Hotline: 1800-0027 | Contact@Chothuoctay.com

Tên chung quốc tế: Thalidomide.
Mã ATC: L04AX02.
Loại thuốc: Thuốc điều hòa miễn dịch.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nang: 50 mg, 100 mg, 150 mg, 200 mg.

Dược lý và cơ chế tác dụng

– Vào cuối những năm 50 của thế kỷ 20, thalidomid được coi là một thuốc an thần hữu hiệu, được nhà sản xuất công bố là thuốc không có độc tính, an toàn cho phụ nữ có thai, đã được cấp phép lưu hành trên thị trường ở một số nước như Anh, Canada, Đức sử dụng như một thuốc giảm đau an thần và kết hợp với một số thuốc khác để điều trị một số bệnh như hen phế quản, tăng huyết áp, đau nửa đầu, một số triệu chứng nghén thông thường ở giai đoạn đầu thai kỳ. Riêng FDA Hoa Kỳ không cho phép lưu hành chính thức thalidomid mặc dù đã được sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng tại Hoa Kỳ, do báo cáo từ các nước châu u cho thấy thalidomid gây ADR không hồi phục cho thần kinh ngoại biên và quan trọng là không có thông tin trả lời xác đáng về tính an toàn cho thai nhi. Sau đó, thalidomid được phát hiện gây sảy thai hoặc dị dạng thai nhi. Năm 1961, thalidomid bị rút khỏi thị trường trên toàn thế giới. Vài năm sau đó, thalidomid được phát hiện có tác dụng làm giảm tổn thương viêm ở những bệnh nhân phong thể nốt ban đỏ. Ngay sau đó, có một số nghiên cứu phát hiện về tác dụng chống viêm và điều hòa miễn dịch của thalidomid, tác dụng chống tăng sinh mạch cũng như tác dụng trên một số bệnh lý ác tính. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các nghiên cứu lâm sàng về tác dụng điều trị ở những bệnh lý này vẫn còn hạn chế.
– Thalidomid là một thuốc có tác dụng điều hòa miễn dịch, chống viêm, chống tăng sinh mạch, ngoài ra còn có tác dụng giảm đau và gây ngủ. Cơ chế tác dụng điều hòa miễn dịch và chống viêm của thalidomid rất phức tạp và chưa được biết đầy đủ. Cơ chế được biết hiện nay là tác dụng điều hòa yếu tố hoại tử u alpha (tumor necrosis factor alpha: TNF-),hiệu chỉnh tác dụng trên tế bào T làm tăng sinh tế bào T, tăng sản xuất interleukin 2 và interferon -và/hoặc điều hòa di tản và hóa ứng động bạch cầu. Tác dụng chống viêm và điều hòa miễn dịch khác của thalidomid có thể là ức chế đại thực bào tham gia vào tổng hợp prostaglandin và điều hòa các bạch cầu đơn nhân máu ngoại biên sản xuất interleukin-10 và interleukin-12. Tác dụng chống viêm và điều hòa miễn dịch của thalidomid khác với các thuốc ức chế miễn dịch khác (như corticosteroid, cyclosporin), hoặc thuốc ức chế miễn dịch nhóm macrolid (tacrolimus), pentoxifylin, chất ức chế miễn dịch nhân purin (azathioprin), chất ức chế chuyển hóa purin (acid mycophenolic). Tác dụng chống viêm của thalidomid cũng khác so với các thuốc chống viêm không steroid. Thalidomid không làm giảm cơ chế kháng khuẩn của cơ thể, không gây ra tác dụng ức chế sinh bạch cầu, không làm rối loạn phản ứng quá mẫn muộn và sự hình thành u hạt.
– Thalidomid không có tác dụng kháng khuẩn trực tiếp lên M. leprae. Nghiên cứu in vitro còn cho thấy thalidomid không có tác dụng trên các vi khuẩn.
– Tác dụng chống ung thư của thalidomid thông qua ức chế tăng sinh mạch hoặc tác dụng trực tiếp lên khối tế bào khối u như kích thích tế bào chết theo chương trình (apoptosis), ức chế sản xuất yếu tố tăng trưởng, điều hòa tương tác giữa tế bào u và tế bào đệm, điều hòa miễn dịch khối u, điều hòa kết dính phân tử và ức chế cyclooxygenase typ II.
– Tác dụng trên các bệnh lý da là do tác dụng điều hòa miễn dịch như ức chế hóa ứng động bạch cầu, giảm khả năng thực bào của bạch cầu đơn nhân và bạch cầu đa nhân, mất tín hiệu gây độc tế bào, giảm sản xuất TNF-
– Tác dụng ức chế tăng sinh mạch có thể là nguyên nhân gây quái thai.
– Ngoài ra, thalidomid còn có tác dụng giảm triệu chứng suy nhược ở những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn (mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn).

