Hotline: 1800-0027 | Contact@Chothuoctay.com

Tên chung quốc tế: Didanosine.
Mã ATC: J05AF02.
Loại thuốc: Thuốc kháng retrovirus nucleosid ức chế enzym phiên mã ngược.

Dạng thuốc và hàm lượng

– Viên nhai, kháng acid: 25, 50, 100, 150, 200 mg.
– Viên pha hỗn dịch: 25, 50, 100, 150 mg.
– Nang tác dụng kéo dài: 125, 200, 250, 400 mg.
– Bột thuốc pha uống, kháng acid: 100, 167, 250 mg. Bột thuốc pha uống cho trẻ em: lọ 2 g, lọ 4 g.

Dược lý và cơ chế tác dụng

– Didanosin là một nucleosid ức chế enzym phiên mã ngược, có tác dụng kháng retrovirus HIV (HIV-1 và HIV-2) và in vitro có vài tác dụng kháng virus viêm gan B nhưng ý nghĩa lâm sàng chưa rõ. Thuốc được sử dụng để điều trị nhiễm HIV và được dùng kết hợp với các thuốc kháng retrovirus khác.
– Trong tế bào, didanosin được chuyển hóa qua nhiều bước thành 2,3-dideoxyadenosin-5-triphosphat (ddA-TP) là một chất chuyển hóa có hoạt tính. Do ddA-TP có cấu trúc tương tự 2’-deoxyadenosin- 5’phosphat là cơ chất thông thường của enzym phiên mã ngược của virus nên chất này cạnh tranh để sáp nhập vào DNA của virus. ddA-TP gắn vào mạch DNA của virus và làm ngừng sớm sự tổng hợp DNA từ RNA của retrovirus.
– Kháng thuốc: HIV giảm nhạy cảm với didanosin đã tạo ra được in vitro và đã phân lập được từ người đã điều trị bằng didanosin. Sau 1 năm điều trị bằng didanosin có thể sẽ xuất hiện các chủng đột biến ở các codon của enzym phiên mã ngược như L74V, V75T, K65R, Q159M, A62V… . Chủng đột biến L74V (valin thay thế leucin) làm giảm nhạy cảm với thuốc tới 60%.
– Kháng chéo: Cần phải nghiên cứu thêm để đánh giá đầy đủ mức độ kháng chéo giữa các thuốc dideoxy nucleosid ức chế enzym phiên mã ngược. Tuy HIV kháng zidovudin thường vẫn nhạy cảm với didanosin in vitro, nhưng có một số chủng cũng có thể kháng chéo với didanosin và/hoặc với zalcitabin. Kháng chéo với các thuốc ức chế protease HIV và các thuốc không nucleosid ức chế enzym phiên mã ngược rất ít có khả năng xảy ra vì cơ chế tác dụng khác nhau.

