Tên chung quốc tế: Gallamine.
Mã ATC: M03AC02.
Loại thuốc: Thuốc giãn cơ loại phong bế thần kinh cơ không khử cực.
Dạng thuốc và hàm lượng
– Ống tiêm 1 ml, 2 ml và 3 ml (40 mg/ml hay 20 mg/ml). Tá dược natri edetat, natri bisulfid (Flaxedil – Mỹ); kali metabisulfid, natri sulfide (Flaxedil – Canada).
– Thường dùng dạng galamin triethiodid.
Dược lý và cơ chế tác dụng
– Galamin là thuốc phong bế thần kinh cơ không khử cực. Thuốc tác dụng theo cơ chế cạnh tranh đối với các thụ thể acetylcholin, chiếm chỗ 1 hoặc 2 vị trí của thụ thể, do đó ngăn sự khử cực vì không cho acetylcholin tiếp cận thụ thể. Thuốc có thể bị đối kháng bởi các chất ức chế cholinesterase như neostigmin, edrophonium và pyridostigmin là những chất ngăn chặn sự phân hủy của acetylcholin khiến cho có nhiều acetylcholin hơn đến cạnh tranh với thuốc giãn cơ. Galamin có tác dụng làm liệt dây thần kinh phế vị và ít gây giải phóng histamin hơn nhiều chất phong bế thần kinh cơ khác. Liều rất cao galamin có thể gây phóng thích histamin.
Dược động học
– Galamin triethiodid là một benzylisoquinolini, hợp chất amoni bậc 4 và hấp thu rất ít qua đường tiêu hóa. Thuốc hấp thu chậm và không đều khi tiêm bắp. Sau khi tiêm tĩnh mạch, galamin phân bố khắp các mô của cơ thể. Nửa đời phân bố là 16 phút. Thể tích phân bố ở trạng thái bền vững là khoảng 0,5 lít/kg. Giống như các thuốc phong bế thần kinh cơ khác, galamin không dễ qua hàng rào máu – não, màng tế bào hoặc nhau thai. Thuốc không bị chuyển hóa mà bài tiết hoàn toàn nguyên dạng ra nước tiểu qua lọc cầu thận. Độ thanh thải của cơ thể khoảng 1,6 ml/kg/phút và nửa đời thải trừ là 134 phút. Ở người suy thận, sự phong bế kéo dài đáng kể khi dùng thuốc. Nửa đời thải trừ tăng rất nhiều ở những người bệnh này, vì vậy chống chỉ định dùng galamin trong suy thận ở bất kỳ mức độ nào.
Chỉ định
– Galamin được dùng trong gây mê phối hợp để làm liệt cơ và để tạo thuận lợi cho phẫu thuật. Thuốc được dùng trong ngoại khoa, sản khoa và khoa chỉnh hình khi cần phải làm giãn cơ, sau khi dùng thuốc mê và cần hô hấp hỗ trợ. Hiện tượng giãn cơ xảy ra trong khoảng 1 – 2 phút sau khi tiêm tĩnh mạch và kéo dài khoảng 20 – 30 phút. Hiện nay, galamin không được dùng phổ biến trong thực tế lâm sàng vì có một số thuốc giãn cơ khác thay thế.
Chống chỉ định
– Không dùng cho những người bệnh bị bệnh nhược cơ (myasthenia gravis), sốc, suy thận nặng và quá mẫn với galamin, iod và sulfid. Vì thuốc thải trừ qua thận, nên không được dùng cho những người bị rối loạn chức năng thận (mức lọc cầu thận dưới 50 ml/phút).
Thận trọng
– Cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc cho người bệnh bị rối loạn chức năng thận (mức lọc cầu thận dưới 50 ml/phút). Chỉ được dùng khi có sẵn những phương tiện bảo đảm thông khí có hiệu quả và hô hấp có kiểm soát với oxy.
– Cũng cần chú ý khi dùng galamin cho người bị bệnh tim, tăng huyết áp và rối loạn chức năng phổi. Phải dùng thận trọng cho người có nguy cơ bị tăng nhịp tim nhưng có thể ưu tiên sử dụng cho người có nhịp tim chậm.
– Tác dụng của galamin có thể bị ảnh hưởng bởi thân nhiệt, tình trạng nhược cơ, mất cân bằng điện giải và khi có ung thư phế quản. Có thể xảy ra phản ứng trụy tim mạch – hô hấp ở một số người mẫn cảm với sulfid khi dùng các chế phẩm galamin có chứa sulfid để bảo quản (đặc điểm của phản ứng với sulfid là trụy tim mạch – hô hấp).
Thời kỳ mang thai
– Chưa có bằng chứng thỏa đáng về an toàn trong thời kỳ đầu mang thai. Tuy nhiên, trong nhiều năm thuốc vẫn được sử dụng rộng rãi mà không thấy có hậu quả xấu rõ rệt. Chỉ nên dùng khi không có cách nào an toàn hơn.
– Trong phẫu thuật sản khoa, cần theo dõi cẩn thận khi dùng thuốc cho tới khi lấy được con ra ngoài.
