Tên chung quốc tế: Pristinamycin.
Mã ATC: J01FG01.
Loại thuốc: Thuốc kháng khuẩn họ streptogramin.
Dạng thuốc và hàm lượng
– Viên nén bao phim 250 mg; 500 mg (viên nén bao phim dễ bẻ).
Dược lý và cơ chế tác dụng
– Pristinamycin là một thuốc kháng khuẩn thuộc họ streptogramin (synergistin) được sản sinh từ sinh trưởng của Streptomyces pristina spiralis.
– Pristinamycin là hỗn hợp tự nhiên của hai thành phần có tác dụng hiệp đồng, pristinamycin I là một macrolid và pristinamycin II là một depsipeptid. Trong nhiều năm, pristinamycin là một thuốc uống chống tụ cầu và cả liên cầu khuẩn. Thuốc có tác dụng chống các chủng kháng erythromycin; kháng pristinamycin ít có, tuy trong quá khứ, tụ cầu khuẩn đã kháng. Thuốc có hiệu quả đối với tụ cầu vàng kháng methicilin (MRSA) và các vi khuẩn Gram âm kháng nhiều thuốc. Đối với những nhiễm khuẩn nặng, ích lợi của thuốc bị hạn chế vì thuốc ít hòa tan nên không làm được thuốc tiêm.
Phổ hoạt tính kháng khuẩn:
– Chủng vi khuẩn nhạy cảm (S) độ nhạy cảm trung bình: S ≤ 1 microgam/ml và khi kháng thuốc: R ≥ 2 microgam/ml.
Vi khuẩn nhạy cảm:
– Vi khuẩn Gram dương hiếu khí: Bacillus anthracis, Bordetella pertussis, Corynebacterium, Enterococcus faecium, Staphylococcus aureus, Staph.non aureus, Streptococcus, Strept pneumoniae .
– Vi khuẩn Gram âm hiếu khí: Branhamella catarrhalis, Legionella, Neisseria.
– Vi khuẩn kỵ khí: Actinomyces, Bacteroides fragilis, Clostridium perfringens, Eubacterium, Fusabacterium, Mobiluncus, Peptostreptococcus, Porphyromonos Prevotella, Propionibacterium acnes.
– Vi khuẩn khác: Chlamydia, Coxiella, Mycoplasma hominis, Mycoplasma pneumoniae, Ureaplasma urealyticum.
– Vi khuẩn nhạy cảm trung bình (in vitro, độ nhạy cảm trung gian):
– Vi khuẩn Gram âm hiếu khí: Haemophilus. Vi khuẩn kháng thuốc:
– Vi khuẩn Gram dương hiếu khí: Enterococcus faecalis, Rhodococcus equi.
– Vi khuẩn Gram âm hiếu khí: Acinobacter, Enterobacteriaceae, Pasteurella, Pseudomonas.
– Vi khuẩn kỵ khí: Veillonella.
Dược động học
– Hấp thu: Pristinamycin hấp thu tốt và khá nhanh qua đường tiêu hóa, đạt nồng độ đỉnh trong huyết thanh trong vòng 1 – 2 giờ.
– Phân bố: Sau khi uống 500 mg, nồng độ tối đa trong huyết thanh là 1 microgam/ml. Nửa đời huyết tương là 6 giờ. Pristinamycin được khuếch tán rất tốt trong các mô khác nhau và không vào dịch não tủy. Sự liên kết với protein huyết tương là 40 – 45% đối với thành phần pristinamycin I, và 70 – 80% đối với thành phần pristinamycin II.
– Chuyển hóa: Chưa biết rõ.
– Thải trừ: Qua nước tiểu, nồng độ tối đa là 10 – 15 microgam/ml. Được bài tiết với nồng độ rất cao qua mật, và được thải trừ với lượng đáng kể trong phân.
Chỉ định
– Nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm:
– Tai mũi họng, kể cả viêm xoang cấp.
– Phế quản – phổi, kể cả các đợt tăng nặng cấp tính của viêm phế quản mạn tính.
– Răng miệng.
– Cơ quan sinh dục (đặc biệt nhiễm khuẩn tuyến tiền liệt).
– Da.
– Xương và khớp.
– Chỉ sử dụng để điều trị các bệnh trên khi người bệnh có thể dùng đường uống.
