa nồng độ huyết thanh vitamin A hoặc bổ sung vitamin A và nguy cơ ung thư không rõ ràng. Uống vitamin A không chứng tỏ bất cứ một giá trị điều trị nào, tuy vậy vitamin A đã được kê đơn để điều trị rong kinh, ít tinh dịch, loét đường tiêu hóa, bệnh vảy phấn đỏ chân lông (pityriasis rubra follicularis), hội chứng Hurler, trứng cá, mất khứu giác, vết thương, bỏng, dự phòng nhiễm khuẩn, viêm mũi teo, sỏi thận, cường giáp, thiếu máu, điếc, cháy nắng, viêm âm đạo teo, bạch sản, ung thư, các bệnh thoái hóa của hệ TKTW.
Dược động học:
– Hấp thu: Thuốc hấp thu nhanh và hoàn toàn nếu liều không vượt quá nhiều nhu cầu sinh lý và nếu hấp thu mỡ bình thường. Hấp thu không đầy đủ nếu uống liều lớn và khi kém hấp thu mỡ, ăn ít protein hoặc có bệnh ở gan hoặc tụy. Các chế phẩm hòa tan trong nước của retinol hoặc este của retinol hấp thu ở đường tiêu hóa nhanh hơn dung dịch dầu. Este retinol bị thủy phân ở ống đường tiêu hóa do enzym tụy. Retinol được hấp thu và este lại chủ yếu tạo thành retinol palmitat. Este acid béo của retinol vào tuần hoàn nhờ vận chuyển của vi thể dưỡng chấp (chylomicron) của bạch huyết. Sau khi uống retinol dung dịch dầu, nồng độ đỉnh huyết tương của este retinol đạt được sau khoảng 4 – 5 giờ và 3 – 4 giờ sau khi uống retinol hòa lẫn với nước; nồng độ huyết tương cũng cao hơn khi dùng chế phẩm hòa lẫn với nước của retinol so với chế phẩm dầu. Nồng độ retinol huyết thanh bình thường dao động từ 300 – 700 nanogam/ml ở người lớn và từ 200 – 500 nanogam/ml ở trẻ nhỏ. Phân bố: Retinyl palmitat và 1 lượng nhỏ retinol và retinal được dự trữ ở gan. Một lượng ít hơn retinyl palmitat được dự trữ ở thận, phổi, tuyến thượng thận, võng mạc và mỡ trong màng bụng. Dự trữ vitamin A trong cơ thể đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể trong một vài tháng. Vitamin A phân bố vào sữa, không dễ dàng vào nhau thai. Retinol được giải phóng từ gan, gắn vào α1 – globulin đặc hiệu, protein gắn retinol (RBP). Giải phóng retinol từ gan phụ thuộc một số yếu tố bao gồm protein và kẽm (Zn). RBP tuần hoàn trong máu như 1 phức hợp với 1 protein tiền – albumin. Nồng độ RBP có thể giảm ở người bệnh bị suy dinh dưỡng do thiếu protein. Nồng độ retinol huyết thanh không nhất thiết là 1 chỉ dẫn tốt về tình trạng dinh dưỡng của vitamin A vì nồng độ huyết thanh phụ thuộc vào nồng độ RBP và không phản ánh dự trữ ở gan cho tới khi dự trữ bị giảm nặng. Sau khi ăn một chế độ ăn thiếu vitamin A, nồng độ bình thường vitamin A huyết thanh được duy trì cho tới khi dự trữ ở gan bị cạn kiệt. Ở người bị thiếu vitamin A, cho dùng vitamin A điều chỉnh được nồng độ vitamin A ở võng mạc, tiếp theo là tích lũy vitamin ở gan; nồng độ huyết thanh duy trì bình thường cho tới khi dự trữ ở gan được bão hòa. Bệnh nhân bị viêm cầu thận hoặc thận hư nhiễm mỡ có thể có nồng độ vitamin A huyết thanh tăng vì RBP hoặc do bất thường dự trữ. Nếu vitamin A liều cao được cho sau khi dự trữ đã bão hòa, khả năng gắn của RBP bị vượt và retinol không được gắn do lipoprotein chuyên chở có thể vào tuần hoàn. Retinol không gắn có thể gây ra nhiều tác dụng độc trên màng tế bào, dẫn đến quá liều vitamin A.
