Tên chung quốc tế: Vaccinum Encephalitidis japonicae.
Mã ATC: J07BA02 (Japanese Encephalitis , inactivated, whole virus).
Loại thuốc: Vắc xin.
Dạng thuốc và hàm lượng
– Vắc xin bất hoạt: Lọ bột đông khô kèm ống dung môi hoặc dạng dung dịch. Lọ 1 hoặc 10 liều kèm ống dung môi nước cất pha tiêm không chứa chất bảo quản 1,3 – 11 ml.
– Vắc xin bất hoạt hấp phụ: Lọ hỗn dịch tiêm 0,5 ml.
– Các thành phần khác: Kali phosphat, natri monobasic và dibasic phosphat (chất đệm); natri clorid (chất đẳng trương); gelatin tinh khiết hoặc tween 80 (chất ổn định); formaldehyd, thimerosal 0,01% (kl/tt) (chất bảo quản), protein huyết thanh chuột và nước cất để pha tiêm.
Dược lý và cơ chế tác dụng
– Hai loại vắc xin viêm não Nhật Bản (VNNB) có chứa virus chủng Nakayama hoặc chủng Beijing -1 đã bất hoạt, được gây nhiễm trên mô não chuột khỏe mạnh dưới 5 tuần tuổi hoặc các dòng tế bào khác thường được dùng để tạo miễn dịch chủ động chống viêm não do virus VNNB gây ra.
– Vắc xin chứa chủng Nakayama do Viện Nghiên cứu các bệnh do vi sinh vật gây ra thuộc trường đại học Osaka (Biken, Nhật Bản) nghiên cứu và phát triển. Chủng này được phân lập đầu tiên từ một người bệnh bị nhiễm virus vào năm 1935. Loại vắc xin này từng được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu nhưng vào tháng 5/2005 chính phủ Nhật đã ngừng sử dụng vắc xin định kỳ có nguồn gốc từ não chuột do có báo cáo về viêm não tủy lan tỏa sau khi sử dụng vắc xin. Vắc xin VNNB bất hoạt nguồn gốc từ não chuột (JE-VAX) đã ngừng sản xuất từ năm 2006.
– Một loại vắc xin VNNB bất hoạt khác được sản xuất tại Trung Quốc từ chủng Beijing-3 và được nuôi cấy trên tế bào thận của chuột Hamster. Chương trình tiêm chủng Trung Quốc đang thay thế vắc xin này bởi vắc xin virus sống giảm độc lực (chủng SA 14-14-2) cũng được sản xuất chủ yếu trên tế bào chuột. Gần đây nhất, vắc xin IC-51 nghiên cứu phát triển ở Áo (vắc xin VNNB bất hoạt hấp phụ sử dụng chủng SA 14-14-2, sản xuất trên tế bào Vero) đã được công nhận sử dụng ở một vài nước. Các vắc xin VNNB được dùng rộng rãi ở Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Á có bệnh VNNB lưu hành và có thể là một phần trong chương trình tiêm chủng mở rộng của WHO.
– Ở Anh có 2 loại vắc xin VNNB: Một loại chứa chủng Nakayama gây nhiễm trên não chuột, loại còn lại được sản xuất trên tế bào Vero nuôi cấy (loại bất hoạt hấp phụ). Ở Mỹ, vắc xin VNNB có nguồn gốc từ não chuột đã không còn được dùng từ năm 2006. Ở Trung Quốc hiện đang sử dụng rộng rãi loại vắc xin sống giảm độc lực. Các vắc xin khác đang trong giai đoạn phát triển như vắc xin tái tổ hợp ADN.
– Vắc xin VNNB bất hoạt có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch dịch thể và miễn dịch trung gian tế bào kháng lại virus VNNB, đặc biệt là kháng thể trung hòa đặc hiệu. Nồng độ kháng thể trung hòa trong huyết thanh ở mức thấp nhất 1:10 được coi là có tác dụng bảo vệ khi nhiễm virus VNNB. Khi bị muỗi đốt và lượng virus truyền cho người đạt 104 hạt virus thì có thể gây nhiễm bệnh VNNB cho người nếu không có đủ kháng thể trung hòa đạt 1/10.
– Mục đích tiêm phòng là tạo kháng thể trung hòa trong huyết thanh ở người được tiêm phòng trước mùa dịch VNNB và duy trì được kháng thể trong nhiều năm nếu tiêm đủ 3 liều vắc xin.
– Kinh nghiệm của những người cư trú ở Mỹ và ở Anh cho thấy, vắc xin tạo miễn dịch ở quần thể người phương tây kém hơn so với người châu Á, rất có thể vì những quần thể người châu Á này đã tiếp xúc trước với virus VNNB hoặc các flavivirus khác như virus Tây sông Nile hay virus dengue. Trong khi hầu hết cư dân từ khi còn nhỏ tuổi ở các nước đang phát triển của châu Á đã tiếp xúc với flavivirus thì sự tiếp xúc tương tự lại hiếm gặp ở Bắc Mỹ và hầu khắp châu u.