Dược động học

– Hấp thu: Mức độ hấp thu của didanosin uống phụ thuộc vào dạng thuốc, thức ăn có trong dạ dày và nhất là pH dịch vị, vì didanosin bị pH dạ dày nhanh chóng giáng hóa và làm thuốc mất tác dụng vì vậy thuốc được bào chế với chất kháng acid. Trong môi trường acid của dạ dày, didanosin bị chuyển hóa thành 2’-3’dideoxynosin và hypoxanthin là tiền chất của acid uric nên làm tăng acid uric huyết. Thuốc chứa trong viên nén giải phóng chậm được giải phóng ở ruột non.
– Nếu uống didanosin vào bữa ăn, sinh khả dụng giảm đáng kể (khoảng 50%). Sau khi uống nang tác dụng kéo dài, nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương thấp hơn khoảng 40% nồng độ đỉnh trong huyết tương của viên nhai hay phân tán có chất đệm. Ngoài ra, thời gian đạt được nồng độ đỉnh trong huyết tương sau khi uống nang giải phóng chậm là 2 giờ, so với viên nén khoảng 0,67 giờ. Sau khi tiêm truyền tĩnh mạch trong 1 giờ 1 liều didanosin duy nhất 0,4 mg/kg hoặc 5,1 mg/kg ở người nhiễm HIV, nồng độ đỉnh tương ứng trong huyết tương trung bình là 0,31 hoặc 5,1 microgam/ml. Nồng độ thuốc trong huyết tương nói chung tỷ lệ thuận với liều trong phạm vi 50 – 400 mg.
– Thuốc không tích luỹ trong huyết tương hoặc nước tiểu sau khi uống hoặc truyền tĩnh mạch nhiều lần ở người lớn.
– Ở trẻ em và thiếu niên, sau khi uống, didanosin hấp thu nhanh nhưng có thay đổi rất lớn về sinh khả dụng giữa các cá thể, so với người lớn. Sinh khả dụng didanosin khi uống ở trẻ em từ 7 tháng đến 19 tuổi, trung bình 19 – 42% (dao động 2 – 89%). Nồng độ thuốc trong huyết tương nói chung tỷ lệ thuận với liều uống trong phạm vi 80 – 180 mg/m2.
– Phân bố: Thể tích phân bố sau khi tiêm tĩnh mạch trung bình là 43,7 lít/m2 ở người lớn và 28 lít/m2 ở trẻ em bị bệnh.
– Sau khi tiêm tĩnh mạch, didanosin vào dịch não tủy, sau 1 giờ nồng độ thuốc trong dịch não tủy bằng khoảng 21% nồng độ trong huyết tương. Ở trẻ em, nồng độ didanosin trung bình trong dịch não – tủy khoảng 46% nồng độ trong huyết tương sau khi truyền tĩnh mạch 60 – 90 mg/m2 hoặc sau khi uống liều 120 – 180 mg/m2.
– Didanosin qua nhau thai và vào nước ối. Chưa biết thuốc có vào sữa mẹ hay không. Thuốc gắn vào protein rất ít (5%).
– Chuyển hoá: Chưa được đánh giá đầy đủ ở người. Do didanosin là một chất tương tự inosin, một purin nucleosid tự nhiên, nên người ta cho rằng didanosin được đào thải giống như purin nội sinh. Trong tế bào vật chủ, didanosin được chuyển nhanh chóng thành ddA-TP là một chất chuyển hóa có hoạt tính kháng virus. Cho tới nay, nửa đời ddA-TP trong tế bào in vivo chưa được xác định; in vitro, nửa đời ddA-TP trong tế bào khoảng từ 8 – 24 giờ.
– Ở người lớn nhiễm HIV, nửa đời huyết tương didanosin trung bình 0,97 – 1,6 giờ (0,3 – 4,64 giờ). Ở trẻ em và thiếu niên (từ 8 tháng tuổi đến 19 tuổi) nhiễm HIV, nửa đời huyết tương trung bình 0,8 giờ (0,51 – 1,2 giờ). Ở trẻ sơ sinh và trẻ 2 tuần tuổi đến 4 tháng tuổi là 1,2 giờ.
– Nửa đời huyết tương ở người bị suy thận thẩm phân khoảng 4,5 giờ.
Đào thải:
– Ở người lớn, độ thanh thải ở thận bằng 50% độ thanh thải toàn thân (800 ml/phút), chứng tỏ ống thận bài tiết tích cực didanosin, kết hợp với lọc ở cầu thận. Sau khi uống, 20% liều được tìm thấy trong nước tiểu.
– Ở trẻ em, độ thanh thải ở thận bằng khoảng 59% độ thanh thải toàn thân (315 ml/phút/m2) chứng tỏ cả 2 đường thận và ngoài thận đã tham gia vào đào thải. Sau khi uống, khoảng 17% liều được tìm thấy trong nước tiểu.
– Thẩm phân: 4 giờ thẩm phân máu làm giảm nồng độ didanosin trong huyết thanh khoảng 20%. Lượng thuốc lấy ra qua thẩm phân máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố (loại ống, lưu lượng dịch thẩm phân…). Thẩm phân màng bụng ít tác dụng.
– Không thấy có thay đổi lâm sàng có ý nghĩa về dược động học của didanosin ở phụ nữ mang thai.

