Thông tin chung
Tên tiếng Việt: Chỉ xác
Tên khoa học: Fructus citri Aurantii
Họ: Rutaceae
Mô tả Chỉ xác
– Chỉ xác (Fructus Citri Aurantii) là quả bánh tẻ của cây cam (hái lúc gần chín), ngoài ra nguồn dược liệu còn được lấy từ cây thuộc chi Citrus họ cam Rutaceae. Chỉ xác quả được hái khi gần chín (quả bánh tẻ), quả to nên thường phải bổ đôi để phơi cho chóng khô. Chỉ là tên cây, xác tức còn cả vỏ và xơ vì do quả được bổ đôi phơi khô nên làm ruột quả bị quắt lại.
– Chỉ xác có hình bán cầu, đường kính 3 – 5cm, vỏ ngoài màu nâu hoặc nâu thẫm, ở đỉnh có những điểm túi tinh dầu dạng hạt trũng xuống, thấy rõ có vết vòi nhụy còn lại hoặc vết sẹo của cuống quả. Mặt cắt lớp vỏ quả giữa màu trắng vàng, nhẵn, hơi nhô lên, dày 0,4 – 1,3cm, có 1 – 2 hàng túi tinh dầu ở phần ngoài vỏ quả ngoài. Chất cứng, rắn, khó bẻ gãy. Ruột quả có từ 7 – 12 múi, một số ít quả có tới 15 – 16 múi. Múi khô, nhăn nheo, có màu nâu đến nâu thẫm, trong có hạt. Mùi thơm, vị đắng, hơi chua.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Phân bố:
– Đây là loài có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Ấn Độ – Malaysia, sau lan rộng ra nhiều nước Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam và cả ở Nam Trung Quốc.
– Ở Việt Nam, cây được trồng và còn thấy mọc hoang dại ở một số tỉnh miền Bắc gồm: Thanh Hóa, Cao Lạng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Bắc…
– Chỉ xác thuộc loại cây gỗ nhỏ ưa ẩm và ưa sáng. Rụng lá mùa đông, ra lá non và hoa vào giữa mùa xuân. Tuy nhiên mức độ đa dạng và vùng trồng của cây kém phong phú hơn các loại cam, chanh, quýt, bưởi.
Thu hoạch:
– Thu hoạch vào tháng 7 – 8, lúc trời khô ráo, hái các quả xanh, bổ ngang làm đôi, phơi hoặc sấy nhẹ ở 40- 50°C cho tới khô.
Chế biến:
– Chỉ xác phiến: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, nạo bỏ ruột, hột, thái lát ngang, phơi hoặc sấy khô. Lát thái hình dải hay hình cung không đều, dài 5cm rộng đến 1,3cm. Quan sát lát ngang bề ngoài màu nâu đến nâu thẫm, giữa có màu nâu hơi vàng hoặc trắng, có 1 – 2 lớp túi tinh dầu ở phía ngoài vỏ, đôi khi thấy tép màu nâu hay tía đỏ, sợi cứng, mùi thơm, vị đắng, hơi chua.
– Chỉ xác sao cám: Cho cám vào chảo, đun đến khi bốc khói cho Chỉ xác phiến vào sao đến khi có màu vàng thẫm lấy ra, sàng bỏ cám, để nguội. Dùng 1kg cám cho 10kg Chỉ xác. Các phiến hình dải hay hình vòng cung không đều, hơi thẫm màu, đôi khi có vết cháy, mùi thơm nhẹ.
Bộ phận sử dụng của Chỉ xác
– Bộ phận sử dụng là quả gần chín
Thành phần hóa học
– Tinh dầu (α-Pinene, Limonene, Camphene, Terpinene, p-Cymene, Caryophyllene, flavonoid (Hesperidin, Neohesperidin, Naringin), pectin, saponin, alcaloid, acid hữu cơ.
Tác dụng của Chỉ xác
– Theo y học cổ truyền
– Theo Đông y, Chỉ xác có vị đắng, tính hàn, quy vào kinh Vị, Tỳ.
– Tác dụng: Phá khí đờm tiêu tích (Hòa hoãn hơn Chỉ thực).
– Công dụng: Chữa ngực trướng đau do khí trệ, khó tiêu do đờm trệ.
– Theo y học hiện đại
– Trong điều trị bệnh tim mạch
– Tăng cường tim mạch, huyết áp: Do thành phần chủ yếu là Neohesperidin nhưng không làm tăng nhịp tim. Thuốc có tác dụng co mạch, tăng lực cản của tuần hoàn ngoại vi, tăng co bóp của cơ tim, tăng lượng cGMP của cơ tim và huyết tương nơi chuột nhắt.