– Nếu gây miễn dịch cơ bản đủ 3 liều thì kháng thể sẽ lưu giữ được một thời gian khá lâu và sẽ gia tăng hiệu quả kháng thể sau khi tiêm bổ sung. Kết quả của một nghiên cứu giám sát cho thấy cứ 3 năm tiêm nhắc lại một lần đến 10 tuổi thì khả năng bảo vệ kéo dài từ 10 – 15 năm. Một du khách đã tiêm đủ 2 – 3 liều vắc xin VNNB để tạo miễn dịch cơ bản, khi đi tới một vùng có virus đang lưu hành, nếu tiêm chủng 1 liều bổ sung 1 – 2 tuần trước khi lên đường sẽ được coi có đủ khả năng bảo vệ chống nhiễm virus.
– Hiệu giá kháng thể trung hòa có khả năng bảo vệ thường tồn lưu ít nhất 2 năm sau khi tiêm vắc xin VNNB loại bất hoạt đủ 3 mũi.
Chỉ định
– Vắc xin được dùng để tạo miễn dịch chủ động chống VNNB cho người trên 1 tuổi cư trú hoặc đi du lịch qua các vùng Châu Á nằm trong vùng dịch tễ của bệnh VNNB (những người lưu trú ở vùng dịch tễ trong vòng hơn 1 tháng trong mùa truyền nhiễm virus VNNB).
– Vắc xin VNNB bất hoạt còn được dùng để tạo miễn dịch chủ động cho nhân viên phòng thí nghiệm có nguy cơ tiếp xúc cao với virus.
Chống chỉ định
– Mẫn cảm với vắc xin hoặc bất cứ thành phần nào trong vắc xin, mẫn cảm với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, có phản ứng dị ứng nghiêm trọng khi dùng liều vắc xin trước.
Thận trọng
– Vắc xin VNNB bất hoạt có thể gây ra các phản ứng không mong muốn, nhưng tỷ lệ phản ứng quá mẫn trầm trọng (như nổi mày đay toàn thể, phù mạch) thấp (0,1 – 1,0%) có thể xảy ra trong vòng từ vài phút đến 17 ngày sau khi dùng vắc xin, phần lớn xảy ra trong vòng 48 giờ. Các biện pháp cấp cứu khi bị sốc phản vệ phải sẵn sàng khi sử dụng vắc xin. Người bệnh nên được theo dõi trong vòng 30 phút sau khi tiêm vắc xin. Không nên khởi hành du lịch trong vòng 10 ngày sau khi tiêm vắc xin và nên ở gần các trung tâm y tế để có được sự trợ giúp khi có dấu hiệu khởi phát bất cứ phản ứng bất lợi nào.
– Những người sẽ được tiêm vắc xin, mà có tiền sử nổi mày đay khi dùng thuốc, dùng kích thích vật lý hoặc kích thích khác hoặc bị sâu cánh màng đốt hoặc vì nguyên do đặc ứng, có thể tăng nguy cơ quá mẫn đối với vắc xin VNNB và cần được cảnh báo về nguy cơ này, đồng thời cần được theo dõi tích cực sau khi tiêm.
– Các nhà sản xuất thông báo, không nên dùng cho những người có nghi vấn hoặc có bằng chứng mẫn cảm với protein của loài gậm nhấm hay protein mô thần kinh và tử vong đã xảy ra, tuy rất hiếm, do dùng vắc xin cho người viêm não tủy. Một phản ứng cần lưu ý là viêm não tủy rải rác cấp tính (ADEM) với tỉ lệ 1 – 2,3 phần triệu người tiêm phòng. Tỉ lệ các biến cố thần kinh sau khi tiêm vắc xin chưa được xác lập. Không được dùng vắc xin này cho người đã bị quá mẫn với thimerosal.
– Không sử dụng rượu bia trong vòng 48 giờ sau khi tiêm vắc xin do có thể làm tăng nguy cơ xảy ra phản ứng bất lợi.
– Thận trọng khi sử dụng đồng thời cùng các vắc xin khác.
– Thận trọng sử dụng vắc xin khi đang mắc hoặc vừa mắc bệnh cấp tính có sốt. Quyết định sử dụng hay hoãn vắc xin phụ thuộc vào mức độ nặng của triệu chứng và dịch tễ của bệnh.
– Những người có hệ miễn dịch tổn thương có thể giảm đáp ứng với vắc xin, chưa có thông tin cụ thể về vắc xin VNNB trong trường hợp này.
– Tính an toàn và hiệu quả chưa được công bố khi sử dụng vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi
Thời kỳ mang thai
– Hiện không có số liệu về vấn đề này. Có tài liệu nói nên chống chỉ định.
Thời kỳ cho con bú
– Hiện không có số liệu về vấn đề này. Nhìn chung vắc xin được coi là an toàn cho phụ nữ cho con bú
Tác dụng không mong muốn (ADR)
– Tỉ lệ phản ứng bất lợi xảy ra phụ thuộc vào thời điểm tiêm vắc xin. Nhìn chung phản ứng bất lợi thường xảy ra sau liều đầu tiên hoặc sau những liều được tiêm gần nhau.