– Nếu dị ứng với các betalactamin, pristinamycin được chỉ định để dự phòng viêm màng trong tim nhiễm khuẩn trong các thủ thuật chăm sóc răng, hoặc ở đường hô hấp trên trong điều trị ngoại trú.
Chống chỉ định
– Dị ứng với pristinamycin và/hoặc với virginiamycin hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.
– Tiền sử bệnh mụn mủ với pristinamycin. Phụ nữ cho con bú.
– Dị ứng với bột mì (ngoài bệnh tiêu chảy mỡ) nếu chế phẩm có chứa bột mì.
Thận trọng
– Khi bắt đầu điều trị, nếu thấy xuất hiện ban đỏ toàn thân có sốt kết hợp với các mụn mủ, phải nghi ngờ có thể là bệnh mụn mủ ngoại ban cấp toàn thân. Có thể có sự cảm ứng hóa trước bởi virginiamycin tại chỗ hay toàn thân.
– Thuốc này ít bị thải trừ qua thận, nên không cần phải điều chỉnh liều dùng trong trường hợp suy thận.
– Không dùng đồng thời pristinamycin với colchicin.
– Thuốc có chứa bột mì có thể dùng trong bệnh tiêu chảy mỡ, vì bột mì chứa rất ít gluten.
Thời kỳ mang thai
– Vì lợi ích của việc điều trị, có thể xem xét dùng pristinamycin cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai nếu cần, tuy không có dữ liệu lâm sàng đầy đủ về sử dụng thuốc này cho phụ nữ mang thai.
Thời kỳ cho con bú
– Vì tính chất dung nạp của pristinamycin, phụ nữ dùng thuốc này phải ngừng việc cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
– Tần suất không xác định
– Tiêu hóa: Nôn, tiêu chảy, nặng bụng, viêm ruột kết màng giả, viêm ruột kết cấp chảy máu.
– Da: Bệnh mụn mủ ngoại ban cấp toàn thân.
– Quá mẫn: Biểu hiện miễn dịch dị ứng toàn thân (mày đay, phù Quincke, sốc phản vệ).
– Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
– Da: Eczema, ban xuất huyết, ban bọng nước.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
– Khi xảy ra bệnh mụn mủ ngoại ban cấp toàn thân, phải ngừng điều trị và không được dùng lại thuốc này.
Liều lượng và cách dùng
– Người lớn: 2 – 3 g/ngày, chia uống làm 2 – 3 lần vào các bữa ăn. Trong các nhiễm khuẩn nặng, có thể tăng liều lên 4 g/ngày.
– Viêm xoang hàm cấp: Liều 2 g/ngày, chia làm 2 lần, trong 4 ngày. Đợt cấp của viêm phế quản mạn tính: Liều 3 g/ngày, chia làm 3 lần, trong 4 ngày.
– Trẻ em: 50 mg/kg/ngày, chia uống làm 2 – 3 lần vào các bữa ăn. Trong các nhiễm khuẩn nặng, có thể tăng liều lên 100 mg/kg/ngày. Dự phòng viêm màng trong tim nhiễm khuẩn:
– Uống một liều duy nhất, một giờ trước khi tiến hành thủ thuật có nguy cơ gây bệnh:
– Người lớn: 1 g. Trẻ em: 25 mg/kg.
Tương tác thuốc
– Không dùng phối hợp:
– Colchicin: Việc dùng đồng thời pristinamycin với colchicin làm tăng ADR của colchicin, gây hậu quả có thể tử vong.
Thận trọng khi dùng phối hợp:
– Ciclosporin: Việc dùng đồng thời với ciclosporin làm tăng nồng độ ciclosporin trong máu và tăng creatinin huyết. Cơ chế là do ức chế sự dị hóa ciclosporin. Cần phải giảm liều ciclosporin và kiểm tra chặt chẽ chức năng thận. Định lượng nồng độ ciclosporin trong máu và điều chỉnh liều trong khi điều trị phối hợp và sau khi ngừng phối hợp.
– Tacrolimus: Nồng độ tacrolimus tăng trong máu do ức chế chuyển hóa ở gan. Định lượng nồng độ tacrolimus trong máu, kiểm tra chức năng thận. Điều chỉnh liều trong khi phối hợp và sau khi ngừng.
Độ ổn định và bảo quản
– Bảo quản trong bao bì nút kín, nơi khô ráo, ở nhiệt độ < 30 oC, Tránh ánh sáng.