Tên chung quốc tế: Isradipine.
Mã ATC: C08CA03.
Loại thuốc: Chẹn kênh calci/chống tăng huyết áp.
Dạng thuốc và hàm lượng
– Viên nang: 2,5 mg và 5 mg. Viên nén: 2,5 mg.
– Viên giải phóng chậm: 5 mg, 10 mg.
Dược lí và cơ chế tác dụng
– Isradipin là thuốc hạ huyết áp loại chẹn kênh calci, thuộc nhóm dihydropyridin. Thuốc chẹn kênh calci trên các kênh typ L phụ thuộc điện thế ở cơ trơn động mạch hiệu quả hơn so với các kênh calci ở tế bào cơ tim. Như vậy thuốc làm giãn các động mạch ngoại vi làm giảm sức cản ngoại vi nên huyết áp động mạch giảm, tăng nhẹ tần số tim khi nghỉ. Thuốc không tác dụng trên co cơ tim.
– Isradipin ức chế chọn lọc nút xoang, nhưng không có tác dụng đến dẫn truyền nhĩ thất, hoặc đến co cơ tim. Do vậy isradipin hầu như không gây nhịp tim nhanh do phản xạ và không kéo dài khoảng P – Q, QRS, AH và HV.
– Hạ huyết áp đạt được trong vòng 24 giờ sau khi uống thuốc, với liều 2 lần 1 ngày, và tác dụng hoàn toàn sẽ đạt được trong vòng một tuần, hoặc đôi khi sau 2 – 3 tuần dùng liều duy trì.
– Có thể dùng isradipin phối hợp với các thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu hoặc thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin.
Dược động học
– Sau khi uống 90 – 95% thuốc được hấp thu qua đường tiêu hóa, thuốc chuyển hóa mạnh bước đầu ở gan, dẫn đến sinh khả dụng khoảng 15 – 24%. Khi uống 1 liều 2,5 – 20 mg, trong vòng 20 phút, thấy thuốc trong huyết tương và nồng độ đỉnh đạt được sau khoảng 2 giờ.
– Uống isradipin với thức ăn, hấp thu bị chậm lại và thời gian đạt nồng độ đỉnh sẽ tăng thêm khoảng 1 giờ, nhưng không ảnh hưởng đến sinh khả dụng. 95% thuốc liên kết với protein huyết tương. Thể tích phân bố Vd: 3 l/kg. Cả nồng độ đỉnh trong huyết tương và diện tích dưới đường cong đều biểu thị mối liên quan tuyến tính với liều dùng trong khoảng từ 0 – 20 mg.
– Thuốc thải trừ qua 2 pha, có nửa đời đầu 1,5 – 2 giờ, và nửa đời cuối là 8 giờ.
– Sau khi uống viên isradipin giải phóng chậm, tốc độ hấp thu bị chậm lại và nồng độ thuốc trong huyết tương ít dao động trong suốt thời gian 24 giờ giữa 2 lần uống.
– Thuốc chuyển hóa hoàn toàn nên không tìm thấy thuốc nguyên dạng trong nước tiểu. Khoảng 60 – 65% liều thuốc uống bài tiết trong nước tiểu và 25 – 30% thải trừ qua đường phân.
– Các số liệu cho thấy không có tương quan rõ giữa dược động học và chức năng thận; ở người bệnh suy thận, thấy cả tăng và giảm sinh khả dụng của thuốc. Sinh khả dụng cao hơn ở người cao tuổi và người suy gan (cho tới 27%).
Chỉ định
– Tăng huyết áp. Có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc hạ áp khác.
Chống chỉ định
– Suy tim chưa được điều trị ổn định.
– Quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc.
– Huyết áp thấp (huyết áp tâm thu < 90 mmHg). Hẹp động mạch chủ, trong vòng 1 tháng sau nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực không ổn định, porphyria cấp
Tác dụng không mong muốn (ADR)
– Thường gặp, ADR > 1/100
– Toàn thân: Phù cổ chân, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, nóng đỏ bừng mặt.
– Tuần hoàn: Đánh trống ngực, nhịp nhanh. Tiết niệu: Tăng số lần đi tiểu.
– Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
– Tuần hoàn: Đau thắt ngực năng thêm. Tiêu hóa: Buồn nôn, táo bón.
– Gan: Tăng transaminase. Tâm thần: Rối loạn giấc ngủ. Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
Tuần hoàn: Ngoại tâm thu, giảm huyết áp. Da: Ngoại ban, ngứa.
– Gan: Tăng bilirubin.
– Chuyển hóa: Tăng glucose huyết. Cơ xương: Đau khớp, đau cơ.
– Nội tiết: To vú ở đàn ông (có thể hồi phục).
– Các ADR có khuynh hướng giảm hoặc hết khi tiếp tục điều trị.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
– Giảm liều hoặc ngừng thuốc khi xuất hiện các ADR.
Liều lượng và cách dùng
– Liều khuyến cáo trong tăng huyết áp nhẹ và trung bình là 2,5 mg, ngày uống 2 lần hoặc 5 mg, ngày uống 1 lần.
– Ở người cao tuổi và người suy gan hoặc thận, liều khởi đầu thích hợp hơn là mỗi lần 1,25 mg, uống mỗi ngày 2 lần hoặc 2,5 mg uống mỗi ngày một lần.
