Hotline: 1800-0027 | Contact@Chothuoctay.com
BÀI VIẾT

Dinatri Calci Edetat (Calci Edta)

Dinatri Calci Edetat (Calci Edta)

Tên chung quốc tế: Calcium disodium edetate (Calcium EDTA).
Mã ATC: V03AB03 (các edetat).
Loại thuốc: Chất tạo phức, thuốc giải độc chì.

Dạng thuốc và hàm lượng

– Thuốc tiêm: 200 mg/ml (5 ml, 10 ml).
– Thuốc kem bôi da: Natri calci edetat 10%, điều trị tổn thương và nhạy cảm của da đối với kim loại nặng.

Dược lý và cơ chế tác dụng

– Dinatri calci edetat làm giảm nồng độ chì trong máu và trong các nơi tích lũy chì ở cơ thể. Calci trong calci EDTA được thay thế bằng những kim loại hóa trị 2 và 3, đặc biệt là chì để tạo một phức hòa tan bền vững có thể bài tiết qua nước tiểu. Calci EDTA bão hòa với calci, do vậy có thể được dùng để tiêm tĩnh mạch với một lượng tương đối lớn mà không gây bất kỳ thay đổi đáng kể nào về nồng độ calci trong huyết thanh hoặc trong toàn cơ thể. Theo lý thuyết, 1 g calci EDTA tách được 620 mg chì, nhưng thực tế chỉ có 3 – 5 mg chì được bài tiết ra nước tiểu sau khi tiêm 1 g thuốc này cho người bệnh có triệu chứng ngộ độc chì cấp hoặc có nồng độ chì cao trong các mô mềm.
– Calci EDTA đường tiêm làm tăng sự thải trừ kẽm trong nước tiểu, cadimi, mangan, sắt, đồng thải trừ ít hơn. Calci EDTA cũng tăng thải trừ urani, plutoni, yttri, và một số đồng vị phóng xạ khác. Mặc dù calci trong calci EDTA thay thế thủy ngân rất nhanh trên in vitro nhưng người bệnh bị ngộ độc thủy ngân không đáp ứng với thuốc này.
– Calci EDTA được chỉ định khi nồng độ chì trong máu từ 25 – 44 microgam/dl kết hợp với nồng độ protoporphyrin hồng cầu từ 35 microgam/dl hoặc nồng độ chì trong máu từ 45 microgam/dl trở lên. Không được dùng thay thế khi kiểm soát nhiễm độc chì và phòng nhiễm độc chì.

Dược động học

– Calci EDTA hấp thu rất kém qua đường tiêu hóa, hơn nữa khi uống calci edetat có thể làm tăng hấp thu chì ở ruột vì phức chì tạo thành tan trong nước tốt hơn.
– Calci EDTA được hấp thu tốt sau khi tiêm.
– Khi dùng calci edetat tiêm tĩnh mạch trong điều trị ngộ độc chì, phức chì được bài tiết qua nước tiểu, bắt đầu trong vòng 1 giờ (khoảng 50% liều dùng) và đỉnh thải trừ (trên 95%) đạt trong vòng 24 giờ.
– Calci EDTA phân bố chủ yếu vào dịch ngoại bào. Thuốc không thấm vào hồng cầu và không vào dịch não tủy với lượng đáng kể nào. Calci EDTA không được chuyển hóa. Sau khi tiêm, thuốc bài tiết nhanh vào nước tiểu qua lọc ở cầu thận dưới dạng không đổi và dạng phức.

Chỉ định

– Ngộ độc chì cấp và mạn tính, bệnh não do chì.
– Có thể có ích trong điều trị ngộ độc kẽm, crôm, mangan, nickel, cadimi, sắt, đồng, thori, urani, plutoni, yttri và một số nguyên tố phóng xạ khác, nhưng không có tác dụng trong điều trị ngộ độc thủy ngân, vàng hoặc arsen.
– Dùng bổ trợ trong chẩn đoán ngộ độc chì.