– Thải trừ: Retinol liên hợp với acid glucuronic; beta-glucuronid tham gia vào tuần hoàn gan – ruột và oxi – hóa thành retinal và acid retinoic. Acid retinoic bị khử carboxyl và liên hợp với acid glucuronic và đào thải vào phân qua mật. Retinal, acid retinoic và các chất chuyển hóa khác hòa tan trong nước đào thải qua nước tiểu và phân. Bình thường, không có retinol không biến đổi đào thải qua nước tiểu; tuy vậy, ở người bệnh bị viêm phổi hoặc viêm thận mãn, vitamin không chuyển hóa có thể bị đào thải.
Chỉ định
– Dự phòng và điều trị thiếu hụt vitamin A (quáng gà, khô mắt). Thiếu vitamin A phổ biến ở các nước đang phát triển. Bổ sung vitamin A liều cao để kiểm soát khô mắt, ngăn chặn mù và làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do một số bệnh nhiễm khuẩn (sởi). WHO đã đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. WHO hiện nay khuyến cáo bổ sung vitamin A cho tất cả trẻ em mắc bệnh sởi cấp.
– Bổ sung cho người bệnh gan, đặc biệt là viêm gan tắc mật do giảm hấp thu và dự trữ vitamin A.
– Bệnh khác: Bệnh Darier (Keratosis follicularis), bệnh vẩy cá, bệnh vảy nến. Tuy vậy, nhiều retinoid khác (như acitretin, etretinat, isotretinoin, tetrinoin) đã được nghiên cứu để thay thế.
Chống chỉ định
– Người bệnh dùng quá liều vitamin A.
– Nhạy cảm với vitamin A hoặc thành phần khác trong chế phẩm. Chế phẩm uống liều cao cho người bị hội chứng kém hấp thu. Tiêm tĩnh mạch.
– Dùng liều cao hơn nhu cầu hàng ngày cho người mang thai hoặc có thể mang thai.
Thận trọng
– Cần thận trọng khi có dùng thuốc khác có chứa vitamin A.
Thời kỳ mang thai
– Tránh dùng vitamin A hay các chế phẩm tổng hợp cùng loại như isotretinoin với liều cao cho phụ nữ có thai vì vitamin A liều cao (10 000 đvqt/ngày) có khả năng gây quái thai.
Thời kỳ cho con bú
– Vitamin A bài tiết vào sữa mẹ. Khi cho con bú, các bà mẹ cần dùng hàng ngày với liều 4 000 – 4 330 đvqt vitamin A.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
– Các tác dụng phụ và tác dụng có hại sẽ xuất hiện khi dùng vitamin liều cao dài ngày hay khi uống phải một liều rất cao vitamin A (xem phần điều trị ngộ độc và quá liều ở dưới).
Hướng dẫn cách xử trí ADR
– Cần ngừng dùng thuốc ngay khi có các triệu chứng của tác dụng phụ.
Liều lượng và cách dùng
Cách dùng:
– Viên nang vitamin A liều cao thường uống. Vitamin A có thể tiêm bắp nếu có hội chứng kém hấp thu.
Liều lượng:
– Thiếu vitamin A: Nhiều phác đồ được khuyến cáo: Người lớn và trẻ em > 8 tuổi: 100 000 đvqt vitamin A/ngày trong 3 ngày, tiếp theo 50 000 đvqt/ngày trong 2 tuần, và sau đó 10 000 – 20 000 đvqt/ngày trong 2 tháng. Nếu không uống được hoặc có hội chứng kém hấp thu: Liều khuyến cáo tiêm bắp cho người lớn và trẻ > 8 tuổi: 100 000 đvqt/ngày trong 3 ngày, tiếp theo 50 000 đvqt/ngày trong 2 tuần. Trẻ em 1 – 8 tuổi: tiêm bắp 17 500 – 35 000 đvqt/ngày trong 10 ngày. Trẻ < 1 tuổi: 7 500 – 15 000 đvqt 1 lần/ngày trong 10 ngày. Điều trị tiếp tục bằng uống chế phẩm đa sinh tố; người lớn và trẻ em > 8 tuổi phải uống chế phẩm chứa 10 000 – 20 000 đvqt vitamin A; Trẻ em < 8 tuổi uống chế phẩm chứa 5 000 -10 000 đvqt vitamin A/ngày trong 2 tháng. Trẻ đẻ nhẹ cân cũng cần bổ sung vitamin A nhưng chưa xác định được liều.
