Hotline: 1800-0027 | Contact@Chothuoctay.com

Tên chung quốc tế: Cefazolin
Mã ATC: J01DB04
Loại thuốc: Kháng sinh cephalosporin thế hệ 1

Dạng thuốc và hàm lượng

– Lọ thuốc bột cefazolin natri vô khuẩn để pha tiêm: 0,25 g, 0,50 g, 1 g ,10 g, 20 g (Hàm lượng tính theo cefazolin: 1,05 cefazolin natri tương đương với khoảng 1 g cefazolin).
– Dung môi pha tiêm bắp: Nước cất pha tiêm, dung dịch natri clorid tiêm 0,9%, dextrose tiêm 5%, lidocain tiêm 5%.
– Dung môi pha tiêm tĩnh mạch và tiêm truyền: Nước cất pha tiêm, natri clorid tiêm 0,9%, dextrose tiêm 5% hoặc 10%, dextrose 5% trong natri lactat tiêm, dextrose tiêm 5% có thêm natri clorid tiêm 0,9% hoặc 0,45% hoặc 0,2%, natri lactat tiêm, dung dịch đường nghịch chuyển 5% hoặc 10% trong nước vô khuẩn để tiêm.
– Dung dịch truyền tĩnh mạch (đã đông băng) chứa 20 mg cefazolin trong 1 ml dung dịch pha tiêm dextrose 4%.

Dược lý và cơ chế tác dụng

– Cefazolin là kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 1, tác động kìm hãm sự phát triển và phân chia vi khuẩn bằng cách ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Thuốc gắn vào một hoặc nhiều protein gắn penicilin (PBP), lần lượt ức chế tổng hợp peptidoglycan trong thành tế bào vi khuẩn, vì vậy ức chế sinh tổng hợp thành tế bào. Vi khuẩn bị tiêu hủy do tác động của các enzym tự tiêu thành tế bào (autolysin và murein hydrolase), trong khi lắp ráp thành tế bào bị ngừng lại.
Phổ kháng khuẩn
– Giống như các cephalosporin thế hệ 1 (như cefadroxil, cephalexin), cefazolin có hoạt tính in vitro trên nhiều vi khuẩn Gram dương, nhưng phổ tác dụng hạn chế trên vi khuẩn Gram âm.
– Đối với nhiều vi khuẩn Gram dương, hiệu quả tác dụng của cefazolin vẫn khá. Thuốc tác dụng mạnh trong các bệnh nhiễm khuẩn Gram dương do Staphylococcus aureus (kể cả chủng tiết penicilinase), Staphylococcus epidermidis, Streptococcus beta- hemolyticus nhóm A, Streptococcus pneumoniae và các chủng Streptococcus khác (nhiều chủng Enterococcus kháng cefazolin). Cefazolin cũng có tác dụng trên một số ít trực khuẩn Gram âm ưa khí như: Escherichia coli, Klebsiella sp., Proteus mirabilis và Haemophilus influenzae. Tuy nhiên, sự kháng thuốc ngày càng tăng.
– Nồng độ ức chế tối thiểu của cefazolin với các cầu khuẩn Gram dương nhạy cảm là 0,1 đến 1 microgam/ml; với phần lớn các vi khuẩn Gram âm nhạy cảm nồng độ cần phải lớn hơn 1 microgam/ml. Kháng thuốc
– Cefazolin không có tác dụng với Enterococcus faecalis. Trực khuẩn Gram âm ưa khí khác (thường phát hiện ở các bệnh viện như Enterobacter spp., Pseudomonas spp.) đều kháng thuốc. Những vi khuẩn kỵ khí phân lập được ở miệng – hầu nói chung đều nhạy cảm, tuy vậy vi khuẩn kỵ khí như Bacteroides fragilis lại kháng thuốc.
– Các cephalosporin thế hệ 1 đều không có tác dụng với các vi khuẩn Gram âm ưa khí như Serratia, Enterobacter hoặc Pseudomonas. Các chủng Staphylococci tiết penicilinase kháng penicilin có thể xem như kháng cefazolin, mặc dù kết quả in vitro trên các test nhạy cảm có thể cho thấy vi khuẩn nhạy cảm với thuốc.
– Không dùng cefazolin để điều trị viêm nội tâm mạc do Staphylococcus kháng oxacilin, mặc dù xét nghiệm in vitro vẫn còn nhạy cảm.
Dược động học
– Cefazolin hấp thu kém từ đường tiêu hóa, nên phải sử dụng qua đường tiêm mặc dù tiêm bắp gây đau. Ở người lớn có chức năng thận bình thường, sau khi tiêm bắp với liều 500 mg cefazolin, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được từ 30 – 44 microgam/ml sau từ 1 đến 2 giờ; khi tiêm tĩnh mạch liều 1 g nồng độ trong huyết thanh trung bình khoảng 188 microgam/ml sau 5 phút, 74 microgam/ ml sau 1 giờ và 46 microgam/ml sau 2 giờ. Đối với trẻ em, nồng độ đỉnh trung bình trong huyết tương đạt được sau 30 phút và ở khoảng 28 microgam/ml, sau khi tiêm bắp liều cefazolin từ 5 – 6,25 mg/kg. Khoảng 85% cefazolin trong máu liên kết với protein huyết tương. Nửa đời của cefazolin trong huyết tương khoảng 1,8 giờ và có thể tăng từ 20 đến 70 giờ ở những người bị suy thận.
– Cefazolin khuếch tán vào xương, vào các dịch cổ trướng, màng phổi và hoạt dịch, nhưng khuếch tán kém vào dịch não tủy. Cefazolin đi qua nhau thai vào tuần hoàn thai nhi; vào sữa mẹ với nồng độ rất thấp.
– Cefazolin được đào thải qua nước tiểu ở dạng không đổi, phần lớn qua lọc cầu thận và một phần nhỏ qua bài tiết ở ống thận; ít nhất 80% liều tiêm bắp được đào thải ở dạng không đổi qua nước tiểu trong 24 giờ. Với liều tiêm bắp 500 mg và 1 g, cefazolin đạt nồng độ đỉnh trong nước tiểu tương ứng khoảng 2 mg/ml và 4 mg/ml. Probenecid làm chậm đào thải cefazolin. Cefazolin được loại bỏ ở một mức độ nào đó qua thẩm tách máu.
– Cefazolin có nồng độ cao trong mật mặc dù lượng bài tiết qua mật ít.

