Tên chung quốc tế: Flecainide.
Mã ATC: C01BC04.
Loại thuốc: Thuốc chống loạn nhịp. Nhóm Ic.
Dạng thuốc và hàm lượng
– Viên nén: 50 mg, 100 mg, 150 mg (dạng flecainid acetat). Ống tiêm 150 mg/15 ml.
Dược lý và cơ chế tác dụng
– Flecainid thuộc nhóm thuốc chống loạn nhịp ổn định màng (nhóm1); thuốc có tác dụng điện sinh lý đặc trưng chống loạn nhịp nhóm 1C. Tác dụng chủ yếu của flecainid là ức chế dòng Na+ nhanh trong pha 0 của điện thế hoạt động. Flecainid kéo dài khoảng AH, HV, PR, và QRS, và kéo dài thời kỳ trơ hữu hiệu trong cơ thất. Tác dụng điện sinh lý làm kéo dài khoảng QTc, chủ yếu do kéo dài QRS. Flecainid kéo dài thời gian dẫn truyền và giai đoạn trơ hữu hiệu trong những đường dẫn phụ ở người bệnh có nhịp tim nhanh trên thất, liên kết với hội chứng Wolff-Parkinson-White. Làm giảm tốc độ tối đa của điện thế hoạt động màng cơ tim mà không ảnh hưởng đến thời gian hoạt động điện thế màng, làm tăng ngưỡng điện thế kích thích của tâm thất. Giống như tất cả những thuốc chống loạn nhịp nhóm 1 khác, flecainid có tác dụng giảm sức co cơ tim, thuốc còn có tác dụng gây tê.
Dược động học
– Flecainid acetat được hấp thu nhanh và nhiều qua đường tiêu hóa, sinh khả dụng khoảng 85 – 90%. Tốc độ hấp thu hơi giảm khi có thức ăn nhưng mức độ hấp thu không bị ảnh hưởng. Mặc dù thức ăn và chất kháng acid không ảnh hưởng đến hấp thu nhưng sữa có ảnh hưởng đến hấp thu ở trẻ em. Đạt nồng độ đỉnh huyết tương trong vòng 2 – 3 giờ. Nồng độ điều trị huyết tương thường dao động trong khoảng 0,2 đến 1,0 microgam/ml. Nồng độ đáy huyết tương trên 0,7 – 1,0 microgam/ml tăng hiệu quả tối thiểu nhưng tỷ lệ tác dụng không mong muốn cao về tim như rối loạn về dẫn truyền hoặc nhịp tim chậm.
– Flecainid được phân bố nhanh và rộng; thể tích phân bố là 5 – 13,4 lít/kg sau liều tiêm tĩnh mạch duy nhất và khoảng 10 lít/kg sau liều uống duy nhất. In vitro flecainid gắn với protein khoảng 40 – 50%, chủ yếu là với a -acid glycoprotein. Nửa đời thải trừ là 11,5 – 16 giờ, có xu hướng tăng theo tuổi ở bệnh nhân. Với bệnh nhân uống liên tiếp flecainid, nửa đời thải trừ khoảng 19 – 22 giờ. Flecainid chuyển hóa nhiều ở gan. Thải trừ qua nước tiểu: 80 – 90%. Độ thanh thải: 10 ml/phút/kg. Thải trừ qua phân: 5%. Tốc độ thải trừ chậm ở người suy thận, suy tim, hoặc nước tiểu kiềm. Thuốc uống bị loại khoảng 1% khi thẩm phân máu.
– Flecainid qua được hàng rào nhau thai Một số kết quả nghiên cứu ở người cho thấy flecainid được bài tiết ra sữa.
Chỉ định
– Dự phòng và điều trị các loạn nhịp thất nhanh đe dọa đời sống (như nhịp nhanh thất kéo dài). Dự phòng và điều trị cơn nhanh kịch phát trên thất khó kiểm soát, rung nhĩ hoặc cuồng động nhĩ kịch phát ở người không có bệnh tim thực thể.