Dược động học

– Dược động học của thalidomid đã được nghiên cứu ở các đối tượng: Người lớn khỏe mạnh, người lớn bị phong, nam giới cao tuổi bị ung thư tiền liệt tuyến, người lớn bị nhiễm HIV. Sinh khả dụng của thalidomid khi uống (nồng độ đỉnh trong huyết tương, AUC) ở người lớn bị bệnh phong cao hơn so với người khỏe mạnh, ở người nhiễm HIV tương tự như người khỏe mạnh. Chưa thấy sự khác biệt về dược động học liên quan đến tuổi ở người khỏe mạnh, bệnh nhân phong 20 – 69 tuổi, bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến 55 – 80 tuổi. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào về dược động học của thalidomid ở những người ít hơn 18 tuổi; bệnh nhân rối loạn chức năng thận và rối loạn chức năng gan; cũng như nghiên cứu so sánh xác định sự khác biệt về dược động học của thalidomid liên quan đến giới tính và chủng tộc, trong khi có một số dữ liệu hạn chế cho thấy dược động học của thalidomid tương tự nhau giữa nam và nữ.
– Trên cơ sở nghiên cứu ở người khỏe mạnh và người nhiễm HIV, dược động học của thalidomid có thể được mô tả tốt nhất bằng mô hình động học một ngăn, hấp thu và thải trừ bậc 1.
– Hấp thu: Thalidomid được hấp thu chậm qua đường tiêu hóa khi dùng đường uống và có sự giao động về hấp thu giữa các cá thể. Sinh khả dụng tương đối của thalidomid là 90% khi uống dạng viên nang. Ở người khỏe mạnh khi uống tăng liều thalidomid, chỉ số AUC tăng theo tỷ lệ thuận với liều uống, nhưng nồng độ đỉnh trong huyết tương tăng với tỷ lệ thấp hơn và thời gian đạt được nồng độ đỉnh huyết tương chậm hơn. Điều này cho thấy tính hòa tan kém của thalidomid ảnh hưởng đến tốc độ hấp thu qua đường uống.
– Nồng độ cao nhất của thalidomid trong huyết tương đạt được sau khi uống khoảng 2,5 – 6 giờ. Ở nam giới khỏe mạnh 21 – 43 tuổi, uống liều đơn 200 mg thalidomid dạng viên nén, nồng độ cao nhất trong huyết tương là 1,15 microgam/ml ở thời điểm 4,4 giờ sau khi uống. Ở những phụ nữ khỏe mạnh 21 – 45 tuổi, uống liều đơn 200 mg thalidomid dạng viên nang hàm lượng 50 mg, 100 mg nồng độ đỉnh trong huyết tương là 2,3 – 3,2 microgam/ml sau khi uống 6 giờ. Ở người lớn khỏe mạnh uống liều đơn 50 mg, 200 mg, 400 mg thalidomid dạng viên nang hàm lượng 50 mg, nồng độ cao nhất lần lượt là 0,62 microgam/ml, 1,76 microgam/ml, 2,82 microgam/ml ở các thời điểm sau khi uống lần lượt là 2,9 giờ, 3,5 giờ và 4,3 giờ. Bệnh nhân phong người lớn uống liều đơn 400 mg thalidomid viên nang hàm lượng 50 mg, nồng độ cao nhất là 3,44 microgam/ml ở 5,7 giờ sau khi uống. Người lớn nhiễm HIV uống liều đơn 100 mg hoặc 300 mg thalidomid, nồng độ đỉnh là 1,2 hoặc 3,5 microgam/ ml sau khi uống 3,4 giờ.
– Ở những bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến 55 – 80 tuổi, uống liều đơn 200 mg hoặc 800 mg thalidomid, nồng độ đỉnh trung vị lần lượt là 1,97 hoặc 4,42 microgam/ml sau khi uống lần lượt 3,32 hoặc 4,42 giờ. Những bệnh nhân này khi uống đa liều, nồng độ đỉnh trung bình ở trạng thái cân bằng là 1,8 microgam/ml với liều 200 mg/ngày, 7,57 microgam/ml với liều 800 mg/ngày.