Chỉ định

– Cefazolin được chỉ định để điều trị các nhiễm khuẩn sau:
– Nhiễm khuẩn đường hô hấp do S. pneumoniae, S. pyogenes, Staphylococcus, Klebsiella hoặc H. influenzae.
– Nhiễm khuẩn da và mô mềm do Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes.
– Nhiễm khuẩn xương và khớp do S.aureus còn nhạy cảm.
– Một số trường hợp nhiễm khuẩn huyết và viêm nội tâm mạc do Staphylococcus và Streptococcus.
– Một số trường hợp nhiễm khuẩn đường mật và tiết niệu sinh dục do E.coli, Proteus miralilitis, Klebsiella, S.aureus.
– Tuy nhiên tốt nhất vẫn là điều trị theo kháng sinh đồ.
– Điều trị dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật: Sử dụng cefazolin trong phẫu thuật có thể làm giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn hậu phẫu ở những người bệnh đang trải qua những phẫu thuật có nguy cơ nhiễm khuẩn cao, hoặc phẫu thuật những chỗ có thể xảy ra nhiễm khuẩn hậu phẫu đặc biệt nghiêm trọng.

Đọc thêm bài viết:  Tropicamid

Chống chỉ định

– Chống chỉ định đối với người bệnh mẫn cảm với cefazolin natri, với bất cứ thành phần nào trong công thức điều chế hoặc có tiền sử dị ứng với kháng sinh nhóm cephalosporin.

