Hotline: 1800-0027 | Contact@Chothuoctay.com
BÀI VIẾT

Oxytetracyclin

Oxytetracyclin

Tên chung quốc tế: Oxytetracycline.
Mã ATC: D06AA03; G01AA07; J01AA06; S01AA04.
Loại thuốc: Kháng sinh; dẫn chất tetracyclin.

Dạng thuốc và hàm lượng

– Viên nang: 250 mg oxytetracyclin (dạng hydroclorid).
Dạng phối hợp:
– Thuốc tiêm (tiêm bắp): Dạng hydroclorid với lidocain 2%, lọ 100 mg/2 ml, 250 mg/2 ml, 500 mg/10 ml.
– Thuốc mỡ: Oxytetracyclin 30 mg, polymyxin B 10 000 đvqt/1 gam; oxytetracyclin 5 mg, hydrocortison 15 mg, polymyxin B 10 000 đvqt/1 gam.

Dược lý và cơ chế tác dụng

– Oxytetracyclin là một kháng sinh thuộc nhóm tetracyclin có tác dụng kìm khuẩn. Cơ chế tác dụng của oxytetracyclin là làm rối loạn quá trình tổng hợp protein của tế bào vi khuẩn, làm cho vi khuẩn không thể phát triển, tăng sinh và dần dần sẽ bị chết.
– Oxytetraxyclin là một kháng sinh phổ rộng, có tác dụng với nhiều loài vi khuẩn ưa khí và kỵ khí Gram dương và Gram âm, với Rickettsia, Mycoplasma và Chlamydia. Ngày càng có thêm nhiều chủng vi khuẩn kháng thuốc như Pseudomonas aeruginosa, Providencia và phần lớn Proteus. Ở những nơi lạm dụng tetracyclin, vi khuẩn trở nên kháng thuốc với mức độ cao, đặc biệt các chủng tụ cầu, liên cầu, Enterobacteria và Bacteroides fragilis. Tính kháng tetracyclin dễ dàng bị lan truyền khi sử dụng phổ biến tetracyclin trong cộng đồng vì plasmid mang và truyền tính kháng giữa các vi khuẩn. Hiện nay, oxytetracyclin còn được sử dụng trong điều trị một số nhiễm khuẩn gây ra bởi Chlamydia, Mycoplasma và Rickettsia.
– Như với các tetracyclin, gần đây oxytetracyclin được dùng nhiều trong điều trị trứng cá gây ra bởi Propionebacterium acnes, thời gian điều trị thường kéo dài và phải theo dõi đáp ứng để điều chỉnh kịp thời.
– Thuốc mỡ phối hợp oxytetracyclin với polymyxin B có hiệu quả tốt hơn với Pseudomonas aeruginosa.
– Theo ASTS 1999, ở Việt Nam, hơn 75% chủng E. Coli phân lập, hơn 60% chủng Staph. aureus, hơn 50% Acinetobacter, hơn 80% Salmonella typhi và hơn 60% chủng Enterococcus phân lập được kháng tetracyclin. Do vậy, cần hạn chế sử dụng oxytetracyclin để có thể giảm tình trạng kháng thuốc nghiêm trọng và không được dùng oxytetracyclin theo kinh nghiệm để điều trị những bệnh nghi ngờ do vi khuẩn đã liệt kê ở trên. Chỉ nên sử dụng oxytetracyclin và các kháng sinh nói chung khi xác định được vi khuẩn còn nhạy cảm.

