Tên chung quốc tế: Ranitidine.
Mã ATC: A02BA02.
Loại thuốc: Đối kháng thụ thể H2 histamin.
Dạng thuốc và hàm lượng
– Dạng ranitidin hydroclorid. Viên nang: 150 mg, 300 mg.
– Dung dịch uống 75 mg/5 ml; gói bột 150 mg. Viên nén: 25 mg, 75 mg, 150 mg, 300 mg.
– Viên sủi bọt: 150 mg, 300 mg.
– Thuốc tiêm 25 mg/ml (2 ml, 6 ml, 40 ml).
Dược lý và cơ chế tác dụng
– Ranitidin là một thuốc đối kháng thụ thể H2 histamin có cơ chế tác dụng và cách dùng tương tự như cimetidin. Ranitidin ức chế cạnh tranh với histamin ở các thụ thể H2 của tế bào thành dạ dày, làm giảm lượng acid dạ dày tiết ra cả ngày và đêm trong điều kiện cơ bản và cả trong tình trạng bị kích thích bởi thức ăn, insulin, acid amin, histamin hoặc pentagastrin. Ranitidin có tác dụng ức chế tiết acid dạ dày mạnh hơn cimetidin gấp 3 – 13 lần. Ranitidin có thể bảo vệ niêm mạc dạ dày chống chảy máu và tác dụng kích thích của một số thuốc (thí dụ aspirin, thuốc chống viêm không steroid).
Dược động học
– Ranitidin dễ dàng hấp thu qua đường tiêu hóa, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt khoảng 2 -3 giờ sau khi uống. Thức ăn không ảnh hưởng đáng kể đến hấp thu thuốc. Sinh khả dụng của ranitidin sau khi uống khoảng 50%. Sau khi tiêm tĩnh mạch, ranitidin đạt đỉnh trong huyết tương sau khoảng 15 phút. Thuốc gắn khoảng 15% với protein huyết tương. Nửa đời thải trừ khoảng 2 – 3 giờ và kéo dài trong suy thận. Một tỷ lệ nhỏ của ranitidin được chuyển hóa ở gan để thành N-oxyd, S-oxyd và demethylranitidin; N-oxyd là chất chuyển hóa chính nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 4 đến 6% liều. Khoảng 30% liều uống và 70% liều tiêm tĩnh mạch được đào thải không biến đổi qua nước tiểu 24 giờ. Có một phần thải qua phân.
Chỉ định
– Điều trị loét dạ dày – tá tràng. Trào ngược dạ dày – thực quản. Hội chứng Zollinger – Ellison.
– Loét do stress ở đường tiêu hóa trên.
– Đề phòng nguy cơ sặc acid trong quá trình gây mê. Chứng khó tiêu.
Chống chỉ định
– Quá mẫn với ranitidin hoặc bất kỳ thành phần nào của chế phẩm.
Thận trọng
– Dùng thận trọng và giảm liều ở người bệnh suy thận vì ranitidin đào thải chủ yếu qua thận.
– Thận trọng ranitidin dùng ở người bệnh suy gan vì thuốc chuyển hóa ở gan.
– Một vài bằng chứng cho thấy ranitidin có thể thúc đẩy tình trạng rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp ở người bệnh có tiền sử mắc chứng bệnh này. Vì vậy phải tránh dùng ranitidin ở bệnh nhân có tiền sử rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp.
– Khi bị loét dạ dày, cần loại trừ khả năng ung thư trước khi điều trị bằng ranitidin vì các thuốc đối kháng thụ thể H2 histamin có thể che lấp các triệu chứng của ung thư dạ dày, làm chậm chẩn đoán bệnh này.
– Ở người cao tuổi và người suy thận, phải ngừng điều trị ranitidin nếu xuất hiện trạng thái lú lẫn.
– Điều trị ranitidin dài hạn có thể gây thiếu hụt vitamin B12.
Thời kỳ mang thai
– Các nghiên cứu trên súc vật không phát hiện tác dụng gây quái thai. Trên lâm sàng, việc sử dụng ranitidin trong một số trường hợp có thai không phát hiện bất kỳ tác dụng độc hại hoặc gây dị tật cho thai. Tuy nhiên cần có thêm các nghiên cứu để đánh giá hậu quả của việc tiếp xúc với thuốc trong thời kỳ mang thai. Chỉ sử dụng ranitidin trong thời kỳ mang thai khi thật cần thiết.
Thời kỳ cho con bú
– Ranitidin bài tiết qua sữa mẹ. Dùng thận trọng trong thời kỳ cho con bú.