Thận trọng

– Trước khi bắt đầu điều trị bằng cefazolin, phải điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với cephalosporin, penicilin hoặc thuốc khác. Đã có dấu hiệu cho thấy có dị ứng chéo một phần giữa penicilin và cephalosporin. Đã có thông báo về những người bệnh có những phản ứng trầm trọng (kể cả sốc phản vệ) với cả hai loại thuốc. Tốt hơn là nên tránh dùng cephalosporin cho người bệnh có tiền sử bị phản vệ do penicilin hoặc bị phản ứng trầm trọng khác qua trung gian globulin miễn dịch IgE (ví dụ: Phản vệ, phù mạch, mề đay). Nếu có phản ứng dị ứng với cefazolin, phải ngừng thuốc và người bệnh cần được xử lý bằng các thuốc thường dùng (như epinephrin hoặc các amin co mạch, kháng histamin, hoặc corticosteroid).
– Cần thận trọng khi kê đơn các kháng sinh phổ rộng cho những người có bệnh sử về dạ dày ruột, đặc biệt là bệnh viêm đại tràng. Sử dụng cefazolin dài ngày có thể làm phát triển quá mức các vi khuẩn không nhạy cảm. Điều trị cefazolin dài ngày có thể gây bội nhiếm nấm và vi khuẩn, bao gồm tiêu chảy do Clostridium difficile và viêm đại tràng có màng giả. Nếu có bội nhiễm cần có trị liệu thích hợp.
– Khi dùng cefazolin cho người bệnh suy chức năng thận cần giảm liều sử dụng hàng ngày.
– Việc dùng cefazolin qua đường tiêm vào dịch não tủy chưa được chấp nhận. Đã có những báo cáo về biểu hiện nhiễm độc nặng trên thần kinh trung ương, kể cả những cơn co giật, khi tiêm cefazolin theo đường này.
– Thận trọng với người bệnh có tiền sử co giật, đặc biệt với người bệnh đồng thời bị suy thận vì có thể tăng nguy cơ co giật.

Thời kỳ mang thai

– Các nghiên cứu về khả năng sinh sản trên chuột nhắt, chuột cống và thỏ với các liều cao gấp 25 lần liều dùng cho người không cho thấy dấu hiệu tổn thương khả năng sinh sản hoặc có hại cho bào thai.
– Cefazolin thường được xem như có thể sử dụng an toàn cho người mang thai. Có thể tiêm tĩnh mạch 2 g cefazolin, cách 8 giờ/lần, để điều trị viêm thận – bể thận cho người mang thai trong nửa cuối thai kỳ. Chưa thấy tác dụng có hại đối với bào thai do thuốc gây nên. Tuy vậy, chưa có những nghiên cứu đầy đủ và kiểm soát chặt chẽ trên những người mang thai. Vì các nghiên cứu về khả năng sinh sản trên súc vật, không phải lúc nào cũng tiên đoán được các đáp ứng ở người, nên thuốc này phải dùng thận trọng và chỉ dùng cho người mang thai khi thật cần thiết.

Thời kỳ cho con bú

– Nồng độ cefazolin trong sữa mẹ tuy thấp, cần sử dụng thận trọng cho người bệnh cho con bú, do có ba vấn đề tiềm tàng có thể xảy ra ở trẻ: Sự thay đổi của hệ vi khuẩn đường ruột, tác dụng trực tiếp lên trẻ đang bú, và kết quả sẽ bị nhiễu khi cần thử kháng sinh đồ ở trẻ bị sốt. Cần phải quan sát các chứng tiêu chảy, tưa lưỡi do nấm Candida và nổi ban ở trẻ bú sữa của mẹ đang dùng cefazolin.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

