Tên chung quốc tế: Mexiletine hydrochloride.
Mã ATC: C01BB02.
Loại thuốc: Thuốc chống loạn nhịp tim (nhóm IB).
Dạng thuốc và hàm lượng
– Nang: 50 mg, 150 mg, 200 mg, 250 mg. Dung dịch để tiêm: Ống tiêm 250 mg/10 ml.
Dược lý và cơ chế tác dụng
– Mexiletin có cấu trúc tương tự như lidocain nhưng lại có tác dụng khi uống và đó là lợi điểm lớn của mexiletin so với lidocain (xylocain). Thuốc có tác dụng gây tê tại chỗ và chống loạn nhịp tim. Ở người bệnh có rối loạn dẫn truyền, thuốc tác động đến dẫn truyền nhĩ – thất và khoảng cách từ lúc khử cực của bó His đến lúc xuất hiện hoạt động khử cực của tâm thất (H – V) và kéo dài thời kỳ trơ hiệu quả. Mexiletin có tác dụng chẹn kênh natri. Với liều bình thường, mexiletin không ảnh hưởng lên điện thế hoạt động. Mexiletin làm giảm tốc độ khử cực tối đa mà lại ít hoặc không làm thay đổi điện thế nghỉ hay thời gian điện thế hoạt động. Tác dụng điện sinh lý cũng giống như của lidocain (thuốc chống loạn nhịp nhóm IB) và chủ yếu là làm giảm tốc độ khử cực tối đa (pha 0). Thuốc không ảnh hưởng lên hệ giao cảm, không tác động lên tần số tim, kéo dài thời gian dẫn truyền dưới nút. Tác dụng điện sinh lý thấy rõ nhất ở tâm thất. Tính tự động của nút xoang thường không bị ảnh hưởng nhưng cũng có thể bị giảm trong hội chứng suy nút xoang. Cũng giống như lidocain, mexiletin có thể làm giảm nhẹ co cơ tim. Tiêm thuốc quá nhanh vào tĩnh mạch có nguy cơ gây nhịp tim chậm và hạ huyết áp. Thuốc dùng theo đường uống hoặc tĩnh mạch để điều trị loạn nhịp thất; song không được dùng thuốc này trong 3 tháng đầu sau nhồi máu cơ tim.
Dược động học
– Khác với lidocain, mexiletin ít bị chuyển hóa bước đầu khi qua gan, do vậy thích hợp với đường uống. Mexiletin được hấp thu dễ dàng và gần như toàn bộ ở đường tiêu hóa. Sau cơn nhồi máu cơ tim, sự hấp thu này có thể bị chậm lại. Khả dụng sinh học của thuốc theo đường uống khoảng 90%. Mexiletin phân bố rộng khắp cơ thể. Thể tích phân bố từ 5,5 đến 9,5 lít/kg. Khoảng 50 – 70% thuốc gắn với protein huyết tương. Thuốc đi vào sữa mẹ dễ dàng và đạt nồng độ trong sữa cao hơn nồng đồ trong huyết tương của mẹ. Ở người khoẻ mạnh, nửa đời thải trừ của mexiletin trong huyết tương khoảng 10 – 12 giờ nhưng có thể dài hơn ở người bị suy tim hoặc suy gan, suy thận. Khoảng 90% thuốc đào thải nhờ qua chuyển hóa ở gan. Ở gan, mexiletin chuyển hóa thông qua CYP1A2, CYP2D6 và CYP3A4 thành một số chất và đào thải theo nước tiểu chủ yếu dưới dạng những chất chuyển hóa này (90%); chỉ có 10% đào thải dưới dạng nguyên vẹn. Nếu nước tiểu acid, hệ số thanh thải của thuốc tăng. Sự chuyển hóa của mexiletin qua CYP2D6 có tính di truyền.
– Tác dụng điều trị của mexiletin tương quan với nồng độ thuốc trong huyết tương trong khoảng từ 0,5 đến 2 microgam/ml. Ranh giới giữa nồng độ có tác dụng điều trị và nồng độ gây độc rất hẹp; bởi thế, ngộ độc nặng vẫn có thể xảy ra trong phạm vi nồng độ này.
Chỉ định
– Loạn nhịp thất (chủ yếu nhịp nhanh thất). Đau thần kinh do đái tháo đường.
Chống chỉ định
– Mẫn cảm với mexiletin hoặc với các thành phần của thuốc. Loạn nhịp thất trong ba tháng đầu tiên sau nhồi máu cơ tim. Nhịp tim chậm (trừ người bệnh có đặt máy tạo nhịp).
– Sốc tim.
– Blốc nhĩ – thất độ 2 hoặc độ 3. Suy tim nặng.
– Suy gan hoặc suy thận nặng.
