Hotline: 1800-0027 | Contact@Chothuoctay.com

Tên chung quốc tế: Kanamycin.
Mã ATC: A07AA08, J01GB04, S01AA24.
Loại thuốc: Kháng sinh nhóm aminoglycosid.

Dạng thuốc và hàm lượng

– Lọ thuốc tiêm kanamycin sulfat tương đương 500 mg hoặc 1 g kanamycin base.
– Nang kanamycin sulfat tương đương 500 mg kanamycin base.

Dược lý và cơ chế tác dụng

– Kanamycin là một kháng sinh nhóm aminoglycosid có tác dụng diệt khuẩn. Về mặt dược lý học và dược động học, kanamycin tương tự như các aminoglycosid khác. Thuốc có tác dụng ức chế tổng hợp protein của các vi khuẩn nhạy cảm bởi liên kết không thuận nghịch với tiểu đơn vị 30S ribosom.
– Nói chung các aminoglycosid có phổ kháng khuẩn với vi khuẩn Gram âm và một số Gram dương hiếu khí như Acinetobacter, Citrobacter, Enterobacter, Escherichia coli, Klebsiella, Proteus có sinh và không sinh indol, Providencia, Pseudomonas, Salmonella, Serratia và Shigella. Tuy nhiên phổ kháng khuẩn của từng thuốc có khác nhau.
– In vitro, kanamycin có hoạt tính với các chủng Mycobacterium như M. kansaii, M. marinum và M. intracellulosa. Tuy nhiên, tác dụng trên lâm sàng với các chủng này chưa được chứng minh đầy đủ. Hiện tượng kháng thuốc tự nhiên và mắc phải đã xảy ra với các aminoglycosid. Việc sử dụng thuốc không hợp lý càng làm tăng các chủng vi sinh vật kháng thuốc. Tình trạng kháng đối với kanamycin cao hơn so với gentamicin hoặc streptomycin. Aminoglycosid không có tác dụng đối với liên cầu khuẩn và đa số chủng vi khuẩn đường ruột Enterococcus đã kháng thuốc.
– Kháng chéo giữa kanamycin, neomycin và paromomycin đã thấy xảy ra, nhưng không thấy kháng chéo giữa kanamycin và streptomycin với các chủng Mycobacterium cũng như với các chủng vi khuẩn khác.
– Mycobacterium tuberculosis nói chung đã kháng chéo hoàn toàn giữa amikacin và kanamycin, kháng chéo một phần giữa kanamycin và capreomycin. Các chủng M. tubeculosis ban đầu nhạy cảm với thuốc sẽ tăng kháng rất nhanh nếu dùng đơn trị liệu.

Dược động học

– Giống như gentamicin, do kanamycin hấp thu kém qua đường tiêu hóa, nên thường được dùng qua đường tiêm. Chỉ dưới 1% liều uống được hấp thu, tuy nhiên thuốc cũng có thể được hấp thu ở mức có ý nghĩa nếu niêm mạc đường tiêu hóa bị viêm hoặc loét. Sau khi tiêm bắp 1 giờ, liều 500 mg và 1 g, nồng độ tối đa đạt được trong huyết thanh tương ứng 20 và 30 microgam/ml. Nửa đời thải trừ của kanamycin là 3 giờ. Kanamycin thải trừ nhanh qua lọc cầu thận và phần lớn liều tiêm thải qua nước tiểu trong vòng 24 giờ. Người lớn bị suy thận thải trừ thuốc theo mức độ nặng của bệnh, thời gian thải trừ có thể kéo dài tới 100 giờ. Có tìm thấy kanamycin trong máu dây rốn và trong sữa mẹ. Nồng độ thuốc trong huyết thanh thai nhi bằng khoảng 16 – 50% nồng độ trong huyết thanh người mẹ.

Chỉ định

– Kanamycin có thể chỉ định dùng trong thời gian ngắn để điều trị nhiễm khuẩn nặng do các chủng vi khuẩn nhạy cảm như E. coli, Proteus, Enterobacter aerogenes, Klebsiella pneumoniae, Serratia marcescens và Mima Herella, Mycobacterium tubeculosis, Pseudomonas aeruginosa, Hemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae trong các trường hợp như nhiễm khuẩn ở đường mật, xương và khớp, TKTW, ổ bụng, phổi, da và mô mềm, đường tiết niệu, lao phổi và lao ngoài phổi.
– Tuy nhiên, do độc tính và sự kháng thuốc nên kanamycin chỉ được dùng trong một số trường hợp bệnh nặng và không thể dùng được các loại kháng sinh khác (ít độc hơn) do bị kháng hoặc chống chỉ định và chỉ sử dụng trong trường hợp vi khuẩn còn nhạy cảm với thuốc.
– Điều trị lậu và nhiễm khuẩn lậu mắt ở trẻ sơ sinh.
– Kanamycin có thể dùng phối hợp với penicilin hoặc cephalosporin nếu cần trong điều trị một số nhiễm khuẩn nặng, nhưng tránh dùng khi thính giác và thận đã tổn thương.
– Kanamycin có thể được dùng như thuốc lựa chọn thứ hai trong điều trị lao, nhưng nay ít dùng do đã có các thuốc khác an toàn hơn.

