Tên chung quốc tế: Chenodeoxycholic acid.
Mã ATC: A05AA01.
Loại thuốc: Thuốc chống sỏi mật.
Dạng thuốc và hàm lượng
– Nang 250 mg.
– Viên nén bao phim 250 mg.
Dược lý và cơ chế tác dụng
– Acid chenodeoxycholic là acid mật chủ yếu có trong mật người và phần lớn động vật có xương sống. Khi uống với liều điều trị, thuốc làm giảm tổng hợp cả cholesterol và acid cholic ở gan và cung cấp thêm muối mật cho kho dự trữ chung của cơ thể để hòa tan cholesterol và lipid. Thuốc được dùng để làm tan các sỏi giàu cholesterol không cản quang ở người bệnh có túi mật vẫn còn hoạt động. — Thuốc không có tác dụng đối với sỏi vôi hóa (cản quang) và sỏi sắc tố mật không cản quang. Sỏi túi mật phải gồm có các tinh thể cholesterol monohydrat để dễ hòa tan. Các sỏi có đường kính trên 15 mm thường không phù hợp với liệu pháp duy nhất dùng acid mật (do tỷ lệ không thuận lợi bề mặt/kích thước). Vì lý do đó, toàn bộ hiệu quả của hòa tan sỏi mật bằng acid mật chưa được chú ý. Kết quả điều trị tốt hơn nếu phối hợp với ursodiol.
Dược động học
– Acid chenodeoxycholic được hấp thu từ đường tiêu hóa, qua chuyển hóa ban đầu và vào chu trình gan ruột. Chenodiol được gan giữ lại, liên hợp rồi bài tiết vào mật. Vì độ thanh thải khi qua gan lần đầu chiếm khoảng 60% đến 80% lượng thuốc, nên dự trữ chenodiol của cơ thể chủ yếu khu trú trong tuần hoàn ruột – gan; hàm lượng acid mật trong huyết thanh và nước tiểu không bị ảnh hưởng đáng kể trong quá trình điều trị chenodiol. Ở trạng thái ổn định một phần thuốc đến đại tràng, chuyển thành acid lithocholic nhờ tác dụng của vi khuẩn. Khoảng 80% acid lithocholic bài xuất vào phân, phần còn lại tái hấp thu và liên hợp ở gan thành sulfolithocholyl ít hấp thu. Một lượng chenodiol cũng được epime hóa để thành acid ursodeoxycholic.
– Acid chenodeoxycholic độc cho gan ở nhiều loài động vật. Về lý thuyết, nguyên nhân là do chất chuyển hóa của nó, acid lithocholic, nhưng ở người có cơ chế hữu hiệu để sulfat hóa và đào thải chất này. Acid lithocholic có độc tính cho gan như một chất gây ứ mật. Độc tính cho gan một phần cũng do bản thân Acid chenodeoxycholic. Người nào có tăng aminotransferase huyết thanh khi dùng chenodiol là những người có khả năng kém sulfat hóa acid lithocholic.
Chỉ định
– Acid chenodeoxycholic được chỉ định để làm tan sỏi mật cholesterol không cản quang, có túi mật hoạt động bình thường, ở người khi phẫu thuật có nhiều nguy cơ do bệnh hay cao tuổi. Liệu pháp chenodiol có hiệu quả hơn nếu sỏi nhỏ và sỏi thuộc loại nổi trong nước. Thời gian điều trị có thể tới 2 năm.
– Acid chenodeoxycholic được dùng để bổ sung chế độ ăn cho trẻ sơ sinh và trẻ em có rối loạn bẩm sinh tổng hợp acid mật; đã được dùng trong điều trị bệnh u vàng não gân cơ tủy; cùng với acid cholic để điều trị khiếm khuyết về tổng hợp acid mật; cùng với cholesterol để điều trị hội chứng Smith-Lemli-Opitz.
Chống chỉ định
– Rối loạn chức năng gan hoặc bất thường đường dẫn mật (ứ mật trong gan), xơ gan mật tiên phát. Túi mật không hiện hình được khi chụp đường mật, có uống thuốc cản quang.
– Sỏi cản tia X (chứa calci).
– Sỏi mật có biến chứng hoặc có chỉ định phải phẫu thuật. Bệnh viêm ruột hoặc loét dạ dày – tá tràng đang hoạt động. Thời kỳ mang thai.
Thận trọng
– Người bệnh mẫn cảm với các chế phẩm acid mật khác cũng có thể mẫn cảm với chenodiol.
– Acid chenodeoxycholic độc với gan trên súc vật thực nghiệm bao gồm cả linh trưởng gần với người. Phải ngừng dùng Acid chenodeoxycholic nếu aminotransferase vượt quá 3 lần giới hạn trên của mức bình thường. Ở những bệnh nhân đã điều trị được xác nhận tan sỏi hoàn toàn, số ca mắc trở lại trong vòng 5 năm là 50%. Mặc dù điều trị lại với chenodiol cho thấy có kết quả làm tan một số sỏi mới hình thành, nhưng chưa xác định được tính an toàn của việc điều trị lại.