– Khô mắt: (quáng gà, khô màng tiếp hợp kèm vết Bitot, khô giác mạc, loét giác mạc, nhuyễn giác mạc). Ở người lớn và trẻ em: WHO khuyến cáo: 3 liều uống vitamin A; liều thứ nhất uống ngay sau khi được chẩn đoán; liều thứ hai uống ngày hôm sau; sau đó, liều thứ ba uống ít nhất 2 tuần sau. Liều khuyến cáo 50 000 đvqt cho trẻ nhỏ < 6 tháng tuổi, 100 000 đv cho trẻ 6 -12 tháng tuổi và 200 000 đv cho người lớn và trẻ > 12 tháng tuổi.
– Vì vitamin A liều cao có tiềm năng gây quái thai, phụ nữ ở tuổi mang thai thường được điều trị khô mắt với liều thấp hơn. Liều do WHO khuyến cáo để điều trị quáng gà hoặc vết Bitot ở phụ nữ ở tuổi mang thai: 5 000 – 10 000 đvqt uống ngày 1 lần trong ít nhất 4 tuần; một cách khác, có thể cho liều hàng tuần không vượt quá 25 000 đvqt. Nếu bị khô mắt nặng (như loét giác mạc), mù có thể xảy ra trong vòng 24 – 48 giờ ở đa số người bệnh, dùng vitamin A liều cao, bất luận có mang hay không, nghĩa là 200 000 đvqt vitamin A ngay khi chẩn đoán, liều thứ 2 vào ngày sau, liều thứ 3 ít nhất 2 tuần sau.
– Ở các nước đang phát triển, phổ biến thiếu vitamin A. Liều 50 000 – 200 000 đvqt vitamin A đã được cho uống ở trẻ em cách nhau 4 – 6 tháng để dự phòng nhuyễn giác mạc và mù.
– Ở Việt Nam, đã triển khai chương trình bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em từ 6 – 36 tháng tuổi. Uống theo đợt chiến dịch, mỗi năm 2 đợt cho trẻ em 6 – 36 tháng tuổi. Viên nang: 200 000 đvqt.
– Từ 6 – 12 tháng tuổi: Uống 1/2 viên/6 tháng, uống 1 lần
– Từ 13 – 36 tháng tuổi: Uống 1 viên nang/6 tháng, uống 1 lần. Uống thường xuyên không theo chiến dịch và chỉ uống 1 lần: Bà mẹ sau khi sinh con: Uống 1 viên nang.
– Trẻ < 5 tuổi bị mắc các bệnh có nguy cơ thiếu vitamin A (sởi, ỉa chảy kéo dài, viêm đường hô hấp cấp, suy dinh dưỡng nặng): dưới 1 tuổi: Uống 1/2 viên nang (3 – 4 giọt). Trên 1 tuổi: Uống 1 viên. Trẻ < 6 tháng tuổi không được bú mẹ cho uống 50 000 đvqt (khoảng 2 giọt).
– Sởi: Trẻ em bị mắc sởi cấp phải điều trị 2 liều vitamin A, uống hoặc tiêm bắp. Trẻ < 6 tháng tuổi: 50 000 đvqt vitamin A ngày 1 lần, trong 2 ngày. Trẻ từ 6 – 11 tháng tuổi: 100 000 đvqt ngày 1 lần, trong 2 ngày. Trẻ ≥ 12 tháng tuổi: 200 000 đvqt ngày 1 lần trong 2 ngày.