Chống chỉ định

– Người bệnh bị bệnh thận nặng, vô niệu, thiểu niệu; Người bị viêm gan.

Thận trọng

– Không dùng quá liều chỉ định hàng ngày.
– Tránh tiêm truyền tĩnh mạch nhanh trong điều trị bệnh não do chì; áp lực nội sọ có thể tăng đến mức gây tử vong.
– Người bệnh suy thận, hoặc suy gan.
– Có thể gây hoại tử ống thận và thận hư có thể tử vong, đặc biệt khi dùng liều cao.
– Gây tăng thải trừ kẽm dưới dạng phức chất nên theo dõi để tránh thiếu kẽm trong quá trình điều trị.

Thời kỳ mang thai

– Chưa có những nghiên cứu được kiểm soát đầy đủ về dùng dinatri calci edetat cho người mang thai, do vậy chỉ nên dùng thuốc trong thời kỳ mang thai khi thật cần thiết.

Thời kỳ cho con bú

– Chưa biết dinatri calci edetat có vào sữa mẹ hay không, phải thận trọng khi dùng thuốc cho bà mẹ cho con bú hoặc ngừng cho con bú khi điều trị với calci edetat.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

– Tác dụng độc chính và nguy hiểm nhất của dinatri calci edetat là gây hoại tử ống thận, có xu hướng xảy ra khi dùng liều hàng ngày quá cao và có thể dẫn đến bệnh thận hư gây tử vong.
– Thường gặp, ADR > 1/100
– Thận: Hoại tử ống thận.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Tim mạch: Hạ huyết áp, loạn nhịp. Máu: Tăng calci huyết, thiếu kẽm. TKTW: Sốt, đau đầu, ớn lạnh.
– Da: Tổn thương da.
– Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa kèm đau bụng, ỉa chảy, co rút cơ.
– Tại chỗ: Đau chỗ tiêm sau khi tiêm bắp, viêm tĩnh mạch huyết khối sau khi tiêm truyền tĩnh mạch (nồng độ trên 0,5%).
– Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
– Thay đổi chức năng ống lượn xa và cầu thận; glucose niệu; tăng số lần đi tiểu; phù do thoái hóa tế bào đầu ống thận (ngừng thuốc có thể hồi phục).

Hướng dẫn cách xử trí ADR

– Nếu vô niệu, tăng protein niệu hoặc đái máu, có nhiều tế bào biểu mô thận, hồng cầu trong nước tiểu trong khi điều trị thì ngừng thuốc ngay. Trong trường hợp nặng có thể phải lọc máu.
– Pha loãng thuốc trước khi truyền tĩnh mạch để tránh viêm huyết khối tĩnh mạch.
– Hạn chế dùng liều quá cao và dùng thuốc kéo dài, tối đa một đợt điều trị chỉ nên dùng dưới hoặc bằng 5 ngày.