Đọc thêm bài viết:  Clorpheniramin

Chỉ định

– Didanosin phối hợp với các thuốc kháng retrovirus khác được chỉ định để điều trị nhiễm HIV-1 cho người lớn, thiếu niên và trẻ em. Didanosin phối hợp với các thuốc kháng retrovirus khác để dự phòng cho người sau phơi nhiễm do nghề nghiệp hoặc không do nghề nghiệp. Nếu có nguy cơ cao, có thể phối hợp thêm 1 thuốc thứ 3 kháng retrovirus (thường là indinavir, nelfinavir, efavirenz hoặc abacavir).

Chống chỉ định

– Dị ứng với didanosin hoặc với thành phần của chế phẩm. Người đang dùng alopurinol hoặc ribavirin.

Thận trọng

– Người nghiện rượu. Phải tránh uống rượu khi dùng thuốc.
– Người phải theo chế độ hạn chế muối (suy tim, xơ gan, bệnh gan nặng, phù ngoại vi hoặc phù phổi, huyết áp cao, suy thận, ngộ độc thai) vì trong chế phẩm có muối natri.
– Người bị bệnh gút (vì didanosin làm tăng acid uric trong máu). Người có tiền sử viêm tụy. Người có triglycerid cao uống didanosin có nguy cơ bị viêm tụy; nếu triglycerid tăng quá cao thì phải ngừng uống didanosin.
– Tránh dùng đồng thời với các thuốc có khả năng gây viêm tụy (ví dụ, pentamidin tiêm tĩnh mạch) hoặc gây viêm dây thần kinh ngoại biên (ví dụ, metronidazol).
– Thận trọng khi dùng cho người bệnh bị suy thận hoặc suy gan. Thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh có gan to hoặc có nguy cơ bị mắc bệnh gan.
– Didanosin không có tác dụng chống lây nhiễm virus HIV từ người này sang người khác. Bởi vậy người bệnh được điều trị bằng didanosin vẫn phải áp dụng các biện pháp thích hợp để tránh lây nhiễm virus sang người khác (không cho máu, dùng bao cao su…).

Thời kỳ mang thai

– Didanosin đi qua nhau thai. Không dùng cho phụ nữ mang thai, trừ khi không thể sử dụng được các thuốc khác và chắc chắn lợi ích vượt hẳn nguy cơ có thể xảy ra.

Thời kỳ cho con bú

– Chưa biết thuốc có vào sữa mẹ hay không. Nếu đang cho con bú, phải ngừng cho bú khi dùng thuốc. Dù sao, phụ nữ có HIV cũng không nên cho con bú.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

