Tên chung quốc tế: Calcium folinate.
Mã ATC: V03AF03.
Loại thuốc: Thuốc giải độc các thuốc đối kháng acid folic.
Dạng thuốc và hàm lượng
– Viên nén chứa folinat calci (biểu thị dưới dạng acid folinic): 15 mg. Viên nang chứa folinat calci (biểu thị dưới dạng acid folinic): 5 mg; 25 mg.
– Dung dịch tiêm chứa folinat calci (biểu thị dưới dạng acid folinic): 3 mg/ml; 7,5 mg/ml; 10 mg/ml.
– Bột folinat calci để pha dung dịch tiêm (biểu thị dưới dạng acid folinic): Lọ 15 mg; lọ 30 mg.
Dược lý và cơ chế tác dụng
– Acid folinic là dẫn xuất 5-formyl của acid tetrahydrofolic, dạng có hoạt tính của acid folic. Acid folinic tham gia như một đồng yếu tố của thymidylat synthetase, enzym chủ chốt trong tổng hợp DNA. Acid folinic là một chất đối kháng hóa sinh và được dùng chủ yếu làm thuốc giải độc các thuốc đối kháng acid folic như methotrexat, chất này phong bế sự biến đổi acid folic thành tetrahydrofolat bằng cách gắn với enzym dihydrofolat reductase. Acid folinic không phong bế tác dụng kháng vi sinh vật của các thuốc đối kháng folat như trimethoprim hoặc pyrimethamin nhưng có thể làm giảm độc tính huyết học của các thuốc này. Acid folinic cũng được dùng làm thuốc phụ trợ cho fluorouracil trong điều trị ung thư đại – trực tràng. Acid folinic được dùng dưới dạng folinat calci hoặc folinat natri mặc dù các liều được biểu thị dưới dạng acid folinic.
Dược động học
– Folinat calci được hấp thu tốt sau các liều uống hoặc tiêm bắp, và khác với acid folic, được biến đổi nhanh thành các folat có hoạt tính sinh học. Sự hấp thu folinat calci sau khi uống có thể bão hòa, với sinh khả dụng khoảng 97% cho một liều 25 mg, 75% cho 50 mg, và 37% cho 100 mg. Nồng độ đỉnh trong huyết tương của acid folinic đạt được khoảng 10 phút sau một liều tiêm tĩnh mạch, sinh khả dụng giống như với các liều tiêm bắp nhưng nồng độ đỉnh trong huyết tương thấp hơn. Folinat natri được coi là tương đương sinh học với folinat calci.
– Folat được tập trung trong gan và dịch não tủy mặc dù được phân bố trong tất cả các mô của cơ thể. Chất chuyển hóa chủ yếu của acid folinic là acid-5-methyl-tetrahydrofolic (chất này được sản sinh chủ yếu ở gan và niêm mạc ruột). Nửa đời cuối cùng toàn bộ của các chất chuyển hóa có hoạt tính của folinat calci dùng ngoài đường tiêu hóa là khoảng 6 giờ. Folat được bài tiết chủ yếu qua nước tiểu, một lượng nhỏ vào phân.
Chỉ định
– Phòng và điều trị ngộ độc do các chất đối kháng acid folic (thí dụ khi dùng liều cao methotrexat). Dùng phối hợp với fluorouracil trong điều trị ung thư đại – trực tràng.
– Phòng và điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu folat trong quá trình điều trị một số thuốc như pyrimethamin, trimethoprim, sulfasalazin…
Chống chỉ định
– Bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với acid folinic hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Thận trọng
– Ở bệnh nhân cao tuổi hoặc suy thận, cần đánh giá lại một cách đều đặn mối tương quan lợi ích/nguy cơ của việc dùng methotrexat. Cần giám sát sự thải trừ methotrexat thông qua các thông số dược động học. Để dự phòng ngộ độc do methotrexat, khi xảy ra nôn phải truyền dịch để bổ sung nước và cho người bệnh dùng folinat calci ngoài đường tiêu hóa.
– Folinat calci là một thuốc đối kháng methotrexat, không dùng thuốc đó đồng thời với methotrexat, trừ trường hợp cần làm mất tác dụng của methotrexat.
Thời kỳ mang thai
– Không biết acid folinic có gây hại hay không, nhưng sử dụng thuốc vẫn có lợi hơn so với nguy cơ.
Thời kỳ cho con bú
– Không biết acid folinic có vào trong sữa hay không, không cho con bú trong thời gian dùng thuốc.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
– Acid folinic có độc tính thấp trên người, ngay cả sau khi dùng dài ngày.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Miễn dịch: Phản ứng quá mẫn, kể cả phản ứng phản vệ.
– Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
– TKTW: Sốt (sau khi tiêm), mất ngủ, tình trạng kích động, trầm cảm. Tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa.
Liều lượng và cách dùng
– Acid folinic được dùng dưới dạng folinat calci hoặc natri mặc dù các liều được biểu thị dưới dạng acid folinic. 1,08 mg folinat calci khan, hoặc 1,09 mg folinat natri tương đương với khoảng 1 mg acid folinic. Folinat calci được dùng uống, tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch, hoặc tiêm tĩnh mạch; tiêm tĩnh mạch được tiến hành trong năm đến mười phút vì thuốc chứa calci; khi truyền tĩnh mạch tốc độ tối đa được khuyến cáo tương đương với acid folinic 160 mg/phút. Liều uống không được lớn hơn 25 đến 50 mg/lần vì sự hấp thu có thể bão hòa. Folinat natri được tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch.
– Trong trường hợp do vô ý dùng quá liều một thuốc đối kháng acid folic (như methotrexat), phải dùng acid folinic ngay khi có thể và tốt nhất là trong giờ đầu tiên. Khuyến cáo dùng các liều bằng hoặc lớn hơn liều methotrexat. Hoặc đối với các liều lớn hoặc quá liều methotrexat, có thể truyền tĩnh mạch folinat calci với một liều tương đương 75 mg acid folinic trong vòng 12 giờ, tiếp theo đó tiêm bắp liều 12 mg cứ 6 giờ một lần, cho 4 liều. Mặc dù vincristin không phải là một thuốc đối kháng acid folic, acid folinic cũng được đề xuất dùng đối với một số biểu hiện độc tính của quá liều vincristin.
– Acid folinic được dùng phối hợp với trị liệu chống ung thư dùng liều cao methotrexat để làm giảm độc tính của methotrexat (liệu pháp giải cứu bằng acid folinic). Liệu pháp giải cứu bằng folinat calci cần thiết khi dùng methotrexat với các liều lớn hơn 500 mg/m2. Liệu pháp giải cứu này có thể được xem xét đối với bệnh nhân dùng các liều methotrexat thấp hơn.
– Phải điều chỉnh liều lượng và thời gian áp dụng liệu pháp giải cứu bằng acid folinic tùy theo chế độ dùng thuốc methotrexat và khả năng thanh thải thuốc chống ung thư của bệnh nhân; nhiều chế độ điều trị chống ung thư bao gồm các biện pháp giải cứu thích hợp. Nói chung thông tin về sản phẩm ở nước Anh khuyến cáo liều folinat calci đầu tiên tương đương với 15 mg acid folinic (6 đến 12 mg/m2) được dùng 12 đến 24 giờ (thường 24 giờ) sau khi bắt đầu truyền methotrexat. Cùng liều như vậy được dùng cứ 6 giờ một lần trong 24 giờ, lúc đầu tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch, nhưng chuyển sang dạng thuốc uống sau một liều hoặc nhiều liều tiêm. Vào cuối thời gian này (48 giờ sau khi bắt đầu lần truyền methotrexat đầu tiên), đo nồng độ methotrexat còn lại. Nếu nồng độ đó thấp hơn nồng độ ngưỡng 0,5 micromol/lít, thường tiếp tục dùng cùng liều đó trong 48 giờ thêm nữa. Nếu nồng độ đó cao hơn 0,5 micromol/lít, các liều folinat calci dùng thêm được điều chỉnh tùy theo nồng độ methotrexat như sau, và được cho cứ 6 giờ một lần trong 48 giờ thêm nữa hoặc cho tới khi nồng độ methotrexat trong huyết thanh giảm xuống dưới 0,05 micromol/lít (tức là 1/10 của nồng độ ngưỡng).
– Nếu nồng độ methotrexat trong huyết thanh > 0,5 micromol/lít: Dùng liều folinat calci tương đương với 15 mg/m2 acid folinic.
– Nếu nồng độ methotrexat trong huyết thanh > 1 micromol/lít: Dùng liều folinat calci tương đương với 100 mg/m2 acid folinic. Nếu nồng độ methotrexat trong huyết thanh > 2 micromol/lít: Dùng liều folinat calci tương đương với 200 mg/m2 acid folinic. Ở bệnh nhân đã dùng các liều methotrexat dưới 100 mg, và ở họ liệu pháp giải cứu được coi là thích hợp, có thể dùng liều uống acid folinic 15 mg cứ 6 giờ một lần trong 48 đến 72 giờ là đủ.
