Tên chung quốc tế: Isoflurane.
Mã ATC: N01AB06.
Loại thuốc: Thuốc gây mê đường hô hấp.
Dạng thuốc và hàm lượng
– Isofluran đựng trong các chai màu hổ phách 100 ml và 250 ml. Isofluran là một chất lỏng bền vững, không màu, trong suốt, không chứa chất phụ gia hoặc hóa chất giữ ổn định. Thuốc không bị phân hủy khi gặp vôi soda và không ăn mòn nhôm, thiếc, đồng thau, đồng hoặc sắt. Thuốc có mùi ether hăng cay nhẹ.
Dược lý và cơ chế tác dụng
– Isofluran là một đồng phân của enfluran, là một thuốc gây mê đường hô hấp, không cháy. Thuốc được dùng để khởi mê và duy trì trạng thái mê. Dùng isofluran thì khởi mê và hồi tỉnh nhanh. Tuy thế mùi hăng cay nhẹ của thuốc hạn chế tốc độ khởi mê, nồng độ thuốc hít vào tăng quá nhanh có thể dẫn đến ngừng thở, ho hoặc co thắt thanh quản. Isofluran gây mê không kích thích tiết nước bọt và dịch tiết khí phế quản quá nhiều. Các phản xạ hầu – thanh quản giảm nhanh chóng, tạo điều kiện dễ dàng cho đặt ống khí quản nếu cần. Mức độ gây mê của isofluran có thể thay đổi nhanh và chính xác, đáp ứng nhu cầu thay đổi. Dấu hiệu lâm sàng giúp phán đoán độ sâu của tình trạng mê là huyết áp và hô hấp đều giảm từ từ. Huyết áp động mạch toàn thân giảm dần theo mức độ gây mê sâu bằng isofluran, giống như khi dùng enfluran và halothan. Tuy vậy, khác với các thuốc kể trên, khi dùng isofluran gây mê lưu lượng tim vẫn được duy trì hoàn hảo. Hạ huyết áp do sức cản thành mạch giảm cùng với giãn mạch, xuất hiện đặc biệt ở da và cơ. Nồng độ thuốc càng tăng thì isofluran càng ức chế hô hấp. Nếu tiền mê dùng các dẫn chất opioid thì hô hấp bị ức chế nghiêm trọng; để tránh tình trạng carbon dioxyd huyết tăng quá cao, cần tiến hành thông khí hỗ trợ hoặc có kiểm soát.
– Cũng giống như halothan, isofluran làm giảm trương lực cơ phế quản bị co thắt, do đó được chấp nhận sử dụng cho người bệnh hen suyễn.
– Dùng isofluran gây mê, lưu lượng máu ở não tăng nhẹ, trong khi đó chuyển hóa của não chỉ giảm nhẹ so với dùng halothan. Vì những lý do trên, người ta ưa dùng isofluran trong phẫu thuật thần kinh; ngoài ra, isofluran còn bảo vệ được cho não khỏi bị tổn thương do giảm oxygen huyết hoặc do thiếu máu cục bộ nhưng tác dụng không nhiều. Không giống chất đồng phân enfluran, isofluran không gây co giật. Isofluran làm giảm đáp ứng của cơ vân đối với kích thích thần kinh kéo dài và tăng cường tác dụng phong bế thần kinh – cơ của cả 2 loại thuốc giãn cơ khử cực và không khử cực. Về phương diện này, isofluran tác dụng mạnh hơn halothan.
– Giống enfluran, isofluran làm tim nhạy cảm với tác dụng gây loạn nhịp tim của adrenalin song ít hơn so với halothan, do đó adrenalin có thể dùng để cầm máu tại chỗ với liều lớn hơn so với khi dùng halothan.
– Hiệu lực gây mê của isofluran giống như hiệu lực của enfluran. Ở mức độ gây mê thông thường isofluran có thể gây giãn cơ thích hợp cho một số phẫu thuật vùng bụng, nhưng nếu cần giãn cơ sâu hơn, phải dùng thêm các liều nhỏ thuốc giãn cơ tiêm tĩnh mạch.
Dược động học
– Isofluran được hấp thu qua đường thở. So với các thuốc gây mê có halogen khác thì isofluran chỉ bị chuyển hóa một phần rất nhỏ. Trung bình 95% isofluran được phát hiện trong khí thở ra và chỉ chưa đến 0,2% lượng isofluran đưa vào cơ thể bị chuyển hóa. Chất chuyển hóa chủ yếu là acid trifluoro-acetic. Ở người bệnh gây mê bằng isofluran, nồng độ đỉnh trung bình của fluorid vô cơ trong huyết thanh thường dưới 5 micromol/lít, sau khi gây mê khoảng 4 giờ, rồi trở về mức bình thường trong vòng 24 giờ. Do tỷ lệ chuyển hóa của isofluran thấp nên thuốc không độc hoặc ít gây độc cho thận và gan.
