Tên chung quốc tế: Tetrazepam.
Mã ATC: M03BX07.
Loại thuốc: Thuốc giãn cơ.
Dạng thuốc và hàm lượng
– Viên nén bao phim: 50 mg.
Dược lý và cơ chế tác dụng
– Tetrazepam thuộc nhóm 1,4-benzodiazepin có tác dụng tương tự diazepam. Thuốc được dùng chủ yếu để điều trị co cứng cơ gây đau do chấn thương tại chỗ hoặc các bệnh về xương – khớp hoặc thần kinh – cơ.
– Các benzodiazepin làm tăng tác dụng ức chế của chất dẫn truyền GABA (gama-aminobutyric acid), một chất dẫn truyền thần kinh ức chế ở hệ TKTW, tủy sống và cả nhiều vùng trong não. Thuốc có tác dụng này là do tương tác với một phức hợp màng phân tử lớn (thụ thể benzodiazepin), như vậy nối hoạt động với thụ thể GABA và một kênh ion clorid. Hiện tượng hợp lực xảy ra giữa GABA và benzodiazepin, dẫn đến tăng ái lực của thụ thể đối với thuốc, rất có thể là do sự gắn kết của GABA vào thụ thể của nó được tăng lên. Tương tác này kích thích mở kênh clorid và làm cho màng tế bào phân cực. Màng tăng phân cực do tích điện âm không còn có thể bị khử cực/kích thích bởi các dẫn truyền thần kinh kích thích. Đây là cơ chế làm trung gian tạo tính chất an thần, gây ngủ, chống co giật và giãn cơ.
– Tetrazepam làm giảm tăng trương lực cơ có liên quan đến ức chế tiền synap trên cung phản xạ đơn hoặc đa synap và có liên quan đến tác dụng ức chế phần trên tủy sống. Tetrazepam làm giãn cơ không giống với các thuốc làm giãn cơ khác do chẹn thần kinh – cơ, được dùng trong gây mê. Ngoài tác dụng giãn cơ, an thần, gây ngủ, chống co giật, tetrazepam còn có tác dụng giải lo âu và làm giảm trí nhớ.
Dược động học
– Tetrazepam hấp thu nhanh và hoàn toàn (90 – 100%) qua đường tiêu hóa, xuất hiện trong máu sau 14 phút. Sinh khả dụng cao. Tác dụng dược lý chủ yếu là do tetrazepam tồn tại trong máu dưới dạng không chuyển hóa.
– Tetrazepam gắn mạnh với protein huyết thanh (70%), nhưng in- vitro không bị đẩy ra khỏi mối liên kết bởi các thuốc giảm đau hoặc kháng viêm. Nửa đời phân bố là 0,6 – 2,24 giờ và thể tích phân bố là 225 lít.
– Chuyển hóa của tetrazepam chủ yếu ở gan. Thuốc được chuyển hóa bằng cách N-demethyl hóa ở vị trí 1 và hydroxyl hóa ở vị trí 3, sau đó được glucuronid hóa.
– Thuốc bài tiết ở thận 57%. Thải trừ chủ yếu dưới dạng chất chuyển hóa glucuronid, thải trừ phần lớn qua nước tiểu (70%), phần còn lại qua đường phân (30%). Chất chuyển hóa chính là một dẫn chất liên hợp glucuronic, chất hydroxy-3-tetrazepam. Nửa đời thải trừ của thuốc là 13 – 45 giờ, nửa đời thải trừ của chất chuyển hóa nortetrazepam là 25 – 51 giờ. Các chất chuyển hóa có thể tích tụ do có nửa đời thải trừ kéo dài, đặc biệt ở người cao tuổi.
– Sau sử dụng liều nhắc lại hàng ngày, các thông số dược động học không thay đổi.
– Thực phẩm hầu như không làm thay đổi dược động học của tetrazepam.
– Ở người cao tuổi, người suy thận, người suy gan, nửa đời thải trừ kéo dài, do vậy cần giảm liều khi sử dụng.
– Các dẫn chất benzodiazepin đã được chứng minh là có đi qua nhau thai và sữa mẹ.
Chỉ định
– Điều trị đau do cơ co cứng trong các bệnh thấp khớp (cơ xương khớp).
Chống chỉ định
– Quá mẫn với benzodiazepin hoặc các thành phần khác của thuốc. Bệnh nhược cơ, suy hô hấp nặng, hội chứng ngừng thở trong khi ngủ.
– Suy gan nặng, cấp hoặc mạn tính (có nguy cơ bị bệnh não bất ngờ), rối loạn chức năng gan nặng (ví dụ, vàng da ứ mật).
– Mất điều hòa não và tủy sống. Glôcôm góc hẹp.
– Ngộ độc cấp barbiturat, opiat hoặc rượu. Ngộ độc cấp thuốc hướng thần (thuốc an thần kinh, thuốc chống trầm cảm, lithi, thuốc an thần). Có vấn đề nghiện thuốc hoặc rượu.