Đọc thêm bài viết:  Quinin

Chống chỉ định

– Người bệnh có tiền sử quá mẫn hoặc có phản ứng độc với kanamycin hoặc các aminoglycosid khác như streptomycin, gentamicin, fradiomycin, bacitracin hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Thận trọng

– Khi suy thận, thải trừ kanamycin giảm, cần phải giảm liều để tránh độc. Khi cần phải sử dụng kanamycin cho người bệnh vô niệu, dùng thuốc cách 3 – 4 ngày một lần với liều bằng 1/2 liều bình thường.
– Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân giảm thính lực do trước đây dùng streptomycin.
– Theo dõi và kiểm soát để nồng độ thuốc trong huyết thanh không quá 30 microgam/ml.
– Luôn thận trọng khi dùng kanamycin và chỉ nên dùng trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng và không thể dùng các kháng sinh khác do đã bị kháng nhưng còn nhạy cảm với kanamycin.
– Kanamycin làm giảm nhẹ trương lực cơ ở những người bệnh nhược cơ. Đã có một số trường hợp ngừng thở hoặc suy hô hấp do tiêm kanamycin trong màng bụng. Bệnh lý thần kinh về cảm giác, vận động đã xảy ra khi dùng kanamycin tại chỗ trong phẫu thuật cột sống. Do vậy, không được tiêm vào màng bụng trong phẫu thuật ở những người bệnh đã dùng thuốc phong bế thần kinh cơ. Thận trọng khi dùng cho người bệnh nhược cơ.

Thời kỳ mang thai

– Các aminoglycosid đi qua nhau thai và có thể gây hại cho bào thai. Do vậy, không dùng kanamycin cho người mang thai.

Thời kỳ cho con bú

– Nên tránh dùng kanamycin cho bà mẹ đang cho con bú vì có thể gây tổn thương thần kinh số 8 cho trẻ sơ sinh, vì kanamycin có bài tiết vào sữa. Sau khi tiêm bắp 1 g, nồng độ đỉnh của kanamycin trong sữa khoảng 18,4 mg/lít. Không thấy có ảnh hưởng tới trẻ bú mẹ, có thể do kanamycin hấp thu kém qua đường uống. Tuy nhiên, cần lưu ý và thận trọng với trẻ khi bú sữa người mẹ có dùng kanamycin vì thuốc có thể làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột, gây dị ứng hoặc quá mẫn và làm sai lệch kết quả nuôi cấy vi khuẩn khi phải làm xét nghiệm này. Vì có thể xảy ra những phản ứng bất lợi nghiêm trọng với trẻ bú mẹ, nên phải thận trọng và cân nhắc nên ngừng cho con bú hay không.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

– Tương tự các aminoglycosid khác, ADR thường gặp và nặng nhất của kanamycin là độc với thính giác, phong bế thần kinh cơ, phản ứng quá mẫn và nhiễm độc thận.
– Thường gặp, ADR > 1/100
– Độc với thính giác, nhiễm độc thận (ít gặp khi dùng liều thấp dưới 15 mg/kg/ngày và thời gian điều trị ngắn; có thể tới 50% hoặc hơn nếu tổng liều dùng đến 30 g).
– Độc với thính giác tăng lên khi kết hợp kanamycin với aminoglycosid khác.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Phản ứng mẫn cảm; ngứa, ban đỏ da, sưng; giảm vitamin K (do làm giảm prothrombin máu) gây chảy máu; giảm vitamin B1, gây viêm thần kinh, viêm miệng.
– Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
– Phong bế thần kinh cơ, dị cảm, khó thở, chóng mặt, mệt mỏi. Choáng phản vệ hiếm xảy ra.

