Hotline: 1800-0027 | Contact@Chothuoctay.com
BÀI VIẾT

Flucloxacilin

Flucloxacilin

Tên chung quốc tế: Flucloxacillin.
Mã ATC: J01CF05.
Loại thuốc: Kháng sinh bán tổng hợp isoxazolyl penicilin chống tụ cầu khuẩn.

Dạng thuốc và hàm lượng

– Flucloxacilin dùng uống và tiêm, dưới dạng muối natri và magnesi, liều lượng được tính theo flucloxacilin base khan; 1 g flucloxacilin base khan tương ứng với 11,8 g flucloxacilin magnesi hoặc 1,09 g flucloxacilin natri.
– Viên nang: 250 mg và 500 mg dưới dạng muối natri.
– Hỗn dịch uống và sirô: 125 mg/5 ml (100 ml), 250 mg/5 ml (100 ml) (dưới dạng muối natri pha với nước).
– Thuốc tiêm tĩnh mạch và tiêm bắp: 250 mg và 500 mg (dưới dạng muối natri).

Dược lý và cơ chế tác dụng

– Flucloxacilin là một isoxazolyl penicilin kháng penicilinase do tụ cầu khuẩn tiết ra. Thuốc bền với acid trong dạ dày, nên được dùng dưới dạng uống hoặc tiêm để điều trị các bệnh nhiễm tụ cầu khuẩn. Tuy nhiên, tụ cầu khuẩn kháng methicilin cũng kháng cả flucloxacilin.
– Flucloxacilin diệt khuẩn theo cơ chế giống như benzylpenicilin, nhưng kháng với penicilinase của tụ khuẩn cầu. Vì vậy, thuốc có tác dụng với các chủng tụ cầu có hoặc không sinh ra penicilinase, ở nồng độ tối thiểu ức chế trong khoảng 0,25 đến 0,5 microgam/ml. Tác dụng của flucloxacilin đối với Streptococci như Streptococcus pneumoniae và Str. pyogenes kém hơn so với benzylpenicilin, nhưng cũng đủ để diệt những vi khuẩn này, khi chúng cùng có mặt với tụ cầu khuẩn kháng penicilin. Flucloxacilin hầu như không có tác dụng đối với Enterococcus faecalis.
– Tụ cầu khuẩn kháng flucloxacilin và các penicilin kháng penicilinase khác tương tự như meticilin. Các tụ cầu khuẩn kháng thuốc là do xuất hiện một protein gắn penicilin bị thay đổi và không phụ thuộc vào sản sinh ra penicilinase. Có sự kháng chéo giữa flucloxacilin với các penicilin khác, gồm các penicilin đã kháng penicilinase như cloxacilin, dicloxacilin, nafcilin, oxacilin và các cephalosporin. Tụ cầu khuẩn đã kháng meticilin cũng kháng với một số kháng sinh khác gồm có aminoglycosid, cloramphenicol, ciprofloxacin, clindamycin, erythromycin và tetracyclin. Hiện nay, Staphylococcus aureus kháng meticilin (MRSA) đã được ghi nhận và nhiễm khuẩn này đang là một vấn đề trong rất nhiều bệnh viện.

Dược động học

– Flucloxacilin được hấp thu qua đường tiêu hóa tốt hơn cloxacilin, nhưng thức ăn trong dạ dày làm giảm sự hấp thu của thuốc. Sau khi uống lúc đói một liều từ 250 mg đến 1 g, nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương sau 1 giờ đạt 5 – 15 microgam/ml. Sau khi tiêm bắp, nồng độ trong máu cũng đạt tương tự, nhưng nồng độ đỉnh sớm hơn, ở khoảng 30 phút. Tăng liều lên gấp đôi có thể làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương lên gấp đôi. Khoảng 95% flucloxacilin trong hệ thống tuần hoàn gắn với protein huyết tương. Flucloxacilin có nửa đời huyết tương khoảng 1 giờ. Đối với trẻ sơ sinh nửa đời của thuốc kéo dài hơn.
– Flucloxacilin phân bố trong các mô và dịch cơ thể tương tự như cloxacilin. Thuốc được phân bố rộng khắp các mô, qua nhau thai, bài tiết vào sữa mẹ, nhưng ít khuếch tán vào dịch não tủy, trừ khi màng não bị viêm. Có thể đạt được nồng độ điều trị trong dịch màng phổi, hoạt dịch và xương. Flucloxacilin chuyển hóa ở mức độ hạn chế, thuốc ở dạng không biến đổi và các sản phẩm chuyển hóa được thải chủ yếu qua nước tiểu. Khoảng 66% liều uống và 76% liều tiêm bắp được thải ra nước tiểu trong vòng 8 giờ; chỉ một lượng nhỏ đào thải qua mật. Nồng độ flucloxacilin trong huyết tương sẽ tăng nếu dùng cùng với probenecid.
– Flucloxacilin không được đào thải bởi thẩm phân máu và thẩm phân màng bụng.