Chỉ định
– Isofluran được dùng để khởi mê và duy trì mê.
Chống chỉ định
– Người bệnh mẫn cảm với isofluran và các thuốc gây mê có halogen khác, hoặc người bệnh có tiền sử sốt cao ác tính sau khi dùng thuốc.
Thận trọng
– Isofluran là một thuốc ức chế hô hấp mạnh, tác dụng này tăng lên do dùng các thuốc tiền mê (loại opioid) hoặc do sử dụng đồng thời các thuốc ức chế hô hấp khác. Phải theo dõi chặt chẽ tình trạng hô hấp và thực hiện thông khí hỗ trợ hoặc có điều khiển là cần thiết. Người bị bệnh nhược cơ rất nhạy cảm với các thuốc gây ức chế hô hấp, do đó isofluran phải được dùng thận trọng đối với những người bệnh này.
– Cũng như tất cả các thuốc gây mê có halogen, gây mê bằng isofluran nếu lặp lại trong một khoảng thời gian ngắn cần được chỉ định thận trọng.
– Đối với người bị tăng áp lực nội sọ, phải dùng isofluran một cách thận trọng vì isofluran làm tăng lưu lượng máu não và kèm theo tăng áp lực dịch não tủy.
– Trong giai đoạn khởi mê ở trẻ em, nước bọt và dịch tiết khí phế quản có thể tăng tiết và có thể gây co thắt thanh quản.
– Isofluran tăng rõ rệt tác dụng của các thuốc gây giãn cơ không khử cực.
– Isofluran cũng như các thuốc gây mê chứa halogen khác, có thể phản ứng với chất hấp phụ carbon dioxyd đã bị khô tạo ra carbon monoxyd và do đó làm tăng carboxy-hemoglobin trong một số bệnh nhân. Vì vậy, khi nghi ngờ chất hấp phụ carbon dioxyd đã bị khô, cần phải thay chất hấp phụ mới trước khi dùng isofluran.
Thời kỳ mang thai
– Có thể gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh nếu dùng trong thời kỳ mang thai. Tính an toàn của thuốc trong thời gian mang thai chưa được xác định, do đó phải tránh dùng isofluran trong thời kỳ mang thai Gây giãn cơ tử cung, tăng mất máu xảy ra sau nạo thai hoặc thời kỳ hậu sản.
Thời kỳ cho con bú
– Do trọng lượng phân tử nhỏ nên thuốc có thể qua sữa, nhưng khả năng gây độc còn chưa được xác định. Cho con bú chỉ được thực hiện sau khi kết thúc gây mê 12 giờ.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
– Giống như các thuốc gây mê có halogen khác, đã thấy các ADR khi sử dụng isofluran như: Ức chế hô hấp, hạ huyết áp, loạn nhịp tim và sốt cao ác tính. Các thuốc gây mê có halogen có nguy cơ gây loạn nhịp tim. Nhưng khác với halothan và enfluran; isofluran ức chế tim ít hơn và làm cho độ nhạy cảm của cơ tim với các thuốc tác dụng kiểu giao cảm ít hơn halothan và enfluran. Tuy loạn nhịp nhĩ và loạn nhịp thất xuất hiện tương ứng với tỷ lệ 3,9% và 2,5% trên số người bệnh dùng isofluran nhưng sự gây loạn nhịp tim của isofluran đã được chứng minh nhẹ hơn halothan. Hạ huyết áp và ức chế hô hấp xuất hiện tương ứng khoảng 8% và 12% trên người bệnh. Rét run, buồn nôn và nôn có thể xảy ra trong quá trình hồi tỉnh.
– Dùng isofluran để khởi mê thì không êm dịu bằng halothan, có thể ho, co thắt thanh quản. Đã thấy tăng bạch cầu, ngay cả khi không có stress phẫu thuật. Còn xuất hiện tăng nhất thời glucose huyết và creatinin huyết thanh, giảm phosphatase – kiềm và cholesterol huyết thanh. Ở người bệnh mẫn cảm, isofluran có thể gây sốt cao ác tính.
– Không an toàn ở bệnh nhân rối loạn chuyển hóa porphyrin.
Thường gặp, ADR > 1/100
– Máu: Tăng bạch cầu.
– Tuần hoàn: Hạ huyết áp, loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ ở bệnh nhân có hẹp mạch vành.
– Hô hấp: Suy hô hấp.
– Chuyển hóa: Tăng glucose huyết và creatinin huyết thanh, giảm phosphatase – kiềm và cholesterol huyết thanh.
– Sốt cao ác tính.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Dạ dày – ruột: Buồn nôn, nôn. Hiếm gặp, ADR < 1/1 000 Gan: Viêm gan, hoại tử gan.