Đọc thêm bài viết:  Levonorgestrel

Hướng dẫn cách xử trí ADR

– Nếu xuất hiện ù tai hoặc các dấu hiệu nhiễm độc thính giác khác, phải giảm liều hoặc ngừng thuốc.
– Đôi khi thấy có trụ niệu trong và hạt trong mẫu nước tiểu lấy trong 16 giờ đầu sau khi dùng kanamycin liều cao, nhưng không gây tổn thương thận vĩnh viễn và các trụ niệu sẽ hết khi ngừng thuốc.

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng:
– Kanamycin có thể được dùng bằng đường tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. Trước đây, thuốc đã được dùng qua đường uống (rất ít), nhưng tới nay không còn dùng.
– Kanamycin thuộc nhóm aminoglycosid. Nhóm này dùng ngày 1 lần thuận tiện hơn, cho nồng độ thuốc thỏa đáng trong huyết thanh và trong nhiều trường hợp thay thế phác đồ dùng nhiều lần trong ngày (2 – 3 lần/ngày). Cần tham khảo hướng dẫn về liều lượng và nồng độ huyết thanh của địa phương nếu có. Liều cao aminoglycosid dùng ngày 1 lần nên tránh dùng ở người bệnh bị viêm nội tâm mạc do vi khuẩn Gram âm, viêm nội tâm mạc HACEK, bỏng trên 20% diện tích toàn bộ cơ thể hoặc Clcr < 20 ml/phút. Chưa có đủ chứng cứ để dùng ngày 1 lần, liều cao ở phụ nữ mang thai.
– Pha dung dịch tiêm có nồng độ khoảng 250 mg/ml (lọ 1 g pha với 4 ml nước cất pha tiêm). Tiêm bắp sâu vào cung phần tư phía trên của cơ mông.
– Tiêm tĩnh mạch với liều tương tự, pha thuốc trong dung dịch tiêm truyền natri clorid 0,9% hoặc glucose 5% để có nồng độ khoảng 0,25 – 0,5%, truyền trong vòng 30 – 60 phút. Không tiêm dung dịch thuốc đặc vào tĩnh mạch.
– Khi tiêm bắp, nên tránh gây tác dụng độc hại cho các mô và thần kinh: Không trộn lẫn kanamycin với các thuốc khác để tiêm; không tiêm kanamycin ở vị trí có dây thần kinh; không tiêm bắp lặp lại cùng một vị trí đã tiêm lần trước; tránh tiêm thuốc liên tục kéo dài; khi đang dùng các thuốc giãn cơ thì không nên dùng kanamycin vì có thể gây liệt cơ hô hấp gây ngừng thở.
– Tuy kanamycin đã được dùng tại chỗ tiêm nhỏ giọt vào trong màng bụng hoặc tưới tại chỗ vào ổ áp-xe, khoang màng phổi và não thất, nhưng tăng nguy cơ nhiễm độc do thuốc hấp thu nhanh như tiêm bắp, không khuyến cáo dùng đường này.
– Do thuốc có khả năng gây độc, nên liều kanamycin phải được chỉ định theo thể trọng, tình trạng thận, nồng độ thuốc trong máu, mức độ nhiễm khuẩn và độ nhạy cảm của vi khuẩn gây bệnh.
– Thời gian điều trị trung bình trong khoảng 7 – 10 ngày, hoặc kéo dài hơn nếu cần trong trường hợp nhiễm khuẩn có biến chứng. Cần lưu ý là độc tính sẽ tăng hơn khi thời gian điều trị kéo dài trên 10 ngày. Liều lượng:
– Kanamycin thường được sử dụng dưới dạng kanamycin acid sulfat hoặc kanamycin sulfat.
– Liều dùng được tính theo lượng qui đổi tương đương với kanamycin base, (khoảng 1,2 g kanamycin sulfat, 1,34 g kanamycin acid sulfat tương đương với 1 g kanamycin base).
– Liều tiêm bắp thường dùng khoảng 15 mg/kg mỗi ngày, chia làm 2 – 4 lần. Liều tối đa 1,5 g/ngày.
– Nhiễm khuẩn mạn: 3 g/tuần (1 g/ngày, dùng cách ngày) hoặc 1 g/lần x 2 lần/ngày, dùng 2 ngày/tuần, tức 4 g/tuần. Tổng liều không quá 50 g.
– Liều đơn tới 2 g, tiêm bắp đã được dùng trong điều trị nhiễm lậu cầu ở mắt khi không có thuốc điều trị nào khác.
– Trẻ em: Nhiễm khuẩn nặng, cấp: 15 mg/kg/ngày chia 2 – 4 lần, không quá 6 ngày.
– Để phòng bệnh cho trẻ mới sinh do mẹ nhiễm lậu cầu hoặc điều trị nhiễm viêm kết mạc ở trẻ mới sinh, tiêm bắp liều đơn 25 mg/kg, tối đa 75 mg/kg khi không có thuốc điều trị nào khác.
– Người cao tuổi: Giảm liều và thận trọng như với người bệnh suy thận. Suy thận: Điều chỉnh liều dựa theo Clcr, được khuyến cáo như sau: Clcr 50 – 80 ml/phút: 60 – 90% liều thông thường.
– Clcr 10 – 50 ml/phút: 30 – 70% liều thông thường.
– Clcr < 10 ml/phút: 20 – 30% liều thông thường.

