Tên chung quốc tế: Guanethidine.
Mã ATC: C02CC02; S01EX01.
Loại thuốc: Thuốc hạ huyết áp.
Dạng thuốc và hàm lượng
– Viên nén: 10 mg, 25 mg (dạng guanethidin monosulfat). Ống tiêm: 10 mg/ml (dạng guanethidin monosulfat).
– Dung dịch nhỏ mắt: 5% (10 ml).
Dược lý và cơ chế tác dụng
– Guanethidin là thuốc ức chế thần kinh giao cảm ngoại vi sau hạch, do đó gây hạ huyết áp vì ức chế tái tạo, dự trữ và giải phóng noradrenalin ở cuối dây thần kinh sau hạch, nhưng không ảnh hưởng đến bài tiết cathecholamin ở tuyến thượng thận. Guanethidin không qua hàng rào máu não nên không có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương. Guanethidin không có tác dụng trên hệ thần kinh phó giao cảm. Thời gian bắt đầu có tác dụng của guanethidin thường chậm, thông thường phải sau khi uống thuốc 2 – 3 ngày mới có tác dụng hạ huyết áp tối đa và tác dụng hạ huyết áp có thể kéo dài tới 10 ngày. Hiện nay, guanethidin ít được dùng vì dung nạp kém và vì có nhiều loại thuốc khác. Thuốc chỉ dùng cho những người bệnh không dung nạp hoặc không điều trị được bằng các thuốc khác. Guanethidin còn có tác dụng tăng nhu động dạ dày – ruột và gây tê nhẹ. Nhỏ tại chỗ vào mắt guanethidin gây co đồng tử, sa mi và giảm sản xuất dịch nội nhãn, làm giảm nhãn áp.
Dược động học
– Sự hấp thu guanethidin thay đổi nhiều tùy từng người bệnh, thường từ 3 – 30% liều uống vào được vòng tuần hoàn chung. Sau khi hấp thu, thuốc phân bố rộng khắp các mô và vận chuyển nhanh tới nơi tác dụng tại tế bào thần kinh, sau đó thải trừ với nửa đời thải trừ là 5 ngày. Vì thuốc có nửa đời dài nên chỉ cần uống thuốc 1 lần/ ngày, liều nhắc lại hàng ngày sẽ tích tụ trong ít nhất 2 tuần. Thuốc không liên kết với protein huyết thanh. Cơ thể chưa có đáp ứng hạ huyết áp tối đa trong vòng 1 – 3 tuần sau khi bắt đầu hoặc thay đổi liều. Khi ngừng thuốc, huyết áp giữ ở mức giảm trong 3 – 4 ngày sau đó, rồi dần trở về mức trước khi điều trị sau 1 – 3 tuần. Guanethidin được chuyển hóa thành các chất không hoạt tính, bài tiết qua nước tiểu dưới dạng chất chuyển hóa và khoảng 6,4% dưới dạng không đổi.
Chỉ định
– Tăng huyết áp vừa đến nặng và tăng huyết áp do viêm thận – bể thận, thoái hóa dạng tinh bột ở thận và hẹp động mạch thận. Thuốc có thể dùng riêng rẽ hoặc kết hợp với các thuốc điều trị tăng huyết áp khác. Thuốc dùng tại chỗ để điều trị glôcôm góc mở mạn tính và các bệnh mắt liên quan đến cường chức năng tuyến giáp như lồi mắt, liệt mắt, mi mắt chậm, co mi.
Chống chỉ định
– Người bị u tế bào ưa crom (u tủy thượng thận) và người bệnh trước đây đã điều trị bằng các thuốc ức chế monoamin oxidase (IMAO). Quá mẫn với guanethidin và các dẫn chất hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
– Suy tim sung huyết.
– Suy thận (độ thanh thải creatinin 10 – 40 ml/phút).
– Phụ nữ có thai (chỉ dùng cho phụ nữ có thai như là lựa chọn cuối cùng).
Thận trọng
– Thận trọng với trường hợp suy thận vừa (độ thanh thải creatinin 41 – 60 ml/phút) hoặc bị xơ cứng mạch vành hay não, hoặc hạ huyết áp tư thế đứng.