– Thường gặp, ADR > 1/100
– Phản ứng tại vị trí tiêm: Đau, cứng, ban đỏ. Phản ứng toàn thân: Đau đầu, sốt, ớn lạnh, nôn, buồn nôn, choáng. Ngoài ra còn có: triệu chứng giống cúm, cứng cổ, đau cơ, đau bụng.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Xuất huyết tiêu hóa, phù mạch.
– Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
– Sốc phản vệ, bệnh về não, tai biến, viêm não tủy, hội chứng Guillain-Bare.
– Người được tiêm vắc xin phải được theo dõi 30 phút sau khi tiêm. Phải luôn sẵn có thuốc để xử lý phản vệ nếu xảy ra. Đối với người có tiền sử dị ứng, cần cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích khi tiêm vắc xin để quyết định có nên tiêm hay không. Cũng không nên dùng vắc xin VNNB cho những người mà trước đây đã có phản ứng không mong muốn với vắc xin này hoặc đã có phản ứng quá mẫn với một vắc xin khác có nguồn gốc từ mô thần kinh.
Liều lượng và cách dùng
Cách dùng:
– Vắc xin VNNB loại bất hoạt được tiêm dưới da. Với loại vắc xin đông khô, sau khi đã thêm dung môi, lọ chứa vắc xin cần được lắc thật kỹ cho đến khi hòa tan hết các thành phần có trong đó; vắc xin sau khi hồi nguyên cần bảo quản trong tủ lạnh có nhiệt độ 2 – 8 oC và chỉ dùng trong vòng 8 giờ.
– Vắc xin VNNB loại bất hoạt hấp phụ chỉ được tiêm bắp. Lắc kỹ bơm tiêm trước khi tiêm, không sử dụng nếu có hạt tiểu phân sau khi lắc hoặc có sự biến màu. Không trộn lẫn với vắc xin khác trong cùng bơm tiêm hoặc cùng lọ. Tiêm tại cơ delta. Không tiêm cùng vị trí với các vắc xin khác sử dụng đồng thời.
Liều lượng:
– Vắc xin bất hoạt nguồn gốc từ não chuột (JE-VAX): Vắc xin này đã ngừng sử dụng tại Mỹ và Nhật Bản, tuy nhiên vẫn được sử dụng ở một số nước khác trên thế giới
– Trẻ em từ 1 – 3 tháng tuổi miễn dịch cơ bản bằng 3 liều 0,5 ml tiêm dưới da vào ngày 0, 7, 30.
– Người lớn và trẻ em trên 3 tuổi: Miễn dịch cơ bản bằng 3 liều 1 ml, tiêm dưới da vào ngày 0, 7, 30.
– Lịch tiêm nên hoàn thành trước khi phơi nhiễm 10 ngày. Có thể áp dụng lịch tiêm thay thế trong trường hợp không đủ thời gian ưu tiên theo thứ tự: Lịch 1: 3 liều vào ngày 0, 7, 14; lịch 2: 2 liều cách nhau 7 ngày (chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt). Ở Mỹ vắc xin VNNB có nguồn gốc từ não chuột chỉ được phép sử dụng cho trẻ em dưới 17 tuổi.
– Mũi nhắc lại nên được tiêm 12 tháng sau khi hoàn thành miễn dịch cơ bản và mỗi 3 năm sau đó.
– Vắc xin bất hoạt hấp phụ sản xuất trên tế bào Vero (IXIARO): Ở Mỹ, vắc xin sản xuất trên tế bào Vero không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em và thiếu niên và được cấp phép sử dụng cho người lớn (trên 17 tuổi) với liều dùng tiêm bắp 0,5 ml 2 liều cách nhau 28 ngày. Mũi nhắc lại nên được tiêm sau khi hoàn thành miễn dịch cơ bản 12 – 24 tháng, trước khi có nguy cơ phơi nhiễm với virus VNNB.
– Tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng vắc xin có nguồn gốc từ tế bào Vero cho trẻ em và thiếu niên (dưới 17 tuổi) chưa được xác định.
Tương tác thuốc
– Các dữ liệu ít ỏi cho thấy khả năng sinh miễn dịch và độ an toàn của vắc xin không bị ảnh hưởng khi tiêm chủng đồng thời tại các vị trí khác nhau, với các loại vắc xin khác như giải độc tố bạch hầu, giải độc tố uốn ván và vắc xin ho gà.
Độ ổn định và bảo quản
– Vắc xin cần được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 – 8 oC và không được để đông băng. Hỗn dịch sử dụng trong vòng 8 giờ sau khi hoàn nguyên.
Thông tin qui chế
– Vắc xin viên não Nhật Bản B có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013.
Tên thương mại
– Japanese Encephalitis Vaccine- GCC; Jebevax; JEVAX; RS.JEV.