Chống chỉ định
– Bệnh nhân có blốc nhĩ thất độ II và III, blốc nhánh phải bó His kết hợp với blốc một phần nhánh trái bó His (blốc hai nhánh), trừ khi bệnh nhân đã được cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.
– Tình trạng sốc tim. Mẫn cảm với thuốc.
Thận trọng
– Do thuốc tác động vào quá trình hoạt động điện thế màng nên có thể gây ra loạn nhịp mới trên thất hoặc thất. Vì vậy, bệnh nhân dùng thuốc này phải được theo dõi trong bệnh viện, nếu có thể được thì định lượng nồng độ thuốc trong huyết tương. Hết sức cân nhắc khi dùng một thuốc chống loạn nhịp khác với flecainid.
– Có thể gây ra hoặc làm nặng thêm suy tim mạn tính. Tác dụng này có thể xuất hiện và có thể kéo dài vài tháng sau khi dùng thuốc. Vì vậy bệnh nhân cần được điều trị suy tim cơ bản trước khi muốn sử dụng flecainid.
– Thận trọng khi dùng thuốc ở bệnh nhân có hội chứng nhịp tim chậm (blốc nhĩ thất độ 3, hội chứng suy yếu nút xoang).
– Do thuốc gây tăng ngưỡng kích thích nội mạc tim nên các bệnh nhân đặt máy tạo nhịp tim tạm thời hoặc vĩnh viễn phải được điều chỉnh lại ngưỡng kích thích tạo nhịp trước và trong khi sử dụng flecainid.
– Cần điều chỉnh rối loạn kali huyết trước khi dùng flecainid. Bệnh nhân suy gan, suy thận nặng.
Thời kỳ mang thai
– Cho tới nay chưa có công trình nghiên cứu đầy đủ và có kiểm chứng về việc dùng flecainid cho người mang thai, vì vậy theo nguyên tắc chung, không dùng flecainid trong thời kỳ mang thai. Được sử dụng trong thai kỳ để điều trị loạn nhịp cho mẹ và cho thai nhi ở các cơ sở y tế chuyên khoa.
Thời kỳ cho con bú
– Flecainid có phân bố trong sữa người với lượng nhỏ không gây hại. Vì có thể có những tác dụng không mong muốn nghiêm trọng do flecainid gây ra ở trẻ nhỏ bú sữa mẹ, nên phải cân nhắc xem ngừng cho bú hoặc ngừng thuốc, có chú ý đến tầm quan trọng của thuốc đối với người mẹ.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
– Gây loạn nhịp hoặc làm nặng thêm các loạn nhịp trên thất và thất. Gây suy tim mới hoặc làm nặng thêm suy tim mạn tính.
– Thường gặp, ADR > 1/100
– Toàn thân: Đau ngực, mệt mỏi, phù, chóng mặt, nhức đầu.
– Tim mạch: Loạn nhịp thất, blốc nhĩ – thất độ 1, đánh trống ngực, phù.
– TKTW: Run, rối loạn thị giác, điều tiết khó khăn. Tiêu hóa: Táo bón dai dẳng, đau bụng, buồn nôn. Hô hấp: Khó thở.
– Thần kinh: Viêm đa dây thần kinh. Da liễu: Mẩn ngứa.
– Cơ xương: Rung cơ, nhược cơ.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Tim mạch: Nhịp tim chậm, P – R, QRS kéo dài, gây hoặc làm nặng thêm suy tim sung huyết, blốc nhĩ – thất độ 2 và độ 3, đau thắt ngực, tăng huyết áp, hạ huyết áp.
– Da: Mày đay, ngứa, rụng tóc
– Tiêu hóa: Đầy hơi, khô miệng, sưng môi, lưỡi miệng. Mắt: Đau mắt, sợ ánh sáng.