– Thức ăn có thể làm chậm hấp thu nhưng không làm giảm mức độ hấp thu thalidomid. Khi uống thalidomid cùng với bữa ăn nhiều mỡ, thời gian đạt nồng độ đỉnh có thể tăng lên đến khoảng 6 giờ, nhưng chỉ giảm 10% nồng độ đỉnh và AUC.
– Phân bố: Chưa có thông tin về phân bố thalidomid ở người. Mặc dù tác dụng dược lý và tác dụng không mong muốn biểu hiện ở một số cơ quan cụ thể. Nhưng những tác dụng đó không phù hợp với dữ liệu về phân bố dược động học trên động vật. Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy nồng độ thalidomid cao ở đường tiêu hóa, gan, thận; nồng độ ở cơ, não, mô mỡ có nồng độ thấp hơn, trong khi đó các nghiên cứu khác không cho thấy thuốc được tích lũy ở cơ quan nào đặc biệt. Thực nghiệm trên động vật bằng thalidomid gắn phóng xạ cho thấy có tăng nhẹ hoạt tính phóng xạ ở thận, gan, đường mật, chất trắng thần kinh trung ương, dây thần kinh ngoại biên. Trên thỏ, nồng độ thalidomid ở dịch não tủy bằng 50% nồng độ trong huyết tương ở cùng thời điểm.
– Thalidomid qua được nhau thai ở người và động vật.
– Thể tích phân bố của thalidomid ở bệnh nhân nhiễm HIV là 69,9 – 82,7 lít. Kết quả nghiên cứu in vitro cho thấy thalidomid có tỷ lệ gắn với protein huyết tương là 55% với đồng phân tả tuyền và 66% với đồng phân hữu tuyền.
– Chuyển hóa: Chuyển hóa thalidomid ở người chưa được biết chính xác, nhiều chất chuyển hóa được hình thành do kết quả của chuyển đối quang, hydroxy hóa và thủy phân thalidomid. Thalidomid không làm tăng hoặc ức chế chất chuyển hóa chính nó. Ở những phụ nữ khỏe mạnh uống liều 200 mg/ngày trong 18 ngày, dược động học ở ngày đầu tiên và ngày cuối cùng tương tự nhau. Chuyển hóa thalidomid qua gan rất ít. Chuyển hóa chính của thalidomid qua con đường thủy phân không enzym thalidomid trong huyết tương thành 10 chất chuyển hóa khác nhau. Các chất chuyển hóa của thalidomid hình thành qua con đường hydroxy hóa có thể gây tác dụng quái thai ở những cơ thể nhạy cảm.
– Thải trừ: Con đường thải trừ của thalidomid ở người vẫn chưa được biết chính xác. Thalidomid bài tiết rất ít (<1%) qua thận, một phần được bài tiết qua mật. Tổng thanh thải thalidomid của cơ thể là 170 – 207 ml/phút, thalidomid đào thải qua thận ở dạng không chuyển hóa là 1,15 – 1,38 ml/phút, chỉ có < 0,7% được bài tiết qua nước tiểu dưới dạng thalidomid không chuyển hóa.
– Nửa đời thải trừ trung bình của thalidomid sau khi uống liều đơn 200 mg khoảng 3 – 6,7 giờ và tương tự như khi uống đa liều. Ở người lớn khỏe mạnh sau khi uống liều đơn 50 mg, 200 mg, 400 mg nửa đời thải trừ trung bình lần lượt là 5,5; 5,5; và 7,3 giờ. Bệnh nhân phong uống liều 400 mg nửa đời thải trừ trung bình là 6,9 giờ; người nhiễm HIV nửa đời thải trừ trung bình là 4,6 – 6,5 giờ sau khi uống liều đơn 100 – 300 mg.
– Sự thanh thải thalidomid không bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy chức năng gan hoặc thận, nhưng ở bệnh nhân lọc máu ngoài thận, tốc độ thanh thải tăng lên gấp đôi.