Dược động học

– Khoảng 60% liều oxytetracyclin hydroclorid uống lúc đói được hấp thu ở người lớn; nồng độ đỉnh trong huyết thanh đạt trong vòng 2 – 4 giờ khoảng 1,3 – 1,4 microgam/ml sau khi uống liều 250 mg và 4,0 – 4,2 microgam/ml sau khi uống liều đơn 500 mg. Thức ăn hoặc sữa làm giảm hấp thu oxytetracyclin qua đường tiêu hóa khoảng 50%. Oxytetracyclin được hấp thu kém khi tiêm bắp và đạt nồng độ huyết thanh thấp hơn so với khi uống.
– Oxytetracyclin phân bố rộng rãi trong mô và dịch cơ thể gồm dịch màng phổi và phế quản, đờm, nước bọt… Thuốc tích lũy trong tế bào lưới – nội mô của gan, lách, tủy xương, xương, ngà răng và men của răng chưa mọc. Thuốc vào trong nhau thai và sữa người. Nửa đời huyết thanh của oxytetracyclin là 6 – 10 giờ ở người có chức năng thận bình thường, và 47 – 66 giờ ở người suy thận nặng. Ở người có chức năng thận bình thường, khoảng 60 – 70% liều uống được bài tiết qua nước tiểu trong vòng 72 giờ, dưới dạng thuốc có hoạt tính.

Đọc thêm bài viết:  Rifampicin

Chỉ định

– Vì vi khuẩn kháng thuốc ngày càng tăng, nên hạn chế sử dụng oxytetracyclin trong điều trị nhiễm khuẩn do vi khuẩn Gram âm và Gram dương thông thường. Chỉ dùng trong điều trị khi xác định vi khuẩn còn nhạy cảm với oxytetracyclin.
– Hiện nay, oxytetracyclin được dùng chủ yếu để điều trị nhiễm khuẩn do Rickettsia (kể cả sốt Q), nhiễm Mycoplasma ở đường sinh dục, tiết niệu, nhiễm Chlamydia và bệnh do Brucella. Một số trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiết niệu không đặc hiệu, nhiễm khuẩn ở tai, mắt, nhưng chỉ nên dùng khi bệnh nhân không thể dùng được penicillin hoặc các kháng sinh khác do dị ứng và vi khuẩn nhạy cảm với oxytetracyclin.
– Bệnh tả và dịch hạch.
– Trứng cá bọc và trứng cá đỏ.
– Thuốc mỡ phối hợp oxytetracyclin và polymyxin B được dùng điều trị vết thương và nhiễm khuẩn da, bệnh mủ da như chốc lở. Thuốc mỡ phối hợp oxytetracyclin, polymyxin B và hydrocortison được dùng điều trị nhiễm khuẩn nông ở mắt như viêm mí mắt, viêm kết mạc dị ứng và ở tai như viêm tai ngoài.

Chống chỉ định

– Quá mẫn với các tetracyclin.
– Hẹp thực quản và/hoặc tắc nghẽn ở đường tiêu hóa. Trẻ em dưới 8 tuổi (nếu dùng uống).

Thận trọng

– Sử dụng oxytetracyclin có thể gây tăng phát triển những vi sinh vật không nhạy cảm, kể cả nấm. Nếu xảy ra bội nhiễm, phải ngừng oxytetracyclin và điều trị với liệu pháp thích hợp. Để tránh kích ứng thực quản, nên uống oxytetracyclin với đủ lượng nước (một cốc to) ở tư thế thẳng, người bệnh không nên nằm ngay sau khi uống thuốc, không nên uống thuốc trước khi đi ngủ; không nên dùng cho bệnh nhân bị tắc nghẽn thực quản.
– Sử dụng oxytetracyclin ở trẻ nhỏ gây chậm phát triển bộ xương và sinh trưởng xương. Vì oxytetracyclin tích lũy trong xương và men của răng đang phát triển, dùng thuốc trong thời kỳ răng đang phát triển có thể gây giảm sản men răng và làm biến đổi vĩnh viễn màu răng thành vàng xám hoặc nâu.

Thời kỳ mang thai

– Sử dụng oxytetracyclin ở người mang thai có thể gây chậm phát triển bộ xương và sinh trưởng xương, gây biến thẫm màu răng vĩnh viễn và giảm sản men răng ở thai nhi. Do đó không dùng oxytetracyclin tác dụng toàn thân trong nửa cuối thời kỳ mang thai.

