Hotline: 1800-0027 | Contact@Chothuoctay.com
BÀI VIẾT

Vắc Xin Não Mô Cầu

Vắc Xin Não Mô Cầu

Tên chung quốc tế: Vaccinum meningococcale polysaccharidicum
Mã ATC: J07AH04 (Meningococcus A, C, Y, W-135, tetravalent purified polysaccharides antigen).
Loại thuốc: Vắc xin polysaccarid bất hoạt.

Dạng thuốc và hàm lượng

– Vắc xin polysaccarid não mô cầu nhóm A, C, Y và W135 phối hợp (Menomune, vắc xin tứ liên không liên kết, MPSV4) để tiêm dưới da: 50 microgam kháng nguyên vỏ polysaccarid não mô cầu mỗi loại A, C, Y và W135/0,5 ml. Bột đông khô pha tiêm với dung môi (thể tích dung môi ghi trên nhãn kèm theo của nhà sản xuất), sau khi hoàn nguyên cung cấp 1 ml dung dịch trong, không màu.
– Vắc xin liên kết polysaccarid não mô cầu (nhóm huyết thanh A, C, Y và W135) với protein giải độc tố bạch hầu (Corynebacterium diphteria) (Menactra, vắc xin tứ liên liên kết, MCV4) dùng để tiêm bắp: 4 microgam mỗi kháng nguyên polysaccarid vỏ não mô cầu nhóm A, C, Y và W135 liên kết riêng rẽ với 48 microgam chất mang là protein giải độc tố bạch hầu (Corynebacterium diphteria)/0,5ml. Vắc xin não mô cầu BC (VA-MENGOC-BC) là một phức hợp màng ngoài tinh khiết nhóm huyết thanh B và polysaccarid vỏ nhóm huyết thanh C của não mô cầu được hấp phụ trên gel hydroxid nhôm. Vắc xin chứa 0,01% thiromersal làm chất bảo quản, phosphat và natri clorid. Dạng dùng là hỗn dịch để tiêm, tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh do não mô cầu nhóm B, C. Vắc xin chứa 50 microgam protein màng ngoài não mô cầu nhóm B và 50 microgam polysaccarid vỏ não mô cầu nhóm C/0,5 ml.
– Vắc xin não mô cầu C (Menjugate kit): Một liều (0,5 ml hỗn dịch tạo thành) chứa 10 microgam kháng nguyên oligosaccarid vỏ não mô cầu nhóm C liên kết với protein giải độc tố bạch hầu Corynebacterium diphteria (12,5 – 25 microgam) được hấp phụ trong 0,3 – 0,4 mg hydroxid nhôm. Tiêm bắp.

