Tên chung quốc tế: Carbamide (urea).
Mã ATC: B05BC02, D02AE01.
Loại thuốc: Thuốc da liễu, lợi tiểu thẩm thấu. Thuốc kích thích tử cung.
Dạng thuốc và hàm lượng
– Kem bôi tại chỗ 10%, 20%, 39%, 40%, 50%.
– Nước súc, rửa 10%, 40%, 50%.
– Thuốc mỡ 10%, 20%.
– Bột đông khô 40 g urê để pha dung dịch tiêm truyền.
Dược lý và cơ chế tác dụng
– Urê (carbamid) được dùng chủ yếu dưới dạng kem hay mỡ ở nồng độ thích hợp để làm mềm da và giúp cho da luôn giữ được độ ẩm nhất định. Cơ chế tác dụng của urê là làm gẫy các liên kết hydro bình thường của protein sừng, thông qua tác dụng hydrat hóa và tiêu keratin, thúc đẩy sự tróc vảy ở lớp sừng trong những trường hợp da bị sừng hóa và khô da (bệnh vẩy cá – ichthyosis, bệnh vẩy nến – psoriasis…). Urê cũng có tác dụng làm cho một số thuốc thấm qua da nhanh hơn (ví dụ, thuốc có thể làm tăng tốc độ hấp thu của hydrocortison lên gấp 2 lần so với bình thường). Chính vì vậy, người ta thường đưa thêm hydrocortison 1% vào trong thành phần của thuốc để làm tác nhân chống viêm da.
– Urê (carbamid) đã từng được dùng dưới dạng dung dịch tiêm để làm thuốc lợi niệu theo cơ chế thẩm thấu, đầu tiên được sử dụng qua đường tĩnh mạch để làm giảm áp lực sọ não do phù não và giảm nhãn áp trong thiên đầu thống (glôcôm) cấp, song vì có nhiều tác dụng phụ nên cho tới nay không được dùng nữa mà thay thế bằng manitol.
– Dung dịch urê 40 – 50% được dùng để tiêm vào buồng ối để kết thúc mang thai trong 3 tháng thứ 2 của thai kỳ, tác dụng này có thể do sự giải phóng prostaglandin từ tế bào màng rụng (decidual cells) bị phá hủy bởi dung dịch urê ưu trương. Dung dịch urê ưu trương cùng với dung dịch oxytocin truyền tĩnh mạch liên tục đủ để có cơn co tử cung đẩy thai ra và bong nhau thai, tuy nhiên có thể khoảng 30 – 40% bệnh nhân sảy thai không hoàn toàn với cách này.
– Urê đánh dấu bằng carbon-13 (13C) được dùng để chẩn đoán in vivo nhiễm khuẩn Helicobacter pylori dựa vào lượng 13C-carbon dioxyd đo được trong hơi thở trước và sau khi uống một liều duy nhất 13C-urê, bởi vì H. pylori sinh ra urease thủy phân urê thành amonia và carbon dioxyd, vì vậy tạo ra một lượng 13C-carbon dioxyd thừa so với trước khi uống 13C-urê. Thử nghiệm này không được thực hiện trong vòng 4 tuần đã điều trị bằng kháng sinh và trong vòng 2 tuần điều trị cùng các chất ức chế tiết dịch vị.
Dược động học
– Urê được hấp thu rất nhanh qua ống tiêu hóa, nhưng đồng thời cũng gây kích ứng dạ dày – ruột. Urê bị thủy phân tạo amoniac và carbon dioxyd rồi lại được tái tổng hợp thành urê. Urê được phân bố vào các dịch ngoài và trong tế bào, bao gồm bạch huyết (lympho), mật, dịch não tủy và máu; urê qua được hàng rào nhau thai và thấm vào mắt.
– Sau khi đưa vào buồng ối dung dịch urê 40 – 50%, khoảng 10% thuốc được khuếch tán nhanh vào máu người mẹ. Thuốc phân bố vào dịch nội và ngoại bào của tế bào bạch huyết, vào mật, dịch não tủy tương đương nồng độ thuốc trong máu, nồng độ BUN tối đa là 33 – 38 mg/ml đạt được trong vòng 4 giờ, nhưng nồng độ BUN trở lại bình thường sau 24 giờ.
– Urê được bài xuất nguyên dạng qua nước tiểu, nửa đời thải trừ 1,17 giờ.
Chỉ định
– Dùng tại chỗ: Điều trị bệnh vảy cá, bệnh vảy nến, tăng dày sừng. Tiêm tĩnh mạch: Điều trị tăng áp lực sọ não do phù não và tăng nhãn áp trong thiên đầu thống (glôcôm) cấp, nhưng vì nhiều tác dụng phụ nên manitol thường được ưa dùng hơn.