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng
– Calci EDTA có thể tiêm bắp hoặc tiêm, truyền tĩnh mạch chậm. Liều tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch như nhau.
– Đường tiêm bắp nên dùng cho người có bệnh não do chì và tăng áp lực nội sọ vì phải tránh đưa vào cơ thể quá nhiều dịch truyền, đối với trẻ em có thể cũng như vậy. Tuy nhiên, tiêm bắp calci EDTA rất đau và thường phải trộn lidocain hydroclorid 1% hoặc procain hydroclorid 1% với dung dịch calci EDTA để có nồng độ lidocain hoặc procain cuối cùng là 0,5% trước khi tiêm. Khi dùng một mình calci EDTA, liều một ngày được chia thành các phần bằng nhau, tiêm cách quãng 8 – 12 giờ. Nếu dùng kết hợp với dimercaprol thì liều một ngày được chia thành các phần bằng nhau, tiêm cách quãng luân phiên mỗi 4 giờ.
– Tiêm tĩnh mạch: Liều một ngày được chia làm 2 phần bằng nhau, tiêm cách nhau 12 giờ.
– Truyền tĩnh mạch: Pha loãng natri calci edetat với dung dịch glucose 5% hoặc natri clorid 0,9% để có nồng độ natri calci edetat không được vượt quá 3 % (ví dụ: 1 g natri calci edetat với 250 – 500 ml dung dịch glucose 5% hoặc natri clorid 0,9%). Thời gian truyền phải kéo dài 12 – 20 giờ. Một đợt điều trị thường từ 3 – 5 ngày. Nếu cần điều trị nhắc lại (đợt 2) phải sau ít nhất 2 ngày. Sau đó không nên điều trị tiếp với calci edetat trong ít nhất 7 ngày.
Liều lượng:
Ngộ độc chì:
– Tổng liều calci EDTA trong xử lý ngộ độc chì phụ thuộc vào đáp ứng và sự chịu đựng thuốc của bệnh nhân.
– Nhiễm độc chì khi nồng độ chì trong máu 45 – 69 microgam/dl (không có triệu chứng): Truyền tĩnh mạch calci EDTA với liều 1000 mg/m2 một ngày (hoặc 60 – 80 mg/kg/ngày), dùng trong 5 ngày; tuy nhiên điều trị bằng uống succimer 30 mg/kg một ngày, dùng trong 5 ngày được ưa dùng hơn.
– 7 – 14 ngày sau đợt điều trị đầu tiên, nếu nồng độ chì tăng trở lại tới 45 microgam/dl hoặc hơn, nên điều trị nhắc lại đợt thứ 2 giống phác đồ của đợt 1. Các đợt điều trị tiếp theo phụ thuộc vào nồng độ chì trong máu của người bệnh.
– Bệnh não do chì (có nồng độ chì trong máu trên 70 microgam/dl, có triệu chứng ngộ độc hoặc không):
– Người lớn và trẻ em: Dùng phối hợp với dimercaprol:
– Đầu tiên, dimercaprol 4 mg/kg hoặc 75 – 83 mg/m2 (tức là 450 – 500 mg/m2/ngày) tiêm bắp sâu, sau 4 giờ tiêm bắp sâu calci EDTA 250 mg/m2 (1,5 g/m2/ngày) khác vị trí tiêm dimercaprol; duy trì như vậy sau mỗi 4 giờ trong vòng 5 ngày. Cần tiếp tục điều trị bằng calci EDTA (không kết hợp với thuốc khác) khi nồng độ chì trong máu cao trở lại ở mức từ 45 microgam/dl trở lên, sau 5 – 7 ngày dừng đợt điều trị thứ nhất.
– Người lớn: Dùng calci EDTA đơn độc.
– Bệnh nhân có nồng độ creatinin huyết thanh 2 mg/dl hoặc ít hơn, dùng 1 g/ngày trong 5 ngày.
– Bệnh nhân có nồng độ creatinin huyết thanh 2 – 3 mg/dl hoặc ít hơn, dùng 500 mg/24 giờ trong 5 ngày.
– Bệnh nhân có nồng độ creatinin huyết thanh 3 – 4 mg/dl hoặc ít hơn dùng 500 mg/48 giờ trong 3 ngày.
– Bệnh nhân có nồng độ creatinin huyết thanh trên 4 mg/dl hoặc ít hơn dùng 500 mg/1lần/tuần.
– Cách dùng này sẽ được nhắc lại sau 1 tháng cho đến khi nồng độ chì trong máu giảm tới mức bình thường.
– Theo dõi người bệnh khi điều trị
– Theo dõi nồng độ urê trong máu, nồng độ calci, creatinin huyết thanh. Theo dõi lượng nước tiểu trước khi bắt đầu điều trị và trong quá trình điều trị, đặc biệt đối với bệnh nhân mất nước do nôn. Việc bù nước cần được chú ý để duy trì đầy đủ lưu lượng nước tiểu trong suốt quá trình điều trị (nhất là ở trẻ em) để đảm bảo sự thải trừ thuốc và phức chất ở thận. Ở người bệnh suy thận cần dùng liều thấp hơn và khoảng cách dùng xa hơn. Định lượng protein niệu (hàng ngày trong mỗi đợt điều trị) hoặc tìm bằng chứng tổn thương ống thận. Theo dõi tim: Kiểm tra định kỳ để phát hiện nhịp tim không đều, đặc biệt khi tiêm tĩnh mạch.
– Truyền dịch ở mức tối thiểu nếu có phù não.
– Nếu calci EDTA được truyền tĩnh mạch liên tục, cần phải ngừng truyền ít nhất 1 giờ trước khi lấy máu đo nồng độ chì để tránh tình trạng cho kết quả cao giả tạo.
– Hỗ trợ chẩn đoán ngộ độc chì: Kết quả của phép thử bị ảnh hưởng bởi nồng độ sắt trong máu, do vậy cần thận trọng với bệnh nhân thiếu sắt.
– Tiêm truyền tĩnh mạch trong 1 giờ hoặc tiêm bắp calci EDTA với liều 500 mg/m2 (tối đa là 1 g). Thu nước tiểu của bệnh nhân trong vòng 24 giờ từ khi dùng thuốc (trong vòng 3 – 4 ngày với người bệnh suy thận) vào dụng cụ không có chì, xác định nồng độ chì trong nước tiểu. Nếu tỉ số nồng độ chì trong nước tiểu (microgam) đối với lượng calci EDTA (mg) lớn hơn 1 thì coi như có ngộ độc chì (test dương tính); Hoặc để thuận tiện hơn nhất là đối với trẻ nhỏ, có thể tiêm bắp liều 50 mg/kg (liều tối đa 1 g), thu nước tiểu trong vòng 6 – 8 giờ từ khi dùng thuốc, xác định nồng độ chì trong nước tiểu thu được. Nếu tỉ số nồng độ chì trong nước tiểu (microgam) đối với lượng calci EDTA (mg) lớn hơn 0,5 hoặc nồng độ chì trong nước tiểu lớn hơn 1 mg/lít thì coi như có ngộ độc chì (test dương tính).