– Bệnh động mạch vành hoặc mới nhồi máu cơ tim, bệnh mạch máu não. Người bệnh hen hoặc có tiền sử loét đường tiêu hóa.
– Tập thể dục, vận động, sốt cao làm tăng tác dụng hạ huyết áp của guanethidin, do đó khi có sốt cần giảm liều lượng thuốc.
– Thuốc có thể gây suy tuần hoàn hoặc ngừng tim khi tiến hành các phẫu thuật ở những người bệnh đang dùng guanethidin. Do vậy, để đề phòng các tai biến trên cần phải ngừng hoặc giảm liều dùng guanethidin 2 – 3 tuần trước khi thực hiện phẫu thuật.
– Trong trường hợp người bệnh đang cần phải thực hiện các thủ thuật cấp cứu mà không thể dừng điều trị bằng guanethidin thì phải dùng oxy và liều atropin thích hợp trước khi gây mê.
– Những người bệnh dùng guanethidin để nhỏ mắt, cần phải thường xuyên theo dõi dấu hiệu tổn thương kết mạc.
Thời kỳ mang thai
– Thuốc có trọng lượng phân tử 296 Dalton, nên rất dễ dàng đi qua rau thai và vào tổ chức thai. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nhiều bằng chứng khẳng định tác dụng phụ của thuốc trên bào thai và thai nhi. Hiện tại mới ghi nhận có bất thường ở 1 trẻ trong 13 bà mẹ dùng nhiều thuốc chống tăng huyết áp, trong đó có guanethidin trong 3 tháng đầu thai kỳ. Vì không có bằng chứng khẳng định chắc chắn tính an toàn của thuốc ở phụ nữ mang thai, nên thuốc chỉ là lựa chọn cuối cùng trong điều trị tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, không nên dùng thuốc này cho phụ nữ có thai ở 3 tháng đầu và ít nhất 2 tuần trước khi sinh hoặc khi sinh, vì thuốc có thể gây tắc ruột, liệt ruột ở trẻ sơ sinh.
Thời kỳ cho con bú
– Các nhà sản xuất công bố guanethidin bài tiết một lượng rất nhỏ qua sữa. Tuy nhiên, vì thuốc có trọng lương phân tử thấp (296 Dalton) nên dự đoán có thể đi qua sữa, nhưng cho đến nay chưa có bằng chứng khẳng định ảnh hưởng của thuốc trên trẻ bú mẹ dùng guanethidin.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
– Thường gặp, ADR > 1/100
– Tim mạch: Hạ huyết áp tư thế hoặc sau luyện tập (biểu hiện như yếu, mệt mỏi, chóng mặt, ngất); phù và tăng cân; thỉnh thoảng suy tim sung huyết.
– Tiêu hóa: Tăng nhu động ruột và ỉa chảy nặng. Niệu – sinh dục: Ức chế xuất tinh, đái đêm.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Toàn thân: Mỏi mệt.
– Tiêu hóa: Chán ăn, buồn nôn, nôn, khô miệng. Da: Viêm da.
– Niệu – sinh dục: Tăng urê huyết.
– Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
– Tim mạch: Nhịp chậm hoặc blốc nút nhĩ thất hoàn toàn. Thần kinh: Trầm cảm.
– Thần kinh – cơ: Đau cơ, rung cơ.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
– Khi dùng guanethidin nếu các phản ứng phụ xảy ra cần phải ngừng thuốc ngay và dùng các thuốc điều trị triệu chứng. Ví dụ khi xuất hiện tiêu chảy cho người bệnh dùng codein phosphat hoặc các thuốc kháng muscarin.
Liều lượng và cách dùng
– Liều uống: Uống 1 lần trong ngày.
– Người bệnh ngoại trú: Liều bắt đầu 10 mg/ngày, sau đó tùy theo đáp ứng của người bệnh có thể tăng liều 10 – 12,5 mg/ngày; mỗi lần tăng liều cách nhau khoảng từ 5 – 7 ngày, hoặc dùng liều trung bình 25 – 50 mg/ngày.