Thận trọng
– Thuốc có thể gây ra loạn nhịp. Vì vậy cần đặc biệt thận trọng khi dùng mexiletin cho người bệnh suy giảm chức năng nút xoang, rối loạn dẫn truyền tim, nhịp tim chậm, huyết áp thấp, sốc tim, suy tim, suy gan. Cần theo dõi chặt chẽ điện tâm đồ và huyết áp trong thời gian điều trị. Tránh dùng thức ăn hoặc thuốc làm thay đổi pH nước tiểu.
Thời kỳ mang thai
– Thuốc đi qua rau thai nhưng chưa có đủ dữ liệu nghiên cứu ở người mang thai, phải cân nhắc nguy cơ/lợi ích khi chỉ định.
Thời kỳ cho con bú
– Mexiletin bài tiết trong sữa mẹ, nồng độ thuốc trong sữa cao hơn nồng độ trong huyết tương người mẹ. Nếu người mẹ dùng mexiletin thì không được cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
– Tác dụng không mong muốn hay gặp nhất là chóng mặt (18%) và run đầu chi (10 – 15%). Các tác dụng không mong muốn phụ thuộc vào liều; thường nặng khi nồng độ thuốc trong huyết thanh cao hơn 9 micromol/lít (2 microgam/ml). Có thể làm giảm các tác dụng không mong muốn bằng cách giảm liều hoặc kéo dài thời gian giữa các lần dùng thuốc.
– Thường gặp, ADR >1/100
– Toàn thân: Mệt mỏi, vã mồ hôi.
– Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau vùng dạ dày.
– Thần kinh: Run đầu chi, dị cảm, lú lẫn, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, khó phát âm.
– Da: Ngoại ban.
– Mắt: Hoa mắt, nhìn mờ, nhìn đôi.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Máu: Giảm tiểu cầu. Tiêu hóa: Mất vị giác.
– Tuần hoàn: Rung nhĩ, hạ huyết áp, nhịp tim chậm, rối loạn dẫn truyền trong tim.
– Thần kinh trung ương: Ảo giác, co giật, mất ngủ, mất điều hòa cơ.
– Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
– Máu: Giảm bạch cầu.
– Tuần hoàn: Rung nhĩ, xoắn đỉnh. Mắt: Rung giật nhãn cầu.
– Da: Hội chứng Stevens – Johnson, nổi mẩn da.
– Gan: Tăng các transaminase huyết thanh, tổn thương gan nặng. Khác: Vàng da, đau khớp, giảm ham muốn tình dục, liệt dương, xơ hóa phổi.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
– Chỉ số điều trị của mexiletin rất hẹp và nhiều tác dụng không mong muốn của thuốc liên quan đến liều dùng. Nếu giảm liều thì các tác dụng này sẽ giảm; tuy nhiên một số tác dụng không mong muốn vẫn nặng, đòi hỏi phải ngừng thuốc và điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ.
Liều lượng và cách dùng
– Nên bắt đầu điều trị bằng mexiletin cho người bị rối loạn nhịp thất tại bệnh viện và được theo dõi điện tim, thậm chí Holter điện tim.
– Liều lượng thuốc phải được chỉnh theo tình trạng chung, mức độ bệnh cũng như đáp ứng của người bệnh.
– Lọc máu và thẩm tách phúc mạc không có tác dụng lên độ thanh thải mexiletin. Phải giảm liều duy trì từ 30 đến 50% ở người bệnh bị bệnh gan nặng hay bị suy tim sung huyết nặng.
– Dùng theo đường uống: Để tránh kích thích đường tiêu hóa, thuốc được uống vào lúc no hoặc kèm với thuốc kháng acid.
– Người lớn: Liều mexiletin hydroclorid ban đầu là 400 mg, 2 – 8 giờ sau liều nạp này cho uống tiếp từ 200 đến 250 mg/lần, 3 đến 4 lần một ngày. Liều duy trì thông thường từ 400 đến 800 mg mỗi ngày, chia làm 3 đến 4 lần. Để khắc phục thuốc được hấp thu chậm ở người bệnh, có thể dùng liều cao hơn. Không được dùng quá 1200 mg mỗi ngày. Có thể dùng chế phẩm giải phóng kéo dài để uống thuốc cách nhau 12 giờ một lần.
– Ở những người bệnh đang dùng quinidin, procainamid, disopyramid hoặc tocainid chuyển sang dùng mexiletin cần phải ngừng sử dụng các thuốc đã sử dụng với thời gian thích hợp. Khởi đầu uống mexiletin 200 mg sau khi dùng liều cuối cùng quinidin, disopyramid 6 – 12 giờ, procainamid 3 – 6 giờ và tocainid 8 – 12 giờ. Sau đó chỉnh liều và khoảng cách giữa các lần dùng tùy theo đáp ứng của người bệnh.
