Hotline: 1800-0027 | Contact@Chothuoctay.com
BÀI VIẾT

Calcifediol

Calcifediol

Tên chung quốc tế: Calcifediol
Mã ATC: A11CC06
Loại thuốc: Thuốc tương tự vitamin D

Dạng thuốc và hàm lượng

– Viên nang 20 microgam, 50 microgam.
– Dung dịch uống: Lọ 10 ml dung dịch trong propylenglycol (1 ml = 30 giọt; 1 giọt = 5 microgam calcifediol).
– Dung dịch uống: 15 mg/100 ml.

Dược lý và cơ chế tác dụng

– Calcifediol là một dạng tổng hợp của vitamin D3, hòa tan trong mỡ.
– Trong cơ thể, calcifediol là chất chuyển hóa đầu tiên của cholecalciferol (vitamin D3) ở gan. Cholecalciferol phải trải qua quá trình chuyển hóa 2 bước trước khi có tác dụng sinh học. Bước chuyển hóa đầu tiên xảy ra ở microsom của gan, do cholecalciferol bị hydroxyl hóa ở vị trí carbon 25 tạo thành calcifediol (25-hydroxy-cholecalciferol: 25-OHD). Calcifediol vào máu và được hoạt hóa bước hai chủ yếu ở thận để thành 1-alpha, 25-dihydroxy-cholecalciferol (calcitriol) có hoạt tính mạnh hơn nhờ enzym 25-hydroxy-cholecalciferol-1hydroxylase có trong ti thể của vỏ thận. Sau đó 1-alpha, 25-dihydroxy-cholecalciferol được chuyển tới mô đích (ruột, xương, một phần ở thận và tuyến cận giáp) nhờ các protein liên kết đặc hiệu trong huyết tương. Như vậy, calcifediol là chất chuyển hóa trung gian, bản thân có một ít tác dụng nhưng cũng được chuyển thành calcitriol có hoạt tính mạnh hơn; khi đưa calcifediol vào cơ thể đã cung cấp trực tiếp chất này cho cơ thể, bỏ qua giai đoạn ở gan.
– Calcifediol, thuốc tương tự vitamin D, rất cần thiết trong vận chuyển calci từ ruột và trong chuyển hóa xương; có vai trò chủ yếu đối với ruột để làm tăng khả năng hấp thụ calci, phosphat và đối với xương để khoáng hóa.
– Tuy calcifediol có hoạt tính gấp 2 – 5 lần so với cholecalciferol hoạt hóa để điều trị còi xương, kích thích hấp thu calci và huy động calci từ xương, nhưng hoạt tính gia tăng này vẫn chưa đủ để tác động vào các chức năng ở nồng độ sinh lý. Phải dùng liều cao calcifediol mới có thể tăng nồng độ calci trong huyết thanh.
Dược động học
– Calcifediol dùng theo đường uống, được hấp thu nhanh từ đường tiêu hóa. Sự có mặt của mật là rất cần thiết cho việc hấp thu đầy đủ vitamin D trong ruột, sự hấp thu có thể giảm ở những người khả năng hấp thu chất béo kém. Nồng độ đỉnh trong huyết thanh đạt được sau khi uống, từ 4 – 8 giờ. Calcifediol vận chuyển gắn với một alpha-globulin đặc hiệu và có nửa đời khoảng 16 ngày (10 ngày đến 22 ngày). Sau khi dùng uống, khoảng thời gian tác dụng từ 15 đến 20 ngày (tăng lên 2 – 3 lần ở người suy thận). Thuốc phân bố trong sữa rất ít (trẻ nhỏ bú mẹ hoàn toàn và không ra nắng cần phải bổ sung vitamin D), đào thải qua mật và phân, chỉ có một phần nhỏ qua nước tiểu.