– Nếu uống 2,5 mg, 2 lần mỗi ngày mà sau 4 tuần vẫn chưa có hiệu quả thì phối hợp thêm thuốc hạ huyết áp khác hoặc tăng liều 5 mg, 2 lần mỗi ngày.
– Thuốc thường bắt đầu đáp ứng trong vòng 2 – 3 giờ sau khi uống. Đáp ứng tối đa có thể phải sau 2 – 4 tuần. Nếu sau 4 tuần không đáp ứng được như mong muốn, thì cứ cách 2 – 4 tuần có thể tăng thêm 5 mg mỗi ngày cho tới tối đa 20 mg/ngày. Tuy nhiên, đa số người bệnh không đáp ứng thêm với liều cao hơn 10 mg/ngày và tần suất ADR tăng lên khi liều cao hơn 10 mg/ngày.
– Người cao tuổi nên bắt đầu với liều 1,25 mg/lần 2 lần/ngày.
– Suy thận: Sinh khả dụng thuốc tăng 45% ở người có Clcr 30 – 80 ml/phút và giảm 20 – 50% ở người có Clcr < 10 ml/phút thẩm phân máu.
– Suy gan: Nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương tăng 32% và sinh khả dụng tăng 52% ở người suy gan.
Tương tác thuốc
– Dùng đồng thời với cimetidin (một chất ức chế hệ thống cytochrom) làm tăng 50% sinh khả dụng của thuốc.
Thận trọng
– Hẹp động mạch chủ, suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp, suy gan. Điều chỉnh liều tùy theo người bệnh suy gan, suy tim, suy thận và người cao tuổi.
– Thận trọng ở người bệnh có hội chứng suy nút xoang, đã xác định hoặc rất nghi ngờ mà không đặt được máy tạo nhịp và ở người có huyết áp tâm thu thấp.
Thời kỳ mang thai
– Khi dùng ở động vật, không chứng tỏ có tiềm năng gây quái thai hay độc cho phôi. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu đầy đủ và được kiểm tra chặt chẽ ở người mang thai. Vì vậy khi dùng cho người mang thai cần cân nhắc giữa lợi ích chữa bệnh và nguy cơ cho thai.
Thời kỳ cho con bú
– Chưa biết thuốc có bài tiết qua sữa hay không; tuy vậy, phụ nữ đang dùng isradipin nên ngừng cho con bú.
– Rifampicin có thể làm tăng chuyển hóa và tăng độ thanh thải isradipin.
– Thận trọng khi dùng đồng thời với thuốc chống đông máu và thuốc chống co giật. Giảm liều isradipin và theo dõi chặt chẽ khi dùng đồng thời với các thuốc chống tăng huyết áp và giãn mạch khác (đặc biệt các dẫn xuất nitrogen).
– Tránh phối hợp: Nilotinib, tetrabenazin, thioridazin, ziprasidon. Tăng tác dụng: isradipin tăng tác dụng của: amifostin, muối magnesi, thuốc chống khử cực, nitroprussid, phenytoin, rituximab, tacrolimus, tetrabenazin, thioridazin, ziprazidon. Tác dụng của isradipin bị tăng lên bởi: thuốc ức chế thụ thể alpha1, thuốc trị nấm azol, thuốc chẹn calci, cimetidin, ciprofloxacin, cyclosporin, kháng sinh macrolid, thuốc ức chế protease.
– Giảm tác dụng: Isradipin làm giảm tác dụng của: Clopidogrel, quinidin. Tác dụng của isradipin bị giảm bởi: Barbiturat, muối calci, carbamazepin, methylphenidat, nafcillin, rifamicin, yohimbin.
Độ ổn định và bảo quản
– Bảo quản dưới 30 °C, trong lọ kín, tránh ánh sáng và ẩm.
Quá liều và xử trí
– Kinh nghiệm quá liều về isradipin còn rất ít.
– Quá liều có thể gây giãn mạch ngoại vi quá mức với hậu quả giảm huyết áp mạnh và có thể kéo dài và gây nhịp tim nhanh.
– Xử trí: Gây nôn, rửa dạ dày, uống than hoạt, sau đó 30 phút dùng thuốc tẩy muối nhẹ. Isradipin liên kết mạnh với protein nên không loại được bằng thẩm tách máu. Quá liều isradipin biểu hiện lâm sàng bằng hạ huyết áp mạnh, nên phải điều trị hỗ trợ tim mạch, bao gồm kiểm tra chức năng tim và hô hấp, nâng cao các chi dưới, chú ý đến thể tích dịch tuần hoàn, và lưu lượng nước tiểu. Có thể dùng một thuốc co mạch để giúp phục hồi huyết áp trở lại bình thường, miễn là không có chống chỉ định.
– Hạ huyết áp kéo dài hoặc rối loạn dẫn truyền nhĩ thất có thể được xử lí bằng tiêm tĩnh mạch muối calci, hoặc glucagon. Phải ngừng cimetidin trong trường hợp này (nếu đang sử dụng đồng thời với isradipin) vì có nguy cơ làm tăng thêm nồng độ isradipin trong huyết tương.