Đọc thêm bài viết:  Trifluridin

Thời kỳ cho con bú

– Oxytetracyclin phân bố trong sữa mẹ. Mặc dù các tetracyclin có thể tạo phức không tan với calci trong sữa mẹ nên không được hấp thu, vẫn không nên dùng oxytetracyclin trong thời kỳ cho con bú vì khả năng biến màu răng vĩnh viễn, giảm sản men răng, ức chế sự phát triển xương. Bà mẹ cân nhắc không nên dùng oxytetracyclin hoặc không cho con bú khi dùng thuốc này.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

– Những ADR thường gặp nhất của oxytetracyclin là ở đường tiêu hóa và phụ thuộc vào liều như buồn nôn, nôn, ỉa chảy, chán ăn và khó chịu ở bụng. Những phản ứng ở đường tiêu hóa xảy ra nhiều nhất khi uống, nhưng cũng có thể xảy ra khi tiêm bắp.
– Thường gặp, ADR >1/100
– Tiêu hóa: Buồn nôn, ỉa chảy.
– Khác: Biến thẫm màu răng vĩnh viễn và giảm sản men răng (trẻ nhỏ).
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR <1/100
– Hệ TKTW: Tăng áp lực nội sọ, thóp phồng ở trẻ nhỏ, giả u não. Da: Ngứa, viêm da tróc vảy, phản ứng da, mẫn cảm ánh sáng. Nội tiết và chuyển hóa: Hội chứng đái tháo nhạt.
– Tiêu hóa: Viêm thực quản, loét thực quản.
– Tại chỗ: Viêm tĩnh mạch huyết khối (khi tiêm).
– Khác: Bội nhiễm, phản vệ, nhiễm sắc tố ở móng tay chân, phản ứng quá mẫn, bội nhiễm nấm Candida.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

– Khi có phản ứng mẫn cảm ánh sáng nặng, phải ngừng oxytetracyclin và điều trị bằng thuốc kháng histamin và corticosteroid.
– Nếu dùng các tetracyclin để điều trị nhiễm khuẩn Brucella hoặc xoắn khuẩn, cần báo cho người bệnh biết có thể xảy ra phản ứng Jarisch – Herxheimer (gồm nhức đầu, sốt, rét run, khó chịu, đau cơ, tăng thương tổn da và tăng bạch cầu), có thể điều trị bằng cách nằm nghỉ và dùng aspirin nếu cần.
– Chườm lạnh có thể làm giảm đau và nổi cứng chỗ tiêm sau khi tiêm bắp oxytetracyclin.
– Khi xảy ra bội nhiễm, kể cả nhiễm nấm, phải ngừng oxytetracyclin và điều trị bằng liệu pháp thích hợp.