Thời kỳ cho con bú
– Galamin không có tác dụng khi dùng qua đường uống, do đó không ảnh hưởng gì đến trẻ đang bú mẹ.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
– Nhịp tim nhanh do tác dụng liệt phế vị của galamin: Tác dụng làm liệt thần kinh phế vị của galamin mạnh hơn các thuốc phong bế thần kinh cơ khác. Các liều lâm sàng bình thường gây tăng nhẹ huyết áp động mạch trung bình, giảm nhẹ sức cản mạch toàn thân và tăng đáng kể chỉ số tim.
– Tác dụng giải phóng histamin: Các phản ứng phản vệ và dạng phản vệ, da đỏ ửng, co thắt phế quản, trụy tim mạch. Galamin ít có tác dụng giải phóng histamin hơn một số chất phong bế thần kinh cơ khác.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
– Cần truyền dịch và thuốc co mạch để điều trị hạ huyết áp nặng hoặc sốc.
Liều lượng và cách dùng
– Liều lượng nêu ở đây có tính chất hướng dẫn chung. Liều thực tế phải tùy theo từng người. Để giảm thiểu nguy cơ quá liều, nên sử dụng một máy kích thích thần kinh ngoại vi nhằm theo dõi đáp ứng đối với các thuốc phong bế thần kinh cơ.
– Người lớn: Lúc đầu tiêm tĩnh mạch 1 mg/kg, tối đa là 100 mg, sau đó tiêm những liều 0,5 – 1 mg/kg cách nhau 30 – 40 phút nếu cần, đối với kỹ thuật gây mê kéo dài. Có thể cho liều đầu tiên là 20 mg để thử trước khi gây mê nhằm xác định độ nhạy cảm.
– Nếu không tiêm được tĩnh mạch, có thể tiêm bắp galamin có hoặc không kết hợp với hyaluronidase.
– Người cao tuổi: Không có liều đặc biệt, ở người cao tuổi thường suy chức năng thận, hệ số thanh thải của galamin có thể giảm và do đó kéo dài tác dụng của thuốc.
– Trẻ em: Nên tiêm tĩnh mạch liều 1,5 mg/kg thể trọng.
– Trẻ sơ sinh: Nhạy cảm với galamin, vì vậy nên dùng liều 0,6 mg/kg.
Tương tác thuốc
– Các kháng sinh (amikacin, gentamicin, kanamycin, neomycin, polymycin, tobramycin) và các thuốc mê (enfluran, ether, isofluran và methoxyfluran) làm tăng tác dụng của thuốc giãn cơ cho nên khi sử dụng kết hợp với những thuốc này nên giảm 30 – 50% liều galamin. Halothan ít có tác dụng phong bế thần kinh cơ hơn, vì vậy liều galamin cần giảm ít hơn.
– Diazepam làm chậm hồi phục các tác dụng do galamin. Quinidin làm tăng tác dụng của các chất phong bế thần kinh cơ và có thể dẫn đến tình trạng tái giãn cơ sau phẫu thuật gây mê. Azathioprin có thể làm đảo ngược hoặc làm giảm tác dụng phong bế thần kinh cơ của galamin.
– Tác dụng gây liệt thần kinh phế vị của galamin có thể làm giảm nguy cơ chậm nhịp tim và/hoặc hạ huyết áp do thuốc giảm đau gây ngủ, nhưng có thể làm tăng nguy cơ gây tăng nhịp tim và/hoặc tăng huyết áp ở một số người bệnh.
– Dùng kết hợp với glycosid digitalis, không gây loạn nhịp hay ADR khác trên tim.
– Các thuốc chẹn beta-adrenergic làm tăng hoặc kéo dài tác dụng của galamin.
Độ ổn định và bảo quản
– Thuốc được bảo quản ở nhiệt độ 15 – 30 oC, trừ khi có quy định đặc biệt của nhà sản xuất. Tránh ánh sáng và tránh đông lạnh.
Tương kỵ
– Galamin tương hợp với dung dịch natri thiopental, song điều quan trọng là phải đổ galamin vào dung dịch thiopental mà không được làm ngược lại. Thuốc tương kỵ với các dung dịch pethidin hydroclorid. Tốt hơn hết là không trộn các thuốc phong bế thần kinh cơ trong cùng một bơm tiêm hay dùng cùng một kim tiêm như các thuốc khác.
Quá liều và xử trí
– Dùng quá liều galamin có thể gây ức chế hô hấp kéo dài như ngừng thở và trụy tim mạch. Tuy nhiên, hậu quả của quá liều galamin chưa chắc đã xảy ra. Nếu cần khử nhanh chóng tác dụng của thuốc, nên tiêm tĩnh mạch chất đối kháng neostigmin methylsulfat với liều khởi đầu 1 mg, sau đó thêm 0,5 mg cho tới khi hô hấp đã hồi phục tốt. Trước khi tiêm neostigmin bao giờ cũng phải tiêm tĩnh mạch atropin sulfat 0,5 – 1 mg. Phải theo dõi chặt chẽ người bệnh sau khi tiêm neostigmin cho tới khi hết nguy cơ về nhịp tim chậm quá mức và tái phát liệt cơ. Nên theo dõi bằng máy kích thích thần kinh ngoại vi để biết chắc chắn thuốc đã hết tác dụng trên cơ.