Tác dụng không mong muốn
– Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy tần suất tác dụng không mong muốn vào khoảng 3 – 5% số người được điều trị. Hay gặp nhất là đau đầu (2%), ban đỏ da (2%).
– Thường gặp, ADR > 1/100
– Toàn thân: Đau đầu, chóng mặt, yếu mệt. Tiêu hóa: Ỉa chảy.
– Da: Ban đỏ.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100.
– Máu: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu. Da: Ngứa, đau ở chỗ tiêm.
– Gan: Tăng transaminase.
– Hiếm gặp, ADR < 1/1 000.
– Toàn thân: Các phản ứng quá mẫn xảy ra như mề đay, co thắt phế quản, sốt, choáng phản vệ, phù mạch, đau cơ, đau khớp.
– Máu: Giảm bạch cầu hạt, giảm toàn bộ huyết cầu kể cả giảm sản tủy xương.
– Tim mạch: Chậm nhịp tim, hạ huyết áp, blốc nhĩ thất, suy tâm thu sau khi tiêm nhanh.
– Nội tiết: Vú to ở đàn ông. Tiêu hóa: Viêm tụy.
– Da: Ban đỏ đa dạng.
– Gan: Viêm gan, đôi khi có vàng da. Mắt: Rối loạn điều tiết mắt.
Liều lượng và cách dùng
Người lớn:
– Loét dạ dày và tá tràng lành tính: Ranitidin uống một liều duy nhất 300 mg vào buổi tối lúc đi ngủ hoặc 150 mg/lần, 2 lần/ngày (sáng và tối) trong ít nhất 4 tuần. Cũng có thể dùng liều 300 mg, 2 lần/ ngày cho loét tá tràng. Liều duy trì là 150 mg/ngày uống vào buổi tối. Với loét tá tràng, liều cao 300 mg/lần, 2 lần/ngày trong 4 tuần cũng đã từng được dùng.
– Để điều trị loét liên quan đến dùng thuốc chống viêm không steroid: Ranitidin 150 mg/lần, 2 lần/ngày hoặc 300 mg/lần vào buổi tối, có thể cho uống trong 8 – 12 tuần; cũng có thể dùng liều cao là 300 mg, 2 lần/ngày.
– Một liều 150 mg/lần, 2 lần/ngày có thể dùng để điều trị loét sau phẫu thuật.
– Với loét tá tràng kết hợp với nhiễm Helicobacter pylori: Ranitidin với liều uống thường dùng là 300 mg/lần/ngày hoặc 150 mg/lần, 2 lần/ngày có thể dùng là một phần của phác đồ ba thuốc với amoxicilin 750 mg và metronidazol 500 mg, cả hai thuốc này uống 3 lần/ngày trong 2 tuần. Sau đó phải điều trị ranitidin tiếp thêm 2 tuần nữa.
– Trong bệnh trào ngược dạ dày – thực quản: Liều ranitidin uống là 150 mg/lần, 2 lần/ngày hoặc 300 mg/lần vào buổi tối dùng trong 8 tuần hoặc nếu cần tới 12 tuần. Có thể tăng lên 150 mg/lần, 4 lần/ ngày cho tới 12 tuần ở các trường hợp nặng. Để duy trì lành viêm trợt thực quản, có thể dùng liều 150 mg/lần, 2 lần/ngày.
– Trong trường hợp tăng tiết bệnh lý, thí dụ hội chứng Zollinger – Ellison, liều uống khởi đầu thường là 150 mg/lần, 2 hoặc 3 lần/ ngày và có thể tăng lên nếu cần thiết; các liều lên tới 6 g mỗi ngày cũng đã từng được sử dụng. Một cách khác có thể truyền tĩnh mạch, ban đầu với tốc độ 1 mg/kg mỗi giờ, sau 4 giờ nếu cần tốc độ có thể tăng từng nấc 500 microgam/kg mỗi giờ. Các liều tiêm tĩnh mạch tới 2,5 mg/kg mỗi giờ và tốc độ truyền tới 220 mg/giờ đã từng được sử dụng.