Đọc thêm bài viết:  Guanethidin

Chỉ định

– Điều trị bệnh phong thể nốt ban đỏ: Điều trị các biểu hiện ngoài da cấp tính mức độ trung bình và nặng ở bệnh nhân phong thể cục nốt ban đỏ, ngoài da còn dùng điều trị duy trì để dự phòng và ức chế biểu hiện ngoài da của thể phong này tái phát.
– Điều trị bệnh đa u tủy (phối hợp với dexamethason).
– Điều trị một số bệnh lý viêm và bệnh lý da không đáp ứng với điều trị thông thường: Bệnh Behcet’s, lupus ban đỏ hệ thống, sarcoidosis, lichen phẳng, hồng ban đa dạng nhiễm sắc,…
– Điều trị một số tình trạng bệnh lý phối hợp ở bệnh nhân nhiễm HIV: Loét áp-tơ, ỉa chảy, Kaposi’s sarcoma.
– Điều trị Kaposi’s sarcoma. Ngoài ra đối với một số bệnh ung thư: Ung thư vú giai đoạn muộn và có di căn, ung thư buồng trứng, u tế bào hắc tố, ung thư tụy, u não nguyên phát, ung thư tuyến tiền liệt phụ thuộc androgen, ung thư thận… cũng có bằng chứng cho thấy thalidomid có tác dụng điều trị. Tuy nhiên, những chỉ định này cần được nghiên cứu đầy đủ về tác dụng bất lợi và hiệu quả điều trị cũng như liều điều trị tối ưu.
– Điều trị bệnh mảnh ghép chống vật chủ mạn tính: Thalidomid là thuốc điều trị bước 2.
– Điều trị bệnh loét áp – tơ tái phát liên quan AIDS.
– Điều trị một số bệnh lý tiêu hóa: Bệnh Crohn, loét đại tràng.

Chống chỉ định

– Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ có khả năng có thai (trừ khi các trị liệu thay thế khác không phù hợp và có biện pháp ngừa thai hữu hiệu trong quá trình điều trị).