– Đã có thông báo về dị ứng với cefazolin ở người bệnh không bị dị ứng với penicilin, nhưng không rõ tỉ lệ chính xác.
– Gần đây đã có thông báo về những trường hợp bị hoại tử biểu bì nhiễm độc và nhiều thông báo về ban mụn mủ phát triển toàn thân do cefazolin. Ước tính tỉ lệ xác thực bị dị ứng chéo lâm sàng giữa penicilin và cephalosporin là 1 đến 2%. Tuy nhiên, tốt hơn là nên tránh dùng cephalosporin trong trường hợp có tiền sử bị phản vệ do penicilin hoặc phản ứng trầm trọng khác qua trung gian globulin miễn dịch IgE.
– Hầu như tất cả các cephalosporin đều có thể gây phản ứng từ giảm bạch cầu trung tính đến mất bạch cầu hạt. Tất cả các trường hợp xảy ra đều do các liều tích lũy cao trong một đợt điều trị. Thường thấy thiếu máu tan huyết miễn dịch trong quá trình điều trị với những liều rất cao.
– Đã có tài liệu chứng minh rằng cefazolin gây cản trở việc tổng hợp yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K. Cần lưu ý theo dõi thời gian chảy máu ở người bệnh có nguy cơ (tiền sử chảy máu, giảm tiểu cầu hoặc sử dụng những thuốc ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu). Suy thận, rối loạn chức năng gan, tiền sử bệnh dạ dày – ruột và thiếu dinh dưỡng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở người bệnh điều trị bằng cefazolin.
– Vì có hai dị vòng ở vị trí 3 và 7 và là một dẫn xuất tetrazol có biểu hiện tương tự với phenyltetrazol gây co giật, nên rất có khả năng cefazolin gây cơn động kinh. Gần đây đã có báo cáo những trường hợp bị ngộ độc thần kinh với cefazolin sau khi dùng thuốc đường não thất và toàn thân.
– Trên súc vật, cefazolin là loại cephalosporin đứng thứ hai về gây độc hại thận và gây thương tổn tương tự như cephaloridin. Tuy nhiên, còn chưa biết rõ mối liên quan về tính độc hại này trên người.
– Có thể thấy các tác dụng không mong muốn sau: Thần kinh trung ương: Sốt, cơn co giật.
– Da: Ngoại ban, ngứa, hội chứng Stevens – Johnson.
– Tiêu hóa: Ỉa chảy, buồn nôn, nôn, co cứng cơ bụng, chán ăn, viêm đại tràng màng giả, nấm candida ở miệng.
– Tiết niệu sinh dục: Viêm âm đạo.
– Gan : Enzym gan, viêm gan.
– Máu: Tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu trung tính, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng tiểu cầu.
– Tại chỗ: Đau nơi tiêm, viêm tĩnh mạch.
– Thận: Tăng nitơ phi protein huyết, tăng creatinin huyết thanh, suy thận.
– Khác: Phản vệ.
– Tác dụng không mong muốn nói chung cho các cephalosporin: Hoại tử thượng bì nhiễm độc, đau bụng, ứ mật, bội nhiễm, bệnh thận nhiễm độc, thiếu máu không tái tạo, thiếu máu tan huyết. Xuất huyết, thời gian prothrombin kéo dài, giảm toàn thể huyết cầu.

Đọc thêm bài viết:  Ích mẫu

Hướng dẫn cách xử trí ADR

– Người bệnh bị suy thận: Cần giảm liều. Phải theo dõi chức năng thận và công thức máu, nhất là khi điều trị liều cao và dài ngày. Nếu người bệnh bị phản ứng dị ứng hoặc quá mẫn nghiêm trọng, phải ngừng sử dụng cefazolin và tiến hành các biện pháp hỗ trợ (duy trì thông khí và sử dụng epinephrin, oxy, tiêm tĩnh mạch corticosteroid).
– Các trường hợp bị viêm đại tràng màng giả thể nhẹ thường chỉ cần ngừng thuốc. Các trường hợp thể vừa và nặng, cần lưu ý cho dùng các dịch hoặc chất điện giải, bổ sung protein và điều trị bằng một kháng sinh có tác dụng lâm sàng điều trị viêm đại tràng do Clostridium difficile.