Đọc thêm bài viết:  Oxybenzon

Chỉ định

– Flucloxacilin được dùng chủ yếu để điều trị nhiễm khuẩn do tụ cầu khuẩn kháng benzylpenicilin, bao gồm nhiễm khuẩn xương khớp, viêm màng trong tim, viêm phổi, viêm tai ngoài ở trẻ em, viêm lở chốc ở trẻ, viêm mô tế bào, viêm xương tủy, viêm màng não do tụ cầu, viêm nội tâm mạc do tụ cầu, nhiễm khuẩn da (kể cả nhiễm khuẩn mô mềm), hội chứng sốc nhiễm độc và dự phòng nhiễm khuẩn ngoại khoa.

Chống chỉ định

– Dị ứng với các penicilin hay bất cứ thành phần nào của thuốc. Viêm gan và vàng da ứ mật.
– Không an toàn với người có rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp.

Thận trọng

– Rất thận trọng và theo dõi đặc biệt khi dùng cho người đã có tiền sử dị ứng và quá mẫn cảm với penicilin và các kháng sinh nhóm beta-lactam.
– Việc điều trị bằng kháng sinh có thể làm biến đổi hệ vi khuẩn thông thường, và có thể dẫn đến bội nhiễm các vi khuẩn kháng penicilin, đặc biệt khi dùng kéo dài.
– Có thể dùng các test quá mẫn để xác định người dễ có những phản ứng dị ứng nặng với penicilin. Các test da được dùng để ước lượng những nguy cơ phổ biến. Tuy nhiên, kết quả test da không thật tin cậy.
– Việc dùng flucloxacilin cho người bệnh mắc chứng rối loạn porphyrin cấp được coi là không an toàn, mặc dù mâu thuẫn với bằng chứng thực nghiệm về sự tạo porphyrin.
– Giảm liều với người bệnh suy thận.
– Đặc biệt theo dõi khi dùng liều cao, nhất là với người suy thận, vì dễ có khả năng nhiễm độc thần kinh.
– Không nên tiếp xúc nhiều lần và trực tiếp với flucloxacilin, vì có thể gây mẫn cảm da.
– Có nguy cơ bị bệnh vàng da nhân não trong trẻ sơ sinh bị vàng da khi dùng thuốc đường tiêm liều cao.
– Vàng da ứ mật và viêm gan có thể gặp khi điều trị với flucloxacin và có thể xảy ra sau 2 tháng dừng thuốc. Người cao tuổi và dùng thuốc trên 2 tuần có nhiều nguy cơ. Do vậy, flucloxacin không nên cho dùng ở người bệnh có tiền sử rối loạn chức năng gan liên quan đến flucloxacilin. Thuốc cần sử dụng thận trọng ở người bệnh bị suy gan.

Thời kỳ mang thai

– Chưa có tài liệu nói đến tác dụng tới thai nhi của flucloxacilin. Cần sử dụng thận trọng với người bệnh mang thai.

Thời kỳ cho con bú

– Một lượng rất nhỏ thuốc vào trong sữa. Chưa biết về tác dụng độc của thuốc này đối với trẻ em trong thời kỳ bú mẹ, nhưng chú ý sự quá mẫn đối với trẻ nhỏ.

Đọc thêm bài viết:  Methyl Sulfonyl Methane (MSM)

Tác dụng không mong muốn (ADR)

– Thường gặp nhất là tác dụng trên đường tiêu hóa, phản ứng dạ dày – ruột xảy ra ở khoảng 5% người bệnh sử dụng flucloxacilin. Các tác dụng mẫn cảm bao gồm: Mày đay, sốt, đau khớp, ngứa, sốc mẫn cảm, viêm thận kẽ, thiếu máu tan huyết, chứng giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu bất thường, ỉa chảy, viêm đại tràng màng giả. Nhiễm độc thần kinh (hiếm gặp) như co giật (đặc biệt khi dùng liều cao hoặc suy thận nặng).
– Hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

– Nếu bị phản ứng phản vệ, cần điều trị bằng adrenalin. Phải theo dõi người bệnh liên tục và phải sẵn sàng có adrenalin, corticosteroid, oxy và các trang bị hồi sức.
– Phải theo dõi số lượng bạch cầu, làm test theo dõi chức năng gan trong thời gian điều trị lâu dài với liều cao flucloxacilin.