Đọc thêm bài viết:  Nystatin

Thận trọng

– Thalidomid được biết là chất sinh quái thai, ngay cả khi chỉ uống liều đơn; thuốc độc với thai nhi gây khuyết tật ở chi (ngắn chi), nếu thai nhi tiếp xúc với thuốc trong khoảng thời gian ngày thứ 27 – 40 của thai kỳ. Ngoài ra, thai nhi có thể bị khuyết tật nặng về tim, dạ dày – ruột, xương, tai ngoài, đường tiết niệu, tử vong khi sinh hoặc sau sinh. Áp dụng biện pháp ngừa thai hữu hiệu 4 tuần trước điều trị, trong suốt quá trình điều trị và sau khi ngừng điều trị thalidomid 4 tuần ở những phụ nữ có thể mang thai, làm test thử thai cho kết quả âm tính trong vòng 24 giờ trước khi bắt đầu điều trị, mỗi tuần 1 lần trong 4 tuần điều trị đầu tiên, sau đó mỗi 4 tuần 1 lần (2 tuần 1 lần đối với phụ nữ có vòng kinh không đều). Nam giới (ngay cả những người đã thắt ống dẫn tinh) phải sử dụng bao cao su khi có quan hệ với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nếu phát hiện có thai trong quá trình điều trị, phải ngừng sử dụng thalidomid và chuyển bệnh nhân đến thầy thuốc chuyên khoa về độc tính thai nhi.
– Điều trị đa u tủy bằng thalidomid có thể làm tăng nguy cơ biến cố nhồi máu như nhồi máu tĩnh mạch sâu và tắc mạch phổi. Nguy cơ nhồi máu tăng lên nếu điều trị phối hợp với phác đồ hóa trị liệu chuẩn, có cả dexamethason. Cần theo dõi các triệu chứng nhồi máu tắc mạch như khó thở đột ngột, đau ngực, phù một chân. Dự phòng nhồi máu (bằng thuốc chống đông máu hoặc trị liệu aspirin) đối với những trường hợp điều trị được ít nhất 5 tháng bằng thalidomid, đặc biệt ở những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ nhồi máu.
– Thường có tình trạng buồn ngủ, mơ màng khi điều trị bằng thalidomid. Do đó, bệnh nhân phải thật cẩn trọng trong khi thực hiện những công việc cần tập trung tinh thần cao (như vận hành máy móc hoặc lái xe).
– Bệnh lý thần kinh ngoại biên không hồi phục có thể hay gặp ở những người điều trị lâu dài, tuy nhiên có thể gặp ở những người điều trị ngắn hạn, không liên quan tới tình trạng tích lũy liều điều trị ở người lớn. Ở trẻ em, tình trạng này có liên quan đến tích lũy liều (> 20 gam) và thời gian điều trị (> 10 tháng). Cần theo dõi các triệu chứng cơ năng và thực thể của bệnh lý thần kinh ngoại biên, nếu có biểu hiện lâm sàng của bệnh lý thần kinh ngoại biên phải ngừng thuốc ngay.
– Có thể gặp tình trạng chóng mặt và hạ huyết áp khi đứng khi điều trị bằng thalidomid. Có thể gây ra giảm bạch cầu trung tính, phải ngừng điều trị nếu số lượng bạch cầu trung tính < 750/mm3. Tải lượng HIV trong máu có thể tăng lên (chưa rõ ý nghĩa lâm sàng) trong quá trình điều trị bằng thalidomid.
– Phản ứng quá mẫn, hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử da nhiễm độc nếu xuất hiện cần ngừng thuốc ngay và đánh giá tình trạng các nốt ban; ngừng hẳn thuốc nếu có tróc da, ban xuất huyết, phồng rộp da hoặc nghi ngờ có hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử da nhiễm độc.
– Cần thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân có bệnh tim mạch, có thể bị chậm nhịp tim, có trường hợp phải can thiệp bằng thuốc.
– Sử dụng thận trọng ở bệnh nhân có tiền sử co giật, điều trị đồng thời bằng các thuốc gây giảm ngưỡng co giật, hoặc những tình trạng có thể dẫn tới co giật.

Thời kỳ mang thai

– Chống chỉ định sử dụng thalidomid trong thời kỳ mang thai, do đã biết thalidomid dùng trong thời kỳ mang thai (ngay cả với liều đơn) có thể gây quái thai hoặc khuyết tật nghiêm trọng ở thai nhi, tử vong khi sinh. Phải cân nhắc thật kỹ giữa nguy cơ và lợi ích khi điều trị ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (xem phần Thận trọng và Chống chỉ định).