– Tác dụng độc chính của didanosin là có thể gây viêm tụy nặng, nhiễm toan acid lactic, gan to nhiễm mỡ, viêm thần kinh ngoại biên, thay đổi ở võng mạc, viêm dây thần kinh thị giác. Thuốc thường được dung nạp tốt ở người lớn khi dùng liều uống 10 mg/ kg/ngày hoặc thấp hơn trong 6 – 38 tháng hoặc lâu hơn.
– Rất thường gặp, ADR > 10/100
– Thần kinh: Lo âu, nhức đầu, dễ bị kích thích, mất ngủ, bồn chồn, viêm dây thần kinh ngoại biên (kiến bò, nóng rát, tê, đau ở bàn chân hoặc bàn tay).
– Tiêu hoá: Khô miệng, ỉa chảy, đau bụng.
– Thường gặp, 1/100 < ADR < 10/100
– Tiêu hoá: Đau bụng, nôn, buồn nôn, ỉa chảy kéo dài, viêm tụy (người già có nguy cơ cao hơn người trẻ).
– Da: Nổi mẩn, ngứa.
– Gan: Tăng AST, ALT, tăng phosphatase kiềm.
– Chuyển hóa: Acid uric tăng, tăng amylase, tăng lipase, tăng triglycerid trong máu, giảm kali, calci, magnesi huyết.
– Ít gặp, ADR <1/100
– Tim mạch: Bệnh cơ tim (thở nhanh, phù bàn chân, cẳng chân), nhồi máu cơ tim.
– Toàn thân: Phản ứng quá mẫn, nhiễm acid lactic (có thể nguy hiểm đến tính mạng), hội chứng phục hồi miễn dịch, rối loạn phân bố mỡ.
– Mắt: Mất sắc tố ở vùng rìa võng mạc, khô mắt, viêm dây thần kinh thị.
– Tụy: Viêm tụy.
– Máu: Thiếu máu, giảm bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu. Da: Hội chứng Stevens-Johnson.
– Gan: Viêm gan có vàng da, hội chứng nhiễm mỡ ở gan, suy gan, tăng áp suất tĩnh mạch cửa (không do xơ gan).
– Cơ – xương: Đau cơ, đau khớp, tan cơ vân. Thần kinh: Động kinh, co giật.
– Khác: Sốt, suy thận cấp, rụng tóc, to tuyến nước bọt mang tai, viêm tuyến nước bọt, tăng hoặc giảm glucose huyết.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

– Theo dõi chặt chẽ sự xuất hiện các triệu chứng rối loạn thần kinh ngoại biên.
– Làm các xét nghiệm định kỳ để theo dõi: Amylase, lipase, triglycerid, kali, acid uric huyết thanh. Nên thường xuyên kiểm tra chức năng gan. Ngừng dùng thuốc nếu chức năng gan xấu đi. Phải theo dõi chặt chẽ người bệnh có tiền sử viêm tụy, người bệnh có triglycerid cao để phát hiện triệu chứng viêm tụy. Phải ngừng dùng didanosin khi thấy amylase hoặc lipase huyết tăng hoặc có dấu hiệu bị viêm tụy.
– Phải giảm liều ở người bệnh bị suy thận, suy gan nếu cần.
– Phải ngừng didanosin nếu thấy xuất hiện triệu chứng của viêm dây thần kinh ngoại biên; khi viêm dây thần kinh ngoại biên đã hết, phải giảm liều nếu dùng lại.
– Ngừng dùng thuốc nếu nồng độ aminotransferase tăng nhanh, gan to dần, gan ứ mỡ, bị nhiễm acid lactic không rõ căn nguyên, nồng độ acid uric tăng.
– Cần khám võng mạc, nhất là ở trẻ em và nếu có tổn thương võng mạc thì phải ngừng thuốc.
– Ngừng didanosin nếu ADR nặng hoặc kéo dài. Nếu nôn nhiều: Dùng thuốc chống nôn.
– Dùng thuốc an thần, thuốc ngủ nếu bị kích thích, lo âu. Dùng thuốc giảm đau.
– Phải theo dõi bệnh nhân tại bệnh viện nếu bệnh nhân có ý định tự sát.