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng:
– Oxytetracyclin được dùng uống. Khi không uống được, có thể tiêm bắp. Tuy vậy, cần chuyển sang dùng uống càng sớm càng tốt. Ít dùng oxytetracyclin tiêm bắp vì gây đau và với liều thường dùng, cho nồng độ thuốc trong huyết thanh thấp hơn so với khi uống.
– Vì thức ăn và sữa làm giảm hấp thu oxytetracyclin qua đường tiêu hóa, nên phải uống thuốc 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn hoặc uống sữa.
– Để giảm đau, tiêm bắp sâu vào trong khối cơ tương đối lớn và thay đổi chỗ tiêm. Cẩn thận để bảo đảm không chọc kim vào mạch máu. Liều lượng:
– Liều lượng oxytetracyclin hydroclorid được biểu thị bằng oxytetracyclin base.
Người lớn:
– Liều thường dùng: Uống mỗi lần 250 – 500 mg, 6 giờ một lần. Liều tối đa 4 g/ngày.
– Tiêm bắp: 100 mg, 8 giờ một lần; 150 mg, 12 giờ một lần hoặc 250 mg ngày một lần. Liều tiêm tối đa 500 mg/ngày.
Trẻ em 8 tuổi trở lên:
– Uống: 6,25 đến 12,5 mg/kg thể trọng/lần, 6 giờ một lần.
– Tiêm bắp: 5 mg – 8,3 mg/kg thể trọng/lần, 8 giờ một lần; hoặc 7,5 mg – 12,5 mg/kg thể trọng, 12 giờ một lần. Liều tối đa 250 mg/ ngày.
– Liều cho một số trường hợp đặc biệt:
– Nhiễm Brucella: Mỗi lần uống 500 mg, 6 giờ một lần, dùng trong 3 tuần. Điều trị phối hợp với streptomycin tiêm bắp 1 g/lần, cách 12 giờ một lần trong tuần đầu và ngày một lần trong tuần thứ hai. Bệnh lậu không biến chứng: Uống 500 mg/lần, 6 giờ một lần. Tổng liều tối đa 9 g.
– Giang mai: Uống 500 mg/lần, 6 giờ một lần dùng trong 15 ngày (giang mai sớm), hoặc trong 30 ngày (giang mai thời kỳ muộn). Trứng cá: Uống 250 – 500 mg/lần, 2 – 4 lần/ngày, tùy tình trạng bệnh, điều trị trong 6 – 8 tuần. Theo dõi và thay đổi phác đồ nếu tình trạng bệnh không tiến triển tốt.
– Vì cơ chế tác dụng của các tetracyclin là kìm khuẩn nên thời gian điều trị với các tetracyclin thường phải đủ dài để đảm bảo vi khuẩn sau thời gian không sản sinh được sẽ chết, tức là nhiễm khuẩn không tái phát. Với các trường hợp nhiễm khuẩn cấp thông thường, thời gian điều trị thường là 10 ngày, hoặc ít nhất 3 ngày sau khi hết các triệu chứng lâm sàng, 7 – 14 ngày sau khi hết sốt (sốt vẹt); 6 – 8 tuần (trứng cá) và thay thuốc nếu như tình trạng bệnh không được cải thiện.

Đọc thêm bài viết:  Ba Kích

Tương tác thuốc

– Sử dụng đồng thời oxytetracyclin với các thuốc kháng acid chứa nhôm, calci hoặc magnesi làm giảm tác dụng của oxytetracyclin. Các chế phẩm sắt và bismuth subsalicylat uống có thể làm giảm sinh khả dụng của oxytetracyclin.
– Barbiturat, phenytoin, và carbamazepin có thể làm giảm nửa đời của oxytetracyclin. Oxytetracyclin có thể làm tăng tác dụng của warfarin.

Độ ổn định và bảo quản

– Oxytetracyclin và các tetracyclin nói chung đều ổn định trong môi trường pH > 2 nhưng bị mất tác dụng rất nhanh trong môi trường trung tính và kiềm. Các tetracyclin dễ biến màu và không bền dưới ánh sáng tử ngoại.
– Bảo quản các chế phẩm oxytetracyclin ở nhiệt độ phòng, trong các đồ đựng kín, tránh ánh sáng. Thuốc tiêm oxytetracyclin không nên bảo quản đông lạnh.

Tương kỵ

– Dung dịch tiêm oxytetracyclin có pH acid và tương kỵ có thể xảy ra với các chế phẩm có tính base hay các thuốc không ổn định ở pH thấp. Oxytetracyclin tương kỵ tạo tủa với sữa và các alcaloid. Trong dung dịch, oxytetracyclin có thể tạo phức không tan với các ion kim loại, do vậy không nên dùng đồng thời với các dung dịch có chứa calci, magnesi, mangan, nhôm, sắt.

Quá liều và xử trí

– Triệu chứng quá liều oxytetracyclin gồm buồn nôn, chán ăn và ỉa chảy. Điều trị quá liều cần rửa dạ dày ruột và điều trị hỗ trợ.

Organization: https://chothuoctay.com/
Mô tả: Giúp người bệnh mua thuốc online chính hãng
Tiểu đường thai kỳ Chothuoctay

Tiểu đường thai kỳ

Bạn đã từng nghe về tiểu đường thai kỳ? Đây là một tình trạng đáng lo ngại mà nhiều phụ nữ mang thai phải đối