Thời kỳ cho con bú

– Cho đến nay chưa biết thalidomid có phân bố vào sữa mẹ hay không. Do có rất nhiều thuốc phân bố vào trong sữa mẹ và do tiềm ẩn các phản ứng bất lợi nghiêm trọng liên quan đến thalidomid đối với trẻ bú mẹ, do đó cần cân nhắc giữa việc ngừng cho trẻ bú mẹ hoặc ngừng uống thuốc dựa trên mức độ quan trọng của việc dùng thalidomid đối với người mẹ.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

– Rất thường gặp ADR > 10/100
– Tim mạch: Phù (57%), nhồi máu/tắc mạch (23%), giảm huyết áp (16%).
– TKTW: Mệt mỏi (79%), ngủ gà (38%), buồn ngủ (4 – 20%), rối loạn thần kinh cảm giác (54%), lẫn lộn (28%), lo âu/hồi hộp (9 – 26%), sốt (19 – 23%), rối loạn thần kinh vận động (22%), đau đầu (13 – 19%).
– Da: Ban đỏ/tróc da (21 – 30%), khô da (21%), trứng cá (3 – 11%). Nội tiết và chuyển hóa: Giảm calci huyết (72%).
– Tiêu hóa: Táo bón (3 – 55%), buồn nôn (4 – 28%), chán ăn (3 – 38%), sút cân (23%), tăng cân (22%), ỉa chảy (4 – 19%).
– Huyết học: Giảm bạch cầu (17 – 35%), giảm bạch cầu trung tính (31%), thiếu máu (6 – 13%), sưng hạch bạch huyết (6 – 13%).
– Gan: Tăng AST (3 – 25%), tăng bilirubin (14%).
– Thần kinh – cơ: Yếu cơ (40%), run tay (4 – 26%), đau cơ (17%), tê đau (6 – 16%), đau khớp (13%).
– Thận: Đái máu (11%). Hô hấp: Khó thở (42%). Khác: vã mồ hôi (13%).
– Thường gặp, 1/100 < ADR < 10/100
– Tim mạch: Phù ngoại biên (3 – 8%).
– TKTW: Mất ngủ (9%), lo lắng (3 – 9%), mệt mỏi (8%), chóng mặt (8%), đau (3 – 8%).
– Da: Viêm da (nấm da 4 – 9%), ngứa (3 – 8%), bệnh lý móng (3 – 4%).
– Nội tiết và chuyển hóa: Giảm lipid máu (6 – 9%). Tiêu hóa: Đầy hơi (8%), đau răng (4%).
– Tiết niệu – sinh dục: Bất lực/liệt dương (3 – 8%). Gan: Chức năng gan bất thường (9%).
– Thần kinh – cơ: Đau dây thần kinh (8%), đau lưng (4 – 6%), đau cổ (4%), cứng cổ (4%).
– Thận: Albumin niệu (3 – 8%).
– Hô hấp: Viêm thanh quản (4 – 8%), viêm mũi (4%), viêm xoang (4 – 8%).
– Khác: Nhiễm trùng (6 – 8%).
– Các báo cáo về ADR sau khi thalidomid được lưu hành trên thị trường:
– Suy thận cấp, tăng phosphatase kiềm, tăng ALT, mất kinh, viêm loét áp – tơ, nhịp tim nhanh, rung nhĩ, tắc đường mật, nhịp tim chậm, tăng nitơ phi protein huyết, giảm thanh thải creatinin, trầm cảm; rối loạn calci, natri, kali huyết.