Thời kỳ mang thai
– Các nghiên cứu trên súc vật cho thấy Acid chenodeoxycholic, khi dùng với liều gấp 6 – 10 lần liều tối đa cho người, gây tổn thương gan, thận và thượng thận của bào thai. Chống chỉ định chenodiol trong thời kỳ mang thai.
Thời kỳ cho con bú
– Chưa biết chenodiol có bài tiết vào sữa hay không. Cần thận trọng khi dùng chenodiol.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
– Tác dụng phụ có thể xảy ra là ỉa chảy, nôn, ngứa.
– Thường gặp, ADR > 1/100
– Tiêu hóa: Ỉa chảy (nhẹ), đau vùng túi mật. Khác: Tăng aminotransferase.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Nội tiết và chuyển hóa: Tăng cholesterol và cholesterol trong lipoprotein tỷ trọng thấp.
– Tiêu hóa: Khó tiêu.
– Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
– Tiêu hóa: Ỉa chảy (nặng), co cứng cơ, buồn nôn, nôn, đầy hơi, táo bón.
– Huyết học: Giảm bạch cầu. Gan: Ứ mật trong gan.
Liều lượng và cách dùng
Liều thường dùng của người lớn:
– Uống: 13 – 16 mg/kg thể trọng/ngày, chia làm 2 lần, cùng với thức ăn hoặc sữa vào buổi sáng và tối. Liều hàng ngày có thể chia không đều và liều lớn hơn cho vào trước giờ đi ngủ để trung hòa sự tăng nồng độ cholesterol mật qua đêm.
– Nên uống liều ban đầu 250 mg, mỗi ngày 2 lần, trong 2 tuần đầu điều trị; sau đó mỗi tuần tăng thêm 250 mg/ngày cho tới liều khuyến cáo hoặc đạt tới liều tối đa dung nạp được.
– Nếu ỉa chảy xuất hiện trong khi đang tăng liều hoặc cuối thời kỳ điều trị, điều chỉnh lại liều cho tới khi hết ỉa chảy; sau đó liều cũ thường lại được dung nạp. Liều dưới 10 mg/kg thường không hiệu quả nên không khuyến cáo: có nguy cơ gia tăng phải cắt túi mật. Người bệnh béo (nặng cân) có thể cần tới liều 20 mg/kg thể trọng/ ngày.
– Liều thường dùng cho trẻ em chưa được xác định.
Chú ý:
– Tùy theo kích cỡ và thành phần của sỏi mật có cholesterol, có thể phải điều trị kéo dài 3 tháng đến 2 năm. Cứ cách từ 3 đến 9 tháng lại chụp X-quang túi mật hoặc siêu âm để theo dõi đáp ứng với thuốc. Việc điều trị có thể cần tới 2 năm, phụ thuộc vào kích cỡ của sỏi. Nên tiếp tục điều trị khoảng 3 tháng sau khi chụp X-quang không còn sỏi. Acid chenodeoxycholic sẽ không hòa tan sỏi vôi hóa (cản tia X) và sỏi sắc tố mật không cản quang. Phải giám sát aminotransferase huyết thanh hàng tháng trong 3 tháng đầu điều trị và sau đó cách 3 tháng làm xét nghiệm một lần. Nếu thấy aminotransferase huyết thanh tăng trên 3 lần bình thường, phải ngừng thuốc ngay.
Tương tác thuốc
– Các thuốc kháng acid chứa nhôm, cholestyramin hay colestipol dùng cùng với Acid chenodeoxycholic. Có thể liên kết với chenodiol, do đó làm giảm hấp thu thuốc này.
– Các thuốc chống tăng lipid máu, đặc biệt là clofibrat, hoặc các estrogen, neomycin. Các progestin dùng cùng với chenodiol có thể làm giảm tác dụng của chenodiol. Vì làm tăng bão hòa cholesterol ở mật.
Do độc tính với gan, Acid chenodeoxycholic có thể tác động đến dược động học của coumarin và các dẫn chất, nên có thể gây kéo dài thời gian prothrombin và xuất huyết. Phải giám sát chặt khi phối hợp. Nếu thời gian prothrombin kéo dài phải điều chỉnh liều coumarin, hoặc nếu cần, ngừng chenodiol.
– Giảm liều chenodiol khi dùng với acid ursodeoxycholic.
Độ ổn định và bảo quản
– Bảo quản dưới 40 oC, tốt nhất từ 15 – 30 oC, trong lọ kín.
Quá liều và xử trí
– Các triệu chứng quá liều gồm ỉa chảy và rối loạn chức năng gan. Không có thuốc giải độc đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ bằng rửa dạ dày với ít nhất một lít hỗn dịch cholestyramin hoặc than hoạt (nồng độ 2 g trong 100 ml nước) và uống 50 ml hỗn dịch nhôm hydroxyd
Nguồn tham khảo:
https://duocthuquocgia.com/acid-chenodeoxycholic/