– Tiêm vào buồng ối dung dịch urê 40 – 50% để kết thúc mang thai. Uống liều đơn 13C-urê: Chẩn đoán in vivo nhiễm khuẩn Helicobacter pylori.
Chống chỉ định
– Những trường hợp quá mẫn với urê.
– Người bệnh bị vô niệu do suy thận nặng hay không đáp ứng với liều thử thuốc qua đường tiêm tĩnh mạch; suy gan vì nếu tiêm thuốc thì có nguy cơ tăng amoniac huyết; xuất huyết nội sọ đang tiến triển. Người bệnh bị mất nước; có các bệnh rối loạn toàn thân như đái tháo nhạt, bệnh về máu.
– Không dung nạp fructose có tính di truyền (thiếu hụt aldolase).
Thận trọng
– Urê kích ứng hơn manitol, khi tiêm tĩnh mạch có thể gây huyết khối tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch tại chỗ tiêm. Do đó không được tiêm truyền vào tĩnh mạch chi dưới của người cao tuổi. Tiêm tĩnh mạch nhanh có thể gây tan máu. Nguy cơ này có thể giảm khi dùng dung dịch glucose hoặc đường đảo (invert sugar).
– Không nên dùng urê ở những vùng gần mắt.
– Thận trọng khi dùng thuốc ở mặt và những vùng da bị nứt nẻ hay bị viêm.
– Thận trọng khi dùng thuốc đối với những người bệnh suy gan và suy thận nhẹ.
– Khi dùng dung dịch urê ưu trương để kết thúc mang thai, người bệnh cần được theo dõi các triệu chứng như yếu cơ, ngủ lịm để biết nguy cơ mất điện giải, truyền tĩnh mạch dung dịch điện giải khi cần thiết. Cần kiểm tra cẩn thận để không bỏ sót biểu hiện rách cổ tử cung khi sử dụng urê cùng với oxytocin.
– Đã có thông báo là nồng độ urê huyết tăng cao khi trẻ sơ sinh được điều trị bằng kem bôi da có chứa urê, vì vậy, không nên dùng tại chỗ bất kỳ thuốc urê nào cho trẻ sơ sinh.
Thời kỳ mang thai
– Chưa có nghiên cứu chứng minh về sự an toàn cho phụ nữ mang thai khi dùng urê. Nên dùng thận trọng cho người mang thai.
Thời kỳ cho con bú
– Không dùng trong thời kỳ cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
– Những tác dụng phụ phổ biến khi tiêm tĩnh mạch urê là: Đau đầu, buồn nôn và nôn, gây kích ứng mô, gây đau tại chỗ tiêm và có thể bị hoại tử nếu tiêm ra ngoài tĩnh mạch. Tiêm truyền tĩnh mạch chi dưới có thể gây huyết khối nông hay sâu.
– Chế phẩm urê thường được pha trong dung dịch đường đảo có chứa fructose. Fructose này có thể gây ra những phản ứng nghiêm trọng (hạ đường huyết, buồn nôn, nôn, run chân tay, ngất, mất phương hướng và thiểu niệu) ở những người bệnh không dung nạp fructose di truyền (thiếu hụt aldolase).
– Dùng dung dịch urê ưu trương đồng thời với dung dịch oxytocin ở người mang thai lần đầu để kết thúc mang thai có thể gây rách hoặc thủng cổ tử cung, hoặc có thể gây sót nhau dẫn đến các biểu hiện như chảy máu, sốt, nhiễm khuẩn, viêm màng dạ con. Hiếm khi xảy ra ỉa chảy, đông máu nội mạch lan tỏa không đầy đủ khi truyền nhỏ giọt dung dịch ưu trương urê.
– Thuốc bôi có thể gây kích ứng da mẫn cảm.
Liều lượng và cách dùng
– Dùng tại chỗ: Điều trị bệnh vảy cá, bệnh vảy nến, tăng dày sừng: Bôi kem hoặc thuốc xức (lotion) có chứa 5 – 25% urê lên chỗ bị bệnh. Chế phẩm có nồng độ urê cao hơn từ 30 – 40% được dùng trong trường hợp nặng, loại có nồng độ 40% được dùng trong trường hợp bị bệnh ở móng. Bôi 2 lần/ngày.
– Tiêm tĩnh mạch để điều trị tăng áp lực sọ não do phù não và tăng nhãn áp trong thiên đầu thống (glôcôm) cấp: Người lớn, tiêm truyền dung dịch urê 30% trong dung dịch glucose 5 – 10% hay đường đảo 10% với tốc độ không quá 4 ml/phút với liều 0,5 – 1,5 g/kg thể trọng, tối đa 120 g/ngày. Trẻ em trên 2 tuổi: Tương tự liều người lớn. Trẻ em dưới 2 tuổi, liều 100 mg/kg thể trọng. Áp lực nội sọ hoặc nhãn áp có thể tăng trở lại trong khoảng 12 giờ sau khi tiêm.