– Người bệnh nằm viện: Liều ban đầu 25 – 50 mg, sau tăng thêm 25 – 50 mg mỗi ngày hoặc cách ngày. Liều có thể tăng đến 400 mg/ngày, nếu cần.
– Trẻ em: Liều bắt đầu 0,2 mg/kg/ngày một lần, sau tăng thêm mỗi lần một lượng bằng liều ban đầu, cách nhau khoảng 1 – 2 tuần, tăng đến tối đa 3 mg/kg/ngày, nếu cần.
– Người cao tuổi: 5 mg một lần/ngày.
– Người bệnh có mức lọc cầu thận 40 – 65 ml/1,73 m² cần phải giảm liều guanethidin.
Tiêm bắp:
– Để điều trị cơn tăng huyết áp (kể cả nhiễm độc thai nghén): Tiêm bắp một lần 10 – 20 mg, thuốc thường gây hạ huyết áp trong vòng 30 phút, đạt tác dụng tối đa sau 1 – 2 giờ và duy trì tác dụng trong 4 – 6 giờ. Nếu cần có thể tiêm thêm một liều 10 – 20 mg nữa, cách sau liều trước 3 giờ.
– Chú ý: Cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn. Nếu quên dùng thuốc, chỉ dùng liều tiếp, không uống bù (gấp đôi liều). Tránh đứng lâu hoặc đứng lên đột ngột, đặc biệt buổi sáng. Tránh dùng rượu để giảm nguy cơ tụt huyết áp đột ngột. Tránh dùng những thuốc không cần đơn có chứa ephedrin, phenylpropanolamin hoặc pseudoephedrin.
– Đối với người bệnh suy thận có độ thanh thải creatinin < 10 ml/phút, cần dùng thuốc cách nhau 24 – 36 giờ.
– Dùng trong nhãn khoa: Để điều trị glôcôm góc mở mạn tính hoặc mắt lồi liên quan đến bệnh cường giáp trạng, nhỏ 1 hoặc 2 giọt dung dịch tra mắt 5% vào mỗi mắt, ngày nhỏ 2 hoặc 4 lần.
Tương tác thuốc
– Dùng guanethidin cho người bệnh trước đó có điều trị bằng các thuốc ức chế monoamin oxydase có thể làm giải phóng một lượng lớn catecholamin gây cơn tăng huyết áp nguy hiểm. Do vậy, chống chỉ định dùng đồng thời hoặc phải ngừng thuốc ức chế monoamin oxydase ít nhất 14 ngày trước khi bắt đầu điều trị bằng guanethidin. Dùng đồng thời guanethidin với các thuốc chống loạn nhịp và digitalis có thể gây chậm nhịp tim.
– Tác dụng hạ huyết áp của guanethidin có thể tăng lên bởi các thuốc hạ huyết áp khác như reserpin, methyldopa, các thuốc giãn mạch (đặc biệt minoxidil), các thuốc chẹn kênh calci, các thuốc chẹn beta hoặc các thuốc ức chế enzym chuyển dạng angiotensin, thuốc lợi niệu và rượu.
– Tác dụng hạ huyết áp của thuốc bị giảm bởi clorpromazin, dẫn chất phenothiazin, các thuốc chống trầm cảm ba vòng, các thuốc ngừa thai đường uống, ephedrin, methylphenilat.
Độ ổn định và bảo quản
– Bảo quản thuốc trong đồ dựng kín, tránh ẩm, tránh ánh sáng, ở nhiệt độ từ 15 – 30 oC.
Quá liều và xử trí
– Triệu chứng: Hạ huyết áp tư thế có thể gây ngất, nhịp tim chậm xoang, mệt mỏi, chóng mặt, nhìn mờ, yếu cơ, buồn nôn, nôn, ỉa chảy nặng và thiểu niệu.
– Điều trị: Đầu tiên gây nôn hoặc rửa dạ dày và dùng than hoạt để giảm hấp thu.
– Có thể khắc phục hạ huyết áp tư thế bằng cách để người bệnh nằm, truyền dịch và chất điện giải, nếu cần, thận trọng cho dùng thuốc tăng huyết áp. Có thể điều trị nhịp tim chậm bằng atropin, điều trị tiêu chảy bằng thuốc chống cholinergic.