– Máu: Giảm bạch cầu, giảm bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu Tiết niệu: Bí đái
Hướng dẫn cách xử trí ADR
– Nếu nghi ngờ hoặc xác định là flecainid gây tăng tần số ngoại tâm thu thất tuy dùng liều thích hợp, phải dùng thuốc khác thay thế. Nếu xảy ra suy tim sung huyết tiến triển tuy đã giảm liều flecainid, phải ngừng thuốc ngay. Nếu các khoảng PR, QRS và QT kéo dài nhiều, và/hoặc blốc nhánh mới phát triển trong khi điều trị bằng flecainid, cần xem xét giảm liều. Nếu xảy ra blốc nhĩ – thất độ 2 hoặc 3 hoặc blốc hai bó, phải ngừng thuốc trừ khi đặt tạm thời hoặc cấy một máy tạo nhịp để đảm bảo tần số thất thích hợp.
– Phải ngừng điều trị bằng flecainid ở người phát triển vàng da, có dấu hiệu loạn chức năng gan, hoặc loạn tạo máu để loại trừ khả năng thuốc là nguyên nhân gây nên. Có thể điều trị suy tim sung huyết do flecainid gây nên hoặc làm cho nặng thêm bằng thuốc digitalis hoặc thuốc lợi tiểu.
– Trường hợp dùng quá liều đường uống, xử lý bằng than hoạt trong vòng 1 giờ kể từ khi uống thuốc, sau đó điều trị triệu chứng, thẩm phân máu không làm tăng thải trừ thuốc.
– Liều lượng và cách dùng Flecainid acetat được dùng uống. Liều thường dùng cho người lớn:
– Trường hợp nhịp nhanh trên thất kịch phát hoặc rung/cuồng động tâm nhĩ kịch phát:
– Uống, 50 mg cứ 12 giờ một lần, tăng liều với lượng tăng thêm 50 mg, ngày 2 lần, cứ 4 ngày tăng một lần theo sự cần thiết và khả năng dung nạp và giảm liều một khi đạt được kết quả; uống tối đa 300 mg/ngày.
Trường hợp nhịp nhanh thất kéo dài:
– Bắt đầu: Uống 100 mg, cứ 12 giờ một lần, tăng liều với lượng tăng thêm 50 mg, ngày 2 lần, cứ 4 ngày tăng một lần theo sự cần thiết và khả năng dung nạp; uống tối đa 400 mg/ngày.
– Liều duy trì: Liều tối đa 150 mg, cách 12 giờ một lần.
Truyền tĩnh mạch flecainid acetat với liều 2 mg/kg trong 10 đến 30 phút, tổng liều không quá 150 mg, phải theo rõi điện tâm đồ. Nếu cần dùng đường tĩnh mạch lâu hơn, dùng 2 mg/kg trong 30 phút sau đó giảm xuống 1,5 mg/kg trong giờ đầu, tiếp theo 0,1 – 0,25 mg/kg/giờ, tổng liều 24 giờ không quá 600 mg. Ở người suy thận nặng (Clcr < 35 ml/phút/1,73 m ) cần giảm nửa liều.
– Ghi chú: Với người bệnh bị suy thận nặng (Clcr < 35 ml/phút/1,73 m ), dùng liều bắt đầu 100 mg, ngày một lần, hoặc 50 mg, cứ 12 giờ một lần, và hiệu chỉnh liều trên cơ sở theo dõi xác định thường xuyên nồng độ thuốc trong huyết tương. Với người bệnh bị suy thận nhẹ hơn, dùng liều bắt đầu 100 mg cứ 12 giờ một lần; hiệu chỉnh liều trên cơ sở xác định nồng độ thuốc trong huyết tương.
– Liều dùng cho trẻ em: Tránh dùng thuốc chung với sữa. Thuốc nước có tác dụng gây tê, phải cho trước hoặc sau khi ăn ít nhất 30 phút.
Đường uống
– Trẻ sơ sinh: 2 mg/kg/lần, 2 – 3 lần/ngày, điều chỉnh liều theo đáp ứng và theo nồng độ thuốc trong huyết tương.
– 1 tháng – 12 tuổi: 2 mg/kg/lần, 2 – 3 lần/ngày, điều chỉnh liều theo đáp ứng và theo nồng độ thuốc trong huyết tương, tối đa 8 mg/kg/ ngày hoặc 300 mg/ngày.
– 12 – 18 tuổi: Khởi đầu 50 – 100 mg hai lần một ngày, tối đa 300 mg/ngày.