– Truyền nhỏ giọt vào buồng ối để kết thúc mang thai (gây chuyển dạ đẻ trong trường hợp cần kết thúc mang thai trong 3 tháng thứ hai của thai kỳ, thai khoảng 16 tuần tuổi). Truyền nhỏ giọt vào buồng ối dung dịch urê 40 – 50%. Phải đảm bảo dung dịch urê ưu trương được đưa vào buồng ối. Kỹ thuật này phải được nhân viên y tế có đào tạo chuyên khoa thực hiện và phải làm ở bệnh viện nơi có đầy đủ trang thiết bị phẫu thuật và thiết bị để chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân trong trường hợp có tai biến. Các bước tiến hành như sau: Chuẩn bị dung dịch urê ưu trương để truyền vào buồng ối: Thêm vừa đủ một thể tích dung dịch tiêm dextrose 5% vào 80 g urê đông khô để tạo thành 150 – 200 ml dung dịch hồi chỉnh có nồng độ urê khoảng 500 mg/ml (50%) hoặc 400 mg/ml (40%) tương ứng, pH của dung dịch khoảng 7 – 7,5.
– Sau khi đưa kim tiêm truyền vào túi ối, lấy 1 ml dịch ối để xem xét, nếu dịch ối có máu thì phải điều chỉnh vị trí của kim tiêm truyền. Tiến hành rút hết dịch ối (khoảng 200 – 250 ml) để đảm bảo không tăng áp lực buồng ối và đảm bảo nồng độ dung dịch urê ưu trương trong buồng ối, sau đó đưa từ từ một thể tích tương đương dung dịch urê ưu trương vào buồng ối trong khoảng 20 – 30 phút, đồng thời theo dõi bệnh nhân. Nếu bất kỳ ADR nào xảy ra trong quá trình thực hiện thì phải dừng thuốc, xem xét bệnh nhân và quá trình thực hiện. Truyền đồng thời dung dịch oxytoxin loãng bắt đầu trong vòng 1 – 2 giờ truyền nhỏ giọt dung dịch urê ưu trương, tốc độ truyền dung dịch oxytocin khoảng 10 – 100 mili đơn vị/phút. Có thể đưa thêm 80 mg urê đông khô (pha như trên) truyền nhỏ giọt trong 48 giờ nếu chưa có đủ dấu hiệu chuyển dạ. Nếu bệnh nhân không đáp ứng với liều thứ hai của urê ưu trương thì tiếp tục truyền dung dịch oxytoxin loãng hoặc dùng thêm các biện pháp phù hợp.
– Chẩn đoán in vivo nhiễm khuẩn Helicobacter pylori : Uống liều đơn 13C-urê từ 50 mg, 75 mg hoặc 100 mg tuỳ theo yêu cầu của bộ sinh phẩm chẩn đoán sẽ sử dụng.
Tương tác thuốc
– Urê có thể làm tăng bài tiết lithi qua thận. Có thể có tác dụng hiệp đồng với các thuốc lợi niệu khác kể cả các chất ức chế anhydrase carbonic. Arginin có thể làm tăng nitơ của urê trong máu và gây tăng kali huyết nặng ở những người bệnh bị suy thận.
Độ ổn định và bảo quản
– Bột vô khuẩn urê dùng để tiêm ở dạng đông khô có chứa đệm acid citric, vì vậy natri hydroxyd có thể được thêm vào để điều chỉnh pH. Nên pha chế urê ngay trước khi dùng, nếu dùng không hết thì phải loại bỏ, dung dịch hồi chỉnh được sử dụng vài giờ sau khi pha và trong 48 giờ nếu bảo quản ở 2 – 8 oC.
– Phản ứng thu nhiệt sẽ kéo dài thời gian hòa tan dung dịch hồi chỉnh, vì vậy để rút ngắn thời gian hòa tan thì cần làm ấm dung dịch hòa tan ở 60 oC ngay trước khi trộn với urê, dịch truyền cần đưa về nhiệt độ cơ thể khi sử dụng.
– Không được tiệt trùng chế phẩm bằng nhiệt do tính không bền của urê.
– Nên bảo quản các chế phẩm kem ở dưới 25oC. Không được đựng trong các bình hợp kim.
Tương kỵ
– Không nên truyền urê cùng một lúc với máu toàn phần vì có thể gây tan huyết.
Quá liều và xử trí
– Trong trường hợp bị đau rát tại chỗ bôi thuốc, cần phải rửa sạch kem thuốc và hỏi ý kiến thầy thuốc.
Thông tin qui chế
– Urê có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013 và Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.
Tên thương mại
– Axcel Urea; Eusoftyl; Softerin.