Tương tác thuốc
– Neomycin, cholestyramin, parafin lỏng làm giảm hấp thu vitamin A. Các thuốc uống tránh thai có thể làm tăng nồng độ vitamin A trong huyết tương.
– Vitamin A và isotretinoin dùng đồng thời thì có thể dẫn đến tình trạng như dùng vitamin A quá liều, do đó cần tránh dùng đồng thời hai thuốc này.
– Orlistat có thể làm giảm hấp thu vitamin A, có thể gây nồng độ vitamin A huyết tương thấp ở một số người.
– Wafarin: Liều cao vitamin A có thể làm tăng tác dụng giảm prothrombin huyết của warfarin.
Độ ổn định và bảo quản
– Vitamin A không bền vững, cần bảo vệ tránh ánh sáng và không khí. Các chế phẩm vitamin A cần bảo quản ở nhiệt độ dưới 40 oC, tốt nhất là 15 – 30 oC; nút kín, tránh không khí và ánh sáng, không để đông lạnh. Vitamin A palmitat tiêm phải bảo quản ở 2 – 8 oC và không được làm đông băng.
Quá liều và xử trí
– Triệu chứng: Ngộ độc mạn tính: Dùng vitamin A liều cao kéo dài có thể dẫn đến ngộ độc vitamin A. Các triệu chứng đặc trưng là: Mệt mỏi, dễ bị kích thích, chán ăn, sút cân, nôn, rối loạn tiêu hóa, sốt, gan – lách to, da bị biến đổi, rụng tóc, tóc khô ròn, môi nứt nẻ và chảy máu, thiếu máu, nhức đầu, calci huyết cao, phù nề dưới da, đau ở xương và khớp. Ở trẻ em các triệu chứng ngộ độc mạn tính còn gồm cả tăng áp lực nội sọ (thóp căng), phù gai mắt, ù tai, rối loạn thị giác, sưng đau dọc các xương dài. Khi ngừng dùng vitamin A thì các triệu chứng cũng mất dần nhưng xương có thể ngừng phát triển do các đầu xương dài đã cốt hóa quá sớm.
– Ngộ độc cấp: Uống vitamin A liều rất cao dẫn đến ngộ độc cấp với các dấu hiệu buồn ngủ, chóng mặt hoa mắt, buồn nôn, nôn, dễ bị kích thích, nhức đầu, mê sảng và co giật, ỉa chảy Các triệu chứng xuất hiện sau khi uống từ 6 – 24 giờ.
– Xử trí: Phải ngừng dùng thuốc. Điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.
Thông tin qui chế
– Vitamin A có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013 và Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.
Tên thương mại
– AVI-O5; Vitamin A.
Xem thêm sản phẩm có chứa hoạt chất
A-Z Kapseln – Bổ sung các Vitamin tổng hợp, khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.
CORGIN – Bổ sung các dưỡng chất từ Nhân sâm và Đông trùng hạ thảo bồi bổ cơ thể.
Robomin – Giúp tăng cường sức khỏe, thể lực và sức đề kháng.
Dr Liver – Viên uống thải độc gan
Greenmaton – Bổ sung các vitamin, khoáng chất và acid amin
Vp Mader – Thúc đẩy quá trình làm liền vết thương nhanh hơn không để lại sẹo
19B With Linhzi Korea – Bổ sung các Vitamin và khoáng chất, kích thích ăn ngon, bồi bổ cơ thể
Nutrigen Supra – Giúp bổ sung 13 vitamin và 10 khoáng chất cho cơ thể.
Premium Iron – Viên sắt cho mẹ bầu và người thiếu máu.
Anzela Cream – Kem bôi da đặc trị thâm mụn.
Avi O5 10g – Hỗ trợ điều trị trong các trường hợp dưỡng da, liền sẹo
Ginseng Gold Max – Bổ sung vitamin và các dưỡng chất cần thiết.
Kẹo omega 3 Nutri D-Day Baby Kids – Tăng cường trí nhớ, phát triển tư duy.