Đường truyền tĩnh mạch
– Trẻ sơ sinh: 1 – 2 mg/kg trong 10 – 30 phút nếu cần tiếp tục truyền 100 – 250 microgam/kg/giờ cho tới khi kiểm soát được loạn nhịp, chuyển sang uống như trên.
– 1 tháng – 12 tuổi: 2 mg/kg/trong 10 – 30 phút nếu cần tiếp tục truyền 100 – 250 microgam /kg/giờ cho tới khi kiểm soát được loạn nhịp, liều tối đa tích lũy 600 mg/24 giờ đầu. Chuyển sang uống như trên. 12 – 18 tuổi: 2 mg/kg/10 – 30 phút (không quá 150 mg) nếu cần tiếp tục truyền 1,5 mg/kg/giờ rồi hạ xuống 100 – 250 microgam/kg/giờ cho tới khi kiểm soát được loạn nhịp, tối đa không quá 600 mg/24 giờ đầu. Chuyển sang uống như trên.
Tương tác thuốc
– Các chất tăng độ acid nước tiểu có thể làm tăng thải trừ, và các chất tăng độ kiềm nước tiểu có thể làm giảm thải trừ flecainid; có thể cần phải hiệu chỉnh liều flecainid.
– Dùng đồng thời những thuốc chống loạn nhịp khác với flecainid có thể gây tác dụng hiệp đồng trên tim; nhịp nhanh thất/rung thất không hồi phục đã xảy ra ở người có nhịp nhanh thất có huyết áp thấp.
– Dùng đồng thời amiodaron gây tăng nồng độ flecainid trong huyết tương; phải giảm 50% liều flecainid và theo dõi cẩn thận nồng độ flecainid trong huyết tương.
– Quinin ức chế chuyển hóa của flecainid làm giảm thải trừ và kéo dài nửa đời thải trừ.
– Dùng đồng thời các thuốc chẹn beta với flecainid có thể gây tác dụng hiệp đồng giảm sức co cơ; ngoài ra, dùng đồng thời propranolol làm tăng nồng độ cả hai thuốc trong huyết tương.
– Dùng đồng thời digoxin với flecainid gây tăng nhất thời nồng độ digoxin trong huyết tương; không thấy có tác dụng không mong muốn.
– Sữa làm giảm hấp thu flecainid.
– Cimetidin làm tăng sinh khả dụng của flecainid.
Độ ổn định và bảo quản
– Viên nén và thuốc tiêm flecainid được bảo quản trong lọ kín ở 15 – 30 oC và tránh ánh sáng. Không làm đông lạnh.
Quá liều và xử trí
– Biểu hiện quá liều: Tăng các khoảng PR, QRS, và QT và biên độ sóng T; giảm tần số tim và sức co cơ tim; rối loạn dẫn truyền; hạ huyết áp; và chết do suy hô hấp hoặc suy tim.
– Điều trị: Thường là điều trị triệu chứng và hồi sức. Làm sạch dạ dày ngay bằng cách gây nôn hoặc rửa dạ dày. Dùng than hoạt có thể có thêm tác dụng ngăn cản hấp thu flecainid. Điều trị hồi sức gồm tiêm tĩnh mạch thuốc tăng sức co cơ tim, hoặc kích thích tim (ví dụ, dopamin, dobutamin, isoproterenol), hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp nhân tạo bằng máy, và đặt máy tạo nhịp tim qua tĩnh mạch. Vì flecainid có nửa đời thải trừ dài, cần điều trị quá liều trong thời gian dài.
– Thẩm tách máu không phải là cách hữu hiệu để loại flecainid ra khỏi cơ thể. Đào thải flecainid sẽ chậm hơn nếu nước tiểu rất kiềm (pH bằng hoặc trên 8), vì vậy về lý thuyết, acid hóa nước tiểu để thúc đẩy đào thải thuốc có thể có hiệu quả trong những trường hợp quá liều có nước tiểu rất kiềm. Không có bằng chứng là acid hóa nước tiểu có pH bình thường làm tăng đào thải thuốc.