Chỉ định

– Bệnh còi xương hoặc nhuyễn xương do không đủ dinh dưỡng (thường ergocalciferol hoặc cholecalciferol được chọn vì rẻ tiền hơn).
– Loạn dưỡng xương do thận hoặc giảm calci huyết thứ phát do suy thận mạn.
– Còi xương hoặc nhuyễn xương do dùng thuốc chống co giật (phenobarbital và/hoặc phenytoin) lâu dài.
– Loãng xương do dùng corticosteroid kéo dài. Loãng xương tiên phát (thường dùng calcitriol).
– Ngoài ra, các chỉ định khác như còi xương kháng vitamin D (giảm calci và phosphat huyết mang tính gia đình), còi xương phụ thuộc vitamin D, giảm năng tuyến cận giáp hoặc giả giảm năng tuyến cận giáp, nếu dùng ergocalciferol hoặc cholecalciferol hoặc calcifediol, phải dùng liều cao nên có nhiều nguy cơ nhiễm độc. Do đó, các thuốc tương tự vitamin D khác (calcitriol, dihydrotachysterol…) thường được ưa dùng hơn.

Đọc thêm bài viết:  Albendazol

Chống chỉ định

– Những người bệnh có mẫn cảm với vitamin D hoặc bất cứ thành phần nào trong công thức; tăng calci huyết; có dấu hiệu ngộ độc vitamin D, loạn dưỡng xương do thận kèm theo tăng phosphat huyết; vôi hóa di căn (metastatic calcification).

Thận trọng

– Để tránh nguy cơ quá liều, phải kiểm tra calci niệu, calci huyết, 1 – 3 tháng từ sau khi bắt đầu điều trị. Sau đó, cứ cách 3 tháng lại kiểm tra 1 lần (trong trường hợp điều trị kéo dài).
– Nếu calci huyết > 105 mg ( 2,62 mmol/lít): Phải ngừng điều trị ít nhất 3 tuần.
– Nếu calci niệu > 4 mg/kg/ngày (0,1 mmol/kg/ngày): Phải cho uống nhiều nước ít chất khoáng mỗi ngày (2 lít ở người lớn) và tạm ngừng điều trị vitamin D.
– Phải theo dõi cẩn thận calci huyết thanh, ít nhất hàng tuần, trong khi điều chỉnh liều dùng.
– Phải ngừng thuốc nếu xuất hiện tăng calci huyết. Thuốc tương tự vitamin D phải dùng thận trọng cho người đang điều trị glycosid tim, vì tăng calci huyết ở các người bệnh này có thể dẫn đến loạn nhịp tim. Phải kiểm tra calci huyết hai lần một tuần ở người bệnh đang dùng digitalis.
– Các thuốc tương tự vitamin D không được dùng đồng thời. Trước khi điều trị vitamin D, nồng độ phosphat tăng cao trong huyết thanh cần được kiểm soát để giảm nguy cơ vôi hóa các mô mềm và thành mạch. Sử dụng rất thận trọng cho trẻ em và người suy thận, sỏi thận, bệnh tim do có thể tăng nguy cơ tổn hại các cơ quan đó khi xảy ra tăng calci huyết.
– Trẻ đang bú mẹ có sử dụng liệu pháp vitamin D để chữa bệnh phải được theo dõi kiểm tra cẩn thận về tăng calci huyết và những biểu hiện lâm sàng của nhiễm độc vitamin D.

Thời kỳ mang thai

– Phải thận trọng khi dùng calcifediol cho người mang thai, vì vitamin D nói chung gây độc cho thai. Tăng calci huyết trong khi mang thai có thể gây dị tật cho bào thai và giảm năng tuyến cận giáp cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nguy cơ cho bào thai ở người mẹ bị suy tuyến cận giáp mà không được điều trị được coi là nguy hiểm hơn nguy cơ tăng calci huyết do điều trị bằng vitamin D.

Thời kỳ cho con bú

– Sự an toàn của calcifediol đối với người cho con bú chưa được xác định. Thuốc phân bố trong sữa và nồng độ đó cũng xuất hiện trong trẻ bú mẹ.