– Để chăm sóc các bệnh nhân có nguy cơ loét do stress ở đường tiêu hóa trên, có thể tiêm tĩnh mạch chậm một liều 50 mg rồi truyền tĩnh mạch liên tục từ 125 – 250 microgam/kg/giờ. Khi nuôi dưỡng bằng đường miệng được tiếp tục, có thể cho uống 150 mg/lần/ngày. Ở bệnh nhân có nguy cơ mắc hội chứng hít sặc acid trong quá trình gây mê, cho uống với liều 150 mg hai giờ trước khi gây mê. Tốt hơn nữa cũng cho uống 150 mg vào buổi tối hôm trước. Một cách khác, có thể tiêm bắp thịt hoặc tĩnh mạch chậm 50 mg trước khi gây mê từ 45 đến 60 phút. Ở bệnh nhân sản khoa khi bắt đầu cuộc đẻ, có thể cho uống một liều 150 mg và có thể nhắc lại với khoảng cách 6 giờ 1 lần nếu cần.
– Ở bệnh nhân mắc chứng khó tiêu mạn tính, có thể cho uống liều 150 mg/lần, 2 lần/ngày trong tới 6 tuần. Để điều trị triệu chứng ngắn hạn, chứng khó tiêu, có thể dùng liều 75 mg, nhắc lại nếu cần tới tối đa 4 liều mỗi ngày. Điều trị giới hạn tới tối đa là 2 tuần dùng liên tục cho một lần.
– Liều tiêm: Liều thường dùng tiêm bắp hoặc tĩnh mạch của ranitidin là 50 mg và có thể lặp lại sau cứ 6 – 8 giờ; tiêm tĩnh mạch phải chậm không dưới 2 phút, và phải pha loãng để có dung dịch tiêm chứa 50 mg trong 20 ml. Để truyền tĩnh mạch cách quãng, liều dùng là 25 mg/giờ truyền trong 2 giờ và có thể lặp lại cứ sau 6 – 8 giờ. Tốc độ 6,25 mg/giờ đã từng được gợi ý để truyền tĩnh mạch liên tục mặc dù tốc độ cao hơn có thể dùng cho những trường hợp như hội chứng Zollinger – Ellison hoặc ở bệnh nhân có nguy cơ loét do stress.
Trẻ em:
– Ranitidin được dùng ở trẻ em để chữa loét dạ dày – tá tràng và đề phòng loét do stress cho một số trẻ ốm nguy kịch. Thuốc được cấp phép dùng cho trẻ em, nhưng chỉ định, phạm vi tuổi tác và liều lượng có thể thay đổi tùy từng nước. Ở Anh, ranitidin được cấp phép dùng cho trẻ em từ 3 – 11 tuổi, còn ở Mỹ từ 1 tháng – 16 tuổi. Để điều trị loét dạ dày và tá tràng, liều uống thường dùng là 4 – 8 mg/kg mỗi ngày, chia làm 2 lần, cho tới tối đa là 300 mg/ngày, dùng trong 4 – 8 tuần. Để duy trì, dùng liều từ 2 – 4 mg/kg/ngày, tối đa là 150 mg/ngày.
– Để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, liều thường dùng là 5 – 10 mg/kg/ngày, chia làm 2 lần, tối đa là 600 mg/ngày. Theo Dược thư Anh, các liều uống cho trẻ từ 3 – 12 tuổi có thể mở rộng cho trẻ nhỏ tuổi hơn, ở bất kỳ chỉ định nào.
– Trẻ sơ sinh: 2 mg/kg, 3 lần/ngày và liều tối đa là 3 mg/kg, 3 lần/ngày. Từ 1 – 6 tháng tuổi: 1 mg/kg, 3 lần/ngày, tối đa là 3 mg/kg, 3 lần/ngày.
– Từ 6 tháng – 3 tuổi: 2 – 4 mg/kg, 2 lần/ngày.
– Trẻ 3 – 12 tuổi: 2 – 4 mg/kg (tối đa 150 mg), 2 lần/ngày, tăng đến 5 mg/kg (tối đa 300 mg), 2 lần/ngày trong bệnh nặng.
– Trẻ từ 12 – 18 tuổi áp dụng theo liều của người lớn. Xem ở mục liều lượng và cách dùng.
– Tiêm tĩnh mạch: Ranitidin cũng có thể tiêm tĩnh mạch cho trẻ em khi không thể dùng đường uống. Các liều sau đây áp dụng cho trẻ từ 6 tháng – 11 tuổi:
– Điều trị loét dạ dày – tá tràng và bệnh trào ngược dạ dày – thực quản:
– Khởi đầu là 2 mg/kg hoặc 2,5 mg/kg (tối đa 50 mg) tiêm tĩnh mạch chậm trên 10 phút, sau đó truyền cách quãng 1,5 mg/kg, cứ 6 đến 8 giờ một lần.