Đọc thêm bài viết:  Minocyclin

Hướng dẫn cách xử trí ADR

– Bạch cầu giảm < 750/mm3: Ngừng điều trị.
– Khi điều trị bệnh đa u tủy, nếu có táo bón, ngủ nhiều quá mức, cần giảm liều hoặc tạm ngừng thuốc cho đến khi hết triệu chứng.
– Số lượng bạch cầu < 1 500/mm3: Ngừng melphalan và prednisolon 1 tuần, dùng lại khi bạch cầu > 1 500/mm3 được 1 tuần.
– Rối loạn thần kinh ngoại biên nếu ở mức độ nhẹ, chưa ảnh hưởng đến chức năng hoạt động hàng ngày thì cần theo dõi cẩn thận các triệu chứng, nếu từ mức độ 2 trở lên (rối loạn chức năng, liệt thần kinh ngoại biên) phải ngừng điều trị thalidomid.
– Các biến cố nhồi máu tắc mạch: Ngừng thalidomid và điều trị ban đầu thuốc chống đông máu. Sau khi đã giải quyết được biến cố nhồi máu và bệnh nhân ổn định có thể dùng lại liều thalidomid ban đầu, đồng thời duy trì điều trị thuốc chống đông trong thời gian dùng thalidomid.

Liều lượng và cách dùng

– Cách dùng: Uống với nước 1 lần trong ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ, sau bữa ăn tối ít nhất 1 giờ. Nếu liều chỉ định trên 400 mg/ngày nên chia thành 2 – 3 lần/ngày, sau bữa ăn ít nhất 1 giờ. Uống bổ sung nếu quên thuốc trong vòng 12 giờ, nếu quên quá 12 giờ, bỏ qua liều đã quên để uống liều tiếp theo.
Liều lượng ở người lớn:
– Điều trị bệnh phong thể nốt cục ban đỏ: Liều ban đầu 100 – 300 mg/lần/ngày trước khi đi ngủ (400 mg/ngày cho những bệnh nhân mức độ nặng). Bệnh nhân có thể trọng < 50 kg liều ban đầu 100 mg/ngày. Dùng tiếp tục liều ban đầu đến khi các triệu chứng giảm rõ rệt (thường ít nhất 2 tuần giảm liều dần, mức giảm 50 mg cho mỗi 2 – 4 tuần một lần cho đến khi ngừng thuốc. Bệnh nhân mức độ nặng hoặc có tiền sử điều trị liều cao, điều trị liều ban đầu 400 mg/ngày, chia làm 2 – 3 lần, uống sau bữa ăn 1 giờ. Bệnh nhân có triệu chứng trở lại trong giai đoạn giảm liều dần hoặc bệnh nhân có tiền sử phải điều trị duy trì dài ngày nên duy trì liều tối thiểu có thể kiểm soát được các triệu chứng. Cần 3 – 6 tháng mới giảm liều 1 lần.
– Điều trị đa u tủy: Liều thalidomid hàng ngày 200 mg uống 1 lần. Phối hợp với dexamethason 40 mg/ngày vào các ngày 1 – 4, 9 – 12, 17 – 20 của chu kỳ 28 ngày.
– Điều trị bệnh Behcet’s: 100 – 400 mg/ngày.
– Bệnh Crohn: 50 – 100 mg/ngày, uống buổi tối trước khi đi ngủ Bệnh lý mảnh ghép chống vật chủ: 100 – 1 600 mg/ngày, liều thông thường 200 mg/lần, 4 lần/ngày, có thể dùng kéo dài đến 700 ngày. Bệnh loét áp – tơ liên quan AIDS: 200 mg/lần, 2 lần/ngày trong 5 ngày, sau đó 200 mg/ngày trong 8 tuần.
– Lupus ban đỏ hệ thống: 100 – 400 mg/ngày, liều duy trì 25 – 50 mg/ngày.
Liều ở trẻ em:
– Trẻ em ≥ 12 tuổi: Giống như người lớn. Trẻ em ≥ 3 tuổi:
– Bệnh mảnh ghép chống vật chủ: 3 mg/kg, 4 lần/ngày (liều cần hiệu chỉnh để đạt nồng độ thalidomid huyết tương ≥ 5 microgam/ml ở 2 giờ sau khi uống). Hoặc 3 – 6 mg/kg/ngày chia làm 2 – 4 lần, liều tăng dần đến 12 mg/kg/ngày, liều tối đa 800 mg/ngày.
– Bệnh Crohn/viêm đại tràng loét: Trẻ em ≥ 2 tuổi liều thalidomid 1,5 – 2 mg/kg/ngày.
– Bệnh viêm khớp tự phát khởi phát hệ thống ở thiếu niên: Liều ban đầu 2 mg/kg/ngày, nếu cần thiết có thể tăng liều dần lên đến 3 – 5 mg/kg/ngày trong khoảng 2 tuần.