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng:
– Viên nén để pha thành hỗn dịch để uống, hoặc để nhai, phải uống ít nhất 30 phút trước bữa ăn. Viên nang giải phóng chậm chứa các hạt kháng dịch vị phải uống ít nhất 2 giờ sau bữa ăn. Uống thuốc lúc no có thể làm giảm độ hấp thu tới 50%.
– Với thuốc nang phải nuốt cả viên, không được nhai.
– Nếu dùng dạng viên nén, có chất đệm, để nhai hoặc phân tán cần phải nhai kỹ hoặc hòa tan trong nước trước khi nuốt. Để hòa tan, phải cho 2 viên vào ít nhất 30 ml nước. Phải quấy cho tới khi có dạng phân tán đều và phải uống ngay. Mỗi liều phải dùng tối thiểu 2 viên để cung cấp đủ 1 lượng kháng acid. Có thể bảo quản dung dịch thuốc này ở nhiệt độ phòng trong 1 giờ.
– Thuốc bột có chất đệm để pha dung dịch: Đổ gói thuốc 1 liều chứa 100, 167 hoặc 250 mg vào một cốc chứa khoảng 120 ml. Quấy đều cho tới khi tan đều (khoảng 2 – 3 phút) (không pha trộn bột có chất đệm với nước hoa quả hoặc nước có chứa acid), khuấy cho tan hết rồi uống ngay.
– Thuốc bột không có chất đệm để pha uống cho trẻ em được pha như sau: Đầu tiên bột được pha với nước để có nồng độ ban đầu 20 mg/ml. Sau đó trộn ngay dung dịch này với một thuốc kháng acid để có nồng độ cuối cùng 10 mg/ml hoặc 5 mg/ml. Cách làm cụ thể như sau:
– Để có nồng độ ban đầu 20 mg/ml: Thêm 100 ml hoặc 200 ml nước vào lọ đựng bột didanosin 2 g hoặc 4 g tương ứng.
– Để có nồng độ cuối cùng 10 mg/ml: Trộn ngay 1 thể tích dung dịch 20 mg/ml với cùng 1 thể tích hỗn dịch uống nhôm và magnesi hydroxyd (khả năng trung hoà acid khoảng 25 mEq/5 ml). Lọ pha phải bằng thủy tinh và nút kín. Có thể bảo quản dung dịch pha didanosin chứa chất đệm kháng acid trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2 – 8 oC trong 30 ngày. Trước khi dùng, phải lắc kỹ. Sau khi dùng, phải để lại trong tủ lạnh ở 2 – 8 oC. Phải lắc kỹ trước mỗi lần uống.
Liều lượng:
– Liều ở người lớn được xác định dựa trên cân nặng, còn ở trẻ em dựa trên diện tích da hoặc cân nặng.
– Điều trị nhiễm HIV: Có thể kết hợp didanosin (ddI) với các thuốc kháng retrovirus khác như trong các phác đồ abacavir (ABC) + ddI + nelfinavir (NFV); hoặc: stavudin (d4T) + ddI + NFV. Tuy nhiên, kết hợp d4T và ddI phải rất thận trọng vì làm tăng độc tính của thuốc (gây viêm tụy, viêm thần kinh ngoại biên, nhiễm toan acid lactic).
Người lớn:
– Viên có chất đệm, để nhai hoặc phân tán:
– 60 kg: 200 mg/lần, ngày uống 2 lần, cách nhau 12 giờ; hoặc 400 mg ngày uống 1 lần.
< 60 kg: 125 mg/lần, ngày uống 2 lần, cách nhau 12 giờ, hoặc 250 mg/lần, ngày uống 1 lần.
Gói bột có chất đệm:
– 60 kg: 250 mg/lần, ngày uống 2 lần, cách nhau 12 giờ.
– < 60 kg: 167 mg/lần, ngày uống 2 lần, cách nhau 12 giờ. Nang giải phóng chậm: Chỉ uống 1 lần.
– 60 kg: 400 mg/lần ngày uống 1 lần.
– < 60 kg: 250 mg/lần ngày uống 1 lần.
– Liều trẻ em: Có thể cho trẻ từ 2 tuần tuổi, dựa vào tuổi và diện tích da.
– Dùng bột không có chất đệm để pha chế:
– Không xác định được liều cho trẻ sơ sinh dưới 2 tuần tuổi vì được động học của didanosin biến đổi quá nhiều.
– Trẻ từ 2 tuần – 8 tháng tuổi: 100 mg/m2, ngày 2 lần. Trẻ > 8 tháng tuổi: 120 mg/m2, ngày 2 lần.
– Dựa trên tính chất dược động học, một số chuyên gia khuyên liều cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 90 ngày tuổi là 50 mg/m2, cách 12 giờ 1 lần.
– Dùng viên nang dựa vào cân nặng (cho trẻ có khả năng nuốt được viên nang):
– 20 – < 25 kg: 200 mg ngày 1 lần.
– 25 – < 60 kg: 250 mg ngày 1 lần.
– ≥ 60 kg: 400 mg ngày 1 lần.
Phòng ngừa sau phơi nhiễm:
– Phơi nhiễm do nghề nghiệp: Uống didanosin 200 mg, ngày 2 lần hoặc 400 mg, ngày 1 lần (người nặng < 60 kg: 125 mg ngày 2 lần hoặc 250 mg ngày 1 lần) dùng kết hợp với thuốc khác (lamivudin hoặc emtricitabin; nếu cần thì thêm 1 thuốc ức chế protease hoặc thuốc không phải nucleosid ức chế enzym phiên mã ngược). Phác đồ 2 thuốc: didanosin 200 mg + stavudin 40 mg; ngày 2 lần, cách nhau 12 giờ (người ≥ 60 kg); didanosin 125 mg + stavudin 30 mg; ngày 2 lần, cách nhau 12 giờ (người < 60 kg). Phác đồ 3 thuốc: didanosin + stavudin với liều dùng và cách dùng như trên. Thuốc thứ ba là indinavir (800 mg, ngày 3 lần), hoặc nelfinavir (750 mg, ngày 3 lần hoặc 1250 mg, ngày 2 lần), hoặc efavirenz (600 mg, ngày 1 lần), hoặc abacavir (300 mg, ngày 2 lần). Phải dùng thuốc trong vòng vài giờ sau khi bị phơi nhiễm và dùng trong 4 tuần.
– Phơi nhiễm không do nghề nghiệp: Uống didanosin 200 mg, ngày 2 lần hoặc 400 mg ngày, 1 lần (người nặng < 60 kg: 125 mg ngày 2 lần hoặc 250 mg ngày 1 lần) dùng kết hợp với ít nhất là 2 thuốc kháng retrovirus khác. Phải dùng thuốc trong vòng 72 giờ sau khi bị phơi nhiễm và dùng trong 4 tuần.
– Bệnh nhân suy thận nặng và phải chạy thận nhân tạo: Phải uống thuốc 1 lần mỗi ngày và nên uống sau khi chạy thận nhân tạo.