Dược lý và cơ chế tác dụng

– Vắc xin não mô cầu có tác dụng kích thích miễn dịch chủ động đối với các nhómhuyết thanh não mô cầu (Neisseria meningitidis) có trong vắc xin. Hiện nay, đã biết ít nhất 13 nhóm huyết thanh khác nhau của não mô cầu. Các nhóm huyết thanh gây bệnh ở người gồm A, B, C, X, Y, W135 và L, trong đó, khoảng 90% các trường hợp bị bệnh là do nhóm huyết thanh A, B, C. Tỷ lệ các nhóm huyết thanh gây bệnh thay đổi theo thời gian và theo tuổi. Kháng thể diệt khuẩn tạo ra do nhiễm não mô cầu hoặc dùng vắc xin là các kháng thể IgG, IgM và IgA.
– Đối với vắc xin não mô cầu không liên kết, các polysaccarid vỏ đặc hiệu nhóm có trong vắc xin là các kháng nguyên không phụ thuộc tế bào T. Các kháng nguyên này kích thích đáp ứng miễn dịch ban đầu sau khi tiêm và không thể gây được khả năng miễn dịch kéo dài hoặc ký ức miễn dịch giúp tạo kháng thể nhanh chóng sau khi tiếp xúc với kháng nguyên lần sau. Các kháng thể kháng vỏ tạo thành bởi vắc xin không liên kết thường xuất hiện trong vòng 7 ngày trong huyết thanh và đạt tới đỉnh trong vòng 14 ngày. Chưa xác định được nồng độ kháng thể kháng vỏ cần thiết trong huyết thanh để bảo vệ chống não mô cầu nhóm huyết thanh A, C, Y và W135, tuy nhiên, nồng độ kháng thể từ 2 microgam/ml trở lên được coi là có tác dụng bảo vệ. Nồng độ kháng thể có khả năng bảo vệ đạt được trong vòng 7 – 10 ngày sau khi tiêm. Đáp ứng miễn dịch đối với kháng nguyên polysaccarid vỏ não mô cầu trong vắc xin không liên kết là như nhau, cho dù các kháng nguyên này ở dưới dạng vắc xin đơn giá hay nhị liên hoặc tứ liên. Đáp ứng miễn dịch với mỗi kháng nguyên là độc lập, không ảnh hưởng đến đáp ứng của các kháng nguyên khác. Mức độ đáp ứng của mỗi kháng nguyên đặc hiệu thường tỷ lệ nghịch với nồng độ kháng thể có sẵn trước khi tiêm phòng. Ngoài ra, mức độ và thời gian đáp ứng miễn dịch đối với vắc xin không liên kết thay đổi theo tuổi của người tiêm vắc xin. Sự tạo kháng thể do vắc xin ở trẻ dưới 2 tuổi kém hơn so với trẻ lớn và người trưởng thành.
– Khi tiêm một liều vắc xin tứ liên chứa 50 microgam mỗi kháng nguyên vỏ nhóm A, C, Y và W135 dạng không liên kết cho trẻ 6 – 23 tháng tuổi, đáp ứng đối với nhóm A là lớn nhất vì sự chuyển đổi huyết thanh (tăng gấp ≥ 4 lần nồng độ kháng thể) đối với nhóm A được ghi nhận ở 90 – 97% trẻ nhỏ, không kể lứa tuổi. Trong khi đó, tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đối với nhóm C, Y và W135 lần lượt chỉ là 40, 45 và 50% ở trẻ 6 – 11 tháng tuổi, tỷ lệ huyết thanh chuyển đổi tăng tới 81, 70 và 81% ở trẻ 12 – 17 tháng tuổi và 90, 79, 85% ở trẻ 18 – 23 tháng tuổi.
– Khi tiêm 1 liều đơn vắc xin tứ liên không liên kết cho trẻ 2 – 12 tuổi, tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đối với nhóm A, C, Y (tăng gấp ≥ 2 lần nồng độ kháng thể IgG) là 100%, trong khi đó tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đối với nhóm W135 chỉ là 21%.
– Đối với người lớn 18 – 54 tuổi, nếu tiêm một liều đơn vắc xin tứ liên không liên kết chứa 50 microgam cho mỗi kháng nguyên vỏ não mô cầu nhóm A, C, Y và W135, tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh (tăng gấp ≥ 4 lần nồng độ kháng thể) đối với mỗi nhóm sau 4 tuần tiêm phòng đạt lần lượt là 92 – 100%, 93 – 100%, 87 – 100%, và 90 – 100%. Sự chuyển đổi huyết thanh thường xảy ra ở người có nồng độ thấp hoặc không có kháng thể kháng khuẩn trước khi tiêm phòng. Tỷ lệ huyết thanh chuyển đổi đối với nhóm huyết thanh A, C, Y và W135 trong vắc xin tứ liên tương tự như tỷ lệ huyết thanh chuyển đổi do vắc xin nhị liên hoặc đơn liên chứa các kháng nguyên đó.
– Liên kết giữa các kháng nguyên polysaccarid vỏ não mô cầu với protein giải độc tố vi khuẩn bạch hầu làm thay đổi đáp ứng miễn dịch đối với kháng nguyên polysaccarid: Từ kháng nguyên không phụ thuộc tế bào T trở thành kháng nguyên phụ thuộc tế bào T, làm tăng đáp ứng lần đầu với kháng nguyên và tăng đáp ứng ký ức khi phơi nhiễm với kháng nguyên lần sau. Các dữ liệu về đáp ứng miễn dịch của vắc xin cộng hợp còn hạn chế nhưng có chứng cứ cho thấy mức độ sinh miễn dịch của vắc xin liên kết ít nhất cũng bằng vắc xin không cộng hợp ở người 2 – 55 tuổi.
– Thời gian duy trì miễn dịch sau khi tiêm liều đơn đầu tiên vắc xin tứ liên liên kết hoặc không liên kết còn chưa được xác định. Kháng thể kháng khuẩn sau khi tiêm vắc xin tứ liên không liên kết giảm rõ rệt trong 2 – 3 năm đầu sau tiêm. Mức độ giảm thay đổi giữa những đối tượng khác nhau: sự suy giảm lượng kháng thể xảy ra nhanh hơn ở trẻ nhỏ và trẻ em.
– Đáp ứng nhắc lại do tiêm liều thứ hai vắc xin không liên kết thường kém và không tiên đoán được. Khi tiêm vắc xin không liên kết chứa kháng nguyên nhóm A và/hoặc C lần 2 thường cho đáp ứng miễn dịch tương tự hoặc kém hơn so với lần đầu. Theo kinh nghiệm ở Anh, vắc xin cộng hợp não mô cầu nhóm C có tác dụng bảo vệ lâu dài chống N. meningitidis nhóm C.