– Rối loạn chuyển hóa porphyrin. Tăng galactose huyết bẩm sinh. Hội chứng kém hấp thu glucose và galactose. Thiếu hụt lactase.
– Trẻ em dưới 15 tuổi (do chưa được nghiên cứu).
Thận trọng
– Phải dùng thuốc rất thận trọng vì nguy cơ nhờn thuốc hoặc nghiện thuốc khi dùng thuốc dài ngày, chỉ nên dùng thuốc ngắn ngày, càng ngắn càng tốt và liều thấp nhất có hiệu quả.
– Dùng thuốc dài ngày trong khi mang thai có thể gây triệu chứng cai thuốc ở trẻ sơ sinh.
– Cần thận trọng dùng thuốc cho người nghiện rượu hoặc có tiền sử nghiện một thuốc nào đó vì dễ gây nghiện.
– Cần tránh ngừng thuốc đột ngột mà phải ngừng từ từ để tránh hội chứng cai thuốc hoặc bệnh quay trở lại (thường là nhất thời dưới dạng tăng lo âu).
– Phải rất thận trọng khi dùng thuốc cho người bị trầm cảm hoặc có kết hợp lo âu, vì có thể làm người bệnh dễ đi đến tự sát.
– Phải rất thận trọng khi dùng thuốc cho người nhược cơ và người suy hô hấp vì thuốc có thể làm bệnh nặng lên.
– Phải cảnh báo cho người lái xe, vận hành máy, làm việc trên cao, nơi nguy hiểm vì thuốc có thể gây buồn ngủ và mất tỉnh táo.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
– Các ADR thường có liên quan đến liều dùng và mức độ nhạy cảm với thuốc của từng người bệnh.
– Thường gặp, ADR > 1/100
– Buồn ngủ, ngủ gà, cảm giác say rượu, mệt mỏi, mất tỉnh táo (đặc biệt ở người cao tuổi).
– Ban toàn thân, ngoại ban cục bộ.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Toàn thân: Chóng mặt, nhức đầu.
– Thần kinh: Khó tập trung tư tưởng. Mất trí nhớ (sau). Cơ – xương: Mất điều hoà, yếu cơ, giảm trương lực cơ.
– Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy và táo bón, các triệu chứng chống tiết cholin (như khô miệng).
– Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
– Tim mạch: Đỏ bừng mặt (nhất thời).
– Phản ứng nghịch lý (đặc biệt ở người cao tuổi): Cáu gắt, hung hãn, căng thẳng thần kinh, lo âu, vật vã, rối loạn hành vi, thay đổi ý thức, ý định tự sát, rối loạn giấc ngủ, ảo giác, co cứng cơ.
– Phản ứng dị ứng (hồng ban, hồng ban đa dạng, ngứa, mày đay, phù Quincke), nặng nhất là hội chứng Stevens-Johnson và Lyell.
– Da: Nhạy cảm với ánh sáng dưới dạng ban. Hoại tử bong biểu bì nhiễm độc.
– Tiết niệu – sinh dục: Tiểu tiện và kinh nguyệt thất thường.
– Nghiện thuốc hoặc nhờn thuốc: Hiện tượng bệnh quay trở lại nặng hơn thường nhất thời.
– Rối loạn giới tính: Giảm ham muốn tình dục.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
– Chóng mặt, buồn ngủ, khó tập trung tư tưởng thường ít khi đòi hỏi phải ngừng thuốc và thường chỉ cần giảm liều.
– Phải ngừng thuốc ngay khi có các triệu chứng đầu tiên nghi là do hội chứng Stevens-Johnson và Lyell. Tránh phối hợp tetrazepam với các thuốc đã biết là gây ra hội chứng này.
– Để tránh nghiện thuốc hoặc nhờn thuốc, phải dùng liều thấp nhất, ngắn ngày nhất và hạn chế chỉ định dùng thuốc. Cần giải thích rõ cho người bệnh về hiện tượng bệnh nặng lại (tăng lo âu) để người bệnh được an tâm.
Thời kỳ mang thai
– Trên thực nghiệm súc vật cũng như trên người: Trong 3 tháng đầu, thuốc có thể gây quái thai; trong 3 tháng cuối thuốc có thể qua nhau thai và ảnh hưởng trên trẻ sơ sinh, vì thế không nên dùng thuốc trong thời kỳ mang thai.
Thời kỳ cho con bú
– Đã có bằng chứng cho thấy thuốc qua được sữa mẹ cho nên không dùng cho phụ nữ đang nuôi con bú, hoặc khi sử dụng thuốc này phải ngừng cho con bú.
Liều lượng và cách dùng
– Nuốt viên thuốc với nước, không được nhai. Thuốc chỉ dành cho người lớn (trên 15 tuổi).