Đọc thêm bài viết:  Hydroquinone

Tương tác thuốc

– Tránh dùng kết hợp kanamycin với các thuốc lợi niệu như furosemid vì có thể làm tăng độc tính với thận.
– Độc tính với thính giác và thận tăng lên nếu dùng kanamycin đồng thời hoặc nối tiếp với các thuốc có độc với thận, thần kinh và thính giác như kháng sinh nhóm aminoglycosid, acyclovir, amphotericin B, bacitracin, capreomycin, các cephalosporin chủ yếu, cisplatin, methoxyfluran, polymycin B, vancomycin. Do vậy, tránh dùng đồng thời các thuốc này.
– Độc tính gây ức chế thần kinh cơ (khó thở và ức chế hô hấp) của kanamycin (đặc biệt là khi tiêm trong màng bụng) tăng lên khi dùng đồng thời với thuốc giãn cơ, thuốc mê như sucinylcholin, rocuronium, tubocurarin. Không nên dùng đồng thời kanamycin với các thuốc này, hoặc phải thận trọng khi dùng và theo dõi bệnh nhân cẩn thận, đặc biệt các dấu hiệu ở đường hô hấp.
– Calci gluconat làm giảm tác dụng giống cura của kanamycin. Calci ức chế khả năng chống vi khuẩn của kanamycin trên một số loài vi khuẩn. Vì vậy không dùng kanamycin tiêm phúc mạc cùng với dung dịch calci.
– Kanamycin làm giảm việc sản sinh vitamin K nội sinh, nên phải thay đổi liều các thuốc chống đông đường uống nếu dùng đồng thời với kanamycin.

Độ ổn định và bảo quản

– Bảo quản trong lọ kín, tránh ánh sáng, nhiệt độ từ 15 – 30 oC. Dung dịch thuốc trước khi tiêm phải kiểm tra bằng mắt, dung dịch phải trong suốt và không màu. Sau khi pha xong phải dùng ngay hoặc bảo quản ở nhiệt độ phòng. Không được dùng nếu thấy vẩn đục hoặc biến màu.

Tương kỵ

– Dung dịch kanamycin truyền tĩnh mạch tương kỵ với các thuốc sau: Amphotericin, các barbiturat, cephalotin natri, clopromazin, các chất điện giải (Ca2+, Mg2+, citrat hoặc phosphat), heparin, hydrocortison, natri methicilin, methohexiton, nitrofurantoin, phenytoin, proclorperazin, sulfafurazol.
– Khi tiêm, không được pha trộn kanamycin với các kháng sinh khác. Mỗi kháng sinh phải pha và tiêm truyền riêng (như với penicilin hoặc cephalosporin).

Quá liều và xử trí

– Triệu chứng: Chủ yếu là phản ứng phong bế thần kinh cơ gây khó thở, cần xử trí kịp thời.
– Xử trí: Có thể loại bỏ kanamycin ra khỏi máu bằng thẩm tách máu hoặc thẩm tách màng bụng. Trẻ sơ sinh có thể truyền thay máu. Thẩm tách máu với các trường hợp bị suy giảm chức năng thận. Không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Dùng các thuốc kháng cholinesterase, muối calci và các biện pháp trợ giúp hô hấp như máy thở để hỗ trợ điều trị phong bế thần kinh cơ, hoặc yếu cơ kéo dài do dùng quá liều.

Thông tin qui chế

– Kanamycin có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013 và Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.

Tên thương mại

– Kanamycin-Pos; Kananeo Inj.; Langbiacin.

Organization: https://chothuoctay.com/
Mô tả: Giúp người bệnh mua thuốc online chính hãng
Tiểu đường thai kỳ Chothuoctay

Tiểu đường thai kỳ

Bạn đã từng nghe về tiểu đường thai kỳ? Đây là một tình trạng đáng lo ngại mà nhiều phụ nữ mang thai phải đối