Đọc thêm bài viết:  Manitol

Chỉ định

– Tạo miễn dịch cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên và người lớn có nguy cơ cao bị bệnh não mô cầu (đang sống trong các vùng có bệnh lưu hành hay có dịch; người bị thiếu hụt bổ thể thành phần cuối, người bị cắt lách; những người sẽ đi vào vùng có dịch hoặc có người trong gia đình bị bệnh não mô cầu). Cần chú ý đến lứa tuổi 17 – 20 tuổi vì nguy cơ mắc bệnh gấp 2 lần so với các lứa tuổi khác. Nguy cơ mắc bệnh não mô cầu nhóm C thường giảm theo tuổi. Thường không khuyến cáo tiêm phòng miễn dịch sau 25 tuổi.
– Tùy thuộc nhóm huyết thanh của chủng vi khuẩn gây bệnh đang lưu hành mà chọn vắc xin có kháng nguyên thuộc nhóm huyết thanh phù hợp.

Chống chỉ định

– Nói chung không nên dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, do chưa xác định được độ an toàn và tính hiệu quả của vắc xin.
– Người dị ứng với vắc xin, nhạy cảm với thimerosal hay bất cứ một thành phần nào khác có trong vắc xin; phụ nữ mang thai.
– Tạm ngừng tiêm vắc xin khi đang bị nhiễm khuẩn cấp tính (trừ các bệnh nhẹ như nhiễm khuẩn nhẹ đường hô hấp trên (có hoặc không có sốt nhẹ) hoặc ỉa chảy nhẹ.

Thận trọng

– Người bệnh bị cắt lách sau khi bị chấn thương hoặc bị các khối u không thuộc hệ lympho đáp ứng tốt với vắc xin; những người không còn lách, có các u lympho và đang dùng hóa trị liệu hoặc chiếu tia sẽ có đáp ứng miễn dịch kém.
– Trong trường hợp quá mẫn hoặc sốc phản vệ xảy ra khi tiêm vắc xin, cần cấp cứu ngay bằng adrenalin 1:1 000 hoặc các liệu pháp tương đương.
– Không dùng để phòng hoặc điều trị N. meningiditis nhóm B.
– Cần thận trọng khi dùng vắc xin không cộng hợp cho trẻ nhỏ vì đáp ứng miễn dịch đối với nhóm huyết thanh C có thể dưới mức bảo vệ. Tiêm vắc xin không bảo vệ được 100%.
– Thận trọng với người bị giảm tiểu cầu hoặc người có rối loạn về đông máu vì tiêm bắp có thể gây tụ máu.