– Trường hợp người bệnh đang được truyền tĩnh mạch lidocain cần phải ngừng truyền khi dùng liều uống mexiletin đầu tiên. Tuy nhiên, trong trường hợp này cần phải lưu giữ đường truyền cho đến khi loại bỏ được loạn nhịp theo yêu cầu. Vì có tác dụng hiệp đồng cộng giữa lidocain và mexiletin nên người bệnh cần phải được theo dõi cẩn thận.
– Dùng theo đường tĩnh mạch: Không được tiêm nhanh mexiletin vào tĩnh mạch. Thuốc có thể tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền tĩnh mạch.
– Pha 1 ống thuốc (250 mg/10 ml) vào 250 hoặc 500 ml dung dịch tiêm glucose 5% hoặc natri clorid 0,9% để truyền tĩnh mạch. Truyền tĩnh mạch chậm 125 – 250 mg trong 5 – 15 phút (0,1 – 0,5 mg/kg/phút); tiếp theo đó truyền 250 mg trong 60 – 120 phút; sau đó truyền liều duy trì 50 – 100 mg/giờ (0,01 – 0,02 mg/kg/phút) tùy theo đáp ứng của người bệnh. Khi đã có kết quả khả quan, có thể chuyển sang uống với liều từ 200 đến 250 mg mexiletin hydroclorid, 3 đến 4 lần/ngày. Một cách dùng khác là tiêm tĩnh mạch chậm liều ban đầu 200 mg (tốc độ tiêm là 25 mg/ phút), sau đó uống một liều 400 mg để bổ sung cho liều tiêm và tiếp tục uống để điều trị như nêu ở phần trên. Liều uống để duy trì là cứ cách 8 giờ lại uống 100 – 400 mg.
– Trẻ em: Khởi đầu dùng liều thấp, sau đó chỉnh dần liều tùy theo đáp ứng và nồng độ thuốc trong huyết tương. Liều thông thường 1,4 – 5 mg/kg, trung bình 3,3 mg/kg, cách 8 giờ dùng một lần.
– Người suy thận: Người suy giảm chức năng thận không cần thiết phải chỉnh liều lượng thuốc. Tuy nhiên, ở người bệnh có hệ số thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút, nồng độ thuốc ở trạng thái ổn định trong huyết tương và nửa đời của thuốc tăng lên. Do vậy, đối với những người bệnh này, cần phải điều chỉnh liều lượng mexiletin dựa theo nồng độ thuốc trong huyết tương và liều dùng khoảng 50 – 75% liều của người bình thường.
– Người suy giảm chức năng gan: Liều dùng khoảng 25 – 30% liều của người bình thường.
– Tác dụng điều trị đau trong tổn thương thần kinh do đái tháo đường của mexiletin còn có ý kiến trái ngược. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy mexiletin có tác dụng làm giảm đau thần kinh trong bệnh đái tháo đường và đau trong một số bệnh khác. Liều khởi đầu 200 mg/ngày sau đó tăng dần, liều trung bình 450 – 750 mg/ngày và có thể tăng liều sau 2 ngày, nhưng không vượt quá 1,2 g/ngày.
Tương tác thuốc
– Mexiletin chuyển hóa thông qua CYP1A2, CYP2D6 và CYP3A4, nên khi phối hợp với các thuốc ức chế hoặc kích thích các isoenzym này sẽ làm thay đổi nồng độ thuốc trong huyết tương. Rifampicin, phenytoin làm giảm nồng độ mexiletin trong huyết tương. Thận trọng khi kết hợp cimetidin với mexiletin.
– Dùng mexiletin đồng thời với các thuốc chống loạn nhịp khác có thể gây tăng nguy cơ loạn nhịp tim và suy tim.
– Mexiletin (nhóm IB) phối hợp với quinidin (nhóm IA) có tác dụng mạnh hơn khi dùng riêng rẽ với liều cao.
– Tác dụng của mexiletin bị đối kháng khi kali huyết giảm do thuốc lợi tiểu gây ra.
– Mexiletin làm tăng nồng độ theophylin trong huyết tương, cần điều chỉnh liều theophylin trong thời gian điều trị bằng mexiletin.
– Không nên tiêm vào tĩnh mạch đồng thời với lidocain hay procainamid.
– Phối hợp mexiletin với thuốc chẹn beta giao cảm, quinidin hoặc amiodaron sẽ làm tăng tác dụng chống loạn nhịp, do đó có thể dùng liều thấp hơn và các tác dụng phụ cũng ít hơn.
Độ ổn định và bảo quản
– Bảo quản thuốc trong đồ dựng, nơi khô ráo, nhiệt độ 15 – 30 oC.
Quá liều và xử trí
– Ngừng dùng thuốc. Điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.