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng:
– Flucloxacilin có thể uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm truyền tĩnh mạch không liên tục.
– Uống: Uống trước bữa ăn ít nhất 30 phút do thức ăn trong dạ dày làm giảm hấp thu thuốc.
– Hỗn dịch thuốc phải lắc kỹ trước khi dùng.
– Thuốc tiêm tĩnh mạch: Tiêm chậm trong 3 – 4 phút hoặc tiêm truyền tĩnh mạch không liên tục trong 30 – 60 phút. Với tiêm truyền không liên tục: Pha loãng dung dịch hoàn nguyên trong dung dịch tiêm glucose 5% hoặc dung dịch tiêm natri clorid 0,9%.
Liều dùng:
Người lớn:
– Dạng uống: Liều thường dùng: Mỗi lần 250 mg, 4 lần/ngày. Tiêm bắp: 250 – 500 mg, 4 lần/ngày.
– Tiêm tĩnh mạch: 250 mg – 1 g, 4 lần/ngày, tiêm chậm trong vòng 3 – 4 phút hoặc tiêm truyền.
– Nếu nhiễm khuẩn nặng, có thể tăng gấp đôi các liều thường dùng. Một số bệnh cụ thể khuyến cáo như sau:
– Bệnh viêm tủy xương: Có thể cho dùng tới 8 g/ngày, chia làm 3 – 4 lần. Bệnh viêm màng trong tim: Có thể cho dùng tới 8 g/ngày, chia làm 4 lần, cho người bệnh có cân nặng tới 85 kg và 12 g/ngày, chia làm 6 lần cho người bệnh có trên 85 kg.
– Dự phòng phẫu thuật: Tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch 1 – 2 g cho tới 30 phút trước khi làm thủ thuật; có thể cho thêm 4 liều, mỗi liều 500 mg cách nhau 6 giờ, uống hoặc tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch, đối với các thủ thuật có nguy cơ cao.
– Giảm liều đối với người bệnh suy thận nặng.
– Flucloxacin có thể cho dùng theo đường khác kết hợp với điều trị toàn thân:
– Tiêm trong khớp: 250 – 500 mg/ngày. Hòa tan flucloxacilin (nếu cần) trong dung dịch tiêm lidocain hydroclorid 0,5%.
– Tiêm trong màng phổi: 250 mg/ngày.
– Hít qua phun sương: 125 – 250 mg flucloxacilin bột, hòa tan trong 3 ml nước vô khuẩn, hít qua miệng, 4 lần mỗi ngày.
Trẻ em:
– Flucloxacin được dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ em để điều trị các nhiễm khuẩn gây bởi các vi khuẩn nhạy cảm. Liều khuyến cáo điều trị một số bệnh cụ thể như sau:
– Viêm tai ngoài, viêm phổi, chốc lở, viêm mô tế bào do tụ cầu sản sinh ra beta-lactamase:
Uống:
– Trẻ sơ sinh dưới 7 ngày tuổi: 25 mg/kg, 2 lần/ngày. Trẻ sơ sinh 7 – 21 ngày tuổi: 25 mg/kg, 3 lần/ngày.
– Trẻ sơ sinh 21 – 28 ngày tuổi: 25 mg/kg, 4 lần/ngày.
– Trẻ 1 tháng tuổi – 2 tuổi: 62,5 – 125 mg, 4 lần/ngày.
– Trẻ 2 – 10 tuổi: 125 – 250 mg, 4 lần/ngày.
– Trẻ em 10 – 18 tuổi: 250 – 500 mg, 4 lần/ngày. Tiêm bắp:
– Trẻ từ 1 tháng – 18 tuổi: 12,5 – 25 mg/kg, cách 6 giờ/lần (tối đa 500 mg, cách 6 giờ/lần).
Tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm truyền:
– Trẻ sơ sinh < 7 ngày tuổi: 25 mg/kg, 2 lần/ngày, có thể tăng liều gấp đôi nếu nhiễm khuẩn nặng.
– Trẻ sơ sinh 7 – 21 ngày tuổi: 25 mg/kg, 3 lần/ngày, có thể tăng liều gấp đôi nếu nhiễm khuẩn nặng.
– Trẻ sơ sinh 21 – 28 ngày tuổi: 25 mg/kg, 4 lần/ngày.
– Trẻ từ 1 tháng – 18 tuổi: 12,5 – 25 mg/kg, cách 6 giờ/lần (tối đa 1 g, cách 6 giờ/lần), có thể tăng liều gấp đôi nếu nhiễm khuẩn nặng. Viêm xương tủy, áp xe não, viêm màng não do tụ cầu khuẩn:
Tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm truyền:
– Trẻ sơ sinh dưới 7 ngày tuổi: 50 – 100 mg/kg, 2 lần/ngày, cách nhau 12 giờ/lần.
– Trẻ sơ sinh 7 – 21 ngày tuổi : 50 – 100 mg/kg, 3 lần/ngày, cách nhau 8 giờ/lần.
– Trẻ sơ sinh 21 – 28 ngày tuổi: 50 – 100 mg/kg, 4 lần/ngày, cách nhau 6 giờ/lần.
– Trẻ từ 1 tháng – 18 tuổi: 50 mg/kg (tối đa 2 g), cách 6 giờ/lần. Viêm màng trong tim: Tiêm tĩnh mạnh chậm hoặc truyền tĩnh mạch, trẻ em từ 1 tháng – 18 tuổi: 50 mg/kg (tối đa 2 g), cách 6 giờ/lần. Phòng nhiễm tụ cầu khuẩn phổi trong bệnh nhày nhớt: Phòng tiên phát, trẻ sơ sinh: Uống 125 mg, cách 12 giờ/lần; trẻ 1 tháng – 3 tuổi: Uống 125 mg, cách 12 giờ/lần. Dự phòng thứ phát: Trẻ từ 1 tháng tuổi – 18 tuổi: 50 mg/kg (tối đa 1 g), cách 12 giờ/lần.
– Nhiễm tụ cầu phổi trong bệnh nhày nhớt (xơ nang tuyến tụy): Uống: 1 tháng tuổi – 18 tuổi: 25 mg/kg (tối đa 1 g), 4 lần/ngày; tổng liều hàng ngày có thể chia uống làm 3 lần (8 giờ/lần).
– Tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch: 1 tháng tuổi – 18 tháng tuổi: 50 mg/kg (tối đa 2 g), cách 6 giờ/lần.
– Trẻ em suy thận nặng (Clcr < 10 ml/phút): Dùng liều bình thường không quá 3 lần/ngày.
– Nếu nhiễm khuẩn nặng, liều dùng có thể tăng gấp đôi.
– Nếu dùng chung flucloxacilin với dẫn chất coumarin chống đông máu như warfarin, sẽ làm giảm tính chất chống đông, do vậy phải tăng liều của thuốc chống đông warfarin.