Đọc thêm bài viết:  Dihydroergotamin

Thời kỳ mang thai

– Khi dùng cho phụ nữ mang thai, chưa rõ vắc xin có gây độc cho bào thai hay không. Trong khi còn chưa có số liệu về tính an toàn của vắc xin tứ liên hiện có đối với phụ nữ mang thai thì vắc xin nhị liên đã được tiêm cho phụ nữ mang thai và đã không gây ra bất cứ một tác dụng phụ nào rõ rệt cho thai nhi. Cũng không có bằng chứng nào về việc tiêm phòng vắc xin nhị liên có chứa 2 loại kháng nguyên polysacarid A và C cho phụ nữ mang thai đã gây ra bất cứ một tác dụng nào đối với đáp ứng kháng thể ở đứa trẻ sau này được tiêm phòng vắc xin polysacarid não mô cầu.
– Nhà sản xuất khuyến cáo không được dùng vắc xin tứ liên gồm 4 nhóm huyết thanh A, C, Y và W135 cho phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu, vì thiếu thông tin về tính an toàn và lợi ích của vắc xin đối với người mang thai.

Thời kỳ cho con bú

– Chưa rõ các kháng nguyên polysacarid của vắc xin tứ liên A, C, Y và W135 hoặc các kháng thể kháng vỏ của chúng có vào trong sữa hay không. Vắc xin này có thể dùng một cách thận trọng ở người cho con bú.

Tác dụng khôngmong muốn (ADR)

– ADR của vắc xin ít gặp và nhẹ, bao gồm các phản ứng xảy ra tại chỗ hoặc toàn thân.
– Thường gặp, ADR > 1/100
– Tại chỗ: Đau, ban đỏ, rắn cục tại chỗ tiêm, thường chỉ kéo dài 1-2 ngày. Toàn thân: Nhức đầu, mệt mỏi, sốt, khó ở, ngủ lịm, rét run, ngoại ban, sổ mũi và rối loạn tiêu hóa. Chúng thường kéo dài 1 – 3 ngày. Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
– Thần kinh: Vô cảm hoặc dị cảm, co giật.
– Phản ứng mẫn cảm: Mày đay, ngoại ban, ngứa, co thắt phế quản, phù mặt. Thường xảy ra 1 giờ sau khi tiêm.
– Phản ứng phản vệ rất hiếm.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

– Luôn chuẩn bị sẵn một số thuốc như adrenalin, corticoid và kháng histamin, những trang bị cần thiết cho điều trị sốc phản vệ nếu xảy ra (oxygen, máy trợ hô hấp).