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng:
– Dùng cefazolin natri theo đường tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, liều dùng được tính theo cefazolin khan. Cefazolin được tiêm bắp sâu vào các cơ lớn, tiêm chậm vào tĩnh mạch trong 5 phút hoặc tiêm truyền tĩnh mạch không liên tục 30 – 60 phút. Trước khi tiêm, phải kiểm tra dung dịch cefazolin, không được dùng nếu nhìn thấy có tiểu phân đặc biệt.
– Cefazolin natri có thể được sử dụng theo đường màng bụng dùng trong dung dịch thẩm tách màng bụng và tiêm vào nội nhãn cầu. Theo dõi kiểm tra chức năng thận định kỳ khi dùng kết hợp với các thuốc gây độc thận khác, kiểm tra chức năng gan. Theo dõi các triệu chứng của sốc mẫn cảm của thuốc đối với liều dùng đầu tiên. Có thể pha dung dịch tiêm tùy theo cỡ lọ như
– Tiêm truyền tĩnh mạch liên tục hay gián đoạn: Pha loãng tiếp cefazolin đã pha ở trên với 50 – 100 ml của một trong những dung môi tương hợp đã ghi ở mục: Dạng thuốc và hàm lượng.
Liều lượng:
– Liều người lớn: Liều người lớn thường dùng để điều trị các nhiễm khuẩn nhẹ gây bởi các cầu khuẩn Gram dương là 250 – 500 mg, cách 8 giờ một lần. Nhiễm khuẩn vừa đến nặng: từ 0,5 g – 1 g cách 6 – 8 giờ một lần. Nhiễm khuẩn nặng, đe doạ tính mạng: 1 – 1,5 g cách 6 giờ một lần, liều tăng tới 12 g/ngày đã được dùng nhưng rất ít trường hợp.
– Dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật, tiêm liều 1 g trước khi phẫu thuật 0,5 – 1 giờ. Đối với phẫu thuật kéo dài, tiêm tiếp liều 0,5 – 1 g trong khi phẫu thuật. Sau phẫu thuật tiêm liều 0,5 – 1 g, 6 – 8 giờ/lần trong 24 giờ hoặc tới 5 ngày cho một số trường hợp (như mổ tim hở và ghép cấy các bộ phận chỉnh hình).
– Liều trẻ em: Độ an toàn và tác dụng của cefazolin đối với trẻ đẻ non và trẻ một tháng tuổi hoặc nhỏ hơn chưa được xác định. Trẻ em trên 1 tháng tuổi nhiễm khuẩn nhẹ đến vừa có thể dùng 25 – 50 mg/kg/ngày, chia làm 3 hoặc 4 lần/ngày; trường hợp nhiễm khuẩn nặng, liều có thể tăng lên tối đa 100 mg/kg thể trọng/ngày, chia làm 4 lần/ngày.
– Dự phòng trước phẫu thuật: 20 – 30 mg/kg tiêm tĩnh mạch lúc gây mê (trong vòng 0,5 – 1 giờ Người lớn:
– Viêm đường dẫn mật cấp: nhẹ: 250 – 500 mg tiêm bắp, cách 8 giờ/ lần; vừa: 0,5 – 1 g tiêm bắp cách nhau 6 – 8 giờ; nặng (đe dọa tính mạng): 1 – 1,5 g tiêm bắp cách 6 giờ/lần, tối đa 12 g/ngày.
– Viêm nội tâm mạc do tụ cầu hoặc S.pneumoniae: 1 – 1,5 g cách 6 giờ/lần, tối đa: 12 g/ngày.