– Ngoài ra các biện pháp để đảm bảo sự bài tiết nhanh chóng methotrexat (duy trì hiệu suất tiết niệu cao và kiềm hóa nước tiểu) là các phần cần thiết trong liệu pháp giải cứu. Phải theo dõi hàng ngày chức năng thận.
– Để dự phòng độc tính của trimetrexat: Acid folinic được dùng trong khi điều trị và trong 72 giờ sau liều trimetrexat cuối cùng. Liều thường dùng là acid folinic 20 mg/m2, cứ 6 giờ một lần, uống hoặc tiêm tĩnh mạch trong 5 đến 10 phút; liều hàng ngày được điều chỉnh tùy theo độc tính. Trong trường hợp ngộ độc trimetrexat (như có thể xảy ra khi dùng trimetrexat liều cao mà không dùng acid folinic), có thể tiêm tĩnh mạch acid folinic, sau khi đã ngừng trimetrexat, với liều 40 mg/m2, cứ 6 giờ một lần trong 3 ngày.
– Đối với độc tính của trimethoprim: Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp acid folinic 3 – 10 mg/ngày sau khi ngừng thuốc cho đến khi các số lượng tế bào máu phục hồi.
– Đối với độc tính của pyrimethamin (như có thể xảy ra trong trị liệu với liều thấp kéo dài hoặc trị liệu với liều cao): Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp acid folinic 5 – 50 mg/ngày trong thời gian điều trị và điều chỉnh tùy theo các số lượng tế bào máu.
– Acid folinic cũng được dùng phối hợp với fluorouracil để làm tăng tác dụng độc tế bào trong điều trị ung thư đại – trực tràng giai đoạn muộn. Dùng cả chế độ acid folinic liều cao (liều chuẩn acid folinic 200 mg/m2), tiếp theo là fluorouracil và chế độ liều thấp (20 mg/m2). Acid folinic cũng như acid folic, có hiệu lực trong điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu folat. Dùng các liều uống 15 mg acid folinic mỗi ngày. Nếu tiêm bắp, khuyến cáo dùng liều tối đa 1 mg mỗi ngày vì liều cao hơn cũng không có hiệu quả nhiều hơn. Không dùng acid folinic đối với thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu vitamin B12.
Liều lượng cho trẻ em:
– Điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu folat: Uống: Trẻ em < 12 tuổi: Acid folinic 250 microgam/kg, ngày một lần.
– Trẻ em 12 – 18 tuổi: Acid folinic 15 mg, ngày một lần.
– Điều trị rối loạn chuyển hóa dẫn đến thiếu folat: Uống hoặc truyền tĩnh mạch:
– Trẻ em ≤ 18 tuổi: Acid folinic 15 mg, ngày một lần.
– Dự phòng thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ kết hợp với việc điều trị bệnh nhiễm Toxophasma bẩm sinh với pyrimethamin và sulfadiazin: Uống:
– Trẻ sơ sinh: Acid folinic 5 mg, 3 lần/tuần (tăng lên đến 20 mg, 3 lần/tuần nếu giảm bạch cầu trung tính).
– Trẻ nhỏ 1 tháng – 1 tuổi: Acid folinic 10 mg, 3 lần/tuần.
Tương tác thuốc
– Việc dùng đồng thời folinat calci với các thuốc chống co giật phenobarbital, primidon, phenytoin làm giảm nồng độ trong huyết tương của các thuốc chống co giật do làm tăng sự chuyển hóa ở gan. Việc dùng đồng thời folinat calci với 5-fluorouracil làm tăng độc tính cũng như tác dụng chống ung thư của fluorouracil, đặc biệt là trên đường tiêu hóa.
Độ ổn định và bảo quản
– Bảo quản ở nhiệt độ 20 – 25 oC. Dung dịch folinat calci đã pha trong dịch vô khuẩn để tiêm truyền phải dùng ngay sau khi pha.
Tương kỵ
– Không được trộn lẫn folinat calci với 5-fluorouracil vì gây tủa.
Quá liều và xử trí
– Acid folinic không độc: Chưa thấy trường hợp quá liều nào, kể cả khi dùng liều cao. Trên thực tế, chỉ có liều cần dùng cho cơ thể là được sử dụng, phần còn lại được thải trừ.
Thông tin quy chế
– Folinat calci có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013 và Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.
Tên thương mại
– Calcium Folinate; Capoluck; Ceravile; Folinato; Hixonal; Rescuvolin.