Đọc thêm bài viết:  Nicotinamid (Vitamin PP)

Độ ổn định và bảo quản

– Flucloxacilin natri được bảo quản bao bì kín, ở nhiệt độ không quá 25 oC.
– Flucloxacilin magnesi phải được bảo quản trong đồ đựng kín, tránh ẩm và không quá 25 oC.

Tương kỵ

– Tương tự như các penicilin khác, flucloxacilin tương kỵ với các aminoglycosid. Tương kỵ cũng đã được báo cáo với nhiều thuốc kháng khuẩn khác như ciprofloxacin, erythromycin lactobionat và ofloxacin; các thuốc điều trị tim mạch như amiodaron, atropin sulfat, dobutamin hydroclorid và verapamil hydroclorid; các thuốc khác bao gồm: Buprenorphin, calci gluconat, clopromazin hydroclorid, diazepam, metoclopramid hydroclorid, morphin sulfat, papaverin, pethidin hydroclorid, proclorperazin edisilat, promethazin hydroclorid.
– Flucloxacilin không nên trộn lẫn với chế phẩm máu hoặc các chất lỏng có protein hoặc với nhũ tương lipid tiêm truyền khác.

Quá liều và xử trí

– Xem mục hướng dẫn cách xử trí ADR.

Tên thương mại

– Genaflox.

Organization: https://chothuoctay.com/
Mô tả: Giúp người bệnh mua thuốc online chính hãng
Tiểu đường thai kỳ Chothuoctay

Tiểu đường thai kỳ

Bạn đã từng nghe về tiểu đường thai kỳ? Đây là một tình trạng đáng lo ngại mà nhiều phụ nữ mang thai phải đối