Đọc thêm bài viết:  Phytomenadion

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng:
– Vắc xin cộng hợp polysaccarid vỏ não mô cầu (nhóm huyết thanh A, C, Y và W135) liên kết với giải độc tố bạch hầu (Menactra): Chỉ tiêm bắp vào cơ delta hoặc mặt ngoài đùi, tránh tiêm mông. Không pha loãng. Lắc đều trước khi tiêm.
– Vắc xin tứ liên (A, C, Y và W135) (Menomune): Chỉ tiêm dưới da. Phải theo dõi 15 phút sau khi tiêm vì có thể bị ngất, nhất là thanh thiếu niên.
– Vắc xin nhị liên (B, C) hoặc dạng VA-Mengoc-BC: Tiêm bắp sâu, tốt nhất là cơ delta hoặc mặt trước ngoài cơ đùi (trẻ em). Cần lắc nhẹ lọ vắc xin trước khi hút tiêm.
– Vắc xin nhị liên (A, C): Sau khi pha loãng có thể tiêm dưới da hoặc tiêm bắp.
– Vắc xin não mô cầu nhóm C: Hỗn dịch tiêm, phải tiêm bắp.
Liều lượng:
Tạo miễn dịch cơ bản:
– Vắc xin liên kết tứ liên: Dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, một liều duy nhất 0,5 ml.
– Vắc xin phối hợp tứ liên không liên kết: Dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, một liều duy nhất 0,5 ml.
– Tiêm nhắc lại: Thời gian tạo miễn dịch sau liều đầu tiên của Menactra hoặc Menomune chưa được biết đầy đủ.
– Nếu tiếp tục có nguy cơ mắc bệnh, có thể tiêm nhắc lại sau 3 năm bằng Menactra. Nếu tiêm phòng trước 7 tuổi, sau 5 năm có thể tiêm nhắc lại nếu vẫn còn nguy cơ mắc bệnh.
– Vắc xin não mô cầu BC: Dùng cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên. Tiêm bắp sâu. Dùng 2 liều, mỗi liều 0,5 ml, cách nhau 6 – 8 tuần. Bắt buộc phải tiêm liều thứ hai để đạt được mức bảo vệ.
– Vắc xin não mô cầu AC: Dùng cho người lớn và trẻ em trên 18 tháng. Tiêm dưới da hoặc tiêm bắp một liều duy nhất 0,5 ml. Thời gian miễn dịch sau tiêm phòng thường kéo dài 3 năm. Có thể tiêm phòng lại trong vòng 2 – 4 năm.
– Vắc xin liên kết đơn giá nhóm C (Meningitec): Dùng cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên. Người lớn và trẻ em trên 1 tuổi: Liều duy nhất 0,5 ml. Trẻ em trên 2 tháng tuổi đến 1 tuổi: 2 liều, mỗi liều 0,5 ml. Liều đầu tiên không tiêm trước 2 tháng tuổi, khoảng cách giữa 2 liều ít nhất 2 tháng. Trẻ em trên 12 tháng tuổi, thiếu niên, người lớn trước đây chưa tiêm phòng: Liều duy nhất 0,5 ml. Vắc xin cộng hợp đơn giá nhóm C được khuyến cáo với bất kỳ người nào dưới 25 tuổi trước kia chưa tiêm phòng, người trên 1 tuổi mới tiêm một liều duy nhất.

Tương tác thuốc

– Với các vắc xin khác
– Vắc xin não mô cầu có thể dùng đồng thời với các vắc xin khác nhưng phải tiêm ở các vị trí khác nhau. Có một vài chứng cứ phối hợp vắc xin virus sởi sống với vắc xin nhị liên não mô cầu trong cùng 1 bơm tiêm trước khi tiêm đã làm giảm đáp ứng vắc xin sởi ở một số người tiêm phòng.
– Với các thuốc ức chế miễn dịch: Những người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch (chẳng hạn như corticotropin, corticosteroid, các thuốc alkyl hóa, thuốc kháng chuyển hóa, chiếu tia xạ) có thể không có đáp ứng miễn dịch đầy đủ đối với vắc xin tứ liên não mô cầu. Nên tiêm vắc xin 2 tuần trước khi bắt đầu liệu pháp ức chế miễn dịch hoặc phải hoãn lại ít nhất 3 tháng sau khi ngừng liệu pháp ức chế miễn dịch.
– Vắc xin não mô cầu có thể dùng đồng thời với các chế phẩm globulin miễn dịch nhưng lưu ý dùng bơm tiêm riêng và tiêm tại các vị trí khác nhau.

Độ ổn định và bảo quản

– Vắc xin cần được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 – 8 oC. Không được đông băng.Tránh ánh sáng. Nếu đã để đông băng, không được dùng, vì hoạt lực của vắc xin đã bị mất.
– Vắc xin sau khi hoàn nguyên cần dùng trong vòng 30 phút.

Tên thương mại

– Polysaccharide meningococcal A+C.

Organization: https://chothuoctay.com/
Mô tả: Giúp người bệnh mua thuốc online chính hãng
Tiểu đường thai kỳ Chothuoctay

Tiểu đường thai kỳ

Bạn đã từng nghe về tiểu đường thai kỳ? Đây là một tình trạng đáng lo ngại mà nhiều phụ nữ mang thai phải đối