Tương tác thuốc

– Dùng đồng thời với kẽm – insulin sẽ giảm thời gian tác dụng của kẽm – insulin do xảy ra tạo phức với kẽm.
– Dùng đồng thời với những thuốc cung cấp kẽm có thể làm giảm hiệu quả của dinatri calci edetat và phải ngừng điều trị cung cấp kẽm cho đến khi điều trị xong với calci EDTA.

Độ ổn định và bảo quản

– Bảo quản ở nhiệt độ 15 – 30 oC.

Tương kỵ

– Calci EDTA tương kỵ với dung dịch dextrose 10%, Ringer lactat, Ringer, dung dịch 10% đường biến đổi, dung dịch 10% đường biến đổi trong natri clorid 0,9%, thuốc tiêm 1/6 M natri lactat, các chế phẩm của amphotericin B và hydralazin hydroclorid. Không trộn calci EDTA trong cùng bơm tiêm với dimercaprol.

Quá liều và xử trí

– Triệu chứng: Quá liều calci EDTA có thể làm tăng các triệu chứng ngộ độc chì nặng, do vậy, hầu hết các tác dụng độc xuất hiện có liên quan với ngộ độc chì như phù não, hoại tử ống thận.
– Điều trị: Điều trị phù não bằng truyền manitol dùng nhắc lại. Cần duy trì tốt lượng nước tiểu bằng các thuốc lợi tiểu để tăng thải trừ thuốc. Cần phải theo dõi nồng độ kẽm trong máu.
– Chưa rõ thẩm tách có thể loại được dinatri calci edetat hay không.

Thông tin qui chế

– Natri calci edetat có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013.

Xem thêm sản phẩm có chứa hoạt chất

Megaduo Gel – Kem bôi ngăn ngừa mụn

Organization: https://chothuoctay.com/
Mô tả: Giúp người bệnh mua thuốc online chính hãng