– Hoặc một liều nạp 450 microgam/kg, tiêm tĩnh mạch chậm trong ít nhất là 2 phút, sau đó truyền liên tục 150 microgam/kg mỗi giờ. Dự phòng loét do stress:
– Tiêm tĩnh mạch chậm trong ít nhất 2 phút liều 1 mg/kg (tối đa 50 mg), cứ 6 đến 8 giờ một lần.
– Hoặc: 125 – 250 microgam/kg mỗi giờ, truyền liên tục.
– Dược thư Anh cũng gợi ý dùng liều tiêm tĩnh mạch cho trẻ căn cứ theo tuổi, cho mọi chỉ định.
– Trẻ sơ sinh 0,5 – 1 mg/kg, tiêm tĩnh mạch chậm, cứ 6 đến 8 giờ một lần 1 tháng tuổi – 18 tuổi: 1 mg/kg (tới tối đa là 50 mg), cứ 6 đến 8 giờ một lần hoặc tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền cách quãng với tốc độ 25 mg/giờ.
Điều chỉnh liều trong suy thận:
– Với bệnh nhân có Clcr < 50 ml/phút, liều uống là 150 mg/ngày, điều chỉnh liều nếu cần.
– Liều tiêm tĩnh mạch: 50 mg từ 18 – 24 giờ; điều chỉnh liều, nếu cần.
Điều chỉnh liều trong suy gan:
– Ở bệnh nhân suy gan ranitidin có thể ít biến đổi về nửa đời, phân bố, thanh thải và sinh khả dụng: Không cần phải điều chỉnh liều nhưng cần theo dõi chặt chẽ.
Tương tác thuốc
– Ranitidin có thể làm giảm mức độ hấp thu và tác dụng của các thuốc chống nấm azol như ketoconazol, itraconazol do làm tăng pH trong dạ dày.
– Ranitidin có thể làm giảm hấp thu và tác dụng của atazanavir, cefpodoxim, cefuroxim, fosamprenavir, indinavir, các muối sắt, mesalamin, nelfinavir.
– Ranitidin có thể làm tăng mức hấp thu và tác dụng của saquinavir. Thức ăn không ảnh hưởng đến hấp thu của ranitidin.
– Rượu: Tránh uống rượu vì có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Các thuốc bao dạ dày – ruột làm giảm hấp thu của ranitidin. Nên uống cách xa nhau 2 giờ hoặc hơn.
– Hút thuốc lá ảnh hưởng không tốt đến quá trình lành loét tá tràng và cơ thể cũng làm giảm hiệu quả của ranitidin.
Độ ổn định và bảo quản
– Viên nén: Bảo quản nơi khô ráo ở nhiệt độ từ 15 – 30 °C. Tránh ánh sáng.
– Thuốc tiêm: Bảo quản ở nhiệt độ 4 – 30 °C. Tránh ánh sáng. Dung dịch trong không màu hoặc vàng, hơi sẫm màu không ảnh hưởng đến hiệu lực.
Quá liều và xử trí
– Cho tới nay, ít có dữ liệu về quá liều ranitidin. Có trường hợp uống tới 18 g ranitidin cũng chỉ có những tác dụng không mong muốn nhất thời như thường gặp trong lâm sàng.
– Ngoài ra hạ huyết áp và dáng đi bất thường cũng đã được báo cáo. Để điều trị quá liều ranitidin, dùng các biện pháp thường dùng để loại bỏ phần thuốc chưa hấp thu ở đường tiêu hóa, theo dõi lâm sàng và điều trị hỗ trợ. Thẩm tách máu có thể giúp tăng nhanh đào thải ranitidin.
Thông tin quy chế
– Ranitidin có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013 và Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.
Tên thương mại
– Arnetine; Axotac-300; Cinitidine; Curan; Dudine; Emodum; Euphoric ACI-RIC; Gadean; Histac Evt; Ikorin – 300; Intas Ranloc- 150; Kantacid; Lanithina; Mactidin; Maxnocin; Moktin; Oferdin-50; Philkwontac; Philzaditac; Pletinark-150; Prijotac; Ran fac; Ranicid; Raniprotect; Ranison; Ranistin; Ranitan 150; Ranitidina; Ranitidine; Ranitidine “Dexa”; Ranocid 150; Rantac; Ratacid 150; Ratidin F; Reducid 300; Reetac-R; Reetac-R 300; SaViZentac; TV.Zantidine; Ulcinorm 150; Umetac – 300; Uphatac 150; Uranaltine; Wonramidine; Zantac.