Đọc thêm bài viết:  Quế

Tác dụng không mong muốn (ADR)

– Phần lớn các ADR liên quan đến dùng quá liều vitamin D. Chưa xác định được tần suất xuất hiện các ADR. Có thể xảy ra các ADR: Tim mạch: Loạn nhịp tim, tăng huyết áp.
– Thần kinh trung ương: Vô cảm, đau đầu, hạ thân nhiệt, tâm thần, rối loạn giác quan, buồn ngủ.
– Da: Hồng ban đa dạng, ngứa.
– Nội tiết và chuyển hóa: Mất nước, ngừng phát triển, tăng calci huyết, tăng magnesi huyết, tăng phosphat huyết, giảm dục vọng, uống nhiều.
– Tiêu hóa: Đau bụng, chán ăn, táo bón, vị kim loại, buồn nôn, nôn, viêm tụy, đau dạ dày, sụt cân, khô miệng.
– Sinh dục, tiết niệu: Đái đêm, nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Gan: Tăng ALT, AST.
– Tại chỗ: Đau ở vùng tiêm
– Thần kinh – cơ – xương: Đau xương, đau cơ, loạn dưỡng, vôi hóa các mô mềm, yếu cơ.
– Mắt: Viêm màng tiếp hợp, sợ ánh sáng.
– Thận: Đái ra albumin, tăng urê huyết, tăng creatinin huyết, đái nhiều, vôi hóa thận.
– Hô hấp: Chảy nước mũi.
– Các biểu hiện khác: Phản ứng dị ứng.
– Những triệu chứng liên quan đến tăng calci huyết có thể bao gồm nôn, chán ăn, đau đầu, táo bón, đái nhiều, đổ mồ hôi trộm, khát nước, buồn ngủ, chóng mặt, ngứa, mệt mỏi, giảm thể trọng. Trẻ nhỏ và trẻ em dễ mắc các tác dụng phụ độc hơn.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

– Trong khi điều trị, phải theo dõi tăng calci huyết hàng tuần.
– Nếu tăng calci huyết thì phải ngừng dùng thuốc; hoặc nếu thấy các biểu hiện sớm nhiễm độc vitamin D như đau xương, táo bón (thường gặp ở trẻ em, thiếu niên); ỉa chảy, buồn ngủ, khô miệng, đau đầu, khát nhiều, đái nhiều lần, nhất là về đêm, chán ăn, đau cơ, buồn nôn, nôn thì phải ngừng ngay điều trị. Kiểm tra calci huyết và calci niệu.
Điều trị các tác dụng phụ được khuyến cáo như sau:
– Quá liều vitamin D: Phải ngừng ngay vitamin D, cho chế độ ăn nghèo calci và cho uống hoặc tiếp nhiều nước.
– Nếu tăng calci huyết vẫn kéo dài: Có thể cho prednison. Nếu tăng calci huyết nặng, có thể điều trị bằng calcitonin, etidronat, pamidronat hoặc gali nitrat.
– Cơn tăng calci huyết: Cần phải truyền tĩnh mạch dung dịch muối để tăng bài tiết calci, dùng hoặc không dùng một thuốc lợi niệu quai.
– Loạn nhịp tim: Có thể điều trị bằng một liều nhỏ kali, kèm theo giám sát liên tục tim.
– Liệu pháp có thể cho lại với liều thấp hơn khi nồng độ calci huyết trở lại bình thường. Nồng độ calci huyết thanh hoặc nước tiểu phải được định lượng 2 lần/tuần sau khi thay đổi liều.