Người lớn:
– Người bệnh ngoại trú: Khởi đầu, uống 50 mg trước khi đi ngủ. Sau đó có thể tăng dần liều bằng cách thêm 1/2 viên vào liều đang dùng cho đến khi đạt 100 mg/ngày, chia làm 2 lần, dùng phần liều cao hơn vào buổi tối hoặc cả 100 mg vào buổi tối trước khi đi ngủ. Người bệnh nội trú: Khởi đầu, uống 50 mg trước khi đi ngủ. Sau đó có thể tăng dần liều bằng cách thêm 1/2 viên vào liều đang dùng cho đến khi đạt 150 mg/ngày, chia làm 2 lần, dùng phần liều cao hơn (2 viên) vào buổi tối hoặc chia 3 lần.
– Người cao tuổi hoặc người suy gan, suy thận: Liều dùng bằng nửa liều bình thường của người lớn.
Tương tác thuốc
– Không nên dùng tetrazepam cùng với alcol. Tương tác với alcol có trong các loại rượu gây tăng tác dụng lên TKTW, làm cho người bệnh mất tỉnh táo, gây nguy hiểm cho việc lái xe và vận hành máy móc. Tương tác này có thể còn tiếp tục sau khi đã ngừng thuốc vài ngày, cho đến khi các sản phẩm chuyển hóa có hoạt tính của thuốc trong huyết thanh giảm đi.
– Dùng kết hợp với các benzodiazepin khác gây tăng nguy cơ phụ thuộc thuốc.
– Tương tác với các thuốc an thần như các dẫn xuất morphin (thuốc giảm đau, thuốc trị ho và các điều trị thay thế khác ngoài buprenorphin), thuốc an thần kinh, barbiturat, benzodiazepin, thuốc giải lo âu khác ngoài benzodiazepin (ví dụ meprobamat), thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm giảm đau (amitriptylin, doxepin, mianserin, mirtazapin, trimipramin), thuốc giảm đau kháng histamin H1, thuốc chống tăng huyết áp tác động thần kinh trung ương, baclofen, thalidomid, pizotifen. Tương tác này làm tăng ức chế TKTW. Mất tỉnh táo có thể gây nguy hiểm cho việc lái xe và vận hành máy. Hơn nữa, đối với các dẫn xuất morphin (thuốc giảm đau, thuốc trị ho và các điều trị thay thế) và các barbiturat thì nguy cơ tăng suy giảm hô hấp có thể gây tử vong trong trường hợp dùng quá liều.
– Tương tác với buprenorphin có nguy cơ tăng suy giảm hô hấp có thể gây tử vong. Cần cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ khi dùng kết hợp với các thuốc này. Báo cho người bệnh biết về sự cần thiết phải tuân thủ các liều đã kê đơn.
– Tương tác với clozapin có nguy cơ tăng xẹp phổi có ngừng hô hấp và/hoặc trụy tim mạch.
Độ ổn định và bảo quản
– Dạng viên nén bao phim đóng gói trong bao bì kín, bảo quản nhiệt độ từ 15 – 30 oC ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng.
Quá liều và xử trí
– Tiên lượng có thể có nguy cơ sống còn, nhất là những trường hợp đa nhiễm độc bao gồm những chất ức chế TKTW khác (gồm cả rượu).
– Triệu chứng: Có thể bao gồm yếu cơ và biến đổi trạng thái ý thức như ngủ li bì, hôn mê, tụt huyết áp, suy hô hấp.
– Khi dùng liều rất lớn, các triệu chứng chủ yếu là do ức chế TKTW bao gồm từ ngủ gà đến hôn mê tùy theo lượng thuốc sử dụng. Nếu nhẹ, có các biểu hiện như lú lẫn tâm thần, ngủ lịm. Trong trường hợp nặng hơn, có các biểu hiện mất điều hòa, giảm trương lực, hạ huyết áp, suy hô hấp, ngoại lệ có tử vong.
– Xử trí: Nếu mới uống thuốc trong vòng một giờ, cho nôn nếu người bệnh còn tỉnh táo, hoặc nếu không được thì cho rửa dạ dày và bảo đảm thông khí tốt. Quá giai đoạn này, có thể dùng than hoạt để làm giảm hấp thu của thuốc.
– Người bệnh cần được chăm sóc đặc biệt về các chức năng tim hô hấp ở môi trường chuyên khoa.
– Có thể dùng flumazenil để chẩn đoán và/hoặc điều trị quá liều benzodiazepin do chủ ý hoặc vô ý.
– Flumazenil đối kháng với tác dụng của benzodiazepin nên có thể dễ xuất hiện các rối loạn thần kinh (cơn co giật), nhất là ở người bệnh động kinh.
– Thẩm phân ít có giá trị.
Thông tin qui chế
– Thuốc hướng tâm thần.