Tương tác thuốc

– Tránh sử dụng thalidomid với bất kỳ thuốc nào sau đây: Abatacept, anakinra, BCG, canakinumab, certolizumab pegol, clozapin, natalizumab, pimecrolimus, rilonacept, tacrolimus (bôi da), vắc xin sống.
– Tăng tác dụng/độc tính: Thalidomid có thể làm tăng nồng độ/ tác dụng của các thuốc sau: abatacept, ethyl alcohol, anakinra, canakinumab, certolizumab pegol, clozapin, các thuốc ức chế TKTW, leflunomid, methotrimeprazin, natalizumab, pamidronat, rilonacept, các thuốc ức chế serotonin chọn lọc, vắc xin sống, acid zoledronic.
– Các thuốc sau có thể làm tăng nồng độ/tác dụng của thalidomid: Denosumab, dexamethason, droperidol, hydroxyzin, methotrimeprazin, pimecrolimus, roflumilast, tacrolimus (bôi da), trastuzumab.
– Cộng hợp độc tính của thalidomid với các thuốc khác liên quan rối loạn thần kinh ngoại biên, ví dụ như thuốc kháng virus (didanosin), thuốc chống ung thư loại paclitaxel, thuốc có chứa platinum (cisplatin), thuốc chứa alcaloid dừa cạn (vincristin).
– Giảm tác dụng: Thalidomid có thể làm giảm tác dụng của BCG, test da coccodioidin, sipuleucel-T, vắc xin bất hoạt, vắc xin sống. Thalidomid có thể bị giảm tác dụng bởi thảo dược echinacea.
– Tương tác rượu/thức ăn/thảo dược:
– Rượu có thể làm tăng tác dụng ức chế TKTW, do đó cần theo dõi tác dụng này khi uống rượu trong thời gian dùng thuốc.
– Tránh sử dụng thalidomid cùng với loại thảo dược vuốt mèo (cat’s claw) và echinacea vì các loại thảo dược này có tác dụng kích thích miễn dịch nên làm thay đổi tác dụng của thalidomid.

Độ ổn định và bảo quản

– Bảo quản ở nhiệt độ 15 – 30 oC và tránh ánh sáng.
– Do đến nay chưa có thông tin về việc phơi nhiễm với thalidomid qua da hoặc hít phải qua đường hô hấp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có ảnh hưởng đến thai nhi hay không, vì vậy cần hướng dẫn bệnh nhân bảo quản thuốc cẩn thận, không để bừa bãi, không mở viên nang chứa thalidomid; để viên nang ở trong vỉ cho đến khi uống.
– Do tác dụng gây dị dạng thai nhi nếu uống thalidomid trong thời gian mang thai, vì vậy cần quy định việc bảo quản thuốc chặt chẽ để đảm bảo rằng thai nhi không bị phơi nhiễm với thalidomid.

Quá liều và xử trí

– Quá liều thalidomid có thể gây giấc ngủ kéo dài do tác dụng an thần và gây ngủ của thuốc.
– Xử trí: Chưa có thông tin.

Thông tin qui chế

– Thalidomid có trong Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.

Tên thương mại

– Thalidomde; Thalix-50.

Organization: https://chothuoctay.com/
Mô tả: Giúp người bệnh mua thuốc online chính hãng
Tiểu đường thai kỳ Chothuoctay

Tiểu đường thai kỳ

Bạn đã từng nghe về tiểu đường thai kỳ? Đây là một tình trạng đáng lo ngại mà nhiều phụ nữ mang thai phải đối