Liều lượng và cách dùng

– Dạng dung dịch uống: Pha giọt thuốc vào trong một ít nước, sữa hoặc nước ép quả.
– Liều cho người lớn và thanh thiếu niên
– Liều uống khởi đầu cho người lớn là 300 – 350 microgam mỗi tuần, uống một lần mỗi ngày hoặc uống cách ngày một lần, uống trong 4 tuần. Cứ sau 4 tuần, liều có thể tăng thêm nếu cần.
– Hầu hết người bệnh đáp ứng với liều 50 – 100 microgam mỗi ngày, hoặc 100 – 200 microgam, uống cách một ngày một lần. Ở người bệnh có nồng độ calci huyết bình thường có thể chỉ cần liều thấp 20 microgam, dùng cách ngày là đủ.
– Nhuyễn xương:
– Do dinh dưỡng: 2 – 5 giọt/ngày (10 – 25 microgam/ngày).
– Do kém hấp thu và do các thuốc chống co giật: 4 – 10 giọt/ngày (20 – 50 microgam/ngày).
– Thiếu vitamin D: 2 – 5 giọt /ngày (10 – 25 microgam/ngày).
– Dự phòng các rối loạn calci:
– Do corticosteroid: 1 – 4 giọt/ ngày (5 – 20 microgam/ngày).
– Do thuốc chống co giật: 1 – 5 giọt/ngày (5 – 25 microgam/ngày). Dự phòng thiếu vitamin D do suy thận mãn: 2 – 6 giọt/ngày (10 – 30 microgam/ngày).
– Liều cho trẻ em (theo dõi calci niệu và calci huyết).
– Trẻ em đến 2 tuổi: Uống 20 – 50 microgam/ngày.
– Trẻ em 2 tuổi đến 10 tuổi: Uống 50 microgam/ngày.
– Bệnh giảm năng tuyến cận giáp: Dùng một liều 3 – 6 microgam/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày cho trẻ dưới 10 tuổi.
– Trẻ 10 tuổi hoặc lớn hơn dùng liều như người lớn. Hiếm khi xảy ra trường hợp chỉ thiếu vitamin D, nên sản phẩm phối hợp các vitamin thường được sử dụng trong các trường hợp nhằm bổ sung vitamin.
– Còi xương do dinh dưỡng: 2 – 4 giọt/ngày( 10 – 20 microgam/ngày).
– Dự phòng rối loạn calci:
– Do corticosteroid liệu pháp: 1 – 4 giọt/ngày (5 – 20 microgam/ngày). Do thuốc chống co giật: 1 – 5 giọt/ngày ( 5 – 25 microgam/ngày). Dự phòng thiếu vitamin D do suy thận mãn: 2 – 6 giọt/ngày (10 – 30 microgam/ngày).
Tương tác thuốc
– Orlistat có thể làm chậm hấp thu vitamin D, nếu uống cách xa ít nhất 2 giờ.
– Các thuốc chống động kinh có thể làm tăng nhu cầu dùng vitamin D (carbamazepin, phenobarbital, phenytoin, primidon). Nếu dùng kéo dài phenytoin và các thuốc chống co giật khác như phenobarbital có thể gây cảm ứng enzym cytochrom dẫn đến phá huỷ cholecalciferol (vitamin D3) và làm rối loạn chuyển hóa vitamin D và calci, nên có thể gây loãng xương.
– Không dùng calcifediol cùng với các thuốc kháng acid có chứa magnesi vì nguy cơ bị tăng magnesi trong máu do tăng hấp thu magnesi ở ruột.
– Các thuốc gây hạ calci huyết là: Glucocorticoid, thuốc chống động kinh, cisplatin, bisphosphonat. Các thuốc corticosteroid có thể làm mất tác dụng của vitamin D.
– Nguy cơ gây tăng calci huyết nếu vitamin D được dùng phối hợp với các thiazid lợi tiểu, lithi, tamoxifen phosphat, calci và phải kiểm soát nồng độ calci huyết trong những trường hợp này.
– Các thuốc kháng acid chứa nhôm sử dụng kéo dài kết hợp với vitamin D có thể làm tăng mức nhôm trong máu và dẫn tới ngộ độc xương do nhôm, đặc biệt ở bệnh nhân viêm thận mãn.
– Rifampicin và isoniazid có thể làm giảm hiệu lực của vitamin D.

Đọc thêm bài viết:  Saquinavir

Độ ổn định và bảo quản

– Calcifediol phải được bảo quản trong bao bì kín, tránh ánh sáng, ở nhiệt độ dưới 40 ºC, tốt nhất là ở nhiệt độ 15 – 30 ºC.
– Nang calcifediol có hạn sử dụng 24 tháng nếu giữ ở nhiệt độ 15 – 30 ºC.

Quá liều và xử trí

– Xem phần hướng dẫn xử trí ADR.

Organization: https://chothuoctay.com/
Mô tả: Giúp người bệnh mua thuốc online chính hãng
Tiểu đường thai kỳ Chothuoctay

Tiểu đường thai kỳ

Bạn đã từng nghe về tiểu đường thai kỳ? Đây là một tình trạng đáng lo ngại mà nhiều phụ nữ mang thai phải đối