Trong điều trị bệnh đường tiêu hoá
– Hỗ trợ điều trị rối loạn chức năng tiêu hóa: Kết quả thực nghiệm cho thấy Chỉ thực và Chỉ xác vừa có tác dụng làm giảm trương lực cơ trơn của ruột và chống co thắt, vừa có thể hưng phấn làm tăng nhu động ruột, do trạng thái chức năng cơ thể, nồng độ thuốc và súc vật thực nghiệm khác nhau mà có tác dụng cả hai mặt ngược nhau, như vậy dùng thuốc để điều chỉnh sự rối loạn chức năng đường tiêu hóa ở trạng thái bệnh lý là tốt.
Liều lượng và cách dùng Chỉ xác
– Ngày dùng 3 – 9g, dạng thuốc sắc. Phối hợp trong các bài thuốc.
Bài thuốc chữa bệnh từ Chỉ xác
– Trị trẻ nhỏ lỵ lâu ngày, tiêu ra cơm nước không đều
– Chỉ xác, tán bột, mỗi lần uống 4 – 8g.
Trị răng đau nhức
– Chỉ xác ngâm rượu súc miệng.
– Cầm lỵ, thuận khí
– Chỉ xác sao 96g, Cam thảo 24g, tán bột. Mỗi lần uống 8g với nước sôi.
Trị trẻ nhỏ đi tiêu khó
– Nướng Chỉ xác, bỏ múi, Cam thảo mỗi thứ 4g, sắc uống.
Trị lở đau sưng
– Chỉ xác nướng nóng, chườm vào đó 7 trái.
Trị lở đau sưng
– Dùng bột Chỉ xác, bỏ vào trong bình nấu sôi thật lâu, trước xông sau rửa.
Trị nấc cụt do thương hàn
– Chỉ xác 20g, Mộc hương 4g tán bột, mỗi lần uống 4g, với nước sôi, chưa bớt thì uống tiếp.
Trị đau bụng khi có thai
– Chỉ xác 120g, sao với cám. Hoàng cầm 40g, tán bột. Mỗi lần uống 20g với 1 chén rưỡi nước, nếu có phù bụng căng thêm Bạch truật 40g.
Trị ruột sệ xuống sau khi đẻ
– Chỉ xác, sắc lấy nước ngâm, đợi ít lâu thì rút vào.
– Trị trẻ nhỏ nôn mửa, động kinh, nghẹn đàm, co giật
– Chỉ xác bỏ múi sao với cám, Đạm đậu khấu, 2 vị bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 1/2 muỗng cà phê, nặng thì 1 muỗng. Nếu cấp kinh phong dùng Bạc hà giã vắt lấy nước uống với thuốc. Nếu mạn kinh phong dùng Kinh giới nấu uống với 3 – 5 giọt rượu, ngày 3 lần.
Trị trẻ nhỏ bị chứng nhuyễn tiết (mụn nhọt mềm có nước)
– Chỉ xác 1 trái lớn (không lấy loại trắng), mài cho bằng miệng rồi lấy hồ miến bôi quanh miệng, úp lên trên đầu miệng mụn thì có thể tự ra hết máu mủ và không có sẹo.
Lợi khí sáng mắt
– Chỉ xác 40g, sao, tán bột, uống với nước.
– Trị thương hàn âm chứng, do uống thuốc lầm hạ quá sớm sinh đầy tức ngực nhưng không đau, đè vào thấy mềm
– Chỉ xác, Binh lang 2 vị bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 12g với nước sắc Hoàng liên.
Trị tiêu ra máu
– Chỉ xác 240g sao với cám, Hoàng kỳ 240g, tán bột. Mỗi lần uống 8g với nước cơm, hoặc trộn với hồ làm viên uống.
Trị bụng đầy, người lớn cũng như trẻ nhỏ, khí huyết ngưng trệ
– Dùng những vị có tác dụng thông ruột, thuận khí gọi là “Tứ Diệu Hoàn” gồm Chỉ xác đầy mà lưng còn xanh, bỏ múi đi, lấy 160g chia làm 4 phần, 40g sao với Thương truật, 40g sao với La bặc tử, 40g sao với Hồi hương, 40g sao với Can tất, xong bỏ các vị ấy đi, lấy Chỉ xác, tán bột dùng. Lấy 4 vị trước sắc lấy nước trộn bột gạo làm thuốc viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 50 viên với nước cơm, sau khi ăn.
Trị vùng xương sườn đau nhức vì sợ quá mà tổn thương tới khí
– Dùng Chỉ xác (sao) 40g, Đào chi (sống) 20g, tán bột. Mỗi lần uống 4g với nước sắc gừng và táo.
Lưu ý khi sử dụng Chỉ xác
– Tỳ vị hư hàn, không tích trệ, đàn bà có thai sức yếu không nên dùng.
Bảo quản dược liệu Chỉ xác
– Để nơi khô, tránh mốc mọt
Xem thêm sản phẩm có chứa hoạt chất
Thuốc Tiềm Long – Thuốc điều trị viêm đại tràng, rối loạn tiêu hóa.
Cao An Thanh – Hỗ trợ bổ phế, nhuận hầu, giúp thanh họng giản ho tiêu đờm