Đọc thêm bài viết:  Metformin

Tương tác thuốc

– Thuốc kháng acid dùng đồng thời làm tăng sinh khả dụng của didanosin uống.
– Methadon làm giảm nồng độ didanosin trong huyết tương. Ganciclovir hoặc valganciclovir dùng đồng thời có thể làm nồng độ didanosin tăng lên gấp đôi. Cần theo dõi nhiễm độc didanosin. Tương tác với các thuốc kháng retrovirus:
– Các thuốc chống sự xâm nhập hoặc thoát ra của virus HIV: Chưa thấy đối kháng giữa didanosin và maravioc.
– Các thuốc ức chế integrase của HIV: Có thể có cộng tác dụng hoặc tác dụng hiệp đồng giữa didanosin và raltelnavir.
– Các thuốc ức chế protease của HIV: Có thể có cộng tác dụng hoặc tác dụng hiệp đồng giữa didanosin và indibavir, nelfinavir, ritonavir, saquinavir, tipranavir.
– Atanazavir: Uống đồng thời viên didanosin có chất đệm kháng acid và atanazavir làm giảm nồng độ và AUC của cả 2 thuốc. Uống viên didanosin giải phóng chậm đồng thời với atanazavir lúc no làm giảm nồng độ và AUC của didanosin nhưng không ảnh hưởng lên nồng độ atanazavir. Phải uống atanazavir lúc no 2 giờ trước hoặc 1 giờ sau khi uống didanosin có chất đệm (thuốc nước cho trẻ nhỏ trộn chất kháng acid) hoặc viên didanosin giải phóng chậm (uống lúc đói).
– Darunavir dạng kết hợp và được thúc đẩy bởi ritonavir: Uống didanosin lúc đói, 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi uống darunavir (uống lúc ăn).
– Indinavir: Uống didanosin có chất đệm đồng thời với indinavir làm AUC của indinavir giảm 84%. Phải dùng indinavir ít nhất 1 giờ trước hoặc sau khi uống didanosin có chất đệm (uống lúc no).
– Lopinavir: Uống didanosin (lúc đói) 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi uống dung dịch lopinavir/ritonavir (cùng thức ăn). Có thể dùng didanosin đồng thời với thuốc viên lopinavir/ritonavir (uống lúc đói). Nelfinavir: Uống didanosin (lúc đói) 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi uống nelfinavir (cùng thức ăn).
– Ritonavir: Uống didanosin (200 mg, 12 giờ 1 lần) đồng thời với ritonavir (600 mg, 12 giờ 1 lần) trong 4 ngày làm giảm nồng độ đỉnh và AUC của didanosin 13 – 16% nhưng không ảnh hưởng có ý nghĩa lên dược động học của ritonavir.
– Tipranavir: Dùng đồng thời với didanosin làm giảm nồng độ didanosin. Phải uống didanosin ít nhất là 2 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi uống tipranaivir dạng kết hợp và thúc đẩy bởi ritonavir.
– Các thuốc ức chế enzym phiên mã ngược không phải nucleosid: Didanosin cộng tác dụng hoặc tác dụng hiệp đồng với 1 số thuốc ức chế enzym phiên mã ngược không phải nucleosid (delavirdin, efavirenz, nevirapin).