– Dạ dày – ruột: Tắc ruột sau phẫu thuật.
– Thận: Có thể gây hại cho thận (được thấy sau thời gian sử dụng dài).
Hướng dẫn cách xử trí ADR
– Trong quá trình gây mê bằng isofluran, ADR thường gặp là ức chế hô hấp và hạ huyết áp, do đó cần phải theo dõi chặt chẽ hô hấp và huyết áp. Cần thiết phải thực hiện những biện pháp hỗ trợ để chống hạ huyết áp và ức chế hô hấp do gây mê quá sâu. Khi đó cần giảm nồng độ isofluran hít vào. Đối với người bệnh phẫu thuật thần kinh, thông khí phổi phải được điều khiển. Trong quá trình gây mê sâu, lưu lượng máu não có xu hướng tăng, và để đề phòng tăng áp lực nội sọ, cần tăng thông khí phổi cho người bệnh trước và trong quá trình gây mê.
– Để tránh ADR có thể xảy ra trong quá trình khởi mê bằng isofluran có thể dùng loại thuốc barbiturat tác dụng ngắn hoặc propofol, tiếp theo là hít hỗn hợp isofluran.
– Các hiện tượng run sau phẫu thuật cần được theo dõi và điều chỉnh thân nhiệt.
Liều lượng và cách dùng
– Phải sử dụng bộ phối khí hoặc máy phối khí chuyên dùng cho isofluran để có thể kiểm soát được chính xác nồng độ thuốc mê cung cấp.
– Nồng độ phế nang tối thiểu (MAC-Minimum Alveolar Concentration) của isofluran thay đổi tùy theo tuổi.
– Khởi mê: Nếu dùng isofluran cho khởi mê thì nồng độ bắt đầu là 0,5%. Nồng độ từ 1,5 – 3,0% thường dẫn đến mê cho phẫu thuật trong vòng 7 – 10 phút.
– Một thuốc barbiturat tác dụng ngắn hoặc một thuốc khởi mê tĩnh mạch như midazolam, propofol, etomidat được khuyến cáo dùng trước khi cho hít hỗn hợp isofluran.
– Isofluran có thể sử dụng với oxygen hoặc với hỗn hợp oxygen – nitrogen protoxyd.
– Dùng cho duy trì mê: Mê giai đoạn phẫu thuật được duy trì với nồng độ 1 – 2,5% isofluran trong hỗn hợp nitrogen protoxyd và oxygen. Nếu chỉ dùng với oxygen duy nhất, nồng độ isofluran có thể cần tới 1,5 – 3,5%.
Tương tác thuốc
– Isofluran không được kết hợp với các thuốc giống giao cảm (cường giao cảm) vì sự kết hợp này có thể dẫn tới loạn nhịp thất nghiêm trọng, đặc biệt trong trường hợp carbon dioxyd huyết tăng cao.
– Isofluran tăng rõ rệt tác dụng của tất cả các thuốc giãn cơ thường dùng, tác dụng này thể hiện mạnh nhất đối với các thuốc giãn cơ không khử cực. Do đó những thuốc này chỉ dùng với liều bằng 1/3 đến 1/2 liều thường dùng. Neostigmin có tác dụng đối với các thuốc giãn cơ không khử cực nhưng không ảnh hưởng đến tác dụng giãn cơ của chính isofluran.
– Isofluran có thể tăng tác dụng gây độc hại gan của isoniazid bằng cách tăng tạo các chất chuyển hóa độc hại của isoniazid. Phải ngừng điều trị bằng isoniazid một tuần trước khi phẫu thuật và không được tiếp tục dùng isoniazid cho tới 15 ngày sau.
– Các thuốc giảm đau morphin tăng tác dụng ức chế hô hấp của isofluran.
– Isofluran có thể gây hạ huyết áp nghiêm trọng ở người bệnh điều trị bằng các thuốc chẹn calci, đặc biệt đối với các dẫn chất dihydropyridin (như nifedipin, nicardipin, nimodipin, nitrendipin).
Độ ổn định và bảo quản
– Bảo quản ở nhiệt độ dưới 30 oC, tránh nóng. Chai thuốc phải để đứng.
Quá liều và xử trí
– Thuốc dùng quá liều gây hạ huyết áp rõ rệt và ức chế hô hấp. Trong trường hợp quá liều, cần ngừng ngay thuốc gây mê, kiểm tra đường thở có thông thoáng không và tùy theo tình hình cụ thể mà tiếp tục sử dụng oxygen với hô hấp hỗ trợ hoặc có điều khiển. Cần hỗ trợ và duy trì tình trạng huyết động tốt.
Thông tin qui chế
– Isofluran có trong Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.
Tên thương mại
– Aerrane; Forane; Isoflurane.