– Nếu do tụ cầu, van tim chưa can thiệp: 6 g/ngày, chia làm 3 lần đều nhau, cho trong 6 tuần. Có thể dùng cùng với gentamycin tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch hoặc không dùng cùng: 3 mg/kg/ngày chia làm 3 liều đều nhau, cho trong 3 – 5 ngày đầu phác đồ cefazolin. Nếu do tụ cầu, van tim giả: 6 g/ngày chia làm 3 liều đều nhau, cho trong 6 tuần hoặc lâu hơn và dùng phối hợp với gentamicin tiêm bắp hay tĩnh mạch (3 mg/kg/ngày chia làm 2 hoặc 3 liều đều nhau trong 2 tuần điều trị đầu) và tiêm tĩnh mạch hoặc uống rifampin (900 mg/ngày chia làm 3 liều đều nhau, trong 6 tuần hoặc lâu hơn). Nếu do S. pyogenes hoặc S. pneumoniae: thời gian điều trị 4 tuần. Dự phòng viêm nội tâm mạc trước thủ thuật: Dùng 1 liều duy nhất 1 g tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, cho trước khi làm thủ thuật 0,5 – 1 giờ. Viêm đường hô hấp (viêm phổi do S. pneumoniae): 500 mg cách 12 giờ/lần.
– Nhiễm khuẩn huyết: 1 – 1,5 g cách nhau 6 giờ/lần, tối đa 12 g/ngày. Viêm đường tiết niệu (không biến chứng): 1 g cách 12 giờ/lần.
– Dự phòng bệnh liên cầu khuẩn nhóm B chu sinh: liều ban đầu: 2 g tiêm tĩnh mạch, tiêm lúc chuyển dạ hoặc lúc vỡ màng ối, sau đó 1 g tiêm tĩnh mạch cách 8 giờ/lần cho tới khi đẻ.
– Dự phòng trước, trong và sau phẫu thuật: 1 g tiêm bắp hay tĩnh mạch 0,5 – 1 giờ trước khi phẫu thuật. Trong khi phẫu thuật cho thêm 0,5 – 1 g tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. 24 giờ sau phẫu thuật có thể cho 0,5 – 1 g tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. Khi có nhiều nguy cơ (phẫu thuật tim mở, tạo khớp giả), có thể liên tục trong 3 – 5 ngày sau phẫu thuật.
Trẻ em:
– Điều trị viêm nội tâm mạc: chưa thay van tim: 100 mg/kg/ngày (tối đa 6g/ngày) chia làm 3 – 4 liều đều nhau, cho trong 6 tuần và có thể cho cùng hoặc không với gentamicin (3 mg/kg/ngày chia làm 3 liều đều nhau, cho trong 3 – 5 ngày đầu điều trị). Nếu đã thay van tim, do tụ cầu: 100 mg/kg/ngày (tối đa 6 g/ngày) chia làm 3 – 4 liều đều nhau, cho trong 6 tuần hoặc lâu hơn, phối hợp cùng với gentamicin tiêm bắp hoặc tĩnh mạch (3 mg/kg/ngày chia làm 2 hoặc 3 liều đều nhau trong 2 tuần đầu điều trị và tiêm tĩnh mạch hoặc uống rifampin (20 mg/kg/ngày chia làm 3 liều đều nhau, cho trong 6 tuần hoặc lâu hơn).
– Nếu viêm nội tâm mạc do S. pyogenes hoặc S. pneumoniae: thời gian điều trị: 4 tuần.
– Dự phòng viêm nội tâm mạc do liên cầu khuẩn X-tan huyết (nhóm viridans): 1 liều duy nhất 50 mg/kg tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 0,5 – 1 giờ trước khi làm thủ thuật.
– Dự phòng trước, trong và sau phẫu thuật: Phẫu thuật tim, lồng ngực tim: Cefazolin 20 – 30 mg/kg tiêm tĩnh mạch lúc tiền mê (0,5 – 1 giờ trước khi rạch da). Phẫu thuật thần kinh hoặc đường tiêu hóa, đường dẫn mật: 20 – 30 mg/kg tiêm tĩnh mạch lúc tiền mê (0,5 – 1 giờ trước khi rạch).
– Nhiều nhà lâm sàng cho rằng không cần cho thuốc sau phẫu thuật tim, mạch máu, chỉnh hình tới 24 – 72 giờ sau phẫu thuật, vì có thể làm tăng nguy cơ kháng thuốc.