– Tenofovir: Dược động học của tenofovir không bị ảnh hưởng nhưng nồng độ đỉnh của didanosin tăng (28%) và AUC tăng (44%) và làm tăng nguy cơ bị viêm tụy. Tránh dùng kết hợp tenofovir và didanosin vì trị liệu sớm thất bại, làm sớm xuất hiện các đột biến kháng thuốc, giảm CD4 và tăng nguy cơ bị tác dụng phụ (viêm tụy, bệnh thần kinh), nhất là dùng trong trị liệu ban đầu cho bệnh nhân chưa dùng thuốc kháng retrovirus; tránh dùng phác đồ kết hợp tenofovir, didanosin và lamivudin (hoặc emtricitabin) cho trẻ nhỏ. Nếu buộc phải dùng cho người lớn thì phải giảm liều didanosin. Phải theo dõi sát sao bệnh nhân về các dấu hiệu bị độc do didanosin (viêm tụy, tăng lactat máu, nhiễm acid lactic, bệnh thần kinh ngoại biên) và đáp ứng lâm sàng. Nếu có dấu hiệu bị ngộ độc thì phải ngừng dùng didanosin.
– Stavudin: Khi dùng đồng thời với didanosin làm tăng nguy cơ viêm tụy. Không dùng đồng thời 2 thuốc này và hydroxyurê. Chỉ kết hợp 2 thuốc nếu không còn cách khác.
– Zidovudin: Didanosin làm giảm nồng độ đỉnh huyết tương và AUC của zidovudin ở người lớn. Ở trẻ nhỏ, 2 thuốc không có ảnh hưởng lên dược động học của nhau.
– Didanosin dùng đồng thời với pentamidin, co-trimoxazol, hydroxyurê làm tăng nguy cơ viêm thận.
– Alopurinol dùng đồng thời với didanosin làm AUC của didanosin tăng. Không dùng đồng thời.
– Không dùng đồng thời didanosin và ribavirin vì làm tăng nồng độ chất chuyển hóa có hoạt tính của didanosin trong tế bào, làm tăng độc tính của didanosin (bệnh thần kinh ngoại biên, viêm tụy, suy gan, nhiễm acid lactic).
– Didanosin có chất đệm làm giảm nồng độ tetracyclin. Ở trẻ nhỏ, nên uống dung dịch didanosin 1 – 2 giờ trước hoặc sau khi dùng tetracyclin.
– Dùng đồng thời didanosin với rượu, asparaginase, azathioprin, estrogen, furosemid, methyldopa, nitrofurantoin, pentamidin, co-trimoxazol, sulfonamid, tetracyclin, lợi niệu thiazid, acid valproic… làm tăng nguy cơ bị viêm tụy.
– Dùng đồng thời didanosin với cloramphenicol, cisplatin, dapson, ethambutol, ethionamid, hydralazin, isoniazid, lithi, metronidazol, nitrofurantoin, nitrogen oxyd, phenytoin, stavudin, vincristin, zalcitabin làm tăng nguy cơ bị mắc viêm dây thần kinh ngoại biên. Nếu dùng kết hợp didanosin với dapson, itraconazol, ketoconazol thì các thuốc này phải được uống trước hoặc sau didanosin ít nhất là 2 giờ.
– Các thuốc cần môi trường acid dịch vị để được hấp thu tốt (các thuốc ức chế protease để điều trị HIV, các kháng sinh fluoroquinolon) phải được uống ít nhất là 2 giờ trước khi uống didanosin vì thuốc didanosin có chất đệm pH.
– Không uống chế phẩm didanosin có chứa magnesi hoặc nhôm (để kháng acid) cùng với tetracyclin, các kháng sinh nhóm fluoroquinolon (ciprofloxacin, enoxacin, lomefloxacin, norfloxacin, ofloxacin) vì nồng độ trong máu của các thuốc này bị giảm. Các thuốc này cần được uống 2 giờ trước hoặc 6 giờ sau khi uống didanosin.
– Thuốc chống nấm: Didanosin làm giảm nồng độ itraconazol, rifabutin làm tăng nồng độ didanosin nếu dùng đồng thời.

Đọc thêm bài viết:  Tam Thất

Độ ổn định và bảo quản

– Bảo quản thuốc dạng viên nén, viên nang trong lọ kín ở nhiệt độ 15 – 30 °C, tránh ánh sáng trực tiếp và nơi ẩm ướt.
– Thuốc dạng bột đựng trong gói phải được bảo quản ở nơi khô ráo, mát, nhiệt độ 15 – 30 °C, phải dùng ngay sau khi mở gói, không được pha với nước hoa quả chua.
– Thuốc đã được pha với nước thành dạng uống: Để ở nhiệt độ thường 15 – 30 °C và phải được dùng trong vòng 1 giờ.
– Thuốc nước dùng cho trẻ em phải được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2 – 8 °C, phải lắc thật kỹ trước mỗi lần dùng và không được để quá 30 ngày.

Quá liều và xử trí

– Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho quá liều didanosin. Tăng đào thải thuốc uống bằng cách gây nôn, uống than hoạt.
– Điều trị triệu chứng, chăm sóc hỗ trợ: truyền dịch điều chỉnh nhiễm acid lactic, dùng thuốc kích thích tạo bạch cầu hạt (nếu có giảm bạch cầu và nhiễm khuẩn), thuốc co mạch (nếu bị suy nhiều cơ quan), có thể dùng riboflavin và L-carnitin trong trường hợp nhiễm acid lactic do thuốc ức chế enzym phiên mã ngược.
– Lọc máu trong 3 – 4 giờ có thể lấy đi 20 – 35% liều lúc bắt đầu lọc máu. Thẩm phân màng bụng không có tác dụng.

Thông tin quy chế

– Didanosin có trong Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.

Tên thương mại

– Didanosine Stada.

Organization: https://chothuoctay.com/
Mô tả: Giúp người bệnh mua thuốc online chính hãng
Tiểu đường thai kỳ Chothuoctay

Tiểu đường thai kỳ

Bạn đã từng nghe về tiểu đường thai kỳ? Đây là một tình trạng đáng lo ngại mà nhiều phụ nữ mang thai phải đối