Đọc thêm bài viết:  Gừng

Tương tác thuốc

– Dùng phối hợp cefazolin với probenecid có thể làm giảm đào thải cephalosporin qua ống thận, nên làm tăng và kéo dài nồng độ cephalosporin trong máu.
– Dùng kết hợp cephalosporin với colistin (một kháng sinh polymyxin) làm tăng nguy cơ gây tổn hại thận.
– Cefazolin có mạch nhánh methylthiadiazolthiol; giống như các cephalosporin có mạch nhánh N-methylthiotetrazol, cefazolin gây phản ứng giống disulfiram khi tác dụng với rượu và làm tăng tác dụng của các thuốc kháng vitamin K như warfarin.
– Hoạt lực của cefazolin có thể được tăng lên khi dùng đồng thời với các tác nhân gây uric – niệu.
– Cefazolin có thể làm giảm hoạt lực vắc xin thương hàn.

Độ ổn định và bảo quản

– Lọ thuốc chưa pha: Bảo quản tránh ánh sáng và để ở 15 – 30 oC. Cefazolin đã pha trong nước cất pha tiêm, dung dịch dextrose tiêm 5%, dung dịch natri clorid tiêm 0,9% giữ được ổn định trong 24 giờ ở nhiệt độ phòng và trong 10 ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh từ 2 – 8 oC.

Tương kỵ

– Cefazolin natri tương kị với các aminoglycosid và nhiều chất khác. Không được trộn cùng với các kháng sinh khác.
– Ở môi trường có pH trên 8,5 cefazolin có thể bị thủy phân và ở pH dưới 4,5 có thể tạo tủa cefazolin không tan.

Quá liều và xử trí

– Xử trí quá liều cần được cân nhắc đến khả năng quá liều của nhiều loại thuốc, sự tương tác thuốc và dược động học bất thường ở người bệnh.
– Trường hợp người bệnh bị co giật, nên ngừng thuốc ngay lập tức, điều trị chống co giật nếu có chỉ định trên lâm sàng. Bảo vệ đường hô hấp của người bệnh, hỗ trợ thông khí và truyền dịch. Theo dõi cẩn thận và duy trì trong phạm vi cho phép các biểu hiện sống của người bệnh, như hàm lượng khí – máu, các chất điện giải trong huyết thanh… Trường hợp quá liều trầm trọng, đặc biệt ở người bệnh suy thận, có thể phối hợp lọc máu và truyền máu nếu điều trị bảo tồn thất bại. Tuy nhiên, chưa có dữ liệu nào ủng hộ cho cách điều trị này.

Thông tin qui chế

– Cefazolin natri có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013 và Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.

Tên thương mại

– Ajuzolin Inj; Alfazole Inj.; Alpazolin; Axuka; Baczoline-1000; Beecezon; Bicilin; Bifazo; Biofazolin; Cbipromizen inj.; Cefdivale; Cephazomid; Curazole; Denkaxym; Devicine Inj.; Elmaz; Erabru; Gastufa; Greenzolin; Harzong; Imezin; Intrazoline; Kazolin; Lefzomed; Medfurin; Midafaclo; Nefizoline; Niozacef; Novazef; Philfazolin; Schtazol; Shinzolin; SP. Cefazolin; Sprealin; Tafozin; Vicizolin; Wonzolin Inj; Yuhan Cefazolin; Zepilen; Zoliicef; Zolinbac; Zolinicef; Zolival; Zovincef.

Organization: https://chothuoctay.com/
Mô tả: Giúp người bệnh mua thuốc online chính hãng
Tiểu đường thai kỳ Chothuoctay

Tiểu đường thai kỳ

Bạn đã từng nghe về tiểu đường thai kỳ? Đây là một tình trạng đáng lo ngại mà nhiều phụ nữ mang thai phải đối